SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
6
1
2
9
6
7
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 06 Tháng Mười 2005 11:20:00 CH

Kết quả khảo sát công tác phòng chống cúm gia cầm tại Thái Lan

Ngày 23/8/2005 đến ngày 31/8/2005 Bộ Nông nghiệp và PTNT cử một đoàn sang Thái Lan để tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm phòng chống cúm gà.

Đoàn công tác gồm 10 người với đại diện của Bộ Tài Chính, Bộ Y tế, Cục Thú y, Viện Chăn nuôi, Cục Nông nghiệp, một số thành viên khác của Bộ Nông nghiệp cùng đại diện 2 Sở Nông nghiệp TP Hồ Chí Minh và Tiền Giang do ông Nguyễn Văn Thông – Phó Cục trưởng Cục Thú y – làm trưởng đoàn. Mục tiêu của chuyến đi nằm trong khuôn khổ cải cách hành chính trong Kiểm soát dịch bệnh vật nuôi.


1. Nội dung, chương trình làm việc:

1.1. Làm việc với Cục Phát triển chăn nuôi Thái Lan:

          - Nghe báo cáo về Cơ cấu tổ chức của Cục Phát triển chăn nuôi Thái Lan.

          - Nghe báo cáo về Hệ thống báo cáo cúm gia cầm tại Thái Lan.

          - Trao đổi thêm về tình hình chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh cúm.

          - Tài liệu về: tình hình dịch cúm gia cầm tại Thái Lan và các biện pháp kiểm soát, hệ thống kiểm soát sản phẩm chăn nuôi.

1.2. Làm việc với Viện Thú y về cơ cấu tổ chức, các Dự án liên quan đến phòng chống dịch cúm gia cầm, hệ thống các trung tâm chẩn đoán. Đi tham quan phòng thí nghiệm của Viện Thú y.

1.3. Làm việc với các tỉnh Chaina, tỉnh Suphanburi, Trạm kiểm dịch Chonburi

          Tiếp đoàn có Phó Tỉnh trưởng và đại diện các ngành của tỉnh và 2 huyện.

          Tỉnh báo cáo về tình hình và kinh nghệm phòng chống dịch cúm gia cầm (có kèm theo tại liệu).

          Đi thăm các trại chăn nuôi gà, hộ chăn nuôi gà nhỏ lẻ, vịt chạy đồng, cơ sở giết mổ, chế biến công nghiệp ở Chonburi.

 

2. Kết quả khảo sát:

2.1. Tổ chức bộ máy và lực lượng tham gia phòng chống cúm:

          Cục Phát triển chăn nuôi Thái Lan thuộc Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã, bao gồm nhiều bộ phận trực thuộc trong đó có các đơn vị thực hiện công tác thú y. Cục thực hiện việc quản lý theo ngành dọc từ Trung ương xuống các địa phương bao gồm văn phòng ở 76 tỉnh, 847 huyện do Cục trực tiếp trả lương.

          Tại các làng xã có 31.797 người tình nguyện làm việc thường xuyên cho Cục và được hưởng những khoản trợ cấp, thù lao từ các chương trình, dự án phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra trong thời gian có dịch còn nhận thêm 664 người có chuyên môn cao làm việc thời vụ, trong đó có:

          - 32 bác sĩ thú y.

          - 19 nhà khoa học tham gia chẩn đoán cúm gà.

          - 610 người tham gia thăm viếng các trại và vùng có nguy cơ cao.

          - 3 cán bộ thống kê, xử lý số liệu dịch tễ.

          Một lực lượng khác tham gia vào giám sát, nắm bắt thông tin dịch tễ là những người tình nguyện trong ngành y tế. Thái Lan có tổng cộng 900.000 người tình nguyện trong ngành y tế. Mỗi người phụ trách 10 gia đình. Khi có dịch cúm xảy ra những người này tham gia thêm vào công việc nắm bắt thông tin dịch bệnh. Những người tự nguyện này được hưởng các trợ cấp xã hội như chữa bệnh miễn phí, miễn học phí cho con của họ và mỗi năm được trợ cấp thêm 10.000 bath.

 

2.2. Hệ thống báo cáo thông tin dịch bệnh:

          Hệ thống báo cáo về thông tin dịch bệnh cúm ở Thái Lan có 5 cấp:

          - Cấp làng xã

          - Cấp huyện

          - Cấp tỉnh

          - Trung tâm chẩn đoán thú y

          - Cấp quốc gia (Cục Phát triển chăn nuôi).

2.2.1. Cấp làng xã

          Có lực lượng 31.797 người tình nguyện. Những người này có nhiệm vụ:

          - Quan sát và phát hiện phản ánh tình hình đồng thời tiếp nhận những lời than phiền.

          - Thu nhận thông tin từ nông dân những trường hợp nghi ngờ.

          - Ca bệnh xác định  căn cứ vào:

                    + Tỉ lệ chết > 10% trong ngày

                    + Có những triệu chứng hô hấp, tiêu hoá

                    + Sưng đầu, đục giác mạc trên vịt

          - Báo cáo những ca nghi ngờ cho bộ phận chăn nuôi ở huyện ngay lập tức hay trong vòng 24 giờ bằng điện thoại hoặc fax.

2.2.2. Cấp huyện:

          - Tiếp nhận những ca nghi ngờ từ những người tình nguyện.

          - Kiểm tra lại tất cả những ca nghi ngờ:

                    + Nếu những ca nghi ngờ không tương ứng với Ca bệnh xác định sẽ tiếp tục theo dõi trong vòng 21 ngày.

                    + Nếu những ca nghi ngờ tương ứng với Ca bệnh xác định sẽ
                             Cử cán bộ lấy mẫu gửi phòng Thí nghiệm

                             Kiểm soát vận chuyển gia cầm

                             Thông báo cho y tế huyện

                             Thông báo cho văn phòng chăn nuôi ở tỉnh

                             Điều tra ban đầu về những ca nghi ngờ

                             Tiếp tục giám sát cho đến khi nhận được kết quả từ phòng TN

2.2.3. Cấp tỉnh

          - Báo cáo cho Trung tâm kiểm soát cúm gia cầm những ca nghi ngờ và âm tính bằng fax hay email.

          - Nếu phòng TN xác nhận là dương tính phải hủy toàn đàn hay giảm đàn

          - Tiêu độc sát trùng

          - Lấy mẫu trong phạm vi 5 km từ xung quanh trại bị nhiễm (trước đây là tiêu hủy trong phạm vi 3 km)

          - Điều tra dịch tễ học đối với những ca dương tính

2.2.4. Cấp Trung tâm chẩn đoán thú y

          - Chẩn đoán bệnh

          - Báo cáo thông tin cho các tỉnh

          - Báo cáo cho cấp kiểm soát cúm trung ương (Cục Phát triển chăn nuôi)

          bằng fax hay email

2.2.5. Cấp kiểm soát cúm trung ương (Cục Phát triển chăn nuôi)

          - Thu thập dữ liệu

          - Phân tích dữ liệu

          - Xuất dữ liệu qua:

                    + Web site

                    + Các tổ chức quốc tế: OIE, EU, FAO…

2.2.6. Ban phòng chống quốc gia

          Do phó thủ tướng đứng đầu có trách nhiệm ký quyết định công bố dịch, ban hành các chương trình quốc gia về phòng chống cúm. Từng cấp độ đều có Ủy ban phụ trách phòng chống cúm.

          Ủy ban quốc gia có các bộ tham gia: Nông nghiệp, Y tế, Nội vụ, Quốc phòng, Lao động, Thương mại, Ngoại giao, Quan hệ cộng đồng, Tài nguyên môi trường, Thông tin.

2.3. Hệ thống chăn nuôi và tổ chức kiểm soát

2.3.1. Chăn nuôi gà:

2.3.1.1. Chăn nuôi tập trung:

          Là một quốc gia xuất khẩu thịt gia cầm sang các nước Nhật, Hàn Quốc, EU, Thái Lan rất quan tâm đến việc đầu tư phòng chống dịch cúm gia cầm. Đây cũng là một trong những lý do để họ quyết định không tiêm phòng cúm gia cầm.

          Tuy nhiên phải thừa nhận rằng những trại chăn nuôi gà ở Thái Lan được tổ chức rất tốt về mặt an toàn sinh học. Đoàn Việt Nam cũng đã được đi thăm một số trại chăn nuôi gà và giới thiệu điển hình một trong số các trại này như sau (Trại Suphan Inter  nằm trong tỉnh Suphanburi):

          - Trại nằm trong hệ thống công ty chế biến xuất khẩu gia cầm sang Nhật và Hàn quốc. Trại chăn nuôi mới được xây dựng và nuôi được 6 lứa gà thịt cho đến thời điểm tham quan. Trại có 12 nhà nuôi với 250.000 con thực hiện theo phương thức All in – All out.

          - Kiểm soát an toàn sinh học rất nghiêm ngặt:

                    + Công nhân vào làm việc phải được tắm bằng hoá chất, thay quần áo.

                    + Xe vào trại phải được sát trùng

                    + Sau mỗi đợt nuôi phải để trống chuồng 21 ngày để làm vệ sinh: dọn chất độn chuồng, tẩy rửa, vệ sinh chuồng trại. Sau đó được lấy mẫu kiểm tra Salmonella.

                    + Không sử dụng kháng sinh trong thức ăn.

          Nhìn chung các trang trại nụôi gà ở Thái Lan áp dụng nhiều hệ thống tiêu chuẩn chất lượng như: GMP, HACCP, ISO 9001, ACP (Assure Chicken Production)…

          Chế độ sát trùng rất thường xuyên 2-3 ngày/lần trong trại và 1 tuần /lần xung quanh trại. Trại được chính quyền địa phương hỗ trợ về mặt sát trùng nhưng ngược lại cán bộ thú y của trại cũng phải có trách nhiệm tham gia với địa pohương trong việc tham gia tiêu độc sát trùng khu vực bên ngoài trại.

          Thanh tra thú y định kỳ đến thăm hỏi tình hình 3-4 lần/đợt nuôi và giám sát việc sát trùng chuồng trại trước khi nuôi mới.

          10 ngày trước khi xuất chuồng, thanh tra thú y sẽ lấy mẫu gửi phòng thí nghiệm. sau khi có kết quả âm tính của phòng thí nghiệm, người chăn nuôi được quyền bán sản phẩm của mình cho lò giết mổ (không làm thủ tục kiểm dịch như ở Việt Nam) để tiêu thụ nội địa hay xuất khẩu.

 

2.3.1.2. Chăn nuôi nhỏ lẻ:

          - Đây là điều mà Thái Lan cũng rất quan tâm. Họ thừa nhận rằng vấn đề kiểm soát cũng rất khó khăn. Mặc dù có quy định dạng chăn nuôi nhỏ lẻ khi nuôi phải làm chuồng và chỉ được tiêu thụ trong làng xã nhưng tại các vùng xa vẫn còn buôn bán gà sống tại chợ. Các hộ này nhìn chung nghèo không đủ tiền làm chuồng trại kín như các hộ trại nuôi tập trung.

          - Mặc dù 80% dịch xuất phát từ gà thả vườn tuy nhiên họ cho rằng do mật độ nuôi không cao, tách biệt với nhau nên có thể khống chế được dịch.

          - Vấn đề quản lý gà đá: phải được đăng ký, cấp giấy thông hành, kiểm tra sức khoẻ 2 tháng/lần. Gà nuôi được người chơi gà đến tận nhà mua hay người nuôi mang gà ra trường gà để bán.

          - Việc vận chuyển gia cầm sống từ vùng này sang vùng khác rất khó khăn, chỉ cho phép đối với những trường hợp âm tính.

 

2.3.2. Chăn nuôi vịt thả rong:

          - Khuyến cáo phải có chuồng trại

          - Trong trường hợp chạy đồng không được di chuyển khỏi khu vực 2 km. Vận chuyển từ nhà đến khu vực thả rong phải bằng xe cơ giới có lồng.

          - Mặc dù Thái Lan cũng có chủ trương hạn chế vấn đề cung cấp vịt con cho các hộ nuôi thả rong nhưng khi đoàn đi thực tế cũng đã thấy trường hợp vịt thả rong tuổi còn nhỏ.

          - Tỉ lệ dương tính trên đàn vịt ở Thái Lan là 40%. Tuy nhiên theo họ những con này không có triệu chứng nên không tiêu hủy mà định lấy mẫu theo dõi.

          - Khoanh vùng theo dõi với hệ thống GPS.

 

2.3.3. Chim hoang dã:

          - Huấn luyện người dân trong việc tham gia gioám sát chim hoang dã.

          - Hàng tháng phun thuốc sát trùng nơi chim cư trú.

 

2.4. Vấn đề tuyên truyền, giáo dục:

          Ba nguyên tắc được áp dụng trong phòng chống dịch:

          - Nâng cao kiến thức về cúm gia cầm: không chỉ cho cán bộ thú y, công chức mà kể cả người dân, người tình nguyện.

          - Hệ thống thông tin liên lạc có 2 hình thức:

                    + Cán bộ ngành chăn nuôi báo cáo theo hệ thống ngành dọc

                    + Thông tin giữa chính quyền và người dân

          - Ổn định tâm lý xã hội cho người dân: Thái Lan cho rằng đây là vấn đề rất quan trọng cần nghiên cứu để nắm bắt được tâm lý, nhận thức của người dân, trên cơ sở đó có biện pháp tuyên truyền, giáo dục phù hợp nâng cao ý thức.

 

                                                                            NGUYỄN PHƯỚC TRUNG


Số lượt người xem: 4022    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm