SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
8
0
2
5
6
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 31 Tháng Năm 2007 3:40:00 CH

TPHCM: Khẩn trương triển khai công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm

Công văn số 3230/UBND-CNN ngày 30 tháng 5 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
 
   

Trước tình hình dịch cúm gia cầm tại nhiều địa phương trong cả nước, ngày 30 tháng 5 năm 2007, Ủy ban nhân dân thành phố đã có Công văn số 3230/UBND-CNN chỉ đạo các Sở ngành, quận, huyện và các đơn vị liên quan về khẩn trương triển khai công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn thnàh phố. Nội dung của Công văn như sau:

Từ đầu tháng 5/2007 đến ngày 29/5/2007 dịch cúm gia cầm đã tái phát ở 10 địa phương trong cả nước gồm Nghệ An, Nam Định, Sơn La, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Ninh Bình và Bắc Ninh. Tại thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng nuôi gia cầm nhỏ lẻ, vận chuyển, kinh doanh gia cầm sống trái phép đang có chiều hướng gia tăng tại một số địa điểm, tình trạng lơ là mất cảnh giác của một bộ phận dân cư vẫn còn tiêu thụ gia cầm sống, việc thiếu kiên quyết trong tổ chức kiểm tra và xử lý của chính quyền địa phương dẫn đến nguy cơ phát dịch rất lớn nếu không được áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch một cách quyết liệt.

Thực hiện văn bản số 645 của Thủ tướng Chính phủ ngày 24/5/2007 về việc chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm, Chỉ thị số 1403/CT-BNN-TY ngày 24/5/2007 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, công điện số 20/CĐ-BNN ngày 125/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ngăn chặn dịch cúm gia cầm tái phát;

            Nhằm ngăn chặn không để tái phát dịch cúm gia cầm trên địa bàn thành phố, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố giao nhiệm vụ Thủ trưởng các Sở ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận huyện, phường xã thị trấn và các đơn vị liên quan trên địa bàn thành phố khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc, khẩn cấp các việc sau đây:

            1. Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận huyện:

            1.1. Trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm, phân công từng thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách các địa bàn phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương tập trung huy động mọi nguồn lực triển khai ngay việc giám sát chặt chẽ dịch tễ đàn gia cầm, không để dịch bệnh xảy ra. Nếu có dịch bệnh xảy ra phải kịp thời phát hiện, cách ly và xử lý nhanh chóng, không để lây lan trên diện rộng. Xử lý tịch thu và tiêu hủy triệt để khi phát hiện gia cầm nuôi trong nội thành, nội thị, khu đô thị mới, các khu vực gần trường học bệnh viện kể cả các trường hợp nuôi nhỏ lẻ ở ngoại thành không đăng ký, theo quy định tại văn bản số 2663/UBND-CNN ngày 8/5/2007 trong thời gian nhanh nhất. Đặc biệt tăng cường kiểm tra, giám sát tại các địa bàn giáp ranh với các tỉnh.

1.2. Tổ chức ngay lực lượng liên ngành liên tục kiểm tra các địa bàn, kiên quyết áp dụng các biện pháp mạnh, xử lý dứt điểm việc kinh doanh gia cầm sống và sản phẩm gia cầm trái phép. Tập trung bố trí lực lượng chốt giữ 24/24 tại các điểm nóng thường xuyên kinh doanh gia cầm sống trái phép  để kịp thời phát hiện và xử lý. Tăng cường kiểm soát việc thực hiện cam kết trước đây trong kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm gia cầm, thủy cầm tại tất cả các cửa hàng, nhà hàng, bếp ăn tập thể...

            1.3. Chỉ đạo và giám sát hoạt động của Ban quản lý các chợ trong việc kiểm tra, phát hiện và xử lý tiêu hủy đối với gia cầm, sản phẩm gia cầm bày bán trái phép, không nguồn gốc, xuất xứ, bao bì nhãn hiệu.

            1.4. Tổ chức ngay các đợt tuyền truyền sâu rộng trong nhân dân bằng nhiều hình thức, đặc biệt tại các khu vực giáp ranh với các tỉnh...nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc phát hiện và khai báo các vi phạm trong chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm.

1.5. Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm quận huyện duy trì chế độ sinh hoạt giao ban để kịp thời chỉ đạo tiến độ thực hiện công tác phòng chống dịch cúm, kịp thời giải quyết các phát sinh và báo cáo về Thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống dịch cúm gia cầm thành phố kết quả thực hiện thực hiện hàng tuần.

            1.6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường xã phải chịu trách nhiệm nếu còn tình trạng chăn nuôi không đăng ký, giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trái phép xảy ra trên địa bàn quản lý.

2. Giao Sở Thương mại chỉ đạo:

            2.1. Chi cục quản lý thị trường:

- Chủ trì đoàn liên ngành, tập trung toàn lực triển khai tại các chốt chặn và cơ động trên các tuyến giao thông Quốc lộ, liên tỉnh lộ, tuyến giao thông đường thủy, cửa ngõ đi vào thành phố kiểm tra và xử lý triệt để các đối tượng vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép nhập vào thành phố.

            - Kiểm tra, phát hiện và xử lý kiên quyết các đối tượng giết mổ, kinh doanh trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm.

            2.2. Ban quản lý các chợ kiểm tra và chịu trách nhiệm trong việc kinh doanh sản phẩm động vật tại các chợ. Tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý tiêu hủy đối với gia cầm, sản phẩm gia cầm bày bán trái phép, không nguồn gốc, xuất xứ, bao bì nhãn hiệu, không bảo quản lạnh, không tuân thủ các quy định của ngành thú y. Có biện pháp phạt, đình chỉ kinh doanh đối với các trường hợp cố tình vi phạm.

            3. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Chỉ đạo Chi cục Thú y:

            3.1.Tập trung toàn lực tăng cường hoạt động giám sát tại các Trạm Kiểm dịch đầu mối giao thông, duy trì chế độ trực 24/24 gồm các lực lượng thú y, quản lý thị trường, cảnh sát giao thông nhằm kiểm tra tất cả gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập vào thành phố;  đặc biệt giám sát chặt chẽ nguồn sản phẩm động vật xuất phát từ các tỉnh đang có dịch.

3.2. Phối hợp với Ban quản lý các chợ kiểm tra, phát hiện và xử lý các trường hợp bày bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm không nguồn gốc, xuất xứ, bao bì nhãn hiệu. Phối hợp với các đoàn liên ngành kiểm soát nguồn gốc xuất xứ sản phẩm gia cầm và việc thực hiện cam kết trước đây trong kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm gia cầm, thủy cầm tại tất cả các cửa hàng, nhà hàng, bếp ăn tập thể...

3.3. Phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận huyện kiểm tra, xử lý dứt điểm các điểm nóng kinh doanh gia cầm trái phép, bày bán công khai.

3.4. Phối hợp với Ban Chỉ đạo chống dịch cúm gia cầm quận huyện rà soát tình hình chăn nuôi gia cầm. Phải đảm bảo quản lý chặt chẽ tình hình dịch tễ, chuẩn bị đầy đủ vắc xin dự phòng, lực lượng để tiêm phòng đầy đủ cho các cơ sở chăn nuôi đã đăng ký và đảm bảo điều kiện an toàn sinh học.

            3.5. Tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm đánh giá hiệu giá kháng thể và thường xuyên thông báo cho các tỉnh nơi xuất phát đàn gia cầm có hiệu giá kháng thể thấp không đủ mức hộ bảo hộ. Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh trong việc trao đổi thông tin dịch bệnh.

            4. Sở Y tế:

            4.1. Chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư thuốc chữa bệnh sẳn sàng cho công tác phòng chống cúm trên người, tăng cường giám sát phát hiện cá trường hợp mắc bệnh hoặc nghi nhiễm cúm A H5N1 trên người để có biện pháp phòng chống kịp thời.

            4.2. Chủ trì đoàn liên ngành tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, tập trung kiểm tra việc kinh doanh sản phẩm gia cầm.

            Ủy ban nhân dân các quận huyện và các Sở ngành khẩn trương triển khai công tác phòng chống dịch cúm, hàng tuần báo cáo kết quả về Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố.

            5. Công an thành phố, Lực lượng Thanh niên Xung phong:

            Bố trí đầy đủ lực lượng phối hợp chặt chẽ với đoàn kiểm tra liên ngành kịp thời ngăn chặn và xử lý kịp thời các các đối tượng vi phạm trong vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép.

            6. Sở Giao thông - công chính:

            Chỉ đạo Giám đốc các bến xe:

            - Phổ biến các chủ phương tiện vận tải hành khách chỉ đạo phòng chống dịch của thành phố, không được vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trên các phương tiện vận tải hành khách. Áp dụng biện pháp mạnh không cho chấp hành hay tái phạm.

            - Giám đốc các bến xe tạo mọi điều kiện thuận lợi, phối hợp tốt với các đoàn kiểm tra liên ngành và phải chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân thành phố nếu để xảy ra tình trạng vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trên các phương tiện vận tải hành khách.

 
()

Số lượt người xem: 4601    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm