SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
6
9
7
3
2
TIN PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN 04 Tháng Mười Hai 2013 2:50:00 CH

Bảo tồn và phát triển làng nghề mang đậm nét văn hóa truyền thống trên địa thành phố Hồ Chí Minh

 

 

 

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn xác định đẩy mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ, nhất là phát triển ngành nghề nông thôn nhằm tạo ra nhiều việc làm, góp phần tăng thu nhập cho lao động nông thôn, xóa đói giảm nghèo, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Việc bảo tồn và phát triển làng nghề có tác dụng rõ rệt đối với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Sự phát triển lan tỏa của các ngành nghề, làng nghề đã mở rộng quy mô và địa bàn sản xuất, thu hút nhiều lao động; nhằm góp phần hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trong cả nước nói chung và trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

 

Theo số liệu thống kê, thành phố hiện có 65 ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thu hút trên 70.000 lao động, trong đó khu vực ngoại thành có 34 ngành nghề. Có 19 làng nghề hoạt động và phát triển tại các quận huyện: 12, Thủ Đức, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ; thu hút trên 14.000 lao động. Có 4/19 làng nghề mang đậm nét văn hóa truyền thống nhưng không có khả năng phát triển độc lập: Làng nghề đan đát Thái Mỹ, huyện Củ Chi; làng nghề đan giỏ trạc Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn; làng nghề se nhang Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh; làng nghề muối Lý Nhơn, huyện Cần Giờ. Có 4 làng nghề truyền thống đang phát triển và có khả năng phát triển độc lập, bền vững trong tương lai: Làng nghề hoa kiểng Xuân - An - Lộc, Quận 12; làng nghề hoa kiểng Thủ Đức, quận Thủ Đức; làng nghề mành trúc Tân Thông Hội, huyện Củ Chi; làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi. Thu nhập bình quân của hộ dân làng nghề đạt 112,7 triệu đồng/hộ/năm (bình quân 36,94 triệu đồng/lao động/năm). Trong đó, hộ dân thuộc làng nghề hoa cây kiểng có thu nhập cao nhất là 134 triệu đồng/hộ/năm; hộ dân thuộc làng nghề muối có thu nhập thấp nhất là 43,6 triệu đồng/hộ/năm. Ngoài ra, toàn thành phố có 56 hợp tác xã nông nghiệp - ngành nghề nông thôn, có 10/56 hợp tác xã sản xuất - kinh doanh liên quan đến lĩnh vực ngành nghề nông thôn (trong đó có 7 hợp tác xã chuyên doanh) nhưng chỉ có 2 hợp tác xã được đánh giá hoạt động có hiệu quả, thực hiện tốt dịch vụ đầu vào, đầu ra đối với xã viên, đồng thời hỗ trợ phát triển sản xuất của hộ dân làng nghề. Đa số các làng nghề hoạt động còn gặp một số khó khăn về công nhận làng nghề và làng nghề truyền thống, cơ chế - chính sách, thị trường tiêu thụ sản phẩm, trình độ quản lý chưa cao, hệ thống mẫu mã kiểu dáng và bao bì sản phẩm chưa đổi mới…    

 

Để phát triển ổn định, bền vững các làng nghề trong tương lai, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 3891/QĐ-UBND ngày 17/7/2013 về phê duyệt Đề án bảo tồn và phát triển làng nghề tại thành phố giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020, gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới, trong đó bảo tồn và phát triển các làng nghề mang đậm nét văn hóa truyền thống, các làng nghề có khả năng phát triển độc lập, bền vững. Đồng thời xây dựng thí điểm một mô hình làng nghề tập trung nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư, phát triển ngành nghề nông thôn của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

Theo Ủy ban nhân dân thành phố, trong giai đoạn từ năm 2013 - 2015, bảo tồn và phát triển 9 làng nghề, trong đó có 4 làng nghề mang đậm nét văn hóa truyền thống nhưng không có khả năng phát triển độc lập: Làng nghề đan đát Thái Mỹ (huyện Củ Chi), làng nghề đan giỏ trạc Xuân Thới Sơn (huyện Hóc Môn), làng nghề se nhang Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh), làng nghề muối Lý Nhơn (huyện Cần Giờ); 4 làng nghề truyền thống có khả năng phát triển độc lập, bền vững, bao gồm cả những làng nghề có thể phát triển lan tỏa, làng nghề gắn với du lịch hoặc những làng nghề hình thành do hoạt động gia công cho các doanh nghiệp, cơ sở xuất khẩu: Làng nghề hoa, cây kiểng Xuân - An - Lộc (Quận 12), làng nghề hoa kiểng Thủ Đức (quận Thủ Đức), làng nghề mành trúc Tân Thông Hội (huyện Củ Chi), làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi) và xây dựng thí điểm 01 làng nghề tập trung, với quy mô 10 -15 ha tại Vườn Thực vật huyện Củ Chi và dọc theo tuyến kênh Đông gắn kết với hoạt động du lịch. Đến năm 2020, tiếp tục bảo tồn và phát triển làng nghề với tiêu chí sản xuất tại làng nghề thân thiện với môi trường, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm của làng nghề; hỗ trợ phát triển làng nghề gắn với các hoạt động du lịch.

Trước mắt, Thành phố sẽ giao các sở ban ngành, quận huyện liên quan xây dựng các dự án thuộc Đề án bảo tồn và phát triển làng nghề tại thành phố giai đoạn 2013 – 2015 (9 làng nghề như trên) từ nguồn vốn ngân sách thành phố, đóng góp của người dân, doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp lý khác. Hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu cho hợp tác xã làng nghề, ngành nghề nông thôn thành lập mới theo Quyết định số 5259/QĐ-UBND ngày 12 tháng 10 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố: Mỗi hợp tác xã làng nghề, ngành nghề nông thôn thành lập mới được hỗ trợ một phần kinh phí (nhưng tổng mức hỗ trợ không quá 30 triệu đồng cho một hợp tác xã) để mua sắm các trang thiết bị cần thiết phục vụ thông tin liên lạc, hoạt động của bộ máy quản lý điều hành tại văn phòng giao dịch. Quyết định số 28/2013/QĐ-UBND ngày 06/8/2013 của Ủy ban nhân dân thành phố về điều chỉnh tăng mức hỗ trợ cho cán bộ có trình độ đại học (1,2 triệu/người/tháng), cao đẳng (0,8 triệu/người/tháng) công tác tại các hợp tác xã nông nghiệp. Bên cạnh đó, các cá nhân, tổ chức tham gia bảo tồn và phát triển các làng nghề trên địa bàn thành phố được vay vốn có hỗ trợ lãi suất theo Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND ngày 20 tháng 3 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành quy định về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2013 – 2015 và các chính sách khác.

 

Đặng Kiệt

 

Làng nghề bánh tráng xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi

 

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 10945    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm