SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
7
1
0
6
6
Phát triển nông thôn 21 Tháng Tư 2008 9:40:00 CH

Kế hoạch thực hiện chương trình vệ sinh môi trường nông thôn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2008 - 2010

Để môi trường sống của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện, UBND Thành phố phê duyệt Chương trình vệ sinh môi trường nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2008 - 2010 tại Quyết định số 26/2008/QĐ-UBND ngày 01/4/2008.

 

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong các trung tâm kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật lớn của khu vực và cả nước. Trong nhiều năm qua, quá trình phát triển kinh tế xã hội và đô thị hóa của thành phố đã diễn ra nhanh chóng. Bộ mặt nông thôn vùng ngoại thành đang chuyển biến tích cực cả về chất và lượng; đời sống nông dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Tuy nhiên, ở một số vùng nông thôn các quận huyện ngoại thành, đang thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi có hiệu quả, trong đó chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp từ trồng trọt sang chăn nuôi , chủ yếu là phát triển đàn bò sữa, heo, các vật nuôi khác . . . dẫn đến có một lượng chất thải lớn phát thải vào môi trường sống của các khu dân cư nông thôn, nơi mà các hộ dân còn gặp nhiêu khó khăn trong môi trường sống không hợp vệ sinh, nhiều hộ không có hoặc chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh; nhiều gia đình chăn nuôi trong những chuồng trại tạm, không có công trình thu gom, xử lý phân, nước thải. Tình trạng này không những làm mất vẻ mỹ quan của thành phố, mà còn là nguyên nhân gây ô nhiễm khá nghiêm trọng bầu không khí, nguồn nước trong khu vực, ảnh hưởng tới đời sống, sức khỏe của cộng đồng dân cư. Chất lượng sống giữa khu vực nông thôn và thành thị ngày càng cách biệt hơn. Để môi trường sống của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện, UBND Thành phố phê duyệt Chương trình vệ sinh môi trường nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2008 - 2010 tại Quyết định số 26/2008/QĐ-UBND ngày 01/4/2008.

I. NHIỆM VỤ, MỤC TIÊU:

1. Nhiệm vụ:

Thông qua các hoạt động tuyên truyền, vận động, tập huấn để nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng dân cư, nhất là khu vực nông thôn ngoại thành về ô nhiễm môi trường trong cuộc sống và các hoạt động sản xuất, kinh tế; huy động sức dân để đầu tư xây dựng các công trình môi trường nhằm khắc phục, cải thiện ô nhiễm với sự quản lý và hỗ trợ của nhà nước:

- Nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân qua các biện pháp quản lý Nhà nước đối với việc quản lý nước thải, chất thải trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi; quản lý chất lượng nước các sông rạch khu vực nông thôn và vùng sản xuất nông nghiệp; các giải pháp về vệ sinh an toàn thực phẩm; tổ chức sản xuất nông sản sạch, nhất là rau an toàn, ứng dụng mạnh tiêu chuẩn GAP trong sản xuất..

- Tập huấn, tuyên truyền để nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư để hầu hết nông dân có kiến thức cơ bản về bảo vệ môi trường, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, xử lý chất thải chăn nuôi, sử dụng biogas; sử dụng hợp lý, an toàn, hiệu quả các loại thuốc bảo vệ thực vật, sản xuất nông sản sạch và an toàn cho người tiêu dùng.

- Phổ biến tuyên truyền kiến thức cơ bản về vệ sinh môi trường, giúp người dân vùng nông thôn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống, đồng thời bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa dịch bệnh cho gia đình và cộng đồng dân cư tốt hơn, nâng cao năng suất lao động tăng thu nhập ở địa phương.

- Phát huy nội lực của toàn xã hội, đẩy mạnh công tác xã hội hóa để thực hiện Chương trình vệ sinh môi trường nông thôn, phát triển các dịch vụ vệ sinh môi trường tại vùng nông thôn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội và tiến trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn Thành phố.

2. Mục tiêu:          

2.1. Mục tiêu chung:  

Phấn đấu đến năm 2010:

- 100% số hộ dân khu vực nông thôn ngoại thành có nhà tiêu hợp vệ sinh (mục tiêu của TW: 70%).

- 80% hộ và cơ sở chăn nuôi xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh, có công trình sử lý chất thải (mục tiêu của TW: 70%).

- Giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở các làng nghề (làng nghề bánh tráng, đan lát ở Củ Chi, nuôi và chế biến da cá sấu ở quận 12, nghề muối xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ).

Đối tượng cần tập trung, ưu tiên: nhà tiêu hợp vệ sinh, xử lý chất thải chăn nuôi cho các hộ nghèo, gia đình chính sách ở vùng nông thôn ngoại thành.

2.2. Đối tượng thực hiện:

- Tất cả các hộ dân và cơ sở chăn nuôi gia súc trên địa bàn thành phố, nhất là vùng nông thôn ngoại thành, có trên 20 con heo hoặc 5 con trâu, bò; chưa có nhà vệ sinh  hoặc có nhà vệ sinh chưa đạt tiêu chuẩn về môi trường.

- Đối tượng  hộ gia đình ưu tiên:

+ Hộ nghèo khu vực nông thôn không phân biệt ngành nghề (kể cả trong diện xoá đói giảm nghèo), gia đình chính sách.

+ Các xã thực hiện phát triển nông thôn toàn diện, các làng nghề, xã thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế  nông nghiệp quy mô toàn xã.

- Các trường học, trạm y tế: đầu tư theo dự án riêng.

2.5. Kinh phí đầu tư:

- Cụ thể :

          + Tổng kinh phí đầu tư        :        266.970,19 triệu đồng.

          + Trong đó:

            * Vốn ngân sách              :          66.924,73 triệu đồng

            * Nhân dân đầu tư           :         200.045,46 triệu đồng.

                Trong đó:

                 . Xây dựng 26.103 nhà vệ sinh: 99.713,46 triệu đồng.

                 . Xây dựng 11.148 hầm biogas: 100.332 triệu đồng.

III. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN NĂM 2008:

1. Công tác chuẩn bị:

1.1 Thống nhất các biện pháp phối hợp tổ chức thực hiện chương trình VSMT với các Sở ban ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương

- Thành phần dự kiến: Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Ngân hàng chính sách và xã hội, Trung Tâm Nước sinh hoạt và VSMT nông thôn, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Chi cục BVTV, Chi cục Phát triển nông thôn, Trung tâm Y tế dự phòng TP, UBND 5 huyện và các quận có sản xuất nông nghiệp cùng với các phòng chức năng.

- Thời gian:  quý 2/2008.

1.2. Các quận, huyện đăng ký kế hoạch thực hiện năm 2008 cho Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMT nông thôn (theo mẫu đã gửi trước) .        

- Thời gian:  quý 2/2008.

1.3. Triển khai nội dung dự án cho nhân dân các phường, xã  thực hiện chương trình vệ sinh môi trường:

- Thành phần gồm: Đại diện UBND phường- xã, các bộ phận có chức năng, Ban nhân dân ấp, khu phố; các đơn vị, đoàn thể liên quan.

- Chủ trì: UBND quận, huyện, Trung Tâm Nước sinh hoạt và VSMT nông thôn

- Thời gian: quý 2/2008

3. Triển khai thực hiện kế hoạch:

3.1. Phân công nhiệm vụ:

Để đảm bảo thực hiện hoàn tất các chỉ tiêu trên trong năm 2008, cần thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách sau:.

- Thống nhất các biện pháp phối hợp tổ chức thực hiện với các ban ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương.

- Các quận/huyện đăng ký ngay các nội dung thực hiện chương trình.

- Thực hiện ngay các lớp huấn luyện đội ngũ thợ xây dựng hầm Biogas, với số lượng 3.502 hầm,  mỗi phường, xã  phải cần có một đội xây dựng hầm biogas có tay nghề để thực hiện các công trình tại chỗ. Đồng thời, thống nhất một mẫu hầm biogas và nhà vệ sinh thực hiện đồng loạt, có như thế việc định mức vốn vay và nghiệm thu công trình được thuận lợi và công trình sẽ được đảm bảo vận hành đúng yêu cầu thiết kế.

- Các đơn vị được phân công phải biên soạn tài liệu tập huấn và có kế hoạch triển khai đảm bảo tiến độ. Kế hoạch được gửi về đầu mối tổng hợp theo dõi là Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMT nông thôn.

-UBND quận, huyện, UBND xã, phường:

+ Tổ chức triển khai mục đích, ý nghĩa của chương trình vệ sinh môi trường sâu rộng đến nhân dân. Đồng thời chỉ đạo hệ thống thông tin báo đài các quận huyện, hệ thống phát thanh cấp xã đưa tin tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân. Tổ chức nhân rộng mô hình trên địa bàn của các quận huyện bằng hình thức người dân vay vốn tự đầu tư theo tinh thần Nghị quyết số 07/2007/NQ-HĐND ngày 5/7/2007 của Hội đồng nhân dân thành phố.

+ Phối hợp với cơ quan chức năng để hướng dẫn nhân dân đăng ký tham gia xây dựng các công trình vệ sinh môi trường, tổng hợp báo cáo quận, huyện để thực hiện việc hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ lãi vay theo chủ trương của thành phố.

- Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên phát động các phong trào hưởng ứng thực hiện vệ sinh môi trường nông thôn sâu rộng trong hội viên, đoàn viên. Riêng  Hội Phụ nữ lập kế hoạch nhận 20 tỉ từ Ngân sách Thành phố và vốn ủy thác từ các tổ chức tín dụng để tổ chức cho vay các công trình vệ sinh môi trường. Tập huấn lớp chế độ chính sách vay vốn để thực hiện công trình vệ sinh môi trường có hiệu quả.

-Ngân hàng chính sách và các tổ chức tín dụng cần có kế hoạch cho vay tín dụng đối với các đối tượng tham gia xây dựng các công trình vệ sinh môi trường đã được UBND thành phố phê chuẩn.

- Sở Tài Chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư: bố trí và giao kế hoạch vốn, đảm bảo đủ kinh phí theo tiến độ thực hiện chương trình Vệ sinh môi trường nông thôn năm 2008-2010.  Hướng dẩn các đơn vị liên quan tiếp nhận, sử dụng kinh phí và thanh quyết toán theo đúng quy định.

- Sở Y tế và Sở Giáo dục – Đào tạo:

+ Phối hợp tổ chức tuyên truyền rộng rãi các biện pháp giữ gìn vệ sinh ,môi trường tại khu phố, khu dân cư, trường học, bệnh viện. Phát động phong trào thi đua giữ gìn trường lớp sạch đẹp, phong trào “3 sạch” (ăn sạch, uống sạch, ở sạch) trong các khối trường học và khu phố.

+ Xây dựng dự án đầu tư nhà vệ sinh trong các trường học, trạm y tế trình UBND Thành phố phê duyệt.

3.2. Cơ chế phối hợp:

Nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ, các co quan cần có một cơ chế phối hợp trong việc triển khai công tác đảm bảo chương trình được vận hành tốt và hiệu quả, thuận lợi cho nhân dân tham gia thực hiện.

- Nguyên tắc phối hợp:

+ Tôn trọng chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan.

+ Các cơ quan thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công tại quyết định số 26/2008/QĐ-UBND của UBND thành phố.

+ Thống nhất kế hoạch thực hiện.

- Cơ chế phối hợp:

        +Việc thực hiện chương trình Vệ sinh môi trường thành phố được thống nhất bởi Sở nông nghiệp và PTNT là chủ quản đầu tư chương trình và cơ quan chủ đầu tư là Trung tâm nước sạch và VSMTNT (đơn vị trực thuộc Sở NN và PTNT).

        + Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố là cơ quan được thành phố ủy thác vốn, là đầu mối của các tổ chức tín dụng, xem xét và quyết định phát vay cho các hộ nông dân có đủ điều kiện thực hiện chương trình.

        + Quan hệ của các cơ quan Sở ngành, UBND quận, huyện, Đoàn thể, các tổ chức tín dụng, UBND phường, xã là quan hệ phối hợp công tác theo một kế hoạch chung đã được thông qua, trên cơ sở kế hoạch chung, các đơn vị xây dựng kế hoạch riêng của đơn vị dể thực hiện. Các kế hoạch riêng được gửi về Trung tâm nước SH và VSMT tổng hợp, theo dõi báo cáo.

- Giao cho Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMT nông thôn làm đầu mối tổng hợp, theo dõi tiến độ thực hiện báo cáo.

3.3 Quy trình vay vốn :

Các hộ nhân dân tham gia chương trình vệ sinh môi trường nhận được sự hỗ trợ đầu tư và vay vốn có hỗ trợ lãi suất. Thực hiện theo quy trình sau:

(1): - Hộ gia đình tham gia chương trình vệ sinh môi trường, đến liên hệ với Hội liên hiệp phụ nữ phường, xã đăng ký nhu cầu tham gia chương trình (các hạng mục: Nhà vệ sinh, hầm biogas. . .) theo mẫu hướng dẫn.

- Hội liên hiệp phụ nữ phường, xã lập danh sách nhu cầu vốn vay của các hộ, bảng danh sách được UBND phường, xã xác nhận, gửi đến tổ chức tín dụng đã được chọn lựa tham gia chương trình (Ngân hàng Chính sách – xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, các Quỹ khác . . .) hoặc vay từ quỹ của Hội liên hiệp phụ nữ thành phố (Vốn đã được UBND thành phố ủy thác).

(2): Hội liên hiệp phụ nữ thành phố hoặc các tổ chức tín dụng khác, căn cứ vào danh sách kiểm tra điều kiện vay vốn, điều kiện thực hiện xây dựng các công trình.

(3): Nếu thỏa những điều kiện, Tổ chức tín dụng ký kết hợp đồng tín dụng cho các hộ, tiến hành giải ngân thực hiện xây dựng các công trình.

(4): Danh sách các hộ vay vốn tín dụng được gửi đến Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường (chủ đầu tư chương trình) đồng gửi Sở Tài Chính (làm căn cứ chi trả hỗ trợ lãi suất).

(5): Trung tâm nước và vệ sinh môi trường căn cứ vào danh sách của Hội liên hiệp phụ nữ thành phố tiến hành nghiệm thu khi công trình hoàn thành, lập thủ tục cấp hỗ trợ đầu tư theo quy định tại Nghị quyết số 07/2007/NQ-HĐND ngày 05 tháng 7 năm 2008 của Hội đồng nhân dân thành phố cho các hộ tham gia chương trình.

(6): Sở tài Chính kiểm tra hồ sơ vay vốn xây dựng các công trình, nếu hợp lệ, tiến hành cấp hỗ trợ 100% lãi suất vay (24 tháng đối với Nhà vệ sinh và 36 tháng đối với hầm Biogas). Căn cứ tiến độ thu hồi vốn tại các hợp đồng tín dụng Sở tài Chính chuyển tiền lãi suất 1 lần về Trung tâm Nước SH và VSMT.

(7): Trung tâm nước và VSMT căn cứ vào sự chi trả hỗ trợ lãi suất của Sở Tài chính  để chuyển đến các tổ chức tín dụng đã phát vay cho các hộ dân tham gia chương trình. Trung tâm nước là đầu mối giám sát và theo dõi việc thực hiện xây dựng công trình và chi trả lãi suất vay vốn cho các hộ dân.

- Tổ chức tín dụng: Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố, Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Phát triển nông nghiệp.

- Đầu mối đề xuất cho vay và thu hồi vốn: Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố.

- Đầu mối tổng hợp theo dõi tiến độ thực hiện: Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMT nông thôn.

Vệ sinh môi trường là một trong những biện pháp tích cực nhằm đưa các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ về nông thôn nhằm sản xuất ra các nông sản phẩm sạch, cải thiện môi trường sống, giữ gìn nguồn nước phục vụ sinh hoạt, nâng cao sức khoẻ cộng đồng, góp phần xây dựng nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa có môi trường sinh thái bền vững. Các ban ngành đoàn thể cần quan tâm, tạo điều kiện và có sự phối hợp chặt chẽ để việc triển khai thực hiện chương trình Vệ sinh môi trường thành công và nhân rộng trên địa bàn nông thôn ngoại thành của TP. Hồ Chí Minh.


Số lượt người xem: 40887    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm