SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
6
8
1
7
6
Tin tức tổng hợp 12 Tháng Chín 2019 9:20:00 SA

Kết quả chỉ đạo điều hành và tình hình sản xuất nông nghiệp, nông thôn 9 tháng đầu năm 2019

Xác định phát triển nông nghiệp của thành phố Hồ Chí Minh là tập trung vào phát triển sản xuất giống cây, con chất lượng cao, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học kết hợp du lịch sinh thái, xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao giá trị gia tăng, năng suất, chất lượng sản phẩm an toàn, nâng cao thu nhập cho người dân ngoại thành... Ngay từ đầu năm 2019, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành kế hoạch chỉ đạo, điều hành và chương trình công tác năm. Trong đó tập trung 104 nội dung, nhiệm vụ trọng tâm triển khai hiệu quả 7 chương trình đột phá của thành phố và các chương trình, đề án, chính sách của ngành. Cụ thể: Chương trình phát triển rau an toàn, hoa cây kiểng, bò sữa, bò thịt, cá cảnh, giống cây – con chất lượng cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xúc tiến thương mại, chuỗi an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản. Đồng thời, trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Chương trình phát triển nông nghiệp giai đoạn 2019 - 2025 theo hướng cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp.

Ngành chỉ đạo, điều hành triển khai hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản và dịch hại trên cây trồng; phòng chống triều cường, quản lý bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng. Đặc biệt là công tác phòng chống bệnh dịch tả heo Châu Phi đã tham mưu thành lập 03 chốt kiểm dịch tạm thời cấp thành phố, thành lập 15 chốt kiểm dịch tạm thời tại các quận huyện, chốt chặn các tuyến đường từ các tỉnh về thành phố nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Hướng dẫn hộ dân thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho các trang trại, hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ, đặc biệt tập trung kiểm tra thực tế tại các hộ có nguy cơ cao dễ xảy ra dịch bệnh để hướng dẫn thực hiện các biện pháp an toàn sinh học. Triển khai các cơ chế, chính sách nông nghiệp – nông thôn, phát triển 6 nhóm sản phẩm là cây con chủ lực: Hoa cây kiểng, rau an toàn, bò sữa, heo, tôm và cá cảnh (sản phẩm có tiềm năng). Hướng dẫn, hỗ trợ các hộ dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tiếp cận được các cơ chế ưu đãi để vay vốn phát triển sản xuất. Phát huy vai trò hợp tác xã là đầu mối liên kết giữa hộ dân, trang trại với hợp tác xã, doanh nghiệp trong sản xuất, cung ứng nông sản an toàn, chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường.

Nhờ đó công tác chỉ đạo, điều hành và sản xuất nông nghiệp, nông thôn đạt được những kết quả tích cực trên tất cả lĩnh vực, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp tập trung vào ứng dụng công nghệ cao. Giá trị sản xuất nông nghiệp 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt 15.236,6 tỉ đồng, tăng 6,1% so cùng kỳ (các nhóm sảm phẩm chủ lực chiếm tỉ trọng khoảng 60%/tổng giá trị sản xuất). Trong đó, trồng trọt ước đạt 3.728,1 tỉ đồng (tăng 5,9% so cùng kỳ), chăn nuôi ước đạt 5.415,4 tỉ đồng (tăng 3,8% so cùng kỳ) và thủy sản ước đạt 4.551 tỉ đồng (tăng 8% so cùng kỳ).

Lĩnh vực trồng trọt: Các cơ quan chuyên ngành chủ động thực hiện công tác dự báo, điều tra sâu bệnh định kỳ và đột xuất, cử cán bộ bám sát địa bàn kết hợp với lực lượng khuyến nông, thú y và bảo vệ thực vật cơ sở, nắm chắt diễn biến các loại dịch bệnh trên cây trồng, đưa ra các giải pháp kịp thời để khống chế, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại cho người dân. Đẩy mạnh chuyển đổi diện tích lúa, mía, muối sang 6 nhóm sản phẩm chủ lực; áp dụng quy trình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo chất lượng, sản lượng. Diện tích gieo trồng rau đạt 14.400 ha (tăng 13,1% so cùng kỳ), sản lượng đạt 407.520 tấn (tăng 13,9% so cùng kỳ). Diện tích hoa, cây kiểng đạt 2.335 ha (tăng 8,5% so cùng kỳ). Các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã xuất khẩu khoảng 63,4 tấn hạt giống (tăng 492,5% so cùng kỳ); xuất khẩu 150.000 cây Kim Ngân, kim ngạch xuất khẩu 225.000 USD.

Lĩnh vực chăn nuôi: Các cơ quan chuyên ngành phối hợp địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người chăn nuôi có phương án ứng phó bệnh dịch tả heo Châu Phi. Xây dựng mô hình chăn nuôi bò thịt lai tạo giống bò BBB và Red Angus để nhân rộng cho người dân. Tổ chức sản xuất ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế, đảm bảo an toàn vệ sinh và an toàn dịch bệnh. Đàn bò sữa giảm nhưng sản lượng sữa bò tươi đạt 167.478 tấn (tăng 4,5% so cùng kỳ), đàn bò thịt đạt 63.600 con (tăng 9,3% so cùng kỳ), thịt trâu bò tươi đạt 13.980 tấn (tăng 14,6% so cùng kỳ). Đàn heo giảm nhưng thịt heo hơi đạt 40.500 tấn (tăng 1,8% so cùng kỳ). Sản lượng nuôi chim yến lấy tổ đạt 7.875 kg (tăng 16,7% so cùng kỳ).

Lĩnh vực thủy sản: Các cơ quan chuyên ngành tăng cường quản lý nhà nước về công tác sản xuất giống, hướng dẫn, triển khai các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, nuôi thâm canh sử dụng chế phẩm sinh học bảo vệ môi trường và nâng cao năng suất, sản lượng. Sản lượng thủy sản đạt 45.673 tấn (tăng 6,6% so cùng kỳ). Sản xuất cá cảnh đạt 158 triệu con (tăng 15,3% so cùng kỳ). Cá cảnh xuất khẩu đạt 16,2 triệu con (tăng 6,4% so cùng kỳ), kim ngạch xuất khẩu 18,2 triệu USD (tăng 5,2% so cùng kỳ).

Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, 9 tháng đầu năm 2019 các quận huyện đã phê duyệt 208 quyết định, với 465 lượt vay, tổng vốn đầu tư  702,549 tỉ đồng, tổng vốn vay 360,850 tỉ đồng. Lũy kế từ năm 2011 đến nay, các quận huyện đã phê duyệt 8.258 quyết định, 24.281 lượt vay, tổng vốn đầu tư 13.214,081 tỉ đồng, tổng vốn vay 8.021,598 tỉ đồng. Từ số liệu tổng vốn đầu tư, vốn vay và kinh phí hỗ trợ lãi vay cho thấy với 1 đồng vốn ngân sách hỗ trợ lãi vay (668,605 tỉ đồng), đã huy động được 20 đồng vốn xã hội, trong đó huy động từ tổ chức tín dụng là 12 đồng.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố giai đoạn nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (2016 – 2020), bình quân mỗi xã đạt 18,54/19 tiêu chí (tăng 3,14 tiêu chí so với cuối năm 2018); trong đó có 37/56 xã đạt 19/19 tiêu chí (chiếm 66,1%) gồm huyện Củ Chi 20 xã, huyện Hóc Môn 03 xã, huyện Bình Chánh 06 xã, huyện Nhà Bè 03 xã và huyện Cần Giờ 05 xã. Bình quân mỗi huyện đạt 7,6/9 tiêu chí (tăng 3 tiêu chí so với cuối năm 2018). Phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới từ năm 2014 đến nay, kinh phí hỗ trợ là 511,8 tỷ đồng. Qua phong trào chung sức đến nay đã huy động được 26.043 hộ dân hiến đất làm đường, với diện tích 2.972.304 m2, ước kinh phí hơn 2.243 tỷ đồng.

Công tác quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tại vùng sản xuất: Triển khai công tác lấy mẫu lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản tại vùng sản xuất để kiểm tra công tác an toàn thực phẩm. Đồng thời kiểm tra, thanh tra chuyên ngành về vật tư nông nghiệp, truy xuất và xử lý các sản phẩm vật tư nông nghiệp không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và hành nghề thú y. Chuyển giao mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP… để người dân sản xuất nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm. Từ năm 2016, đến nay đã chứng nhận VietGAP lĩnh vực trồng trọt cho 1.296 tổ chức, cá nhân, với tổng diện tích canh tác là 1.470 ha, sản lượng dự kiến 151.463 tấn/năm và chứng nhận VietGAHP cho 134.330 con heo; thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc rau củ quả VietGAP tại 8 hợp tác xã, với sản phẩm truy xuất nguồn gốc trên 20 tấn/ngày, cung cấp cho 50 điểm của hệ thống siêu thị BigC, Lotte, AEON.

T Festival hoa lan năm 2019 với chủ đề “Sắc màu nhiệt đới”, từ ngày 27/4 đến ngày 01/5/2019 tại Công viên Tao Đàn, Quận 1; qua 5 ngày tổ chức thu hút khoảng 90.000 lượt khách tham quan. Hội thi trái ngon an toàn Nam bộ tại Khu du lịch văn hóa Suối Tiên, Quận 9 (ngày 01/6); hội thi thu hút 460 nhà vườn, với 604 mẫu đến từ 15 tỉnh thành Nam bộ tham gia, có 9 chủng loại với 23 giống trái cây và sản phẩm rau củ quả lạ, hiếm tham gia dự thi. Hội chợ triển lãm giống và nông nghiệp công nghệ cao thành phố lần VII năm 2019 tại Trung tâm Công nghệ sinh học, Quận 12; hội chợ diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 15/8 đến ngày 19/8/2019, với quy mô khoảng 400 gian hàng, của 165 đơn vị đại diện cho 17 tỉnh thành của cả nước tham gia.

Tổ chức 133 kỳ phiên chợ phiên nông sản an toàn tại 13 địa điểm, với 2.408 gian hàng của 2.288 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ dân trên địa bàn thành phố và các tỉnh, thành lân cận tham gia. Lũy kế từ năm 2016 đến nay, đã tổ chức 540 kỳ phiên chợ phiên nông sản an toàn, với 10.771 gian hàng của 9.417 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ dân tham gia. Qua các phiên chợ, các đơn vị đã kết nối tiêu thụ nông sản trên 200 hợp đồng, biên bản ghi nhớ, đơn đặt hàng với giá trị khoảng 22,5 tỉ đồng/tháng, tổng doanh thu từ hoạt động bán tại chợ phiên và thông qua các hợp đồng đạt 30,6 tỉ đồng/tháng.

Công tác cải cách hành chính: Thực hiện kế hoạch công tác cải cách hành chính năm 2019 của Ủy ban nhân dân thành phố, với chủ đề “Năm đột phá cải cách hành chính và thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội”; từ đầu năm 2019 đến nay, Sở đã ban hành 36 văn bản chỉ đạo, điều hành thực hiện 8 chỉ tiêu đã ký kết, 39 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về công tác cải cách hành chính. Sở phát động phong trào thi đua cải cách hành chính, trên cơ sở đó 15/15 đơn vị chủ động phát động phong trào thi đua và đăng ký thực hiện hoàn thành 8 chỉ tiêu cải cách hành chính theo chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị. Rà soát 132 thủ tục hành chính của ngành theo Quyết định số 700/QĐ-BNN-VP ngày 01 tháng 3 năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT (106 TTHC cấp thành phố, 18 TTHC cấp quận huyện và 8 TTHC cấp phường xã). Đến nay, đã trình Ủy ban nhân dân thành phố công bố danh mục 110 thủ tục hành chính của ngành. 110 TTHC đã triển khai niêm yết, công khai tại bộ phận “một cửa” và thực hiện theo hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001 và ISO điện tử. Trong đó, có 23/45 thủ tục hành chính đủ điều kiện, phát sinh hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Trong 9 tháng đầu năm 2019, đã tiếp nhận và giải quyết trước hạn, đúng hạn tại bộ phận một cửa là 18.239/18.239 hồ sơ của người dân, doanh nghiệp (đạt 100%). Trong đó, tiếp nhận và giải quyết 402/629 hồ sơ nộp trực tiếp và trực tuyến của 23 thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp (đạt 63,9%). 98,5% người dân, doanh nghiệp đánh giá hài lòng thông qua phiếu khảo sát tại bộ phận một cửa. 38 phần mềm quản lý (trong đó có 16 phần mềm do đơn vị tự xây dựng) đang sử dụng đáp ứng được nhu cầu chỉ đạo, điều hành, thuận lợi cho việc truy cập, quản lý dữ liệu của ngành. Khi người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 của 23 thủ tục hành chính ngành được hưởng thụ dịch vụ thuận lợi. Đặc biệt là triển khai thủ tục hành chính cấp, cấp lại giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá tại Trạm Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Cần Giờ, thị trấn Cần Thạnh (thuộc Chi cục Thủy sản) giúp ngư dân tiết kiệm chi phí cũng như thời gian thực hiện thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh.

 

 

Đặng Kiệt


Số lượt người xem: 2910    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm