SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
6
1
1
9
9
1
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 19 Tháng Tám 2011 9:15:00 SA

Kết quả thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành tháng 8 năm 2011, tình hình sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn tháng 8 và 08 tháng năm 2011

Trong tháng 8 năm 2011, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố tiếp tục tập trung đẩy mạnh tiến độ thực hiện các chương trình, đề án, dự án để chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015; triển khai chương trình hành động của Thành ủy và kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ IX, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI trong lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn và xây dựng nông thôn mới.


I.- Công tác chỉ đạo điều hành tập trung:

Trong tháng 8 năm 2011, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố tiếp tục tập trung đẩy mạnh tiến độ thực hiện các chương trình, đề án, dự án để chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015; triển khai chương trình hành động của Thành ủy và kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ IX, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI trong lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Một số nhiệm vụ cụ thể đã triển khai thực hiện trong tháng 8 năm 2011 như sau:

- Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 43-CTr/TU ngày 20 tháng 10 năm 2008 của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh và Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X. Tập trung xây dựng các mô hình nông thôn mới đúng tiến độ theo chủ trương của Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố (đặc biệt là xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) và chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới theo Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

- Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 02/2011/CT-UBND ngày 12/01/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về tập trung triển khai các giải pháp chủ yếu để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách thành phố năm 2011; Kế hoạch chỉ đạo, điều hành và Chương trình công tác năm 2011 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (ban hành kèm theo Quyết định số 18/QĐ-SNN-VP ngày 21/01/2011) thực hiện Quyết định số 03/2011/QĐ-UBND ngày 12/01/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Kế hoạch chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách thành phố năm 2011.

- Tiếp tục tập trung thực hiện Chỉ thị số 08/2011/CT-UBND ngày 02/3/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, ngân sách thành phố năm 2011.

- Chỉ đạo sản xuất Vụ Hè Thu và vụ Mùa năm 2011 theo tiến độ, đẩy mạnh triển khai chương trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với điều kiện sản xuất tại thành phố.

- Tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị số 07/2011/CT-UBND ngày 01/3/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp tục vận động, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; tăng cường theo dõi chặt chẽ tình hình chăn nuôi, kinh doanh, vận chuyển gia súc, gia cầm, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Tiếp tục tổ chức, thực hiện đúng tiến độ và hiệu quả các chương trình mục tiêu: chương trình và chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị; phát triển bò sữa, rau an toàn, hoa - cây kiểng, cá cảnh, cá sấu, chương trình giống cây, giống con chất lượng cao giai đoạn 2011 - 2015; chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, thực vật, thủy sản ...

- Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh phát triển ngành nghề và dịch vụ ở nông thôn, xây dựng và phát triển làng nghề ở nông thôn theo hướng mỗi làng một sản phẩm.

- Tiếp tục triển khai các chương trình khuyến nông chuyển giao khoa học kỹ thuật phục vụ chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, khuyến nông 3 giảm, chương trình khuyến nông xóa đói giảm nghèo.

- Tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị số 25/CT-BNN-TCLN ngày 06/01/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chỉ thị số 04/2011/CT-UBND ngày 10/02/2011 về tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng và cây phân tán năm 2011. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiểm tra, quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ lâm sản và động vật hoang dã.

- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản.

- Triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/2011/CT-UBND ngày 09/4/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2011 trên địa bàn thành phố và Kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 – 2015.

- Hoàn thành việc xây dựng các chương trình, đề án, dự án và trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt theo đúng tiến độ.

- Đoàn Thanh niên Sở phối hợp với Đoàn Chi cục Thú y, Đoàn Trường trung cấp kỹ thuật nông nghiệp và các đơn vị thuộc Sở tiếp tục triển khai kế hoạch hưởng ứng “Năm Thanh niên”, tập trung vào các hoạt động trong xây dựng nông thôn mới: trồng cây xanh, chuyển giao khoa học kỹ thuật, phổ biến cơ chế chính sách, hướng dẫn xử lý nước đảm bảo chất lượng và sức khỏe của người sử dụng.

II.- Tình hình sản xuất nông nghiệp:

1.- Giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp tháng 8 và 08 tháng năm 2011:

- Tốc độ tăng trưởng: Giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp trên địa bàn thành phố trong tháng 8 năm 2011 ước đạt 312,5 tỉ đồng, lũy kế 08 tháng năm 2011 ước đạt 1.994 tỉ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ 2010, trong đó:

+ Trồng trọt: giá trị sản xuất ước đạt 570 tỉ đồng, tăng 5,6% so cùng kỳ.

+ Chăn nuôi: giá trị sản xuất ước đạt 615 tỉ đồng, tăng 6,0% so cùng kỳ.

+ Dịch vụ nông nghiệp: đạt 150 tỉ đồng, tăng 9,5% so cùng kỳ.

+ Lâm nghiệp: giá trị sản xuất ước đạt 20 tỉ đồng, tăng 5,3% so cùng kỳ.

+ Thủy sản: giá trị sản xuất ước đạt 639 tỉ đồng, tăng 6,0% so cùng kỳ.

+ Dịch vụ thủy sản: đạt 20 tỉ đồng, tăng 11,1% so cùng kỳ.

2.- Trồng trọt:

2.1.- Rau: Diện tích gieo trồng đến nay ước đạt 10.653 ha, bằng 96,2% so cùng kỳ (trong đó rau an toàn là 9.588 ha, bằng 88,3% so cùng kỳ). Sản lượng ước đạt 219.811 tấn, tăng 6,9% so cùng kỳ.

2.2.- Hoa, cây kiểng: Tổng diện tích hoa, cây kiểng đến nay là 1.635 ha, tăng 4,1% so cùng kỳ (tập trung chủ yếu tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn và các quận 12, Thủ Đức); trong đó mai: 495 ha, xấp xỉ cùng kỳ; lan: 190 ha, tăng 5,6% so với cùng kỳ; kiểng, bonsai: 350 ha, xấp xỉ cùng kỳ; hoa nền: 600 ha, tăng 9,1% so với cùng kỳ.

          2.3.- Cỏ thức ăn gia súc: Tổng diện tích hiện có là 3.000 ha, tăng 7,1% so với cùng kỳ.

2.4.- Lúa: Diện tích gieo trồng lúa từ đầu năm đến nay là 12.649 ha, bằng 80,4% so với cùng kỳ. Sản lượng ước đạt 45.040 tấn, bằng 92,7% so cùng kỳ.

2.5.- Cây cao su: Tổng diện tích cao su hiện có là 3.500 ha, xấp xỉ cùng kỳ.

2.6.- Cây ăn trái: Tổng diện tích cây ăn trái đến nay ước 11.000 ha, tăng 7,8% so với cùng kỳ.

3. Chăn nuôi:

3.1. Gia súc:

- Bò sữa: Tổng đàn bò sữa là 81.065 con, tăng 4,1% so cùng kỳ; trong đó, cái vắt sữa 42.000 con, tăng 2% so cùng kỳ.

- Trâu: Tổng đàn 5.831 con, tăng 22,7% so cùng kỳ.

- Heo: Tổng đàn 316.565 con, giảm 1,3% cùng kỳ; trong đó, nái sinh sản là 45.980 con, giảm 3,9% so với cùng kỳ.

3.2. Chăn nuôi khác:

- Chim Yến: Sản lượng Yến trong tháng 8 năm 2011 đạt 50 kg, lũy kế 08 tháng đầu năm 2011 đạt 250 kg, tăng 7,8% so cùng kỳ.

- Cá sấu: Tổng đàn cá sấu trên địa bàn thành phố hiện nay khoảng 185.000 con, tăng 15,6% so cùng kỳ.

- Ba ba thương phẩm: Tổng đàn ba ba thương phẩm đến nay ước đạt 60.000 con, bằng 80% so cùng kỳ.

4. Về thủy sản:

- Tổng sản lượng thủy sản trong tháng 8 năm 2011 ước đạt 4.900 tấn, lũy kế 08 tháng đầu năm 2011 ước đạt 31.360 tấn, tăng 6% so với cùng kỳ, trong đó:

+ Sản lượng nuôi trồng: 15.360 tấn, tăng 6,2% so cùng kỳ.

+ Sản lượng đánh bắt: 16.000 tấn, tăng 5,7% so cùng kỳ.

+ Cá cảnh: 45 triệu con, tăng 12,5% so cùng kỳ. Số lượng cá cảnh xuất khẩu trong tháng 8/2011 là 406.257 con, lũy kế trong 08 tháng đầu năm 2011 đạt 5,441 triệu con, tăng 10,8% so cùng kỳ.

5.- Tình hình đầu tư xây dựng cơ bản chuyên ngành:

- Kế hoạch vốn đầu tư xây dựng năm 2011 (đợt 1) được Ủy ban nhân dân thành phố giao theo Quyết định số 405/QĐ-UBND ngày 25/01/2010 cho các chủ đầu tư trực thuộc Sở, gồm 08 dự án chuyển tiếp, 03 dự án vốn ODA, 02 dự án Quy hoạch, với kinh phí là 343.026 triệu đồng, riêng Công ty Công ty TNHH một thành viên QLKT-DVTL được ghi vốn 06 dự án chuyển tiếp với kinh phí 51.037 triệu đồng.

- Ngày 09/6/2011, Ủy ban nhân dân thành phố đã có Quyết định số 2954/QĐ-UBND về đình hoãn và giảm tiến độ đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách thành phố; trong đó kế hoạch vốn đối với dự án Dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và Phát triển khí sinh học (QSEAP-BPD) giảm 2,1 tỷ đồng và dự án Xây dựng nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi An Phú - Phú Mỹ Hưng, Củ Chi giảm 2 tỷ đồng.

Như vậy, tổng kế hoạch vốn năm 2011 (đợt 1) là 389.963 triệu đồng. Theo báo cáo của các chủ đầu tư, tính đến ngày 10/8/2011, kết quả thực hiện kế hoạch vốn đầu tư năm 2011 như sau:

- Giá trị khối lượng giải ngân: 122.386/ 389.963 triệu đồng, đạt 31,38% KH. Trong đó:

+ Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình thuộc Sở: 77.791/ 303.300 triệu đồng, đạt 25,65% KH.

+ Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn: 9.200/ 15.000 triệu đồng, đạt 61,33% KH.

+ Công ty TNHH một thành viên Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi: 28.669/ 49.037 triệu đồng, đạt 58,46% KH.

+ Trung tâm Quản lý và Kiểm định giống cây trồng, vật nuôi: 6.576/ 20.000 triệu đồng, đạt 32,88% KH.

- Ngày 28 tháng 02 năm 2011, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có Văn bản số 233/SNN-QLĐT trình Thường trực UBND thành phố bổ sung kế hoạch vốn đầu tư xây dựng năm 2011; đồng thời, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và Chỉ thị 08/2011/CT-UBND ngày 02/3/2011 của UBND thành phố về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế -xã hội, ngân sách thành phố năm 2011, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có Văn bản số 390/SNN-QLĐT ngày 25/3/2011 về báo cáo kết quả thực hiện năm 2011 và kiến nghị điều chỉnh kế hoạch đầu tư nguồn vốn nhà nước năm 2011. Kết quả, UBND thành phố đã chấp thuận chủ trương bổ sung kế hoạch vốn đầu tư xây dựng năm 2011 (đợt 2) cho Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn và Trung tâm Công nghệ Sinh học.

III.- Kết quả công tác một số lĩnh vực chuyên ngành:

          1.- Về lĩnh vực chăn nuôi, thú y:

- Tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị số 365/CT-TTg ngày 14/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; Chỉ thị 07/2011/CT-UBND ngày 01/3/2010 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố. Chi cục Thú y đã tăng cường rà soát, quản lý chặt chẽ tình hình nhập xuất đàn gia súc; tăng cường công tác tiêm phòng và công tác chống giết mổ trái phép; thực hiện tốt công tác kiểm tra dịch tễ định kỳ các cơ sở chăn nuôi tập trung, khu vực tập trung các hộ chăn nuôi nhập cư; tăng cường hoạt động hệ thống giám sát dịch bệnh đến từng hộ, cơ sở chăn nuôi, đảm bảo các trường hợp dịch bệnh được phát hiện nhanh và xử lý kịp thời. Chi cục Thú y tiếp tục phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành.

- Trong tháng 8/2011, Chi cục Thú y đã phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông Rạch Chiếc và Đội Cảnh sát giao thông Bình Triệu kiểm tra, phát hiện 13 trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch, đi qua Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức trên các phương tiện xe khách, có nguồn gốc từ các tỉnh miền Trung; tang vật gồm: 1.422 kg da mỡ heo, 236,5 kg thịt heo sữa (còn phủ tạng), 10.800 quả trứng vịt, 15 con heo thịt, 04 con dê, 10.700 con gà vịt con và 5.000 kg mỡ bò; toàn bộ các lô hàng trên đã bị xử lý tiêu hủy. Tổ chức rà soát tăng cường công tác kiểm dịch nguồn tôm giống từ các tỉnh nhập về các trại thuần dưỡng; tăng cường công tác kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm giám sát bệnh trên tôm và nghêu nuôi tại huyện Cần Giờ. Tiến hành khảo sát và xử lý triệt để các hộ nuôi tôm, nghêu nhiễm bệnh.

- Thực hiện Thông tư số 60/2010/TT-BNNPTNT ngày 25/10/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ lợn và Quyết định số 313/QĐ-UBND ngày 20/01/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc phê duyệt Phương án “Quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 – 2015”; Chi cục Thú y đã tiến hành kiểm tra, đánh giá tại 23 cơ sở giết mổ gia súc trên địa bàn thành phố; nhìn chung, phần lớn các cơ sở giết mổ đều có ý thức chấp hành và khẩn trương chẩn chỉnh điều kiện vệ sinh thú y.

- Triển khai các nhiệm vụ chuyên môn tại 6 xã xây dựng thí điểm nông thôn mới và 22 xã mở rộng nhằm đảm bảo an toàn dịch tễ cho đàn gia súc để người chăn nuôi an tâm đầu tư phát triển chăn nuôi; xây dựng và nhân rộng các mô hình chăn nuôi có hiệu quả, an toàn dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường, cụ thể: Triển khai thực hiện tiêm phòng miễn phí vaccine Lở mồm long móng và Tụ huyết trùng cho đàn trâu bò, trợ giá 50% tiêm phòng vaccine Lở mồm long móng và Dịch tả heo cho các hộ chăn nuôi; duy trì và nhân rộng các mô hình điểm chăn nuôi bò sữa có hiệu quả kinh tế và đảm bảo vệ sinh môi trường, các cơ sở chăn nuôi đã được Cục Thú y công nhận an toàn dịch bệnh Lở mồm long móng và Dịch tả heo; triển khai đăng ký xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh năm 2011 với 5 cơ sở chăn nuôi đăng ký mới và gia hạn 10 cơ sở chăn nuôi đăng ký gia hạn. Tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng xã Tân Thông Hội được Cục Thú y công nhận cơ sở an toàn bệnh Dại trong năm 2011. Dự kiến năm 2011 xây dựng mới 04 mô hình điểm chăn nuôi bò sữa. Thực hiện lấy mẫu kiểm tra việc sử dụng các chất kích thích tố tăng trọng bị cấm sử dụng trong chăn nuôi; kiểm tra lấy mẫu xét nghiệm đánh giá điều kiện vệ sinh tại các chợ, cơ sở chế biến trên địa bàn các xã điểm để làm cơ sở chấn chỉnh, nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; tập huấn và hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi gia súc được công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh áp dụng mô hình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP).

2.- Về lĩnh vực bảo vệ thực vật:

- Tập trung thực hiện tốt công tác kiểm tra theo dõi tiến độ sản xuất, sinh trưởng cây lúa và rau; điều tra phát hiện, dự tính dự báo tình hình sinh vật hại cây trồng vụ Hè Thu 2011; khoanh vùng những khu vực đã xuất hiện bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá những năm trước và theo dõi sát diễn biến của bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá hại lúa trên đồng ruộng; theo dõi bẫy đèn và khảo sát quần thể rầy vào đèn hàng ngày để xác định thời điểm gieo sạ né rầy và dự báo khả năng phát triển của rầy nâu, rầy xanh đuôi đen,... Hàng tuần, qua các phương tiện thông tin đại chúng, Chi cục Bảo vệ thực vật đã thông tin và hướng dẫn cho bà con nông dân các biện pháp phòng trị sinh vật hại cây trồng kịp thời, hiệu quả.

- Trong tháng 8, sinh vật hại trên lúa chủ yếu là sâu cuốn lá, bọ xít hôi, bọ trĩ, bệnh đạo ôn, bệnh đốm vằn, ốc bươu vàng, chuột ...; sinh vật hại trên rau chủ yếu là sâu xanh, sâu ăn tạp, rầy xám, rầy xanh, bệnh gỉ trắng, thối nhũn …

- Hoàn thành công tác điều tra, đánh giá mức độ lây lan của sâu hại và định danh các loài sâu ăn lá Đước tại rừng phòng hộ huyện Cần Giờ.

- Trong tháng 8/2011, Chi cục Bảo vệ thực vật đã tổ chức tái kiểm tra kho nông sản năm 2011 (đợt 1), gồm 15 doanh nghiệpkhu vực nội thành, 02 doanh nghiệp ở quận Thủ Đức, 08 doanh nghiệp ở huyện Hóc Môn và quận 12; thực hiện thanh, kiểm tra 01 đợt với 21 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, kết quả có 02 cơ sở vi phạm về giấy chứng chỉ hành nghề đã hết hạn.

- Về công tác giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật: Tổng số mẫu rau quả kiểm tra dư lượng thuốc BVTV trong tháng 8/2011 bằng phương pháp phân tích nhanh: 748 mẫu (trong đó, vùng sản xuất 15 mẫu, 03 chợ Đầu mối kinh doanh nông sản 693 mẫu, các doanh nghiệp và nhà sơ chế 40 mẫu); kết quả có 743 mẫu âm tính và 05 mẫu dương tính (02 mẫu tại vùng sản xuất, 03 mẫu tại chợ đầu mối). Lấy 05 mẫu dương tính phân tích định lượng, kết quả: 03 mẫu không phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu, 01 mẫu có dư lượng thuốc BVTV dưới ngưỡng cho phép và 01 mẫu chưa có kết quả.

- Theo dõi, cập nhật tình hình ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật do ăn rau trên địa bàn thành phố để có giải pháp khắc phục ngay tại nơi sản xuất. Trong tháng 8/2011, có 533 hộ nông dân ký bản cam kết thực hiện đúng các quy định về sử dụng thuốc BVTV. Như vậy, tính đến ngày 04/8/2011, có tổng số 3.241 hộ nông dân trồng rau đã ký Bản cam kết.

- Tiếp tục vận hành và bảo trì hệ thống thu gom và xử lý bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng ngoài đồng ruộng tại 6 xã nông thôn mới.

  - Tổ chức phát thanh lưu động tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm tại địa bàn các huyện; phổ biến thông điệp về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm do Cục An toàn thực phẩm cho các Đài phát thanh quận - huyện.

3.- Về lĩnh vực lâm nghiệp - kiểm lâm:

- Tiếp tục công tác quản lý xây dựng, phục hồi, sử dụng và phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất với tổng diện tích rừng, đất lâm nghiệp và cây lâm nghiệp phân tán trên địa bàn thành phố hiện nay là 41.634,04 ha, trong đó có 36.339,19 ha đất quy hoạch 3 loại rừng theo Quyết định số 3122/QĐ-UBND ngày 15/7/2010 của UBND thành phố. Thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã, phòng cháy, chữa cháy rừng, không để xảy ra vụ việc vi phạm nghiêm trọng đến rừng.

- Chi cục Lâm nghiệp đã triển khai thực hiện:

+ Về kế hoạch sản xuất 250.000 cây giống các loại phục vụ nhu cầu trồng cây phân tán của các đơn vị trên địa bàn thành phố năm 2011: đến nay đã nghiệm thu đầy đủ, trong đó đã xuất 209.000 cho các đơn vị nhận cây về trồng.

+ Thực hiện trồng cây sưu tập tại Vườn thực vật Củ Chi: trong năm 2010 đã trồng 5.484 cây; từ đầu năm 2011 đến nay đã trồng tiếp 2.613 cây.

+ Trồng chăm sóc rừng Bình Chánh: đã trồng dặm 1.108 cây trên diện tích 91 ha tại ấp 6 và 7, xã Tân Tạo; trồng dặm 1.600 cây trên diện tích 171 ha tại ấp 3.

+ Tại Khu Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc: Đến nay đã trồng 6.037 cây cảnh quan trên diện tích 12,9 ha tại Đền tưởng niệm các Vua Hùng trong Khu Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc (kế hoạch trồng 6.313 cây). Bên cạnh đó, Chi cục Lâm nghiệp cũng đã phối hợp với Ban Quản lý Khu Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc trồng 100 cây Sưa do đồng chí Trương Tấn Sang tặng trồng tại Đền tưởng niệm các Vua Hùng.

+ Dự án Đầu tư xây dựng Trung tâm nghiên cứu rừng ngập mặn Cần Giờ: đang triển khai lập dự án, thiết kế cơ sở nhằm xây dựng dự án với mục đích nghiên cứu hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ trên diện tích 165,78 ha.

+ Về dự án trồng 500.000 cây ven rạch, sông, hiện đang tiếp tục triển khai sản xuất cây giống phục vụ trồng cây giai đoạn năm 2011. Đến nay, Chi cục Lâm nghiệp đã tạm ứng 32.234 cây giống cho các đơn vị, địa phương nhận trồng.

- Trong tháng 8/2011, Chi cục Kiểm lâm đã tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân về công tác bảo vệ phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và bảo vệ động vật hoang dã cho 1.032 lượt người (lũy kế từ đầu năm đến nay là 11.697 lượt người); tổ chức 74 lượt tuần tra bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã (lũy kế từ đầu năm đến nay là 676 lượt); phối hợp với chủ rừng thực hiện 20 lượt tuần tra bảo vệ rừng (lũy kế từ đầu năm đến nay là 189 lượt) và 38 lượt kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (lũy kế từ đầu năm đến nay là 492 lượt); phối hợp với các xã và lực lượng giáp ranh tổ chức 04 lượt tuần tra truy quét bảo vệ rừng (lũy kế từ đầu năm đến nay là 54 lượt); kiểm tra 145 lượt/ 73 cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản (lũy kế từ đầu năm đến nay là 1.041 lượt/ 414 cơ sở). Trong tháng đã tiến hành xử phạt 06 vụ vi phạm hành chính, thu nộp ngân sách nhà nước 75,450 triệu đồng (lũy kế từ đầu năm đến nay là 1.094,747 triệu đồng).

- Tiếp tục phối hợp với Tổ chức Wildlife At Risk để xây dựng và nghiên cứu phát triển hệ thống chuồng trại cứu hộ động vật hoang dã phù hợp với yêu cầu cứu hộ, đáp ứng việc tiếp nhận, nuôi dưỡng động vật hoang dã thông qua công tác xử lý vi phạm hành chính và các tổ chức, cá nhân khác chuyển giao. Đồng thời, tổ chức chuyển giao, thả động vật hoang dã về môi trường tự nhiên sau khi cứu hộ thành công. Tính đến ngày 10/8/2011, tại Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi, có 127 cá thể thuộc 28 loài đang được chăm sóc cứu hộ.

4.- Lĩnh vực Thủy sản – Bảo vệ nguồn lợi thủy sản:

- Tiếp tục phối hợp các sở - ngành, quận - huyện triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, gồm các nội dung: Quy hoạch vùng và công nhận cho các hộ nông dân nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy định; tiếp tục rà soát hỗ trợ bảo hiểm thuyền viên, đóng mới tàu thuyền, thay máy mới.

- Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 3477/QĐ-BNN-KTBVNL ngày 04/12/2009 về việc ban hành Quy chế chứng nhận thủy sản khai thác xuất khẩu vào thị trường Châu Âu; tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện các Quyết định của Bộ Nông nghiệp và PTNT: Quyết định số 117/2008/QĐ-BNN ngày 11/12/2008 về Quy chế kiểm tra và công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và Quyết định số 118/2008/QĐ-BNN ngày 11/12/2008 về Quy chế kiểm tra và công nhận chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hoá thủy sản. Triển khai Quyết định số 142/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên vùng biển xa.

- Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản phối hợp Cơ quan Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Nam bộ và Trung tâm vùng 4 tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình kiểm soát dư lượng chất độc hại tôm nuôi trên địa bàn huyện Cần Giờ, Nhà Bè và kiểm soát thu hoạch nhuyễn thể 2 mảnh vỏ tại huyện Cần Giờ. Về công tác thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản, trong tháng Chi cục đã tiến hành kiểm tra 06 cơ sở, trong đó có 03 cơ sở cửa hàng kinh doanh thức ăn thuốc thú y thủy sản, 03 trại sản xuất và thuần dưỡng tôm giống. Bên cạnh đó, Chi cục đã thực hiện các mặt công tác thường xuyên như: tuyên truyền, tập huấn và xây dựng văn bản pháp luật, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, quản lý chất lượng thủy sản, nuôi trồng thủy sản, kiểm tra chất lượng hàng hóa chuyên ngành thủy sản nhập khẩu và kiểm dịch thủy sản xuất khẩu.

5.- Về lĩnh vực thủy lợi và phòng chống lụt bão:

5.1.- Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão:

Tiếp tục theo dõi thời tiết, diễn biến về khí tượng thủy văn, thủy triều, cảnh báo kịp thời phục vụ sản xuất nông nghiệp, theo dõi về nhu cầu dùng nước, cấp nước từ hồ Dầu Tiếng, cụ thể như sau:

- Hồ Dầu Tiếng bảo đảm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng chống hạn, phòng cháy chữa cháy rừng và nhu cầu sinh hoạt của thành phố.

- Tình hình xâm nhập mặn vào sông rạch yếu hơn nên không ảnh hưởng đến chất lượng nước vùng xung quanh trung tâm của thành phố; chất lượng nước trên các sông rạch của thành phố được cải thiện tốt hơn so với tuần giữa tháng 7/2011.

- Tổng hợp công tác khảo sát đề xuất các công trình thủy lợi tại các xã thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới trên địa bàn các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ.

- Trình Ủy ban nhân dân thành phố về kinh phí xây dựng mốc chỉ giới công trình thủy lợi; đồng thời tiếp tục xây dựng mốc chỉ giới công trình thủy lợi năm 2011, đến nay đạt 520/540 mốc.

- Về tình hình thời tiết nguy hiểm: Trong tháng 8, trên biển Đông đã xuất hiện vùng áp thấp và 1 cơn bão (số 3), gây biển động mạnh. Để chủ động phòng, chống giảm thiểu tối đa các thiệt hại, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã ban hành văn bản số 197/PCLB ngày 25/7/2011, văn bản số 209/PCLB ngày 01/8/2011 về cảnh báo áp thấp nhiệt đới gần biển Đông và Công điện số 02/CĐ/PCLB ngày 28/7/2011. Đồng thời, phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố và Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ tiến hành kiểm tra, nắm toàn bộ tàu thuyền, thường xuyên thông tin, liên lạc với tàu thuyền đang hoạt động trên biển, đặc biệt là các tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Thường xuyên thông báo cho các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của bão để chủ động phòng, tránh và thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm và báo cáo nhanh cho Ủy ban nhân dân thành phố về công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền.

- Về tiến độ thực hiện các công trình:

+ Đối với 135 công trình đê bao phòng, chống triều cường, đê bao kết hợp giao thông nông thôn, chống sạt lỡ bờ sông, tiêu thoát nước năm 2008 (theo Công văn số 4358/UBND-CNN ngày 10/7/2008 của UBND thành phố), đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 130/135 công trình (đạt 96,29%), đang thi công 04 công trình và đang chuẩn bị thi công 01 công trình.

+ Đối với 125 công trình đê bao phòng, chống triều cường, đê bao kết hợp giao thông nông thôn, chống sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước năm 2009 (theo Công văn số 3777/UBND-CNN ngày 29/7/2009 của UBND thành phố), đến nay các địa phương đã phê duyệt 124/125 hồ sơ (đạt 99,2%); trong đó, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 116/125 công trình (đạt 92,8%), đang thi công 07 công trình, chuẩn bị thi công 01 công trình và đang thẩm định hồ sơ 01 công trình.

+ Đối với 59 công trình bờ bao phòng, chống triều cường kết hợp giao thông nông thôn, chống sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước năm 2011 (Công văn số 1082/ UBND-CNN ngày 14/3/2011 của UBND thành phố): Đến nay đã phê duyệt 13/59 hồ sơ, đạt 22,03%, trong đó, hoàn thành và đưa vào sử dụng 07/59 công trình (đạt 11,86%), đang thi công 04/59 công trình (đạt 6,77%), đang chuẩn bị thi công 02/59 công trình, còn lại 46 công trình đang tiến hành lập và thẩm định hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật.

- Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu ngành nông nghiệp nông thôn thành phố. Tổng hợp các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án trong ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi Ban chỉ đạo thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố phục vụ chương trình “Thành phố Hồ Chí Minh phát triển hướng về biển Đông”.

- Thực hiện công tác quản lý, bảo vệ chất lượng nguồn nước hệ thống công trình thủy lợi. Hoàn thành đợt 1 kiểm tra việc thực hiện các quy định trong giấy phép xả nước thải của các đơn vị sản xuất đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy phép xả nước thải vào hệ thống thủy lợi Hóc Môn - Bắc Bình Chánh.

5.2.- Công ty TNHH một thành viên Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi:

- Diện tích phục vụ: 44.300 ha, trong đó diện tích tưới: 17.300 ha, diện tích tiêu, ngăn mặn, xổ phèn, trữ nước phòng chống cháy rừng: 27.000 ha. Công ty đã tổ chức điều tiết hợp lý, tiết kiệm nguồn nước tưới; đồng thời thực hiện tốt công tác tu sửa, nạo vét hệ thống kênh mương nên đảm bảo tưới tiêu chủ động hết diện tích, phục vụ thắng lợi sản xuất nông nghiệp trên khu tưới hệ thống Kênh Đông Củ Chi; đồng thời, vận hành công trình đảm bảo phục vụ tưới, ngăn mặn, xổ phèn, ngăn và tiêu thoát nước ô nhiễm, tích nước phòng chống cháy rừng trên địa bàn Hóc Môn – Bắc Bình Chánh.

- Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn và đề xuất xử lý kịp thời các vi phạm công trình và xả thải gây ô nhiễm nguồn nước, đảm bảo chất lượng và khối lượng nước phục vụ đa mục tiêu. Trong 8 tháng năm 2011 đã phát hiện và phối hợp với địa phương lập biên bản 98 trường hợp vi phạm công trình.

- Về công tác duy tu sửa chữa công trình, từ đầu năm đến nay Công ty đã thực hiện: đất đào đắp: 1.500 m3, bê tông các loại: 70 m3, thép các loại 3.800 kg, phát hoang, rong cỏ 95 tuyến kênh: 390.000 m3, sửa chữa, bảo dưỡng cửa van: 50 bộ. Ngoài ra, còn huy động được hơn 20.000 ngày công của nhân dân tham gia quản lý, sửa chữa, nạo vét rong cỏ trên hệ thống kênh nội đồng.

6.- Lĩnh vực phát triển nông thôn:

          - Về kinh tế hợp tác: Chi cục Phát triển nông thôn đã tham gia đoàn công tác Ban chỉ đạo Kinh tế tập thể thành phố khảo sát về thực trạng và hoạt động của các Tổ hợp tác và Hợp tác xã trên địa bàn huyện Bình Chánh; tiếp tục theo dõi, hỗ trợ thành lập, củng cố phát triển kinh tế tập thể, cụ thể: Tiếp tục hỗ trợ tư vấn thành lập Hợp tác xã hoa lan tại xã Hòa Phú và Tổ hợp tác Lan Việt tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi; tham dự Hội nghị thành lập Hợp tác xã Thuận Yến tại xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ. Tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể tại 6 xã thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới giai đoạn 2009 – 2012; theo dõi, hỗ trợ tư vấn thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã tại 22 xã thực hiện xây dựng nông thôn mới trong năm 2011.

- Về xây dựng, thực hiện chính sách: Tiếp tục theo dõi, cập nhật báo cáo số liệu và hướng dẫn các quận, huyện điều chỉnh những nội dung vay vốn theo Quyết định 105/2006/QĐ-UBND; chuẩn bị nội dung để thực hiện tổng kết 5 năm tình hình thực hiện Quyết định 105. Tiếp tục hoàn thiện các sửa đổi dự thảo hướng dẫn thực hiện chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015, liên tịch giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Sở Tài chính – Sở Kế hoạch và Đầu tư – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh. Tổ chức tập huấn Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10/6/2011 của UBND thành phố về chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015.

- Về kết quả thực hiện Đề án xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới:

          + Đối với xã Tân Thông Hội (xã thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới do Trung ương chọn): Phối hợp với các đơn vị, sở ngành, Ban chỉ đạo huyện Củ Chi, Ban quản lý xã Tân Thông Hội tổ chức họp thống nhất phương án lộ trình thực hiện 4 tiêu chí còn lại (TC 5: Trường học; TC 6: Cơ sở vật chất văn hóa; TC 7: Chợ; TC 10: Thu nhập), hoàn thành vào cuối tháng 10 năm 2011. Bên cạnh đó, đã hoàn thành công tác tổng hợp số lượng và ngành nghề đào tạo cho lao động nông thôn của xã.

+ Đối với 05 xã điểm xây dựng nông thôn mới còn lại (do Thành phố chọn): Tiếp tục theo dõi và tiến hành triển khai thực hiện Đề án xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới tại 5 xã trong năm 2011. Tổng hợp số liệu, báo cáo về nhu cầu đào tạo nghề trên địa bàn 6 xã xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới trong năm 2011 và nhu cầu năm 2012.

+ Đối với 22 xã nhân rộng trong năm 2011: Tiếp tục hoàn thiện Đề án xây dựng nông thôn mới tại 22; hoàn thành công tác rà soát, khảo sát các công trình thủy lợi để tổng hợp danh sách đầu tư xây dựng công trình tại 22 xã.

- Về diêm nghiệp và ngành nghề nông thôn:

+ Tiếp tục triển khai kế hoạch đào tạo nghề, hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn 06 xã xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới. Triển khai tập huấn tuyên truyền về quy trình thực hiện thủ tục công nhận làng nghề, công nhận làng nghề truyền thống, công nhận nghề truyền thống tại các huyện Bình Chánh, Củ Chi và Hóc Môn.

          + Tiếp tục hỗ trợ Hợp tác xã muối Tiến Thành trong việc thực hiện phương án thu mua muối trên địa bàn huyện Cần Giờ, đồng thời hỗ trợ HTX xây dựng dự án nâng cao năng lực phát triển HTX.

7.- Về hoạt động khuyến nông:

- Trong tháng 8/2011, Trung tâm Khuyến nông đã triển khai 26 lớp tập huấn theo quy trình (lũy kế từ đầu năm đến nay là 112 lớp tập huấn với gần 3.000 lượt nông dân tham dự); 07 lớp huấn luyện nghiệp vụ và chương trình khuyến nông 3 giảm (lũy kế từ đầu năm đến nay là 15 lớp huấn luyện cho 450 nông dân các quận huyện); 03 cuộc hội thảo chuyên đề (lũy kế từ đầu năm đến nay đã tổ chức 12 cuộc hội thảo chuyên đề phù hợp với nhu cầu của địa phương); tổ chức 08 chuyến tham quan cho nông dân các quận huyện thăm các mô hình sản xuất tiên tiến, hiệu quả (lũy kế từ đầu năm đến nay đã tổ chức 36 chuyến tham quan); xây dựng 18 mô hình trình diễn (lũy kế trong 8 tháng năm 2011, Trung tâm đã xây dựng đề cương và triển khai tổng số 102 mô hình các loại, trong đó có 47 mô hình trồng trọt, 29 mô hình chăn nuôi, 13 mô hình thủy sản, 08 mô hình cơ giới hóa, 05 mô hình cá cảnh (riêng tại 06 xã xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới và 22 xã nhân rộng mô hình trong năm 2011 có 95 mô hình trình diễn).

- Tiếp tục duy trì chương trình phát thanh khuyến nông (02 chuyên đề/tuần), bản tin thị trường, tập san, trang web, mô hình cà phê khuyến nông và hoàn thành việc xây dựng chương trình phát triển hoa cây kiểng, đề án phát triển cơ giới hóa ngành chăn nuôi bò sữa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 2015,…

8.- Về hoạt động cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn:

- Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn hiện đang quản lý khai thác 121 trạm cấp nước tập trung, phục vụ nước sinh hoạt cho 290.610 nhân khẩu của 51.528 hộ dân ngoại thành. Trong 08 tháng đầu năm 2011 đã lắp đặt thêm 2.145 đồng hồ nước cho các hộ sử dụng.

- Tiếp tục thi công nâng cấp mở rộng các Trạm cấp nước Tân Nhựt 1, Tân Tạo 2, Cụm giếng 18 xã Phong Phú; cải tạo hệ thống ống cấp nước thuộc Trạm cấp nước Hóc Môn. Đang lập báo cáo nâng cấp mở rộng các Trạm cấp nước Tân Nhựt 3 và Bình Hưng Hòa B1 và trình phê duyệt nâng cấp mở rộng Trạm cấp nước Bình Chánh 1.

- Phối hợp Dự án QSEAP tổ chức hoàn thành 21 lớp tuyên truyền khí sinh học cho người dân tại 5 huyện ngoại thành. Hoàn thành 05 lớp Phát triển cộng đồng. Phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Hóc Môn tổ chức triển khai 10 lớp vận hành và bảo dưỡng hầm biogas.

        - Hoàn thành tập huấn điều tra viên Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tại 5 huyện ngoại thành. Đang triển khai thu thập thông tin cấp xã.

9.- Hoạt động Công nghệ Sinh học:

- Tiếp tục thực hiện các công tác trọng tâm: tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực công nghệ sinh học của thành phố giai đoạn 2008 - 2012 (theo Văn bản số 797/UBND-CNN ngày 04/02/2008 của UBND thành phố); công tác đầu tư và thực hiện Dự án xây dựng Trung tâm Công nghệ Sinh học thành phố; triển khai Chương trình ứng dụng và phát triển Công nghệ Sinh học phục vụ Nông nghiệp - Nông thôn tại TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025 và những đề tài nghiên cứu khác có tính chất ứng dụng trước mắt và lâu dài, định hướng theo 5 lĩnh vực gồm: CNSH Thực vật, CNSH Thủy sản, CNSH Y dược, CNSH Động vật, Công nghệ Vi sinh - Thực phẩm. Tiếp tục theo dõi các mô hình đã triển khai và chuẩn bị xây dựng một số mô hình mới tại 06 xã thí điểm xây dựng nông thôn mới.

- Về lĩnh vực công nghệ sinh học thực vật: Tập trung nhân nhanh giống Dendrobium, Phalaenopsis, Renanthera; đến nay đã nhân giống được 41.165 cây lan cấy mô và cung cấp cho các nhà vườn 29.269 cây con các loại.

- Về lĩnh vực công nghệ sinh học thủy sản: Tiếp tục triển khai các nghiệp vụ: “Nghiên cứu tạo kit ELISA phát hiện các loại virus gây bệnh chính trên tôm nuôi: Đốm trắng (WSSV), Taura (TSV)”, “Nghiên cứu tạo kit RT-PCR và RT-LAMP phát hiện nhanh các virus gây bệnh Đỏ đuôi (Taura Syndrome Disease) và bệnh Đầu vàng (Yellow Head Disease) trên tôm”, Nghiên cứu thử nghiệm quy trình phân lập, nuôi và nhân sinh khối một số loài vi tảo thuộc nhóm tảo khuê phục vụ cho nuôi trồng thủy sản tại TP.HCMvà một số nghiệp vụ khác.

- Về lĩnh vực công nghệ sinh học y dược: “Nghiên cứu Kit PCR và realtime PCR chẩn đoán các vi khuẩn gây hại trên người trong thực phẩm”, “Phát triển kỹ thuật tạo phôi và cấy phôi cho bò sữa” và một số nghiệp vụ khác.

- Về lĩnh vực công nghệ sinh học vi sinh - thực phẩm: Phân lập và tuyển chọn một số chủng lactobacillus để sản xuất probiotic bổ sung vào thức ăn chăn nuôi; nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất một số chế phẩm vi sinh phục vụ sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh.

10.- Về hoạt động tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp:

          - Tiếp tục thực hiện chương trình “Mỗi nhà nông một website”, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp đã bàn giao website cho 02 đơn vị, nâng tổng số website đã thiết kế và bàn giao cho các đơn vị từ khi bắt đầu thực hiện chương trình đến nay là 40 website. Hiện nay Trung tâm đang tiếp tục kiểm tra, cập nhật cơ sở dữ liệu của các website đã hoàn thiện.

- Hoàn tất thiết kế logo và bao bì cho 04 đơn vị là Cơ sở giống Chánh Phong, Cơ sở hoa kiểng Lan Việt, Cơ sở nấm Đực Tư, Cơ sở hoa lan Út Hài; lũy kế từ đầu chương trình đến nay là 25 đơn vị.

          - Về hoạt động xúc tiến thương mại, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp đã phối hợp thực hiện phát sóng Chương trình Nông dân hội nhập với các chủ đề “Hội nghị phát động thi đua và triển khai chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố”, “Nông dân thành phố tham gia chương trình bình ổn giá”, “Phổ biến Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10/6/2011 của UBND thành phố về việc ban hành Quy định về Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015” và “Phát triển, kiểm soát và bảo tồn động vật hoang dã trên địa bàn thành phố”.

Về kết quả chứng nhận VietGAP: Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp đã tổ chức chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP cho 26 hộ sản xuất rau với tổng diện tích là 17,54 ha; sản lượng dự kiến 2.398 tấn/năm (trong đó có 20 hộ được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ, hướng dẫn với diện tích 7,9 ha, sản lượng dự kiến 625 tấn/năm). Lũy kế từ năm 2009 đến nay, Trung tâm đã tổ chức chứng nhận cho 82 tổ chức, cá nhân (là xã viên của 3 Hợp tác xã Nhuận Đức, Ngã 3 Giòng, Thỏ Việt; 04 công ty và một số hộ sản xuất cá thể), với tổng diện tích là 56,6203 ha (ước tính tương đương 286,77 ha diện tích gieo trồng); tổng sản lượng thu hoạch rau, củ, quả các hộ sản xuất theo quy trình VietGAP ước đạt 7.411 tấn/năm.

11.- Công tác quản lý và kiểm định giống cây trồng, vật nuôi:

- Trong tháng 8/2011, Trung tâm Quản lý và Kiểm định giống cây trồng, vật nuôi đã bình tuyển, lập lý lịch cho 390 con bò sữa; lũy kế từ đầu năm đến nay đã thực hiện 3.970 con, đạt 69% kế hoạch năm và tăng 28,75% so với cùng kỳ năm 2011. Nhìn chung, đàn bò sữa được bình tuyển phần lớn là bò có phẩm giống từ ≥ F3, trọng lượng bò tơ trong độ tuổi bình tuyển tăng khoảng 12% so với những năm trước đây, với hơn 80% đàn bò sữa đạt chuẩn đặc cấp theo tiêu chuẩn 10 TCN 533-2002 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

- Về kết quả đánh giá tiến bộ di truyền giống heo theo phương pháp BLUP, đến nay Trung tâm đã tổ chức thu thập 03 đợt (gồm 3.970 con) số liệu đàn heo tại các xí nghiệp chăn nuôi heo quốc doanh; đã xử lý đánh giá di truyền các tính trạng của đàn heo giống 03 đợt và chuyển giao kết quả cho các trại. Hiện đang tiến hành thu thập đợt IV số liệu đàn heo tại các xí nghiệp chăn nuôi heo quốc doanh và mở rộng đối tượng thu thập số liệu ở các trại chăn nuôi heo ngoài quốc doanh.

- Tiếp tục chăm sóc duy trì vườn sưu tập cây ăn trái, hoa kiểng; theo dõi thử nghiệm tính thích nghi của một số giống rau mới trồng trong điều kiện nhà lưới và ngoài đồng tại Nhị Xuân. Về thử nghiệm tính thích nghi của một số giống hoa mới: đã thực hiện 4 giống hoa Đồng Tiền chậu với diện tích 250 m2, 11 giống hoa Lan với diện tích 400 m2; lũy kế từ đầu năm đến nay đã xác định 03 giống hoa Đồng Tiền cắt cành thích nghi trồng tại thành phố, cho sản phẩm hoa đẹp, phù hợp với thị trường thành phố Hồ Chí Minh. Về sưu tập các giống hoa kiểng: đến nay đã sưu tập được 5 giống hoa Sứ cánh kép.

- Tiếp tục hỗ trợ Trung đoàn Gia Định sản xuất giống cây phục vụ cho sản xuất rau trồng trong nhà lưới dưới 2 hình thức: gieo khay và gieo sạ. Đã cấy xong cây con gieo đợt 1, đang tiến hành gieo đợt 2. Nhìn chung, cây phát triển tốt, lá xanh mượt, tỷ lệ cây đồng đều cao, ít sâu bệnh.

- Về Dự án xây dựng trại trình diễn và thực nghiệm bò sữa Israel: Đã tổ chức đấu thầu các gói thầu san lấp, xây lắp và Khu chuồng trại. Đồng thời, Trung tâm cũng đã thực hiện chọn lựa nhà thầu cho các gói thi công đường giao thông, hệ thống điện. Đến nay, đơn vị thi công san lấp đã thực hiện xong phần diện tích xây dựng 3,8 ha, đang tiến hành san lấp khu trồng cỏ.

12.- Công tác đào tạo: Thực hiện Quyết định số 5602/QĐ-UBND và Quyết định số 5604/QĐ-UBND ngày 08/12/2010 của Ủy ban nhân dân thành phố về đào tạo nghề tại 6 xã nông thôn mới năm 2011 – 2012, Trường Trung cấp kỹ thuật nông nghiệp đã triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại các xã: Khóa học “Chăn nuôi heo – bò” tại xã Xuân Thới Thượng, khóa học “Cơ điện nông thôn” tại xã Thái Mỹ, khóa học “Kỹ thuật trồng rau, hoa, cây cảnh và bảo vệ thực vật” tại xã Tân Nhựt và xã Nhơn Đức.

IV.- Một số nhận xét, đánh giá chung:

Nhìn chung trong 08 tháng đầu năm 2011, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai thực hiện tốt công tác chỉ đạo, điều hành và chương trình công tác của Sở. Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tiếp tục phát triển các loại cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với điều kiện sản xuất tại thành phố. Giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp trên địa bàn thành phố trong 08 tháng năm 2011 duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, tăng 6,1% so cùng kỳ 2010, trong đó trồng trọt tăng 5,6%, chăn nuôi tăng 6%, lâm nghiệp tăng 5,3%, thủy sản tăng 6%, dịch vụ nông nghiệp tăng 9,5%, dịch vụ thủy sản tăng 11,1%. Một số chỉ tiêu chủ yếu tăng khá như diện tích trồng cây ăn trái tăng 7,8%, diện tích trồng Lan tăng 5,6%, diện tích hoa nền tăng 9,1%, diện tích trồng cỏ thức ăn gia súc tăng 7,1%, đàn bò sữa tăng 4,1%, cá cảnh tăng 12,5%, số lượng cá cảnh xuất khẩu tăng 10,8%, đàn cá sấu tăng 15,6% so cùng kỳ.

Công tác phòng chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi đã được thực hiện tốt, công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng nông sản, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát chất lượng ngay từ khâu sản xuất tiếp tục được tăng cường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với người tiêu dùng. Các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh trong việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm các loại nông sản nhập vào thành phố. Tuy nhiên hiện nay, tình hình nhập heo sữa, da mỡ từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, thịt heo pha lóc từ Đồng Nai trên các phương tiện xe khách, không qua kiểm dịch có chiều hướng gia tăng; một số đối tượng tái phạm nhiều lần. Qua các vụ việc phát hiện thời gian vừa qua, tang vật vi phạm đã biến chất, điều kiện bảo quản không đảm bảo, do đó nếu không tập trung kiểm tra xử lý triệt để thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm sẽ rất cao. Vì vậy, các đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm các quận, huyện cần tăng cường công tác kiểm tra tại các cơ sở chế biến hoạt động mang tính chất mùa vụ, không có thương hiệu; các cơ sở chế biến mỡ nước; các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp nhằm cắt nguồn tiêu thụ các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Ban chỉ đạo phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá các quận, huyện được kiện toàn, thực hiện công tác phòng trừ rầy có hiệu quả; chú trọng tăng cường công tác kiểm tra sinh vật hại trên đồng ruộng không để dịch bệnh xảy ra gây thiệt hại cho nông dân; thường xuyên thanh tra việc mua bán và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên các vùng sản xuất rau và công tác kiểm tra, thanh tra vệ sinh an toàn thực phẩm các cơ sở chế biến, kinh doanh rau.

Công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng được thực hiện khá tốt, đặc biệt rất chú trọng công tác tuyên truyền. Trong 08 tháng năm 2011, tình hình rừng trên địa bàn thành phố ổn định, hoạt động bảo vệ rừng được duy trì thường xuyên; có sự phối hợp tốt giữa các lực lượng trên toàn địa bàn nên đạt hiệu quả cao trong quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và bảo vệ động vật hoang dã. Tổng số vụ vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng trong tháng 8 giảm so với tháng trước.

V.- Chương trình công tác tháng 9 năm 2011:

Trong tháng 9 năm 2011, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố tập trung chỉ đạo điều hành một số mặt công tác chính sau đây:

1.- Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 43-CTr/TU ngày 20 tháng 10 năm 2008 của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh và Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X. Tập trung tổ chức nhân rộng các mô hình sản xuất nhằm thực hiện tốt Đề án xây dựng nông thôn mới tại 06 xã thí điểm và hoàn thiện Đề án xây dựng nông thôn mới tại 22 xã mới. Phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức sơ kết công tác thí điểm đào tạo nghề theo Quyết định 5602/QĐ-UBND và triển khai kế hoạch thực hiện Quyết định 5604/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố tại 06 xã thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới.

2.- Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 02/2011/CT-UBND ngày 12/01/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về tập trung triển khai các giải pháp chủ yếu để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách thành phố năm 2011; Kế hoạch chỉ đạo, điều hành và Chương trình công tác năm 2011 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (ban hành kèm theo Quyết định số 18/QĐ-SNN-VP ngày 21/01/2011) thực hiện Quyết định số 03/2011/QĐ-UBND ngày 12/01/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Kế hoạch chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách thành phố năm 2011.

3.- Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/2011/CT-UBND ngày 09/4/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2011 trên địa bàn thành phố và Kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 – 2015.

4.- Chỉ đạo sản xuất Vụ Mùa năm 2011 theo tiến độ, nâng cao hiệu quả công tác vận động, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; tăng cường theo dõi chặt chẽ tình hình chăn nuôi, kinh doanh, vận chuyển gia súc, gia cầm, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.

5.- Tiếp tục tổ chức, thực hiện đúng tiến độ và hiệu quả các chương trình mục tiêu; tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân về chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị nhằm thực hiện tốt chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị của thành phố; phát triển bò sữa, rau an toàn, hoa - cây kiểng, cá cảnh, cá sấu, chương trình giống cây, giống con chất lượng cao giai đoạn 2011 - 2015; chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, thực vật, thủy sản ...

6.- Tiếp tục triển khai các chương trình khuyến nông chuyển giao khoa học kỹ thuật phục vụ chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, khuyến nông 3 giảm, chương trình khuyến nông xóa đói giảm nghèo. Tổ chức Hội nghị về ngành nghề nông thôn.

7.- Tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị số 25/CT-BNN-TCLN ngày 06/01/2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Chỉ thị số 04/2011/CT-UBND ngày 10/02/2011 về tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng và cây phân tán năm 2011. Triển khai thực hiện Thông báo số 448/TB-VP ngày 06/7/2011 của Văn phòng UBND thành phố về nội dung kết luận của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân thành phố Nguyễn Trung Tín trong buổi kiểm tra về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng tại huyện Bình Chánh và huyện Củ Chi. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiểm tra, quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ lâm sản và động vật hoang dã.

8.- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản.

9.- Hoàn thành việc xây dựng các chương trình, đề án, dự án và trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt theo đúng tiến độ.

10.- Đoàn Thanh niên Sở phối hợp với Đoàn Chi cục Thú y, Đoàn Trường trung cấp kỹ thuật nông nghiệp và các đơn vị thuộc Sở tiếp tục triển khai kế hoạch hưởng ứng “Năm Thanh niên”, tập trung vào các hoạt động trong xây dựng nông thôn mới: trồng cây xanh, chuyển giao khoa học kỹ thuật, phổ biến cơ chế chính sách, hướng dẫn xử lý nước đảm bảo chất lượng và sức khỏe của người sử dụng.


Số lượt người xem: 6914    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm