SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
7
7
5
4
7
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 17 Tháng Giêng 2007 4:15:00 CH

Một số kết quả hoạt động để chuẩn bị cho việc hội nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh

Nhận thức được những khó khăn và thuận lợi mà ngành nông nghiệp thành phố sẽ đón nhận khi nước ta trở thành thành viên chính thức của WTO, trong thời gian qua, ngành Nông Nghiệp và PTNT TP đã triển khai một số hoạt động để chuẩn bị cho việc hội nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO)

             Khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO), ngành nông nghiệp thành phố có những thuận lợi như: tăng cơ hội mở rộng hợp tác quốc tế và xuất khẩu nông sản sang các nước, các doanh nghiệp thành phố có sẵn các kênh phân phối truyền thống của mình, hiểu rõ thị hiếu tiêu dùng và tâm lý khách hàng của thị trường nội địa và giá cả các yếu tố đầu vào có thể sẽ được giảm do hàng hóa được miễn giảm thuế nhập khẩu (như: phân bón thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn gia súc, thuốc thú y…). Tuy nhiên, song song đó là các khó khăn, cả về phía các cơ quan quản lý nhà nước lẫn về phía các doanh nghiệp. Có thể thấy rõ như:Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, hiện nay vẫn còn hạn chế trong năng lực điều hành và ban hành các chính sách trong môi trường hội nhập kinh tế quốc tế, chưa được trang bị đầy đủ các kiến thức và kỹ năng đàm phán, đối phó cũng như giải quyết các tranh chấp quốc tế và môi trường pháp lý trong nước vẫn chưa đầy đủ để giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình giao dịch quốc tế. Còn về phía các doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế so với yêu cầu hội nhập quốc tế (về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm làm ăn trên thị trường quốc tế; giá thành sản phẩm; vốn...), sự sẵn sàng của các doanh nghiệp cho quá trình hội nhập kinh tế thế giới còn hạn chế, nguồn nhân lực chuẩn bị cho quá trình hội nhập còn chưa tương xứng với yêu cầu hội nhập (về ngoại ngữ, quản lý, chuyên môn…), chất lượng sản phẩm nông nghiệp vẫn còn chưa ổn định và qui mô sản xuất còn nhỏ, phân tán; ý thức liên kết, hợp tác lẫn nhau còn yếu.

 

Nhận thức được những khó khăn và thuận lợi mà ngành nông nghiệp thành phố sẽ đón nhận khi nước ta trở thành thành viên chính thức của WTO,  trong thời gian qua, ngành Nông Nghiệp và PTNT TP đã triển khai một số hoạt động để chuẩn bị cho việc hội nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) thể hiện qua một số hoạt động và kết quả như sau:

 

  1. Kết quả thực hiện:

1.1. Về việc chuẩn bị nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nông nghiệp, cho nông sản TP HCM:

  • Vận động và hỗ trợ cho việc thành lập các hợp tác xã, các hiệp hội, câu lạc bộ để nâng cao năng lực tổ chức sản xuất, tạo thuận lợi cho công tác kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm như: hợp tác xã rau an toàn Phước An, Thanh niên, Ba lúa Vàng; hợp tác xã bánh tráng Phú Hòa Đông; hợp tác xã thỏ làng ven; hội cá cảnh, hội sinh vật cảnh…
  • Vận động tổ chức và tham gia liên kết sản xuất rau an toàn với 7 tỉnh lân cận, gồm: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long. Mục tiêu của liên kết nhằm tạo ra vùng nguyên liệu cung ứng rau an toàn phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ của TP và phục vụ cho định hướng xuất khẩu rau sang các nước.
  • Tham gia liên kết sông Tiền do Bộ Nông Nghiệp và PTNT tổ chức để xây dựng chuỗi cung ứng sản xuất rau quả an toàn theo tiêu chuẩn GAP (thực hành nông nghiệp tốt). 
  • Tham mưu UBND TP ban hành chương trình và chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp TP giai đoạn 2006 – 2010 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và hỗ trợ các nông hộ, các thành phần kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp của thành phố nâng cao và ổn định năng lực sản xuất
  • Hợp tác với các tổ chức nước ngoài như:
    • Tổ chức hỗ trợ xuất khẩu sang EU từ các nước đang phát triển của Hà Lan (CBI) để đào tạo 04 chuyên gia tư vấn xuất khẩu sang EU cho Trung tâm tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp
    • Hợp tác với tổ chức Business Edge (BE) thuộc Quỹ phát triển các nước thuộc lưu vực sông Mêkông (MPDF) để đào tạo 04 giảng viên và thiết kế khóa học dành cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cho Trung tâm tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp.
    • Metro Cash & Carry, tổ chức 12 lớp tập huấn với hơn 560 lượt người tham dự, để đào tạo các kỹ năng xúc tiến thương mại, các kỹ năng quản lý song song với các kỹ năng sản xuất cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, các nông hộ đang chuyển thành doanh nghiệp và các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp của thành phố. Giới thiệu 12 nhà cung cấp mới;  hỗ trợ xây dựng 2 kho sơ chế bảo quản sau thu hoạch và đóng gói hàng hoá cho 2 hợp tác sản xuất rau an toàn; 01 lò giết mổ thỏ cho một công ty TNHH và hỗ trợ cho một đơn vị đạt tiêu chuẩn được cấp chứng nhận Eurepgap để xuất khẩu sản phẩm sang thị trường EU (Hợp tác xã Nhuận Đức). Trong năm 2007, đã ký tiếp chương trình hợp tác với Metro theo hướng mở rộng nội dung hợp tác, định hướng xuất khẩu cho nông sản TP
    • Công ty Yoon Joong (Hàn quốc): xây dựng nhà kính và tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật sản xuất nấm Linh chi có cấy Selenium tại Trường THKT nông nghiệp.
    • Hợp tác với Bộ Nông Nghiệp và Bộ Ngoại giao Israel xây dựng trại bò sữa thử nghiệm theo công nghệ của Israel tại Trung tâm Quản lý và kiểm định giống cây trồng vật nuôi với kinh phí xây dựng có sự tài trợ từ phía Israel .
  • Tạo điều kiện để các hợp tác xã, nông hộ, các doanh nghiệp chuyển từ sản xuất nông nghiệp là chính sang tổ chức liên kết sản xuất và chuyển dịch sang lĩnh vực dịch vụ.
  • Triển khai các dự án trọng điểm của ngành nhằm tạo sự đồng bộ hóa trong chuỗi giá trị hàng nông sản, nhất là ở khâu giống và dịch vụ  như: dự án trung tâm công nghệ sinh học, trung tâm thương mại thủy sản, trung tâm quản lý và kiểm định giống cây trồng vật nuôi, trung tâm giao dịch và triển lãm nông sản…

1.2. Vể việc triển khai xây dựng các tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh chất lượng thực phẩm, để tiến tới xây dựng các qui định về rào cản kỹ thuật (TBT) và các biện pháp tự vệ:

  • Tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn GAP và Euregap đối với rau đang triển khai tập trung (30 ha) ở xã Nhuận Đức - Củ Chi, và 40 ha thủy sản (tôm sú) tại xã Lý Nhơn - huyện Cần Giờ.
  • Xây dựng các quy định về công nhận vùng sản xuất rau an toàn, vùng an toàn dịch bệnh; qui định về thuật sản xuất rau an toàn, về kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại các chợ đầu mối; qui định về kiểm soát dịch bệnh thủy sản…

1.3. Về công tác xúc tiên thương mại:

  • Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cho nông sản, cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực hoa lan, rau an toàn, cá sấu… như Lan Gia Huy, hợp tác xã Phước An, làng cá sấu Sàigòn,…
  • Đang triển khai xây dựng hệ thống thông tin thị trường nông sản để cung cấp thông tin về thị trường, về sản phẩm, về doanh nghiệp để cung cấp cho các nhà sản xuất kinh doanh nông sản, các nhà xuất khẩu, nhập khẩu và các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
  • Đang triển khai xây dựng Trung tâm giao dịch và triển lãm nông sản tại Củ Chi với 3 cụm chức năng: triển lãm trong nước và quốc tế về cây trồng-vật nuôi, trung tâm thương mại vật tư nông nghiệp và trung tâm đấu giá nông sản.
  • Tổ chức và tham gia nhiều chương trình xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông sản cả trong lẫn ngoài nước, như các hội chợ nông nghiệp và thủy sản trong nước, các hội chợ nông nghiệp quốc tế ở Israel, Singapore, Trung quốc, Đức, …Tổ chức một số cuộc hội thảo quốc tế, các cuộc kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước…
  • Tổ chức các hội nghị tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn thành phố, đã tổ chức ký kết 27 hợp đồng nguyên tắc, tạo điều kiện kết nối giữa sản xuất và chế biến – tiêu thụ nông sản.

1.4. Về vấn đề nâng cao nhận thức về hội nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO):

  • Hợp tác với Báo Nông Nghiệp Việt Nam xây dựng chuyên đề hội nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) cho hàng nông sản
  • Hợp tác với Đài truyền hình thành phố (HTV9) trong mục thời sự nông nghiệp để tuyên truyền về các chính sách, chủ trương của ngành nông nghiệp; các tác động của việc gia nhập WTO đối với nông nghiệp…
  • Triển khai nghiên cứu các tác động của hội nhập WTO đối với các sản phẩm nông nghiệp trọng điểm của thành phố.

Nhìn chung, kết quả hoạt động trong thời gian qua cho thấy có 3 xu hướng thể hiện khá rõ nét trong ngành nông nghiệp thành phố, phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp thành phố và phù hợp với xu thế hội nhập WTO, đó là:

  • Xu hướng chuyển dần từ sản xuất sang dịch vụ nông nghiệp: một số doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ với khởi đầu tập trung vào sản xuất, sau đó đã chuyển sang lĩnh vực dịch vụ là chính, điển hình như cơ sở Lan chi Nấm của ông Lê văn Sử ở xã Nhơn Đức - Nhà Bè, cơ sở lan Mokara Gia Huy của ông Trần Văn Bạch ở Bình Chánh, làng nghề cá sấu Sàigòn ở quận 12….
  • Xu hướng hợp tác, liên kết tổ chức sản xuất kinh doanh và thành lập hiệp hội chuyên ngành: để nâng cao năng lực cung ứng nông sản, hỗ trợ kỹ thuật và tiêu thụ nông sản. Thể hiện qua việc thành lập mới các hợp tác xã như: hợp tác xã rau an toàn Phước An, Thanh niên, Ba lúa Vàng; hợp tác xã bánh tráng Phú Hòa Đông; hợp tác xã thỏ làng ven; hội cá cảnh, hội sinh vật cảnh…
  • Xu hướng tự xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp hoặc cho sản phẩm của doanh nghiệp: một số doanh nghiệp đã chủ động xây dựng thương hiệu nhằm tạo định vị trong tâm trí người tiêu dùng và tăng khả năng cạnh tranh cho nông sản. Xu hướng này thể hiện qua một số doanh nghiệp như cơ sở lan Mokara Gia Huy, công ty cá sấu Hoa cà, cơ sở thỏ Thanh Tâm, hợp tác xã thỏ Làng ven…

     Nước ta đã chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO. Nếu chỉ nhìn thấy khó khăn trước mắt mà không thấy những lợi ích to lớn trong tương lai, ta sẽ dễ bị chao đảo tinh thần. Tuy nhiên, hãy nhìn vào trường hợp của Trung quốc trong những năm đầu mới gia nhập WTO với biết bao khó khăn và sự phát triển như hiện nay sau khi đã dần dần ổn định và gặt hái được các lợi ích từ hội nhập, ta sẽ thấy vững tin hơn. Hy vọng với 3 xu hướng phát triển như trên, cộng với chính sách đúng đắn của thành phố và  sự năng động, sáng tạo, biết vượt qua khó khăn của các doanh nghiệp, của nông dân thành phố, lợi ích từ sự hội nhập sẽ được thu hoạch trọn vẹn, mang lại cơm no, áo ấm cho người dân nông thôn và tạo bước phát triển nhảy vọt cho ngành nông nghiệp thành phố. 

(TMT)


Số lượt người xem: 3560    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm