SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
8
0
6
6
8
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 06 Tháng Bảy 2009 7:30:00 CH

Phát triển cá cảnh trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

Nghề sản xuất, kinh doanh cá cảnh thành phố Hồ Chí Minh đã hình thành và phát triển từ lâu và được xem là một bộ phận của ngành thủy sản thành phố. Nuôi cá cảnh không chỉ là thú vui tao nhã mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao, có khả năng mang lại kim ngạch xuất khẩu đáng kể.

Trước năm 2004, việc sản xuất kinh doanh cá cảnh mang tính tự phát, nhỏ lẻ theo hình thức “cha truyền con nối”; chủng loại cá đa dạng nhưng không tập trung. Những năm gần đây, sản xuất, kinh doanh cá cảnh phát triển khá nhanh, bước đầu khẳng định được vị trí trong ngành nông nghiệp đô thị lợi nhuận cao, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động.

Ngày 25 tháng 02 năm 2004, Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt Quyết định số 718/QĐ-UB ban hành Chương trình phát triển hoa, cây kiểng, cá cảnh thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2004-2010, với mục tiêu định hướng phát triển cá cảnh đến năm 2005 đạt sản lượng là 20 triệu con và những năm tiếp theo tăng bình quân 10-15%/năm (đến năm 2010 đạt 30-35 triệu con). Năm 2008, sản lượng cá cảnh thành phố đạt 51 triệu con, số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh cá cảnh tăng đáng kể, quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước ngày càng mở rộng; Thành phố đã thành lập Hội cá cảnh, Chi hội cá La hán, Chi hội cá Đĩa.

·       Một số kết quả đạt được cụ thể được trong các năm qua:

1.      Tình hình sản xuất:

     Số cơ sở sản xuất cá cảnh năm 2008 đã tăng gấp 2 lần so với năm 2003. Năm 2003 có 150 cơ sở sản xuất cá cảnh, đến năm 2008 đã phát triển 292 cơ sở.

Trước đây khu vực sản xuất cá cảnh tập trung ở các quận 8, 12, và rải rác ở một số quận: Gò Vấp, Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Củ Chi… Hiện nay, do ảnh hưởng của đô thị hoá và nguồn nước bị ô nhiễm nên các cơ sở sản xuất cá cảnh có xu hướng phát triển mạnh tập trung ở các quận, huyện có nguồn nước sạch như: quận 9, 12, Bình Chánh, Củ Chi…

1.      Đối tượng sản xuất:

Đối tượng sản xuất kinh doanh với hơn 60 loài, trong đó chủng loại chính gồm có 36 loài nuôi sinh sản và 14 loài khai thác tự nhiên thuần dưỡng làm cá cảnh, còn lại khoảng 10 loài có số lượng tiêu thụ thấp. Các loài chiếm ưu thế như cá Chép Nhật, Bảy Màu, Hòa Lan, Dĩa, Xiêm, Ông Tiên, Tứ Vân, Hồng Kim, Hắc Kim, Bạch Kim, v.v.. Có thể chia đối tượng sản xuất thành 3 nhóm chính:

-   Nhóm cá nuôi, thuần dưỡng trong ao đất như Cá Chép Nhật, Vàng, Tứ Vân, Hồng Kim, Hắc Kim, Phượng Hoàng, các loại cá Sặc, .

-   Nhóm cá nuôi thuần dưỡng trong bể xi-măng hoặc bể kiếng như cá Dĩa, Ông Tiên, Xiêm, Bảy Màu, Mang Rổ, Nâu, Thủy Tinh, . . .

-   Nhóm cá khai thác tự nhiên thuần dưỡng: cá Mang Rỗ, Nóc, Thủy Tinh, Lìm Kìm, Chạch, cá Nâu, cá Sặc, cá Lòng tong,...

3. Sản lượng:

- Sản lượng cá cảnh của thành phố các năm qua tăng khá cao, trung bình 48,5%, đặc biệt sản lượng tăng mạnh đến 50%/năm trong những năm gần đây (2005-2008).

- Các loài chiếm tỉ lệ cao trong cơ cấu sản xuất như: Cá Chép (25,1%); cá Bảy màu (22,1%) ; cá Xiêm (5,3%); cá Dĩa (4%)…

4. Giá trị:

- Giá trị sản xuất cá cảnh thành phố là 220 tỉ đồng vào năm 2008. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2003 – 2005  là 43,11%/năm , giai đoạn 2006 – 2008 là 51%/năm (tính theo đơn giá cố định năm 1994).

- Giá trị sản lượng của 5 loài: cá Dĩa, Chép Nhật, Xiêm, Bảy Màu, cá Vàng chiếm đến 90% tổng giá trị sản lượng. Đặc biệt là nhóm cá Đĩa, mặc dù chỉ có 4,1% cơ cấu sản lượng nhưng chiếm đến 40,3% cơ cấu giá trị; kế đến là cá Chép (26,8%), cá Xiêm (14%). Đối với nhóm cá nuôi trong bể kiếng, bể xi măng chỉ chiếm 13% trong cơ cấu sản lượng nhưng chiếm 56,3% trong tổng cơ cấu giá trị.

 

 

5. Tổ chức sản xuất:

Hoạt động sản xuất cá cảnh từ trước đến nay chủ yếu ở qui mô hộ gia đình, cơ sở; có 3 đơn vị hoạt động dưới hình thức là công ty.

-          Cơ sở chuyên sản xuất giống:  3,16% ,

-          Cơ sở sản xuất giống - ương nuôi-thuần dưỡng : 2,49%,

-          Cơ sở sản xuất và ương nuôi chiếm tỉ lệ: 86,16%,

-          Cơ sở thuần dưỡng – ương nuôi: 5,03%.

Tổng diện tích thực tế các cơ sở sản xuất cá cảnh là 88,34 ha, diện tích mặt nước sản xuất chiếm 75,11 ha;  thể tích bể kiếng và xi-măng đạt 89 ngàn m3. N­ăng lực sản xuất từ 55-60 triệu con/năm.

2. Tình hình kinh doanh:

2.1. Số lượng cửa hàng kinh doanh:

Năm 2003, Thành phố có khoảng 100 – 120 cửa hàng kinh doanh cá cảnh, tập trung ở một số khu vực nội thành thành phố Hồ Chí Minh như ở các quận 3, 5, 10, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận.

Năm 2008 đã phát triển 283 cửa hàng kinh doanh cá cảnh, tăng hơn 2 lần. Ngoài các khu vực phân bố tập trung tại một số quận nội thành như quận 3, 5, 6, 10, 11, đến nay nhiều cửa hàng mua bán cá cảnh được hình thành và hiện diện hầu hết các quận, huyện trên địa bàn thành phố.

2.2  Hiệu quả kinh doanh:

Năm 2003, doanh số bình quân của một cơ sở kinh doanh cá cảnh khoảng 80 - 100 triệu đồng/năm, tỉ lệ lãi trên doanh số từ 40 – 60%. 

Năm 2008, doanh số bình quân của một cơ sở kinh doanh cá cảnh là 860-900 triệu đồng/năm, lợi nhuận thu được là 350-400 triệu đồng/năm. Tỷ lệ lãi là 40-45%.

3. Tình hình xuất khẩu và nhập khẩu cá cảnh

3.1. Xuất khẩu:

- Số lượng cá cảnh xuất khẩu năm 2003 (3,2 triệu con), đến năm 2008 là 4,2 con/năm, tăng 31%; giá trị kim ngạch xuất khẩu từ 3,5-5 triệu USD/năm.

- Đối tượng xuất khẩu chính bao gồm các loài: Đĩa, Xiêm, Bảy màu, Chép Nhật, Hồng Kim, Trân Châu, cá Vàng…

- Thị trường xuất khẩu chính bao gồm: Châu Âu 65 - 70%, thị trường Mỹ 17-20%.

 

3.2. Nhập khẩu:

Hàng năm, Thành phố nhập một số cá cảnh biển lẫn cá nước ngọt để làm phong phú thêm cho thị trường cá cảnh thành phố, từ 100.000-150.000 con. Các nguồn nhập chủ yếu từ các nước Singapore, Đài Loan, HongKong và tập trung một số loài như cá Chuột Ba Sọc, Thành Cát Tư Hãn, Hoàng tử Châu Phi, Neon đỏ, Nhật Đăng, Kim Long, Ngân Long và cá Ali. Nhìn chung, số lượng cá cảnh nhập khẩu không nhiều, tập trung một số cửa hàng ở khu vực quận 5.

Bên cạnh những kết quả  đạt được trong các năm qua, sản xuất và kinh doanh cá cảnh cũng gặp một số khó khăn như sản xuất tự phát, điều kiện sản xuất chưa đáp ứng an toàn dịch bệnh, qui trình sản xuất, chọn giống và lai tạo để tạo ra giống mới phục vụ sản xuất còn nhiều hạn chế.

           Xác định cá cảnh tiếp tục là đối tượng phù hợp với nền nông nghiệp đô thị và là nguồn thu nhập đáng kể của người dân, Thành phố hiện đang xây dựng chương trình phát triển cá cảnh đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 với mục tiêu thành phố Hồ Chí Minh sẽ là nguồn cung cấp cá cảnh chính của khu vực Đông Nam Á cho thị trường cá cảnh thế giới.

                                                                              Nhã Trúc

                                                                                           Phòng Thủy sản


Số lượt người xem: 7806    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm