SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
7
9
7
2
8
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 13 Tháng Mười Hai 2005 9:25:00 CH

Tình hình nuôi ếch công nghiệp tại Tp. Hồ Chí Minh

Theo khảo sát cho thấy ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay có trên 300 hộ nuôi Ếch công nghiệp với qui mô từ vài chục m2 (tận dụng các chuồng nuôi gia súc gia cầm) lên đến vài ngàn m2 (nuôi ao và vèo), địa phương nuôi nhiều nhất là huyện Củ Chi (trên 150 hộ) và Bình Chánh (70 hộ), cá biệt có Doanh nghiệp nuôi khoảng 01 ha (quận 9). Số trại sản xuất và kinh doanh Ếch giống gồm 17 trại (tập trung nhiều ở huyện Củ Chi (09 trại)), có trại có qui mô sản xuất nhỏ lẻ mang tính nông hộ, có trại có qui mô công nghiệp hiện đại với đầy đủ hệ thống xử lý nước cấp và nước thoát hiện có 03 loại Ếch được nuôi ở Thành phố Hồ Chí Minh gồm:

1. Ếch Thái Lan (được nhập khẩu từ Thái Lan) có kích cỡ lớn, được thuần hóa từ lâu và nhập vào Việt Nam từ 02 năm nay; ếch phát triển nhanh, thích nghi với điều kiện nuôi giữ và ăn mồi tĩnh như thức ăn viên công nghiệp. Tuy nhiên điểm hạn chế của loài ếch này là đùi nhỏ vì thế rất khó khăn trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu. Đây là loài được nuôi nhiều nhất tại TP Hồ Chí Minh. 

2. Ếch đồng Việt Nam có kích cỡ trung bình, đùi to nhưng khả năng thích nghi kém với điều kiện nuôi giữ nên chưa có hiệu quả kinh tế đồng thời lại có tập tính ăn thức ăn là con mồi di động như côn trùng, vì thế không phù hợp trong việc phát triển nuôi công nghiệp.

3. Ếch Bò (Rana catesbeiana): có nguồn gốc từ Nam Mỹ, kích cỡ rất lớn (500-900gr), khả năng thích nghi kém nên không phát triển và rất ít hộ nuôi.

Để giúp bà con nông dân nuôi Ếch phát triển sản xuất, Sở Nông nghiệp và PTNT TP HCM đã chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Trung tâm Nghiên cứu khoa học kỹ thuật và Khuyến nông triển khai một số công tác quản lý và tư vấn khoa học, cụ thể :

1/ Đến nay hầu hết các hộ nuôi Ếch đều đã được tập huấn kỹ thuật nuôi, phương pháp phòng và điều trị một số bệnh chủ yếu; đồng thời cũng được cơ quan Khuyến nông tổ chức đưa đi tham quan nhiều mô hình nuôi như: nuôi mương, nuôi vèo, nuôi bể xi măng, nuôi ao…và hội thảo đầu bờ để tìm hướng đi thích hợp. Ngoài ra nhằm giúp nông dân có nguồn giống tốt tránh rủi ro trong quá trình nuôi, Sở cũng đã chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Tăng cường công tác kiểm dịch giống nhập khẩu, tổ chức cách ly giám sát theo Pháp lệnh Thú y và Nghị định 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y; tập huấn về công tác quản lý và điều kiện sản xuất kinh doanh giống thủy sản cho các cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh Ếch giống; phối hợp Phòng Kinh tế-UBND các quận huyện kiểm tra 17 Trại sản xuất kinh doanh Ếch giống về điều kiện sản xuất kinh doanh và điều kiện an toàn vệ sinh thú y thủy sản, nhắc nhở và hướng dẫn các cơ sở cam kết thực hiện đúng qui định.

 2/ Đối với việc chọn mua giống nuôi và tiêu thụ sản phẩm Sở NN-PTNT đã chỉ đạo Trung tâm NCKHKT-KN trong quá trình tập huấn cần khuyến cáo các hộ nông dân phải:

- Chọn mua giống tại các cơ sở có đăng ký kinh doanh, đảm bảo vệ sinh thú y thủy sản và có kiểm dịch của Chi cục QLCL-BVNLTS.

- Nên mua giống tại các cơ sở kinh doanh Ếch giống có bao tiêu sản phẩm và nên có hợp đồng cam kết chặt chẽ; đồng thời mời chính quyền địa phương tham gia với tư cách trọng tài trong quá trình giao dịch.

- Thực hiện đúng kỹ thuật nuôi và áp dụng tốt biện pháp phòng trị bệnh.

          Trong hướng tới, Sở cũng đã đề nghị các cơ quan nghiên cứu khoa học cần lai tạo giống Ếch mới với các đặc điểm: tăng trọng nhanh, ăn được thức ăn tĩnh,  cung cấp được cho xuất khẩu và có sức đề kháng tốt để tăng tỉ trọng thịt đùi so với trọng lương cơ thể, giảm giá thành và có hiệu quả kinh tế.

                      Trịnh Biên


Số lượt người xem: 18972    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm