SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
7
9
5
7
1
Tin tức tổng hợp 04 Tháng Mười 2017 1:45:00 CH

Giải pháp tăng cường đầu tư phát triển nông sản chủ lực của nông nghiệp Tp.HCM trong thực hiện tái cơ cấu ngành giai đoạn 2016-2020

 

 

 

Thành phố Hồ Chí Minh có thị trường tiêu thụ lớn, nhu cầu tiêu thụ nông sản thực phẩm rất lớn nên đây cũng là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nông nghiệp hoạt động, đặc biệt các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh hiện nay của thành phố như hoa lan, cây kiểng, cá cảnh, bò sữa, giống cây trồng, vật nuôi, các sản phẩm công nghệ sinh học,... Do đó, thành phố đã chọn lựa phát triển một số loại cây trồng, vật nuôi chủ lực nông nghiệp thành phố, gồm có rau an toàn, hoa cây kiểng, bò sữa, heo, chim yến, tôm, nhuyễn thể, cá cảnh. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp giai đoạn 2016-2020 đạt trên 6%/năm, giá trị gia tăng GRDP đạt trên 5%/năm.

Để đầu tư phát triển những cây con chủ lực trên, giai đoạn 2016-2020, thành phố đã ban hành các chương trình, đề án: Chương trình mục tiêu phát triển rau an toàn, Chương trình phát triển hoa, cây kiểng, Đề án nâng cao chất lượng đàn bò sữa, Chương trình phát triển cá cảnh, theo đó tuỳ theo từng loại cây trồng, vật nuôi sẽ có những nội dung cần triển khai cụ thể như tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao mô hình, tham quan, đầu tư hỗ trợ xúc tiến thương mại, trang thiết bị, nhân sự…. Bên cạnh đó, thành phố đang chuẩn bị trình thông qua Hội đồng nhân dân thành phố để ban hành Quy hoạch bố trí cây trồng vật nuôi chủ lực trên địa bàn thành phố đến 2025, định hướng đến 2030, đây sẽ là cơ sở để các cơ quan nhà nước quản lý quy hoạch và người sản xuất an tâm đầu tư sản xuất.

Ngoài ra, trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế, đòi hỏi khẩn trương thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp nhằm nắm bắt những cơ hội và ứng phó với thách thức trong tiến trình hội nhập hiện nay, ngành nông nghiệp thành phố trong thời gian tới cần:

- Đẩy mạnh phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp sản xuất, kinh doanh các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của thành phố nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh, hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài.

- Đẩy mạnh triển khai các cơ chế chính sách hiện có; ngành nông nghiệp có kế hoạch rà soát các Hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất (trang trại) lớn có sử dụng lao động thường xuyên từ 10 lao động trở lên; phối hợp tuyên truyền, tập huấn các kiến thức về khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân tiếp cận các chính sách hỗ trợ về đất đai, tài chính và giảm bớt các thủ tục hành chính. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là Hợp tác xã và các doanh nghiệp nông nghiệp tìm kiếm thị trường, thông tin thị trường, quản lý giá và quản lý, hỗ trợ về cơ chế chính sách, hỗ trợ tham gia các hoạt động giao thương như chợ phiên, hội chợ nông sản trong và ngoài tỉnh, hỗ trợ thiết kế logo, website, chứng nhận VietGAP, truy xuất nguồn gốc, bao bì, đóng gói sản phẩm...

- Tăng cường triển khai hiệu quả các chương trình, đề án đã được thành phố phê duyệt cho giai đoạn 2016-2020. Nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh ngành nông nghiệp thành phố đáp ứng yêu cầu hội nhập giai đoạn 2016-2020, cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng gắn liền nông nghiệp sạch, không gây ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông lâm ngư nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung nguồn lực phát triển nông nghiệp có hàm lượng khoa học – công nghệ cao, hình thành và phát triển những vùng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, là trung tâm sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao, an toàn của khu vực, bảo vệ môi trường và đáp ứng tốt hơn nhu cầu về rau sạch, hoa tươi, cá kiểng, sữa cho thị trường và gắn với phát triển du lịch sinh thái mang đặc trưng thành phố; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp; bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp; phát triển dịch vụ bảo hiểm trong nông nghiệp; tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh, xây dựng các chuỗi liên kết và chuỗi cung ứng trong nông nghiệp.

- Tiếp tục bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư về vốn, khoa học công nghệ với sự tham gia của các thành phần kinh tế trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nông thôn.

 

- Thông tin công khai, rộng rãi các quy hoạch, chương trình, đề án để người dân và doanh nghiệp biết và tham gia đầu tư sản xuất./.

Bùi Duy Ninh


Số lượt người xem: 2391    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm