SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
7
6
4
3
1
Tin tức tổng hợp 13 Tháng Mười Hai 2016 8:15:00 SA

Những bài học kinh nghiệm từ mô hình liên kết, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao

Để đạt được các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Thành phố đề ra tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) bình quân hàng năm khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân hàng năm từ 5,8% - 6%; đến 2020, tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm từ 0,74-0,78% và năm 2025 chiếm từ 0,61%-0,66% trong cơ cấu kinh tế thành phố (theo Quyết định số 2631/QĐ-TTg ngày 31/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025). Ngành nông nghiệp thành phố đã và đang nỗ lực với các ngành kinh tế khác hoàn thành và vượt các mục tiêu, góp phần xây dựng thành phố sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ của khu vực Đông Nam Á.

Thành phố là nơi tập trung đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, dịch vụ về giống, vật tư chuyên ngành nông nghiệp thông qua hình thành các Trung tâm Công nghệ sinh học; Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Quản lý và Kiểm định giống cây trồng - vật nuôi… tạo nền tảng cho nông nghiệp ứng dụng khoa học, cơ giới hóa từng bước được cải thiện, đặc biệt các sản phẩm nông nghiệp đô thị chủ lực của thành phố, như: giống cây trồng vật nuôi, sản phẩm về hoa lan, cây kiểng, cá cảnh, rau an toàn, heo, bò sữa,...sản phẩm nuôi cấy mô sẽ có ưu thế mở rộng, phát triển mạnh, đặc biệt trong liên kết sản xuất quy mô lớn.

Thành phố hiện nay đã hình thành nhiều mô hình liên kết trong phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, điển hình như mô hình liên kết các xã viên của Hợp tác xã chăn nuôi heo Tiên Phong thực hiện hoạt động dịch vụ HTX như nhập giống, sản xuất và lai tạo để cung cấp con giống, làm đầu mối thu mua heo thịt, cung cấp các giải pháp kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến,… cho các hộ chăn nuôi heo khu vực TP HCM và Miền Đông Nam Bộ. Đến nay, HTX heo Tiên phong đã có 08/20 trại thành viên đạt được chứng nhận VietGAP Chăn nuôi. Một mô hình liên kết thành công của ngành nông nghiệp là HTX chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội với hoạt động chủ yếu là tổ chức dịch vụ cung cấp thức ăn chăn nuôi bò sữa, hèm bia, xác mì cho các hộ chăn nuôi với giá bán thấp hơn thị trường từ 1000 – 2000 đồng/đơn vị cung cấp, thu mua sữa bò tươi (26 tấn/ngày) cung ứng cho các đơn vị tiêu thụ và cung cấp phụ phẩm chăn nuôi bò sữa góp phần ổn định đời sống thành viên HTX trên địa bàn xã Tân Thông Hội – huyện Củ Chi và các xã lân cận, bảo đảm đầu ra cho 85 hộ thành viên và 264 hộ vệ tinh. Hợp tác xã rau Phước An thực hiện các dịch vụ cung ứng đầu vào và bao tiêu đầu ra sản phẩm rau VietGAP cho nông dân, cung cấp ổn định không gián đoạn ra thị trường từ 5 đến 6 tấn/ngày. Một số đối tác thu mua của HTX là Saigon CO.OP, Metro, BigC, Lotte, Satra, Lê Thành,… và một số bếp ăn tập thể của công nhân, trường học trên địa bàn thành phố. Công ty An Hạ ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm của 40 nhóm chăn nuôi heo GAP để cung cấp cho thị trường.

Một số hiệu quả kinh tế - xã hội mà sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp chất lượng cao mang lại:

- Góp phần giữ nhịp độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp bình quân trong giai đoạn 2011-2015, GDP ngành nông lâm ngư nghiệp tăng bình quân 5,8%/năm (vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra tăng bình quân 5%/năm và bằng 1,9 lần so mức tăng bình quân của cả nước).

- Khẳng định nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp là tất yếu, từng bước thay đổi nhận thức về nền nông nghiệp hiện đại trên cơ sở ứng dụng KH-CN thay thế nền nông nghiệp truyền thống, góp phần tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, thu hút nhiều tổ chức, cá nhân đầu tư áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, sử dụng tài nguyên một cách hợp lý (công nghệ sinh học, nhà kính, nhà lưới,công nghệ tưới tiết kiệm nước, tiết kiệm phân bón và quản lý dịch hại tổng hợp).

- Việc ứng dụng nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao giúp tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút các nguồn vốn từ các chương trình, dự án có vốn nước ngoài trong việc hỗ trợ sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, đào tạo nâng cao nguồn nhân lực và sản xuất nông sản có chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, tăng khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập sâu rộng.

- Ứng dụng nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao góp phần giảm nghèo tăng hộ khá, ổn định kinh tế xã hội và trật tự an ninh xã hội nông thôn, đã hình thành một bộ phận doanh nghiệp và nông dân làm giàu từ việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Một số bài học kinh nghiệm rút ra từ các thành tựu. Cụ thể như sau:

+ Nông nghiệp sạch, công nghệ cao là định hướng, hướng đi đúng đắn của ngành nông nghiệp thành phố, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân thành phố nên được sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía người sản xuất và người tiêu dùng.

 + Sự quan tâm của các cấp lãnh đạo có liên quan đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn có vai trò quan trọng và then chốt do khu vực này hiện nay còn nhiều thiếu thốn về hạ tầng, đầu tư còn chưa đồng bộ, thiếu sự kết nối với khu vực thành thị phát triển khác. Do đó, việc ưu tiên nguồn vốn ngân sách thành phố đầu tư đã  tạo động lực cho việc đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thành phố trong thời gian qua. Cụ thể như hàng năm đều giải ngân một nguồn vốn lớn cho xây dựng nông thôn mới, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, đặc biệt nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch và sản xuất giống (Quyết định số 21/2015/QĐ-UBND ngày 14/5/2015 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành quy định chính sách khuyến khích áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp và thủy sản trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, Quyết định số 50/2015/QĐ-UBND ngày 30 tháng 10 năm 2015 của Ủy ban nhân dân Thành phố về thực hiện Chương trình kích cầu đầu tư của thành phố Hồ Chí Minh và Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND thực hiện Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016-2020…)

+ Việc xúc tiến thương mại, hỗ trợ tạo sự liên kết thương mại giữa người sản xuất và người kinh doanh là cần thiết. Thứ nhất: căn cứ theo các hợp đồng thương mại sẽ giúp cho người sản xuất an tâm, mạnh dạn đầu tư và mở rộng sản xuất lâu dài. Thứ hai: các hợp đồng thương mại sẽ góp phần ràng buộc cho người sản xuất phải đảm bảo chất lượng, sạch - an toàn, góp phần cùng thành phố thực hiện chương trình an toàn vệ sinh thực phẩm. Thứ ba: đầu tư nông nghiệp công nghệ cao là đầu tư thâm canh, năng suất cao, sản lượng tạo ra nhiều hơn, nên việc liên kết đối với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu sẽ nâng cao giá trị của ngành nông nghiệp trong thời gian tới.

 

+ Công tác tuyên truyền, thương mại luôn được quan tâm duy trì thường xuyên là quan trọng góp phần nâng cao nhận thức của người dân, người sản xuất và cộng đồng về sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, góp phần đẩy sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao (sản phẩm nông nghiệp traceability, organic, GAP…) về đúng giá trị thực của nó, tránh sự đổ đồng với các sản phẩm nông nghiệp khác./.

 Bùi Duy Ninh


Số lượt người xem: 6698    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm