SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
6
0
7
3
0
1
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 10 Tháng Ba 2013 8:50:00 SA

Tình hình sản xuất và tiêu thụ hoa, cây kiểng phục vụ Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

Thực hiện Quyết định số 3330/QĐ-UBND ngày 04/7/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt Chương trình phát triển hoa, cây kiểng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011-2015, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các Sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các quận, huyện triển khai thực hiện. Đến cuối năm 2012, diện tích sản xuất hoa, cây kiểng đạt 2.010 ha, tăng 47 ha so với năm 2011, góp phần quan trọng trong sự phát triển của nền nông nghiệp thành phố. Riêng trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, sản xuất, kinh doanh hoa, cây kiểng đã có những đóng góp đáng kể vào giá trị sản xuất nông nghiệp thành phố.

 

          Qua kết quả điều tra, khảo sát tình hình sản xuất và tiêu thụ hoa, cây kiểng phục vụ Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 trên địa bàn thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo kết quả như sau:

 

 

I. TÌNH HÌNH SẢN XUẤT HOA, CÂY KIỂNG:

Diện tích sản xuất hoa, cây kiểng trên địa bàn thành phố năm 2012 đạt 2.010 ha; trong đó diện tích sản xuất hoa, cây kiểng phục vụ Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 2013 đạt 1.207 ha, tăng 2,9% so với cùng kỳ (1.172,95 ha). Diện tích tăng tập trung vào hoa nền, hoa lan, bon sai và cây kiểng. Riêng diện tích trồng mai không tăng.

          - Hoa nền: Diện tích sản xuất phục vụ Tết đạt 164 ha, tăng 8,9% so với cùng kỳ, Bình Chánh là huyện có diện tích trồng hoa nền nhiều nhất 65 ha (chiếm 39,6% diện tích hoa nền thành phố). Kế đến là Củ Chi với diện tích 40 ha (chiếm 24,4% diện tích hoa nền thành phố). Chủng loại rất đa dạng bao gồm Cúc, Vạn thọ, Sống đời, Huệ, Mồng gà, Mãn đình hồng...

          - Hoa lan: Diện tích đạt 200 ha, là chủng loại tăng khá trong dịp Tết, tăng 5,6% so với cùng kỳ, tập trung chủ yếu ở Củ Chi với diện tích 115 ha (chiếm 57,5% diện tích hoa lan thành phố). Chủng loại hoa lan sản xuất trong dịp Tết của thành phố chủ yếu là Dendrobium và Mokara; một ít Cattleya, Phalaenopsis, Oncidium, Vanda.

          - Bonsai, kiểng: Diện tích đạt 360 ha tăng 4,9% so với cùng kỳ, Củ Chi là huyện có diện tích trồng kiểng, bon sai nhiều nhất 220 ha (chiếm 61,1% diện tích bon sai, kiểng thành phố). Kế đến là quận 12 với diện tích 42,6 ha (chiếm 11,8% diện tích bonsai, kiểng thành phố). Bon sai, kiểng của thành phố rất đa dạng và phong phú về chủng loại, gồm: phong lá đỏ, mai chiếu thủy, mai ngọc nữ, cần thăng, vạn niên tùng…..Chủng loại cây kiểng gồm: kim quất, thiên tuế, cau các loại, kim phát tài, phước lộc thọ, trầu bà, nguyệt quế, sanh, si, hồng lộc, sứ Thái…

- Mai: Diện tích sản xuất phục vụ Tết đạt 483 ha, không tăng so với cùng kỳ, tập trung chủ yếu ở 02 quận: Thủ Đức 137 ha, chiếm 28,4%; quận 12: 136,1 ha, chiếm 28,2% diện tích mai của toàn thành phố.

 

II. TÌNH HÌNH TIÊU THỤ VÀ KINH DOANH:

Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, thị trường tiêu thụ hoa, cây kiểng của thành phố rất đa dạng, phong phú. Hoa, cây kiểng từ các tỉnh đưa về cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng của cư dân thành phố, ngược lại hoa, cây kiểng (chủ yếu là hoa lan, mai) của thành phố được đưa đi tiêu thụ tại một số tỉnh phía Bắc. Ngoài những chợ hoa Tết cấp thành phố được tổ chức tại các địa điểm như: Công viên 23/9, Công viên Gia Định, Công viên Lê Văn Tám; tại các quận, huyện cũng được Ủy ban nhân dân thành phố cho phép tổ chức chợ hoa Tết tại 65 điểm trên địa bàn 17 quận, huyện.

 

1. Giá cả:

Qua khảo sát 45 nhà vườn tại thành phố, giá hoa, cây kiểng tăng từ 10 - 20% nhất là hoa nền và hoa lan do nhu cầu tiêu thụ tăng.

 

a) Hoa mai:

Giá bán tăng khoảng 10% so với cùng kỳ tùy loại: Chậu nhỏ từ 500.000 - 1.400.000 đồng/chậu, chậu lớn giá từ vài triệu - vài chục triệu đồng/chậu; giá thuê giảm 20 - 30% so với cùng kỳ, nguyên nhân là do lượng khách thuê giảm.

 

b) Hoa lan:

Do nhu cầu tiêu thụ tăng, do vậy giá hoa lan tăng từ 7 - 20% so với cùng kỳ.

Lan Hồ điệp: (nhập từ nước ngoài) 250.000 - 270.000đ/chậu; năm 2012: 250.000đ/chậu.

          Lan Hồ điệp trồng tại Lâm Đồng: 180.000 - 250.000đ/chậu.

          Lan Mokara cắt cành: 14.000 - 25.000đ/cành, bình quân 17.000đ/cành; năm 2012: 12.000 - 25.000đ/cành, bình quân 15.000đ/cành.

          Mokara chậu: cây cao 0,8m, 2 phát hoa/cây, 2 cây/chậu: giá 700.000đ/chậu; năm 2012: 600.000đ/chậu.

          Lan Dendrobium: 60.000 - 80.000đ/chậu, năm 2012: 50.000 - 70.000đ/chậu.

          Lan Vanda: 400.000đ/chậu, năm 2012: 400.000đ/chậu.

          Địa lan: 700.000 - 3.000.000đ/chậu, năm 2012: 700.000 -  3.000.000đ/chậu.

 

c) Bonsai, cây kiểng:

Giá không tăng so với cùng kỳ, ngoài những loại mới nhập về có giá cao, các loại cây kiểng dùng để trang trí nội thất. Giá không tăng do nhu cầu tiêu thụ không tăng.

- Kiểng sứ Thái: 300.000đ/chậu; loại đẹp giá từ 1 triệu đồng/chậu trở lên, tùy loại hoa và hình dáng rễ...

- Hoa Phát lộc: 400.000đ/chậu.

- Mai chiếu thủy (bonsai): 500.000đ/chậu.

- Tắc kiểng: 2.000.000 - 3.000.000đ/chậu.

- Cây Vạn niên thanh: 65.000 - 80.000đ/chậu.

- Kiểng Phú quý:  70.000đ/chậu.

- Cây Tỷ phú: 180.000 - 300.000đ/chậu.

 

d) Hoa nền:

Các loại truyền thống dùng để phục vụ cho ngày tết như Cúc, Vạn thọ, Sống đời, Mồng gà, Hướng dương… Do nhu cầu tiêu thụ đối với hoa nền tăng cao nên giá tăng từ 15 - 60% so với cùng kỳ.

* Giá bán tại vườn (giao cho thương nhân):

- Vạn thọ Pháp: 80.000đ/cặp, năm 2012: 60.000đ/cặp, tăng 33,3% so với cùng kỳ.

- Vạn thọ Thái: 40.000đ/cặp, năm 2012: 35.000đ/cặp, tăng 14,2% so với cùng kỳ.

- Hướng dương: 110.000đ/cặp, năm 2012: 70.000đ/cặp, tăng 57,1% so với cùng kỳ.

- Cúc vàng: 90.000đ/cặp, năm 2012: 60.000đ/cặp, tăng 50% so với cùng kỳ.

- Sống đời: 70.000 - 90.000đ/cặp, không tăng so với cùng kỳ.

- Cúc đại đóa: 70.000 - 75.000đ/cặp, năm 2011: 50.000 - 55.000đ/cặp, tăng 40% so với cùng kỳ.

- Mồng gà: 70.000đ/cặp, năm 2012: 60.000đ/cặp, tăng 16% so với cùng kỳ.

Các loại hoa từ Đà Lạt nhập về giá như sau:

- Lyly: 300.000đ/bó/5 cành.

- Lyly chậu: 270.000đ/3 cây/chậu, năm 2012: 240.000đ/chậu/3 cây, tăng 12,5% so với cùng kỳ.

 

- Layơn: 120.000 - 180.000đ/chục, không tăng so với cùng kỳ.      

 

          - Tô liên: 70.000đ/cặp.

          Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, có các loại hoa mới từ các tỉnh đưa về: Lan dạ hương (Đà Lạt): 100.000đ/chậu; Cát tường: 35.000 - 50.000đ/ chậu

 

2. Giá trị sản xuất:

Lượng hoa kiểng sản xuất phục vụ Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 2013 khoảng 520 ngàn chậu bonsai, kiểng cổ, tăng 4,0% so với cùng kỳ; 2,65 triệu chậu lan, tăng 6,0% so với cùng kỳ; 3,9 triệu cành lan, tăng 8,3% so với cùng kỳ; 6,9 triệu chậu hoa nền, tăng 9,5% so với cùng kỳ và 1,4 triệu chậu mai, không tăng so với cùng kỳ. Tổng giá trị sản lượng hoa, cây kiểng phục vụ Tết Quý Tỵ khoảng 1.321,8 tỷ đồng, tăng 1,1% so với cùng kỳ là 1.307 tỷ đồng.

- Mai vàng: ước 600 tỷ đồng, chiếm 45,39% tổng giá trị sản xuất hoa, cây kiểng Tết, tăng 13,1% so với cùng kỳ. Mai vàng là chủng loại chính đóng góp đáng kể vào giá trị sản xuất hoa, kiểng trong dịp Tết Nguyên đán.

- Bonsai và kiểng các loại: ước 244,19 tỷ đồng, chiếm 18,47% tổng giá trị sản xuất hoa, cây kiểng Tết, tăng 5,0% so với cùng kỳ.

- Hoa lan (chậu và cắt cành): ước 331,65 tỷ đồng, chiếm 25,09% tổng giá trị sản xuất hoa, cây kiểng Tết, tăng 12% so với cùng kỳ.

- Hoa nền (chậu): ước 148,96 tỷ đồng, chiếm 11,26% tổng giá trị sản xuất hoa kiểng Tết, tăng 12% so với cùng kỳ.

 

III. Kết quả tổ chức “Khu hoa, cây kiểng của nông dân thành phố Hồ Chí Minh” tham gia chợ hoa Tết Quý Tỵ 2013 tại công viên 23/9:

Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp đã phối hợp với Hội Nông dân thành phố tổ chức 156 gian hàng đại diện cho 730 nông dân của 09 quận, huyện trên địa bàn thành phố tham gia, tăng 6 gian hàng, 70 nông dân so với cùng kỳ. Các loại hoa, cây kiểng gồm những chủng loại sau: mai 132 gian hàng, tắc (05 gian hàng), lan (12 gian hàng), bonsai (03 gian hàng), kiểng lá, hoa nền (04 gian hàng).

Đính kèm số lượng gian hàng của nông dân ở các quận, huyện tham gia chợ hoa Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 tại công viên 23/9 tại phụ lục 2.

          Tổng trị giá hàng hóa tại khu hoa, cây kiểng của nông dân thành phố ước khoảng 87,5 tỷ đồng, giảm 3,0% so với cùng kỳ. Trong đó, mai ước đạt 66,24 tỷ đồng, giảm 4% so với năm 2012 do thời tiết không thuận lợi làm mai nở sớm trước Tết; tắc ước đạt 2 tỷ đồng, tăng 14,2% so với năm 2012; bonsai ước đạt 12.1 tỷ đồng, tăng 3,4% so với năm 2012; hoa lan ước đạt 5,7 tỷ đồng, tăng 32,5% so với năm 2012 và hoa các loại ước đạt 1,46 tỷ đồng, tăng 30,3% so với năm 2012.

 Nhìn chung, chợ hoa diễn ra đúng chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố là trưng bày và tiêu thụ sản phẩm hoa cây kiểng chủ yếu được sản xuất tại thành phố.

IV. Nhận xét:

- Chủng loại hoa, cây kiểng phục vụ Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 đa dạng và phong phú. Ngoài các loại hoa, cây kiểng được sản xuất tại thành phố, còn có nhiều loại hoa, cây kiểng từ các tỉnh nhập về như hoa mai từ các tỉnh miền Tây, miền Trung; hoa nền (hoa Cúc, Mào gà…) từ miền Tây, các loại hoa ôn đới (Ly, Hồng, Kiết tường…) từ Lâm Đồng. Ngoài ra có hoa lan nhập từ Đài Loan, Thái Lan; hoa Đỗ quyên, Trạng nguyên nhập từ Trung Quốc.

- Giá các loại hoa, cây kiểng tăng từ 10 - 20% so với cùng kỳ năm trước, riêng giá hoa nền và hoa lan tăng cao do nhu cầu tiêu thụ tăng ở thành phố và các tỉnh phía Bắc.

- Công tác khuyến nông chuyển giao kỹ thuật sản xuất đã được Trung tâm Khuyến nông phối hợp với các quận, huyện tổ chức triển khai có hiệu quả, đã hạn chế được thiệt hại cho người trồng hoa kiểng, nhất là đối với hoa mai.

- Ngoài những chợ hoa Tết cấp thành phố tại Công viên 23/9, Công viên Gia Định, Công viên Lê Văn Tám; tại các quận, huyện cũng được Ủy ban nhân dân thành phố cho phép tổ chức chợ hoa Tết tại 65 điểm trên địa bàn 17 quận, huyện./.


Số lượt người xem: 5293    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm