SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
8
0
5
6
9
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 11 Tháng Tư 2005 9:40:00 CH

Bảo hộ tên gọi nước mắm Phú Quốc

Vừa qua vào ngày 6/4/2004 tại Hà Nội, Bộ Thủy sản đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến đóng góp của các đơn vị về nội dung của bản dự thảo Quy chế kiểm soát, chứng nhận nước mắm mang tên gọi Phú Quốc và quy định sản xuất nước mắm mang tên gọi xuất xứ Phú quốc.

Được biết, trong khuôn khổ Chương trình hợp tác Pháp - Việt về “Chỉ dẫn địa lý – tên gọi xuất xứ và chống hàng giả” được ký kết giữa Bộ Thương mại Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Ngư nghiệp Cộng Hòa pháp ngày 14/03/2000, Bộ Thủy sản đã phối hợp với Ủy ban nhân dân Tỉnh kiên giang, Bộ Khoa học và Công nghệ, bộ Thương mại triển khai công tác bảo hộ tên gọi xuất xứ cho sản phẩm “nước mắm Phú quốc” với mục đích bảo vệ các nhà sản xuất nước mắm Phú quốc, bảo vệ người tiêu dùng và quan trọng hơn là giúp một trong các sản phẩm truyền thống nổi tiếng của Việt Nam giữ được uy tín và có cơ hội phát triển, mở rộng thị phần tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Sau khi Cục Sở hữu Công nghiệp - Bộ Khoa học và Công nghệ (nay là Cục Sở hữu trí tuệ) ra Quyết định số 01/QĐ-ĐK ngày 1/6/2000 về việc Đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa đã xác nhận tên gọi xuất xứ  Phú quốc cho sản phẩm nước mắm được bảo hộ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ Việt Nam và chỉ những  người được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng tên gọi xuất xứ mới được phép sử dụng tên gọi xuất xứ nước mắm Phú quốc. Bộ Thủy sản đã tiến hành xây dựng 3 văn bản sau:

-          Quy chế kiểm soát,chứng nhận nước mắm mang tên gọi xuất xứ Phú quốc.

-          Quy định sản xuất nước mắm mang tên gọi xuất xứ Phú quốc.

-          Tiêu chuẩn ngành cho sản phẩm nước mắm Phú quốc.

Cuộc họp do thứ trưởng thường trực Bộ Thủy sản Nguyễn Việt Thắng chủ trì với sự tham dự của Cục Sở hữu trí tuệ, Vụ khoa học công nghệ thuộc Bộ Thủy sản, Cục Quản lý thị trường, Bộ Thương mại, UBND Tỉnh Kiên giang, UBND huyện phú Quốc, Sở Thủy sản Kiên Giang, Hiệp Hội nước mắm Phú quốc, Hiệp hội chế biến lương thực thực phẩm TP  Hồ Chí  Minh,  Hội nước chấm TP Hồ Chí Minh, Sở Nông  Nghiệp và PTNT cùng Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM.

Cuộc họp đã nghe nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu, trong đó có 2 luồng ý kiến còn đang tranh cãi. Về phía tỉnh Kiên giang, các ý kiến tập trung vào việc đề nghị phải tổ chức sản xuất, pha đấu và đóng chai tại đảo Phú quốc để đảm bảo chất lượng và uy tín của thương hiệu nước mắm Phú quốc. Về phía TP Hồ Chí Minh, các ý kiến cho rằng quy định trên còn nhiều bất cập do TP là thị trường tiêu thụ chính, chiếm 80% sản lượng nước mắm Phú quốc, là nơi xuất phát điểm của lộ trình xuất khẩu sản phẩm nước mắm Phú quốc ra thị trường nước ngoài và là nơi sản xuất các sản phẩm mang tên gọi xuất xứ Phú quốc. Từ trước đến nay, các doanh nghiệp sản xuất nước mắm tại TPHCM vẫn đóng chai sản phẩm nước mắm gắn với tên gọi xuất xứ Phú quốc tại TP HCM. Do đó, nếu theo các quy định trong bản dự thảo, nếu sản phẩm nước mắm không được sản xuất và đóng chai tại Phú quốc thì không được gắn tên gọi Phú quốc lên sản phẩm. Điều đó có nghĩa hoặc là doanh nghiệp sẽ phải chấm dứt sản xuất hoặc là sẽ phải di chuyển nhà xưởng, chai, lọ… từ TP HCM ra huyện đảo Phú quốc để đóng chai rồi mới vận chuyển sản phẩm về TP HCM tiêu thụ. Tuy nhiên, do điều kiện xã hội, hạ tầng hiện nay của Phú quốc còn gặp nhiều khó khăn như chưa có nhà máy sản xuất bao bì, chai, lọ, nhãn, nút; nguồn cung cấp điện chưa ổn định, nguồn nước sử dụng chủ yếu là nước ngầm, đang bị nhiễm mặn; chưa có tàu thuyền lớn để vận chuyển, giao thông còn khó khăn nhất là mùa mưa bão; chưa có đủ nguồn nhân công có tay nghề để phục vụ cho sản xuất khi các doanh nghiệp ở TP HCM di dời ra. Về kinh tế, do phải tốn phí vận chuyển 2 lần ( vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất từ đất liền ra Phú quốc và vận chuyển sản phẩm từ Phú quốc về đất liền) dẫn đến giá thành sản phẩm tăng cao, mất nhiều thời gian đi lại, khó cung ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng. Ngoài ra, tỉnh Kiên giang hiện chưa có chính sách, chế độ quan tâm đến các doanh nghiệp sản xuất nước mắm tại Phú quốc. Vì thế, đại diện các đơn vị ở TP HCM đã đề nghị Bộ Thủy sản 3 vấn đề:

-          Cho phép đóng chai tại TP HCM theo đúng công nghệ truyền thống tại Huyện đảo Phú quốc, đảm bảo các điều kiện bảo quản cần thiết và bảo đảm chất lượng, mùi vị như nước mắm đóng chai tại Phú quốc.

-          Cho phép TP phối hợp với Hiệp hội nước mắm Phú quốc và các cơ quan chức năng thành lập một ban kiểm soát tại TPHCM để giám sát và đánh giá chất lượng của sản phẩm nước mắm Phú quốc khi được vận chuyển từ Phú quốc về TP HCM trước khi đóng chai.

-          Hoặc là, cần phải có lộ trình thực hiện, tối thiểu là từ 3 năm trở lên để doanh nghiệp có đủ thời gian chuẩn bị về cơ sở vật chất, vốn, con người và các thủ tục hành chính cần thiết khác.

Ngoài ra, TP HCM cũng đã có chủ trương và đang triển khai các thủ tục hồ sơ công trình xây dựng cơ bản để đầu tư xây dựng “Trung tâm thủy sản thành phố” tại huyện Nhà Bè, trong đó có triển khai tiểu khu dành cho các doanh nghiệp sản xuất nước mắm di dời từ nội thành vào khu vực này nhằm kiểm soát việc sử dụng tên gọi xuất xứ hàng hóa Phú quốc chặt chẽ và có hiệu quả.

Sau khi đã nghe các ý kiến đóng góp của các đại biểu, Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Việt Thắng đã chỉ đạo vụ Khoa học – công nghệ đôn đốc hoàn tất việc ban hành tiêu chuẩn nước mắm Phú Quốc, quy định tạm thời về lộ trình để thực hiện các quy định trên có thể từ 2- 3 năm, theo đó, các doanh nghiệp sản xuất nước mắm Phú quốc có thể đóng chai tại TP để đảm bảo lộ trình và thành lập Ban kiểm soát chất lượng nước mắm Phú quốc có sự phối hợp giữa Hiệp hội nước mắm Phú quốc và hội nước chấm TP nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng nước mắm Phú quốc đóng chai tại TP HCM.

Được biết ngoài sản phẩm nước mắm Phú quốc, sản phẩm chè Shan Tuyết cũng đã được Nhà nước bảo hộ tên gọi xuất xứ vô thời hạn.


Số lượt người xem: 6201    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm