SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
5
9
7
5
3
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 06 Tháng Giêng 2006 10:40:00 CH

Tp. Hồ Chí Minh : Quy định về hỗ trợ, khuyến khích các hộ, cơ sở chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh gia cầm để di dời và chuyển đổi ngành nghề sản xuất” để chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm

QUY ĐỊNH VỀ VIỆC BAN HÀNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ, KHUYẾN KHÍCH CÁC HỘ, CƠ SỞ CHĂN NUÔI, GIẾT MỔ, KINH DOANH GIA CẦM DI DỜI VÀ CHUYỂN ĐỔI NGÀNH NGHỀ SẢN XUẤT ĐỂ
CHỦ ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG DỊCH CÚM GIA CẦM. (Kèm theo Quyết định số 242/2005/QĐ-UBND, ngày 29 tháng 12 năm 2005 của Ủy ban nhân dân thành phố).


CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

            Điều 1. Mục đích hỗ trợ

            Khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế trên địa bàn Thành phố đầu tư để chuyển đổi đối tượng vật nuôi, di dời các cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia cầm để chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm qua các biện pháp sau:

 

1.1. Chấm dứt chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, phân tán trong các khu dân cư, vùng nông thôn ngoại thành; tạo điều kiện để nhanh chóng di dời  các cơ sở chăn nuôi lớn, các cơ sở giết mổ tập trung có qui mô công nghiệp và bán công nghiệp ra các vùng qui hoạch ở các tỉnh trên cơ sở bảo đảm phát triển chăn nuôi, tổ chức giết mổ có hiệu quả và bền vững.

 

1.2. Chủ động kiểm soát và khống chế được dịch cúm gia cầm: bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

 

1.3. Chuyển đổi ngành nghề đối với các cơ sở, hộ kinh doanh, giết mổ, ấp trứng gia cầm, thủy cầm trên địa bàn thành phố.

 

                Điều 2. Phạm vi điều chỉnh

2.1. Chính sách này chỉ áp dụng trong lĩnh vực chăn nuôi, ấp trứng, giết mổ, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm, thủy cầm (thịt và trứng gia cầm, thủy cầm) thực hiện chủ trương của thành phố về phòng, chống dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người.

 

2.2. Thời gian thực hiện từ ngày 15 tháng 10 năm 2005 đến khi có chủ trương mới của Ủy ban nhân dân thành phố.

            Điều 3. Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng bao gồm:

3.1. Các hộ, cơ sở chăn nuôi, ấp trứng, giết mổ và kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm có đăng ký, được cấp phép, được sắp xếp địa điểm kinh doanh của cơ quan có chức năng quản lý ở địa phương; có thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc các khoản lệ phí khi kinh doanhgia cầm, sãn phẩm gia cầm trong diện phải di dời hoặc buộc ngừng hoạt động;

3.2. Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh doanh sản phẩm gia cầm theo Quyết định số 31/2005/QĐ của Ủy ban nhân dân thành phố ngày 17 tháng 02 năm 2005 về ban hành phương án quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010 và quy định về hoạt động giết mổ, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn thành phố;

3.3. Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng mới các cơ sở chăn nuôi, ấp trứng, giết mổ tập trung theo qui hoạch lâu dài của thành phố.

3.4. Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang thật sự khó khăn do đã chấp hành chỉ đạo ngưng nuôi gia cầm theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố.

CHƯƠNG II

CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ

 

            Điều 4. Hỗ trợ thất nghiệp ổn định cuộc sống khi ngưng sản xuất để chuyển đổi ngành nghề

4.1. Mức hỗ trợ:

4.1.1. Hỗ trợ cho một lao động trong độ tuổi đang làm việc tại các cơ sở chăn nuôi có đăng ký, cơ sở giết mổ, kinh doanh gia cầm: 0,5 triệu đồng/tháng trong thời gian 3 tháng.

4.1.2. Hỗ trợ cho một cơ sở chăn nuôi có đăng ký hay cơ sở giết mổ: 2 triệu đồng/tháng trong thời gian 3 tháng.

4.2. Thời gian hỗ trợ: từ ngày 15 tháng 11 năm 2005 đến ngày 15 tháng 02 năm 2006.

4.3. Nguồn vốn hỗ trợ được cân đối trong dự toán ngân sách quận, huyện, trong trường hợp quận huyện mất cân đối đề nghị thành phố xem xét cấp bổ sung.

4.4. Ủy ban nhân dân các quận huyện có trách nhiệm phê duyệt danh sách được hỗ trợ trên cơ sở đề xuất của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm quận, huyện và tiến hành việc chi trả, lập thủ tục quyết toán theo đúng chế độ quy định.

Điều 5. Hỗ trợ khoanh nợ lãi vay ngân hàng

5.1. Việc khoanh nợ hỗ trợ lãi vay ngân hàng đối với các hộ chăn nuôi gia cầm sản xuất hàng hóa có vay vốn từ các tổ chức tín dụng – ngân hàng, nhưng chưa có khả năng trả nợ do dịch cúm gia cầm thực hiện theo Quyết định số 309/2005/QĐ-TTg ngày 26 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch cúm gia cầm. Quyết định cho phép khoanh nợ trong thời gian một năm đối với số dư vay nợ đến ngày 30 tháng 11 năm 2005 mà các chủ chăn nuôi gia cầm đã vay, các chủ chăn nuôi đang được khoanh nợ nếu có nhu cầu vốn vay để chuyển đổi chăn nuôi hoặc ngành nghề thì được tiếp tục vay vốn theo quy định của pháp luật.

5.2. Giao Hội đồng thẩm định Chương trình hỗ trợ lãi vay cho hộ nông dân thành phố chủ trì, phối hợp Hội đồng thẩm định 419 các quận huyện liên quan tổ chức hướng dẫn thủ tục, lập danh sách các hộ, đăng ký số kinh phí hỗ trợ, kiểm tra, giám sát.

Điều 6: Hỗ trợ đào tạo để chuyển đổi ngành nghề cho người lao động làm việc tại các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, ấp trứng, kinh doanh gia cầm, thủy cầm

6.1. Hỗ trợ đào tạo để trồng trọt chăn nuôi, nuôi thủy sản: thực hiện theo chương trình khuyến nông, khuyến ngư. Cụ thể:

6.1.1. Vốn ngân sách đầu tư cho các hoạt động tập huấn, huấn luyện, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật , tư vấn hỗ trợ, thông tin thị trường.

6.1.2. Vốn ngân sách đầu tư các điểm, mô hình trình diễn, thực nghiệm các loại cây trồng vật nuôi, thủy sản; việc thu hồi vốn ngân sách đầu tư theo các qui định hiện hành.

6.2. Hỗ trợ đào tạo để chuyển đổi ngành nghề phi nông nghiệp.

6.2.1. Mức hỗ trợ: tối đa 300.000 đồng/lao động/tháng và không quá 1.500.000 đồng/lao động/khóa học nghề, các khoá tập huấn khởi sự doanh nghiệp ngắn hạn giúp người kinh doanh sản phẩm gia cầm chuyển sang các mặt hàng khác.

6.2.2. Kinh phí hỗ trợ chỉ thực hiện thông qua việc cấp kinh phí đào tạo các khóa học tại Trung tâm dạy nghề của quận, huyện hoặc Trường Trung học Kỹ thuật nông nghiệp thành phố, Trung tâm hỗ trợ nông dân.

6.2.3. Nguồn vốn hỗ trợ: cân đối trong dự toán ngân sách quận, huyện, trong trường hợp quận huyện mất cân đối đề nghị thành phố xem xét cấp bổ sung.

6.2.4. Ủy ban nhân dân các quận, huyện có trách nhiệm phê duyệt danh sách được hỗ trợ trên cơ sở đề xuất của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm quận, huyện và tiến hành việc chi trả, lập thủ tục quyết toán theo chế độ quy định.

Điều 7: Hỗ trợ chi phí di dời chuồng trại, cơ sở giết mổ; xây dựng cơ sở mới ngoài địa bàn Thành phố.

7.1. Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở mới ngoài địa bàn thành phố:

7.1.1. Hỗ trợ 100% lãi suất (lãi suất = 0%) không quá 9%/năm, theo phương án, dự án được các Ngân hàng, Quĩ hỗ trợ phát triển thành phố thẩm định có tính khả thi, có hiệu quả kinh tế.

7.2. Hỗ trợ chi phí di dời cơ sở:

7.2.1. Hỗ trợ 1 lần đối với các cơ sở chăn nuôi, giết mổ ngưng hoạt động, di dời ra cơ sở mới ngoài địa bàn thành phố.

7.2.2. Mức hỗ trợ:

a. Cơ sở chăn nuôi có qui mô dưới 20.000 con: hỗ trợ 2 triệu đồng/cơ sở.

b. Cơ sở có qui mô chăn nuôi từ 20.000 con trở lên, thì cứ tăng 10.000 con được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng.

c. Cơ sở giết mổ có qui mô dưới 1.000 con gia cầm/ngày đêm được hỗ trợ 1.000.000 đồng, từ 1.000 con trở lên thì cứ tăng 1.000 con được hỗ trợ thêm 0,5 triệu đồng.

d. Di dời cơ sở chăn nuôi cách ranh giới thành phố từ 100 km trở lên được hỗ trợ thêm 10% chi phí di dời.

7.3. Nguồn vốn hỗ trợ: cân đối trong dự toán ngân sách quận, huyện, trong trường hợp quận, huyện mất cân đối đề nghị thành phố xem xét cấp bổ sung.

7.4. Ủy ban nhân dân các quận, huyện có trách nhiệm phê duyệt danh sách được hỗ trợ trên cơ sở đề xuất của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm quận, huyện và tiến hành việc chi trả, lập thủ tục quyết toán theo chế độ quy định.

            Điều 8. Hỗ trợ cho vay

8.1. Đối với hộ chăn nuôi gia cầm chuyển đổi sang các loại vật nuôi, cây trồng khác:

8.1.1. Mức hỗ trợ theo Chương trình hỗ trợ lãi vay 419 (Công văn số 419/UB-CNN ngày 05 tháng 02 năm 2003 của Ủy ban nhân dân thành phố). Mức hỗ trợ lãi suất: 6%/năm.

8.1.2. Thẩm quyền xét duyệt vay vốn: Giao Hội đồng Thẩm định Chương trình hỗ trợ lãi vay 419 các quận huyện, căn cứ vào nhu cầu đăng ký vay vốn, tổ chức thẩm định, trình Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt, thực hiện vay vốn theo Chương trình 419 của thành phố.

8.2. Đối với hộ chuyển đổi ngành nghề kinh doanh:

8.2.1. Mức cho vay: từ 1-10 triệu đồng/hộ tùy theo ngành nghề chuyển đổi.

8.2.2. Thời gian vay tối đa 24 tháng.

8.2.3. Ngân sách hỗ trợ lãi vay 6%/năm.

8.2.4. Sở Thương mại chủ trì, xây dựng phương án cho vay; Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố chịu trách nhiệm nhận vốn ủy thác từ ngân sách nhà nước, quản lý việc cho vay và thu hồi, trực tiếp giải quyết cho vay đối với các hộ đầu tư, chuyển đổi ngành nghề kinh doanh.

Điều 9. Hỗ trợ thuế

9.1. Hỗ trợ giảm thuế trong thời gian 6 đến 12 tháng đối với các hộ chuyên kinh doanh sản phẩm gia cầm chuyển sang các mặt hàng khác.

9.2. Giao Cục thuế thành phố phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, Ủy ban nhân các quận, huyện, phuờng, xã và Ban quản lý chợ đề xuất chính sách và mức hỗ trợ.

          Điều 10: Trợ cấp khó khăn cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, đang thật sự khó khăn do đã chấp hành chỉ đạo ngưng nuôi gia cầm theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố.

          10.1. Hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang thật sự khó khăn tại địa phương với mức 300.000 đồng/hộ.

10.2. Nguồn vốn hỗ trợ: cân đối trong dự toán ngân sách quận, huyện, trong trường hợp quận, huyện mất cân đối đề nghị thành phố xem xét cấp bổ sung.

10.3. Ủy ban nhân dân các quận, huyện chủ trì, phối hợp với Thường trực Mặt trận Tổ quốc quận, huyện và Hội Nông dân quận, huyện xem xét phê duyệt danh sách. Uỷ ban nhân dân các quận, huyện tiến hành việc chi trả và lập thủ tục quyết toán  theo chế độ quy định.

Điều 11: Hỗ trợ đầu tư tủ cấp đông, bảo ôn kinh doanh sản phẩm gia cầm

Giao Sở Thương mại chủ trì phối hợp Ủy ban nhân dân các quận, huyện xây dựng phương án, lập dự toán trình Ủy ban nhân dân thành phố hỗ trợ trang bị tủ cấp đông, bảo ôn cho các hộ kinh doanh thịt gia cầm tại các chợ.

Giao Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giám đốc Sở Thương mại và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện tổ chức triển khai thực hiện quy định này và đề nghị Chủ tịch Hội Nông dân thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố trong quá trình thực hiện quy định này có vướng mắc kịp thời đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố xem xét giải quyết


Số lượt người xem: 5614    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm