SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
7
1
3
3
3
Tin tức tổng hợp 24 Tháng Sáu 2015 11:10:00 SA

Kế hoạch hành động năm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Quyết định số 3002/QĐ-UBND ngày 19 tháng 6 năm 2015 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về Ban hành kế hoạch hành động năm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

 

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

Năm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3002/QĐ-UBND
ngày
19 tháng 6 năm 2015 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh)

 

               I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong lĩnh vực rau, củ, quả và sản phẩm có nguồn gốc thực vật; thịt và sản phẩm từ thịt; thủy sản đảm bảo các sản phẩm thực phẩm an toàn khi đến tay nguời dùng.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1- Lĩnh vực chăn nuôi và thú y

- Tỷ lệ mẫu giám sát tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm thịt gia súc, gia cầm giảm 10% so với năm 2014;

- Tỷ lệ mẫu giám sát ô nhiễm vi sinh trong thịt gia súc, gia cầm vượt ngưỡng giảm 10% so với năm 2014.

- Trên 85% cơ sở sản xuất, giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn Thành phố được phổ biến, tập huấn, tuyên truyền các quy định nhà nước về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

- Phấn đấu 100% sản phẩm động vật, gia súc, gia cầm từ các tỉnh về thành phố được kiểm tra giám sát.

- 100% cơ sở giết mổ, cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm động vật trên địa bàn Thành phố có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

- 100% cơ sở giết mổ đạt điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và không có cơ sở giết mổ loại C.

- 100% phương tiện vận chuyển sản phẩm động vật từ cơ sở giết mổ đến chợ bán buôn là phương tiện chuyên dùng, có thiết bị bảo ôn và dàn móc treo quày thịt; duy trì phương tiện vận chuyển sản phẩm động vật (thịt động vật tươi sống) từ các tỉnh về Thành phố là phương tiện chuyên dùng có trang bị thiết bị bảo ôn, có dàn móc treo quày thịt; vận chuyển sản phẩm động vật từ chợ đầu mối đến các chợ truyền thống, cửa hàng kinh doanh, cơ sở sơ chế, chế biến phải chứa đựng trong các vật liệu không gỉ, nhẵn, chống thấm, chống ăn mòn, không độc, không mùi, không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, dễ vệ sinh, khử trùng tiêu độc và phải kín để bảo quản sản phẩm không bị ô nhiễm từ môi trường và không gây ảnh hưởng đến môi trường.

- Phát triển chuỗi thực phẩm an toàn đảm bảo theo kế hoạch, đến cuối năm 2015 các sản phẩm thịt heo, thịt gà, trứng gà thuộc chuỗi chiếm trên 20% thị phần.

2.2- Lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật

- Tỷ lệ mẫu giám sát tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau vượt ngưỡng giảm 15% so với năm 2014;

- Phấn đấu 100% cơ sở sản xuất, sơ chế và kinh doanh  rau, củ, quả được tuyên truyền phổ biến Luật An toàn thực phẩm; Nghị định số 178/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và qui chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, sơ chế.

- Phấn đấu 100% cơ sở sản xuất, sơ chế và kinh doanh  rau, củ, quả được kiểm tra lần đầu và không có sản phẩm của cơ sở loại C lưu thông trên địa bàn Thành phố.

- Phấn đấu 100% diện tích sản xuất tại các Hợp tác xã, Liên tổ, Tổ hợp tác tại các xã nông thôn mới được chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, chứng nhận đủ điều kiện tham gia “chuỗi rau an toàn” Thành phố Hồ Chí Minh hoặc chứng nhận VietGAP.

- Phát triển chuỗi thực phẩm an toàn đảm bảo theo kế hoạch, đến cuối năm 2015 các sản phẩm thuộc chuỗi (rau muống hạt, cà chua, dưa leo, cà rốt, cải bắp, khổ qua) chiếm 20% trên thị trường. Mở rộng thêm chuỗi trà, chuỗi gạo và 2 sản phẩm thuộc chuỗi rau (khoai tây, cải thảo) .                                                                         

- Tổ chức thẩm định điều kiện sản xuất rau an toàn cho 100% diện tích  mới phát triển trong năm 2014 và năm 2015.

 2.3- Lĩnh vực thuỷ sản

- Tỷ lệ mẫu giám sát tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm thủy sản nuôi giảm 15% so với năm 2014;

- Phấn đấu 100% sản phẩm thủy sản tiêu thụ tại thành phố được kiểm tra, giám sát.

- Phấn đấu 100% cơ sở nuôi trồng, sản xuất, chế biến thủy sản trên địa bàn Thành phố được tập huấn, huấn luyện phương pháp nuôi trồng, chế biến thủy sản an toàn.

- Phấn đấu trên 85% người nuôi trồng, sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh thủy sản trên địa bàn Thành phố hiểu các quy định của Nhà nước về đảm bảo an toàn thực phẩm thủy sản.

- Phát triển chuỗi thực phẩm thủy sản an toàn đảm bảo theo kế hoạch, đến cuối năm 2015 các sản phẩm thuộc chuỗi chiếm trên 20% thị phần.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Hoàn thiện cơ chế chính sách

- Rà soát, điều chỉnh phân công, phân cấp công tác thanh, kiểm tra, giám sát chuyên ngành về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp phù hợp với qui định.

- Rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về giám sát an toàn thực phẩm lĩnh vực nông nghiệp phù hợp với thực tế (nếu có).

- Rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách tạo động lực cho sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn.

2. Tổ chức thực thi cơ chế chính sách, pháp luật

2.1- Tuyên truyền, vận động và hướng dẫn sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn

- Tiếp tục tổ chức tuyên truyền phổ biến thực hiện Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, Luật Thủy sản, Pháp lệnh Thú y (và Luật Thú y ngay sau khi được ban hành).

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật An toàn thực phẩm, đặc biệt là Nghị định số 178/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ  về Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an tòan thực phẩm, các Qui chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và “chuỗi thực phẩm an toàn”.

- Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh áp dụng các quy phạm thực hành sản xuất tốt, sản xuất sản phẩm theo chuỗi an toàn,  hướng dẫn sử dụng đúng cách thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất rau; thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh, chất bảo quản trong chăn nuôi, nuôi trồng; giết mổ, vận chuyển, sơ chế, chế biến, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm đảm bảo an toàn thực phẩm.

- Xử lý sự cố an toàn thực phẩm, cung cấp kịp thời thông tin kiểm chứng cho người tiêu dùng.

- Tổ chức, triển khai công tác quản lý an toàn thực phẩm nông sản, thủy sản theo chuỗi sản phẩm an toàn từ sản xuất đến lưu thông và tiêu thụ.

- Công khai cơ sở loại C (không đạt điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm), cơ sở sản xuất sản phẩm không an toàn, cơ sở chăn nuôi sử dụng chất cấm, cơ sở trồng trọt còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời quảng bá, giới thiệu sản phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm an toàn trên các phương tiện thông tin đại chúng.

2.2- Kiểm tra, thanh tra và giám sát

- Tăng cường công tác thanh, kiểm tra phát hiện kịp thời để chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong mua bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thú y thủy sản, kháng sinh, các hóa chất cấm và hạn chế sử dụng trong sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông sản thủy sản.

- Kiểm soát giết mổ; kiểm tra vệ sinh thú y, xử lý nghiêm theo pháp luật các trường hợp giết mổ không đảm bảo vệ sinh thú y; vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

- Tăng cường giám sát chặt chẽ nông sản, thủy sản, đảm bảo các sản phẩm thực phẩm an toàn từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ trên thị trường:
Tổ chức giám sát sản phẩm trước khi đưa ra thị trường, đánh giá, cảnh báo nguy cơ và truy xuất, xử lý các trường hợp vi phạm.

- Kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực nông lâm sản và thủy sản theo Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT và Thông tư 51/2014/TT-BNNPTNT. Thanh tra,
xử lý vi phạm đối với cơ sở loại C, tái kiểm tra các cơ sở đã phân loại C theo
quy định.

3. Tổ chức lực lượng, nâng cao năng lực

- Bố trí cán bộ tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm đảm bảo đủ năng lực, kinh nghiệm để triển khai nhiệm vụ theo phân công; Tham gia lớp đào tạo nghiệp vụ kiểm tra, đánh gía phân loại cơ sở đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, nghiệp vụ lấy mẫu kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm.

- Đầu tư, bổ sung trang thiết bị cho hoạt động kiểm tra, giám sát, đặc biệt trang thiết bị kiểm tra nhanh tại hiện trường.

III. NGUỒN KINH PHÍ

1. Chương trình mục tiêu quốc gia vệ sinh an toàn thực phẩm.

2. Ngân sách nhà nước cấp kinh phí thực hiện công tác quản lý, thanh-kiểm tra, giám sát chương trình an toàn thực phẩm.

3. Ngân sách nhà nước cấp hàng năm cho đơn vị.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Phối hợp với Sở Y tế, Sở Công Thương, Công an Thành phố, Chi cục Quản lý thị trường Thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện triển khai hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp.

- Tập trung phối hợp thực hiện công tác thanh, kiểm tra liên ngành và xử lý vi phạm về lĩnh vực an toàn thực phẩm theo qui định.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp.

- Kiểm tra, giám sát việc quản lý an toàn thực phẩm của Ủy ban nhân dân quận, huyện đã được phân cấp.

- Tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết quả thực hiện theo qui định .

- Tổ chức sơ kết và tổng kết để đánh giá kết quả triển khai kế hoạch hành động; thống nhất giải pháp, biện pháp khắc phục khó khăn vướng mắc trong thực hiện, làm cơ sở cho việc triển khai kế hoạch giai đoạn tiếp theo.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung (nếu có) cho phù hợp thực tế.

2. Sở Y tế

- Đẩy mạnh các hoạt động thông tin truyền thông về chuỗi thực phẩm an toàn để người sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh cải thiện các điều kiện để tham gia chuỗi thực phẩm an toàn; người tiêu dùng nhận biết và tiêu dùng sản phẩm chuỗi.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện đề án xây dựng mô hình điểm quản lý thực phẩm theo “Chuỗi thực phẩm an toàn” trên địa bàn Thành phố và các tỉnh trọng điểm cung cấp thực phẩm cho Thành phố.

- Chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thực hiện lấy mẫu giám sát thực phẩm nông lâm sản lưu thông trên địa bàn Thành phố.

- Tăng cường công tác thanh, kiểm tra xử các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm.

- Tổ chức kiểm tra chặt chẽ điều kiện sản xuất và kinh doanh phụ gia thực phẩm đối với các hộ kinh doanh phụ gia thực phẩm tại chợ Kim Biên,

3. Sở Công Thương

- Chỉ đạo Thanh tra Sở Công Thương, Chi cục Quản lý Thị trường Thành phố tăng cường thanh, kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm như: hàng lậu, hàng gian, hàng giả và hàng kém chất lượng gây mất an toàn thực phẩm và sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện Đề án mô hình thí điểm quản lý thực phẩm theo “Chuỗi thực phẩm
an toàn”.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổ chức hướng dẫn siêu thị, trung tâm thương mại và các chợ tự kiểm tra chất lượng sản phẩm nông sản, thủy sản an toàn.

4. Công an Thành phố

- Tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm theo thẩm quyền.

- Chỉ đạo cảnh sát môi trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở  sản xuất, kinh doanh trái phép và các cơ sở chế biến nông sản, thủy sản có nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường và gây mất an toàn về thực phẩm.

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân quận, huyện kiểm tra, phát hiện, xử lý các cơ sở giết mổ trái phép.

5. Sở Thông tin và Truyền thông

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Sở Công Thương kiểm soát hoạt động quảng cáo thực phẩm của các đơn vị phát hành quảng cáo theo đúng nội dung được phê duyệt, bảo đảm thông tin quảng cáo chính xác, trung thực, khách quan, tránh gây hoang mang trong dư luận và ảnh hưởng xấu đến xã hội.

6. Ủy ban nhân dân quận, huyện

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Sở Công Thương triển khai hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý.

- Xây dựng, ban hành kế hoạch hành động năm vệ sinh an toàn thực phẩm tại địa phương và tổ chức triển khai đảm bảo đúng tiến độ hiệu quả.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm nông sản cho các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, thu mua, sơ chế, chế biến, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm trên địa bàn đã được phân cấp quản lý.

- Chỉ đạo cho phòng ban chuyên môn tăng cường kiểm tra, đánh giá, phân loại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông sản theo phân công, phân cấp trên địa bàn quản lý.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát chất cấm, dư lượng các chất độc hại tồn dư trong thực phẩm.

- Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm nông sản trên địa bàn theo thẩm quyền.

- Chủ động kiểm tra, phát hiện, xử lý các cơ sở giết mổ trái phép, các địa điểm kinh doanh gia cầm sống trái phép.

- Đảm bảo 100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh,  sơ chế, chế biến sản phẩm nông sản thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân quận, huyện được kiểm tra, phân loại cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo qui định.

- Định kỳ hàng tháng, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân Thành phố kết quả thực hiện, trong đó nêu rõ những việc đã hoàn thành, việc chưa hoàn thành, nguyên nhân và đề xuất giải pháp tiếp tục hoàn thiện.

7. Giao Đài Truyền hình Thành phố phối hợp với Ủy ban Mặt trận

Tổ quốc Việt Nam Thành phố; Hội Nông dân Thành phố; Thành đoàn
Thành phố Hồ Chí Minh tập trung triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm theo chức năng, nhiệm vụ được giao./.

 


Số lượt người xem: 7109    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm