SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
7
8
0
3
0
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 07 Tháng Giêng 2010 7:15:00 CH

Hiện trạng ngành nuôi cá Tra

Những năm gần đây, cá Tra là loài cá nước ngọt được nuôi và xuất khẩu nhiều nhất so với các đối tượng thủy sản nước ngọt khác; rất nhiều địa phương đã chuyển từ hình thức nuôi cá Tra bằng lồng bè sang nuôi ao, hầm với mật độ cao (30-40 con/m2) nhằm tránh gây ô nhiễm dòng sông, tăng năng suất nuôi và dễ quản lý chăm sóc. Hầu hết các nhà máy đông lạnh cũng đã xây dựng riêng một dây chuyền sản xuất cá Tra nhằm thay đổi cơ cấu mặt hàng, duy trì và phát triển sản xuất, tăng kim ngạch xuất khẩu và tăng lợi nhuận.

Tuy nhiên 02 năm trở lại đây đã có nhiều dấu hiệu bất ổn xuất hiện trong quá trình nuôi và tiêu thụ cá Tra mà dấu hiệu rõ nét nhất là sự sụt giảm diện tích nuôi và tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu. Theo báo cáo của Cục Nuôi trồng Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình nuôi trồng thủy sản năm 2009 của các tỉnh phía Nam (từ Đà Nẵng đến Kiên Giang) thì:

          - Diện tích nuôi: Trong năm 2009, tổng diện tích nuôi cá Tra tính từ Nam Trung bộ trở vào chỉ đạt 6.788 ha, (trong đó, riêng miền Tây Nam bộ là 6.756 ha) chỉ đạt 97% so với kế họach.

          - Năng suất: Năm 2009 chỉ đạt bình quân 230 tấn/ha thấp hơn năng suất năm 2008 (260 tấn/ha). Năng suất cao nhất là tỉnh Tiền Giang (312 tấn/ha), năng suất nuôi thấp nhất là tỉnh Bến Tre (195 tấn/ha).

          - Kim ngạch xuất khẩu: Theo Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối, tổng kim ngạch xuất khẩu cá Tra cả nước tính từ đầu năm đến 15/11/2009 đạt gần 1,171 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ. Ước tính ½ tháng 11 và cả tháng 12 đạt 100 triệu USD, đưa tổng kim ngạch lên gần 1,3 tỷ USD, nhưng cũng vẫn giảm 10% so với cùng kỳ.

          Điều này có thể nhìn thấy trong năm 2009 đã có những nguyên nhân gây khó khăn cho người nuôi như: Chất lượng giống cá Tra ngày một giảm; người nuôi thiếu thông tin nhu cầu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu; chưa liên kết hợp tác sản xuất; chưa hợp đồng tiêu thụ sản phẩm khi nuôi nên giá bán sản phẩm luôn bấp bênh và bất ổn đầu ra; gặp khó khăn trong việc vay vốn tái sản xuất…từ đó, nhiều nông dân đã treo ao, không sản xuất vụ 2, hoặc chuyển sang nuôi đối tượng khác.

Theo góc độ quản lý nhà nước, tựu trung là những nguyên nhân cơ bản sau đây:

1- Về sản xuất giống: Nhu cầu giống cần từ 1,5 - 2 tỷ con/năm, trong khi tòan vùng có 116 trại sinh sản nhân tạo và > 4.000 hộ ương nuôi cá giống/diện tích 2.135 ha. Tuy nhiên chất lượng cá giống lại thấp do sức ép từ nhu cầu giống nên nhiều cơ sở chọn đàn cá bố mẹ có chất lượng thấp và điều kiện ương dưỡng không đảm bảo kỹ thuật.

Trước đây, cá giống được bắt từ tự nhiên về nuôi đến 2,5-3 năm tuổi mới thành thục sinh dục; còn cá giống hiện nay được sinh sản nhân tạo và chỉ cần nuôi từ 10-12 tháng tuổi là đã thành thục. Nhằm giảm chi phí, nhiều cơ sở sản xuất giống đã sử dụng đàn cá bố mẹ này, đồng thời giảm dinh dưỡng trong quá trình nuôi vỗ và lạm dụng kích dục tố để tăng cường độ sinh sản (5-6 lứa/năm) nên chất lượng đàn cá bột rất thấp.

Trong ương nuôi cá giống, chỉ có khỏang ¼ cơ sở có đăng ký kinh doanh và sản xuất thường xuyên với diện tích lớn; còn lại hầu hết là các cơ sở có quy mô nhỏ, sản xuất không ổn định (họat động khi giá cá giống cao và ngưng khi gía giảm). Những cơ sở này không bảo đảm

điều kiện kỹ thuật và an tòan vệ sinh, nguồn nước bị động không thể thay nước thường xuyên, sử dụng thức ăn tự chế với những lọai tươi sống làm nước nhanh bẩn gây ô nhiễm và tiềm ẩn các lọai bệnh và ký sinh trùng; từ đó cho ra đàn giống chất lượng rất thấp.

          2- Về thức ăn và giá bán: Thức ăn cho cá Tra khỏang 1,8 triệu tấn và giá bán trong nước năm 2009 cũng tương đối ổn định so với năm 2008; tuy nhiên, đến qúy IV/2009 thì giá đã có sự biến động, cụ thể mỗi ký thức ăn đã tăng thêm 1.000đ. Đặc biệt, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngòai như: Cargill, Grobest, Uni-President, CP tăng giá đã kéo theo các doanh nghiệp nhỏ khác tăng giá theo.

          Giá bán thức ăn nuôi cá Tra của 01 số doanh nghiệp là: Grobest từ 8.000 đến 9.200đ/kg; UP 8.000 đến 9.300đ/kg; CP 8.000 đến 9.100 đ/kg. Dự báo trong qúy I/2010 giá bán sẽ còn tăng do giá các lọai nguyên liệu chế biến thức ăn đang tăng.

          3- Về giá bán nguyên liệu: Vào cuối tháng 11/2009 giá cá Tra nguyên liệu tại 01 số địa phương như sau:

          - Tại Châu Đốc (An Giang): thịt trắng 14.500-14.800đ/kg, thịt vàng 12.000-12.500 đ/kg.

          - Tại Cần Thơ: Thương lái mua tại ao 14.500-14.800đ/kg; nhà máy mua tại ao là 14.000-14.500đ/kg.

          - Tại Đồng Tháp: thịt trắng (0,9-1,05 kg/con) 14.800-15.000đ/kg, thịt trắng cỡ lớn (>1,1 kg/con) 14.000-14.300đ/kg.

          Như vậy, nếu giá thức ăn không tăng như từ qúy III/2009 trở về trước thì giá thành 1kg cá nguyên liệu sẽ là 13.600-13.800đ, nông dân có lời; và nếu thức ăn tăng giá (1.000đ/kg) hoặc mua nhằm giống cá không đạt chất lượng, hoặc thịt cá không trắng thì nông dân lỗ.

          4- Tình hình xuất khẩu: Giá xuất khẩu bình quân năm 2009 là 2,1USD/kg, thấp hơn năm 2008 (2,27USD); nguyên nhân là do: - Ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, kéo theo sự bất ổn của các thị trường nhập khẩu cá Tra – Các thông tin bôi xấu về chất lượng cá Tra của VN tại các nước như Nga, Tây Ban Nha, Ai Cập; điều này cũng thể hiện rõ khi các doanh nghiệp trong nước để tránh lỗ khi giá xuất thấp, đã tăng tỷ lệ mạ băng làm giảm chất lượng - Thiếu ổn định nguồn nguyên liệu trong nước, thiếu nguồn cá vừa, thừa nguồn cá quá lứa (xuất sang thị trường Đông Âu) - Sự cạnh tranh không lành mạnh, thiếu phối hợp giữa các doanh nghiệp nhập khẩu nên đẩy giá cá Tra xuống thấp.

          Theo thông tin từ Hiệp hội xuất khẩu thủy sản Việt Nam, hiện nay một số nước châu Âu đang có sự vận động để kiện bán phá giá vì lượng tiêu thụ cá Tra của ta quá lớn đã làm ảnh hưởng đến việc tiêu thụ cá Tuyết của họ.

          Trên đây là diễn biến của tình hình nuôi cá Tra của nước ta trong năm 2009; để có thể duy trì, phát triển ngành nuôi và xuất khẩu cá Tra, Chính phủ cần có những giải pháp căn cơ trong điều hành nhằm giúp nông dân mạnh dạn đầu tư nuôi, tăng năng suất và tăng chất lượng, như: thành lập các Hiệp hội, hình thành các Ban Điều hành, xây dựng các chính sách điều hành ngành sản xuất thức ăn nuôi trồng thủy sản…                  

                                                                                             Trịnh – Biên

                                                                                           Phòng Thủy sản


Số lượt người xem: 19511    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm