SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
8
0
1
5
3
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 10 Tháng Giêng 2019 8:40:00 SA

GRDP ngành nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh tăng 6,2% so cùng kỳ

Năm 2018, được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, toàn ngành nông nghiệp nỗ lực triển khai các chương trình, đề án, cơ chế, chính sách đạt được những kết quả tích cực trên tất cả lĩnh vực, các chỉ tiêu đều đạt kế hoạch đề ra, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Đặc biệt cùng 5 huyện ngoại thành hướng dẫn người dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp chuyển đổi diện tích trồng lúa một vụ và diện tích trồng mía hiệu quả thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố như rau an toàn, hoa cây kiểng, bò sữa, heo, tôm nước lợ và cá cảnh (sản phẩm tiềm năng). Kết quả, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đúng định hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học. GRDP đạt 9.610 tỷ đồng, tăng 6,2% so cùng kỳ (cả nước tăng 3,76%). Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 21.402 tỷ đồng, tăng 6,2% so cùng kỳ (cả nước tăng 3,86%). Giá trị bình quân trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 502 triệu đồng/ha (tăng 11,5% so với năm 2017: 450 triệu đồng/ha).

Lĩnh vực trồng trọt, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng quy trình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo chất lượng, sản lượng cây trồng tăng hơn cùng kỳ. Diện tích gieo trồng rau đạt 18.756 ha, tăng 8,6% so cùng kỳ; sản lượng đạt 526.106 tấn, tăng 8,8% so cùng kỳ. Diện tích hoa, cây kiểng đạt 2.395 ha, tăng 4,1% so cùng kỳ. Thành phố có 24 tổ chức nuôi cấy mô thực vật, với tổng sản lượng 15,9 triệu cây giống/năm. Các doanh nghiệp đã xuất khẩu hạt giống khoảng 485 tấn, tăng 72,7% so cùng kỳ.

Lĩnh vực chăn nuôi, tổ chức sản xuất ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học được nhân rộng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế, đảm bảo an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh. Đàn bò sữa giảm nhưng sản lượng sữa bò tươi đạt 292.248 tấn, tăng 2,3% so cùng kỳ và đàn bò thịt đạt 44.300 con, tăng 9,1% so cùng kỳ. Đàn heo giảm nhưng thịt heo hơi đạt 94.500 tấn, tăng 3,2% so cùng kỳ. Cung cấp cho thị trường thành phố và các tỉnh lân cận trên 900.000 heo con giống và 1 triệu liều tinh heo giống, 20.000 con giống bò sữa và 420 con giống bò thịt.

Lĩnh vực thủy sản, triển khai các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, nuôi thâm canh, bán thâm canh sử dụng chế phẩm sinh học bảo vệ môi trường và nâng cao năng suất, sản lượng. Sản xuất thủy sản đã có những kết quả phấn khởi, sản lượng thủy sản đạt 63.521 tấn, tăng 5,3% so cùng kỳ. Sản xuất cá cảnh đạt 182 triệu con, tăng 17,4% so cùng kỳ. Cá cảnh xuất khẩu đạt 20,3 triệu con, kim ngạch xuất khẩu 22,4 triệu USD, tăng 11,5% so cùng kỳ.

Lĩnh vực phát triển nông thôn, trình Ủy ban nhân dân thành phố trình ban hành Quyết định số 655/QĐ-UBND ngày 12 tháng 2 năm 2018 về phê duyệt Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2020 (thay thế Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND ngày 23 tháng 02 năm 2016). Trên cơ sở đó, tổ chức hội nghị triển khai nhằm kết nối doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân với tổ chức tín dụng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Kết quả, các quận huyện đã phê duyệt 468 quyết định, 1.164 hộ, doanh nghiệp, hợp tác xã được hỗ trợ lãi vay, tổng vốn đầu tư 1.345,724 tỷ đồng, tổng vốn vay 839,270 tỷ đồng. Lũy tiến thực hiện chính sách từ năm 2011 – đến nay, đã phê duyệt 8.065 quyết định, với 23.831 hộ, hợp tác xã và doanh nghiệp được hỗ trợ lãi vay, tổng vốn đầu tư 12.532,833 tỷ đồng, tổng vốn vay 7.675,288 tỷ đồng.

Từ số liệu tổng vốn đầu tư, vốn vay và kinh phí hỗ trợ lãi vay cho thấy với 1 đồng vốn ngân sách hỗ trợ lãi vay (563,605 tỷ đồng), sẽ huy động được 22 đồng vốn xã hội (12.532,833 tỷ đồng), trong đó huy động từ tổ chức tín dụng là 14 đồng (7.675,288 tỷ đồng), huy động trong dân là 8 đồng (4.857,545 tỷ đồng).

Công tác an toàn thực phẩm, luôn bám giám sát diễn biến thực tiễn và đưa tin kịp thời về sản xuất, tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thiên tai và những biện pháp chỉ đạo của ngành trên Đài Truyền hình, Đài Tiếng nói nhân dân thành phố, Báo Nông thôn ngày nay, Báo Sài gòn giải phóng. Cung cấp thông tin về tiến bộ khoa học hỹ thuật, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, định hướng và hướng dẫn nông dân áp dụng, thông tin về dự báo thị trường để nông dân chủ động trong sản xuất.

Triển khai công tác lấy mẫu tại vùng sản xuất để kiểm tra công tác an toàn thực phẩm; đồng thời kiểm tra, thanh tra chuyên ngành về vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản. Truy xuất, thu hồi và xử lý các sản phẩm vật tư nông nghiệp, nông lâm thủy sản không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hành nghề thú y.

Chuyển giao các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy trình VietGAP… để người dân sản xuất nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm. Kết quả đã chứng nhận VietGAP rau an toàn cho 1.141 cơ sở, với diện tích canh tác 1.381,5 ha, tương đương 8.534,1 ha diện tích gieo trồng (chiếm 45,5% diện tích gieo trồng rau), ước tính sản lượng 129.110 tấn/năm. Chứng nhận VietGAHP trên heo cho 130.500 con (chiếm 45% tổng đàn heo). Triển khai công tác hỗ trợ xây dựng thí điểm 7 hợp tác xã nông nghiệp tiên tiến, hiện đại. Thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc rau củ quả VietGAP tại 7 hợp tác xã nông nghiệp: Phước An, Phú Lộc, Mai Hoa, Ngã 3 Giòng, Phước Bình, Nấm Việt và Liên tổ Rau an toàn Tân Trung. Sản phẩm rau quản lý truy xuất nguồn gốc đạt khoảng 15 tấn/ngày và được bày bán trên 50 điểm bán tại các hệ thống siêu thị tại thành phố.

Tổ chức 206 kỳ chợ phiên tại 10 địa điểm, có 3.897 đơn vị tham gia, với 4.304 gian hàng (bình quân mỗi kỳ chợ phiên có 19 đơn vị, 20 gian hàng). Lũy tiến đến nay đã tổ chức 300 kỳ chợ phiên, có 5.777 lượt đơn vị tham gia, với 6.570 gian hàng. Qua các kỳ chợ phiên đã ghi nhận 200 thỏa thuận, đơn đặt hàng tiêu thụ sản phẩm an toàn giữa các đơn vị tham gia chợ phiên và khách hàng, đạt giá trị 22,5 tỷ đồng/tháng (270 tỷ đồng/năm). Tổng doanh thu từ hoạt động bán tại chợ phiên và thông qua các hợp đồng đạt 30,6 tỷ đồng/tháng (367,2 tỷ đồng/năm).

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đã chủ động tham mưu Ban chỉ đạo của Thành ủy về Chương trình xây dựng nông thôn mới ban hành và triển khai kế hoạch chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố. Đồng thời phối hợp các Sở ngành liên quan tiến hành kiểm tra, hướng dẫn và giám sát việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới tại 56 xã và 5 huyện ngoại thành.

Chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn 5 huyện và 56 xã thực hiện 3/19 tiêu chí nông thôn mới đối với cấp xã là tiêu chí 3 (thủy lợi), tiêu chí 10 (thu nhập) và tiêu chí 13 (hình thức tổ chức sản xuất) và 1/9 tiêu chí đối với cấp huyện là tiêu chí 6 (sản xuất). Kết quả, đến cuối năm 2018 tại 56 xã xây dựng nông thôn mới (giai đoạn nâng chất) bình quân đạt 15,2/19 tiêu chí xã nông thôn mới (theo bộ tiêu chí thành phố), đạt 16,6/19 tiêu chí xã nông thôn mới (theo bộ tiêu chí quốc gia) và 5 huyện bình quân đạt 4,6/9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người là 54,7 triệu đồng/người/năm, tăng 11,2% so với năm 2017 là 49,18 triệu đồng/người/năm.

Năm 2019, tiếp tục phát huy nhũng thành quả đạt được để hoàn thành tốt kế hoạch đề ra, toàn ngành nông nghiệp đặt ra mục tiêu phấn đấu GRDP tăng trên 6,2% so cùng kỳ và giá trị sản xuất nông nghiệp tăng trên 6,2% so cùng kỳ. Giá trị bình quân trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 550 triệu đồng/ha. Tập trung chuyển đổi mạnh đất trồng lúa, mía hiệu quả thấp sang phát triển các loại cây trồng, vật nuôi là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố theo hướng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học để sản xuất giống cây, giống con chất lượng và năng suất cao, từng bước hình thành trung tâm giống cây, giống con của khu vực.

Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ nông nghiệp đô thị gắn với xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt công tác dự báo thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp. Rà soát, điều chỉnh, xây dựng chính sách, quy hoạch, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh chuyển dịch, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp. Phát triển khoa học công nghệ - ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp cùng góp phần xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh, tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nâng cao hiệu quả sản xuất gắn với đào tạo nguồn nhân lực. Duy trì, mở rộng và thúc đẩy hỗ trợ phát triển sản xuất giống của thành phố. Chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cho người dân, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp với du lịch sinh thái và bảo vệ môi trường. Phát huy vai trò trung tâm của hợp tác xã, xây dựng chuỗi liên kết nông lâm thuỷ sản, xúc tiến quảng bá thương hiệu, cung ứng cho tiêu dùng nội địa, xuất khẩu, đảm bảo an toàn thực phẩm tạo sự phát triển ổn định và bền vững. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao khả năng hội nhập CPTPP.

Đặng Kiệt

 

 


Số lượt người xem: 2480    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm