SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
6
1
2
3
3
8
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 28 Tháng Hai 2011 11:15:00 SA

Tăng cường các biện pháp phòng, chống LMLM trên địa bàn thành phố

Theo thông tin dịch bệnh của Cục Thú y, tính đến ngày 23/02/2011, cả nước còn 19 tỉnh có dịch LMLM chưa qua 21 ngày, bao gồm Sơn La, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Thái Nguyên, Hà Giang, Kon Tum, Hòa Bình, Tuyên Quang, Quảng Ngãi, Yên Bái, Phú Thọ, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An, Lào Cai và Phú Yên, trong đó 2 tỉnh Đồng Nai, Long An giáp ranh với thành phố.


      

       Nhằm tiếp tục thực hiện các chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch LMLM của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thời gian qua; chủ động ngăn chặn dịch bệnh LMLM bùng phát trên đàn gia súc, gây ảnh hưởng đến tình hình dịch tễ và nguồn thực phẩm an toàn cho người dân thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chi cục Thú y nhanh chóng triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch LMLM trên địa bàn như sau:

       - Thực hiện nghiêm túc các quy định phòng chống dịch bệnh đã được quy định trong Pháp lệnh Thú y, Quyết định số 38/2006/QĐ-BNN ngày 16/5/2006 về ban hành quy định phòng chống dịch bệnh LMLM gia súc của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

       - Giám sát chặt chẽ tình hình dịch tễ trên địa bàn, đẩy mạnh tiến độ tiêm phòng đợt I/2011 và thường xuyên thực hiện công tác tiêm phòng bổ sung theo lứa tuổi các bệnh bắt buộc tiêm phòng theo quy định; hướng dẫn các biện pháp an toàn sinh học, tiêu độc sát trùng tại các hộ và khu vực chăn nuôi, nhất là tại các khu vực chăn nuôi của các hộ nhập cư.

       - Chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện, nhất là các địa phương giáp ranh với 2 tỉnh Long An và Đồng Nai, các đoàn liên ngành, ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tại các quận huyện:

            + Cung cấp nội dung hướng dẫn các quy định của ngành thú y để tuyên truyền cho người sản xuất, kinh doanh chăn nuôi về phòng, chống dịch bệnh LMLM; vận động người chăn nuôi thực hiện nghiêm “5 không”: Không dấu dịch; Không mua gia súc, sản phẩm gia súc mắc bệnh; Không bán chạy gia súc mắc bệnh; Không thả rông, vận chuyển gia súc bị mắc bệnh ra khỏi vùng dịch; Không vứt xác gia súc nghi mắc bệnh bừa bãi”; các biện pháp hiệu quả về chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh tiêu độc chuồng trại, nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh.

            + Kiểm soát chặt chẽ tình hình vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm trên địa bàn, tại các trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông, các tuyến đường quốc lộ, liên tỉnh lộ, các cửa ngõ ra vào thành phố và vùng giáp ranh với các tỉnh. Phát hiện và xử lý triệt để các trường hợp vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm không đúng quy định, không rõ nguồn gốc.

            + Tăng cường công tác giám sát tại các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ, lấy mẫu xét nghiệm đánh giá tình hình lưu hành vi rút đối với LMLM, nhất là các vùng ổ dịch cũ, vùng chăn nuôi tập trung; bắt buộc các cơ sở chăn nuôi, nhất là tại các khu vực chăn nuôi của các hộ nhập cư, thực hiện nghiêm việc báo cáo tình hình dịch tễ theo định kỳ, nguồn heo xuất, nhập đàn phải thực hiện đúng quy trình kiểm dịch. Xử lý theo quy định đối với trường hợp nhập gia súc không rõ nguồn gốc vào các cơ sở chăn nuôi.

       - Tăng cường kiểm soát nguồn gia súc và sản phẩm động vật tại các Trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông, nhất là các nguồn từ các tỉnh, thành xảy ra dịch bệnh tại các tỉnh Long An và Đồng Nai. Thực hiện đúng và đầy đủ các quy trình tiêu độc, sát trùng các phương tiện vận chuyển gia súc nhập vào thành phố tại các trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông cửa ngõ. Xử lý các phương tiện vận chuyển gia súc để rơi vãi chất thải gia súc trong quá trình vận chuyển.

       - Kiểm tra lâm sàng chặt chẽ tại các cơ sở giết mổ, đảm bảo đầy đủ thủ tục kiểm dịch, đúng quy trình giết mổ, tập trung chú ý các nguồn gia súc có nguồn gốc từ các tỉnh có dịch bệnh và hạn chế tối đa việc tồn trữ thú sống, nhất là gia súc từ những tỉnh đã xuất hiện dịch bệnh trong thời gian gần đây.

       - Phối hợp với Ban Quản lý chợ, đoàn liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm việc kiểm tra, phát hiện và xử lý tịch thu tiêu hủy đối với các trường hợp kinh doanh, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc và bao bì nhãn hiệu hàng hoá theo quy định tại các chợ, các cửa hàng, nhà hàng, bếp ăn tập thể…

       - Tuân thủ chặt chẽ các quy trình nhập gia súc vào cơ sở giết mổ, đảm bảo nguồn gia súc nhập có nguồn gốc, có đầy đủ các thủ tục, giấy tờ kiểm dịch theo đúng quy định, đặc biệt là nguồn gia súc từ các tỉnh có xảy ra dịch bệnh .

       - Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tổ chức tập huấn cho các cơ sở chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng dịch LMLM, nâng cao sức đề kháng cho đàn gia súc; tập trung hướng dẫn các biện pháp vệ sinh, tiêu độc khử trùng thường xuyên, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi.

       - Phối hợp với Trung tâm Quản lý và Kiểm định Giống Cây trồng – Vật nuôi thực hiện nghiêm Thông tư số 22/2009/TT-BNN ngày 28/4/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn yêu cầu về giống vật nuôi, kiểm dịch vận chuyển giống vật nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh phát triển chăn nuôi.

       - Tiếp tục thực hiện chương trình phối hợp với Chi cục Thú y các tỉnh trong công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc, nhằm chủ động ngăn chặn dịch bệnh xảy ra trên địa bàn thành phố.

          - Khuyến cáo các trại chăn nuôi tập trung tạm ngưng các hoạt động thăm quan, tạm ngưng nhập gia súc có nguồn gốc từ các tỉnh đang có dịch vào các cơ sở chăn nuôi nhằm ngăn chặn khả năng lây lan cho đàn gia súc. Khi phát hiện gia súc có triệu chứng LMLM, cần báo cáo ngay cho cơ quan thú y gần nhất để kịp thời xử lý.

Số lượt người xem: 5173    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm