SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
6
0
0
9
7
TIN PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN 12 Tháng Sáu 2014 10:55:00 SA

Ban hành Bộ tiêu chí về nông thôn mới theo đặc thù vùng nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh

 

 

Ngày 27 tháng 5 năm 2014, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quyết định số 2598/QĐ-UBND ban hành Bộ tiêu chí về nông thôn mới theo đặc thù vùng nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể như sau:

1. Những tiêu chí thực hiện theo Quyết định số 491/QĐ-TTg, Quyết định số 342/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (11 tiêu chí):

- Tiêu chí 1  : Quy hoạch;

- Tiêu chí 4  : Điện;

- Tiêu chí 7  : Chợ nông thôn;

- Tiêu chí 8  : Bưu điện;

- Tiêu chí 9  : Nhà ở dân cư;

- Tiêu chí 12          : Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên;

- Tiêu chí 13          : Hình thức tổ chức sản xuất;

- Tiêu chí 15          : Y tế;

- Tiêu chí 17          : Môi trường;

- Tiêu chí 18          : Hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh;

- Tiêu chí 19          : An ninh trật tự xã hội.

2. Những tiêu chí có hướng dẫn rõ hơn trong quá trình thực hiện (03 tiêu chí):

- Tiêu chí 2  : Giao thông;

- Tiêu chí 6  : Cơ sở vật chất văn hóa;

- Tiêu chí 16          : Văn hóa.

Trường hợp cần thiết, các Sở ngành liên quan căn cứ theo chức năng, có văn bản hướng dẫn rõ hơn trong quá trình triển khai thực hiện, thẩm định phê duyệt đề án và đánh giá kết quả. Cụ thể:

2.1. Tiêu chí 2 - Giao thông:

- Nội dung tiêu chí căn cứ theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới: thực hiện các nội dung và tỷ lệ của 4 loại đường theo Bộ tiêu chí quốc gia.

- Hướng dẫn thực hiện:

+ Xác định các tuyến ưu tiên đầu tư phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Cụ thể:

* Việc thực hiện quy định đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật căn cứ theo Quyết định số 315/QĐ-BGTVT ngày 23 tháng 02 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

* Đối với các loại đường hiện hữu có quy mô mặt cắt ngang hiện trạng lớn hơn quy mô theo Quyết định số 315/QĐ-BGTVT ngày 23/02/2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thì thực hiện theo hiện trạng.

* Đối với các tuyến đường giao thông tại các khu vực của xã đã có quy hoạch đô thị hoặc khu công nghiệp thì chỉ đầu tư sửa chữa đảm bảo giao thông đi lại, không nâng cấp, mở rộng quy mô (đối với các khu vực có quy hoạch đô thị đã có dự án đầu tư khu đô thị hoặc khu vực mà địa phương đang kêu gọi đầu tư thì không nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông).

* Đường phải có cây xanh; đối với đường giao thông liên ấp phải có biển báo, hệ thống chiếu sáng, bố trí đầy đủ các công trình hạ tầng kỹ thuật: cấp nước, thoát nước,....các tuyến đường đã có quy hoạch phải thực hiện đúng theo quy hoạch được duyệt. Đối với đường trục ấp, liên ấp, trục tổ đề nghị huyện, xã xác định tên, loại đường theo tên gọi địa phận thành phố Hồ Chí Minh; đường trục xã, liên xã phải đảm bảo mặt cắt ngang tối thiểu 02 làn xe ô tô.

* Tùy theo điều kiện địa hình, địa chất từng khu vực để lựa chọn kết cấu cho phù hợp (bê tông xi măng, bê tông nhựa, láng nhựa, cấp phối đá dăm,..). Đối với các tuyến trục ấp, hẻm tổ, giao thông nội đồng: thiết kế kết cấu mặt đường bêtông xi măng, đá dăm hoặc cấp phối sỏi đỏ.

2.2 Tiêu chí 6 - Cơ sở vật chất văn hóa:

Về Nhà văn hóa - khu thể thao ấp: Nội dung tiêu chí căn cứ theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, Thông tư số 12/2010/TT-BVHTTDL ngày 22 tháng 12 năm 2010, Thông tư số 06/2011/TT-BVHTTDL ngày 08 tháng 3 năm 2011 và Công văn số 4128/BVHTTDL-VHCS ngày 20 tháng 11 năm 2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về hướng dẫn thực hiện tiêu chí số 06 của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới

- Tiêu chí 6.1 Trung tâm Văn hóa và khu thể thao xã phải đạt chuẩn của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch”.

        Hướng dẫn thực hiện: Tùy theo điều kiện của mỗi địa phương (do sự khó khăn về quỹ đất, nguồn vốn thực hiện hoặc do sự cách trở về mặt địa lý), việc xây dựng Nhà văn hóa và thể thao xã theo quy hoạch của từng huyện có thể xây dựng theo cụm bao gồm nhiều xã của một huyện cùng sinh hoạt hoặc xây dựng trên từng xã, nhưng phải đạt chuẩn theo quy định.

        - Tiêu chí 6.2 “Mỗi ấp trong xã có nhà văn hóa và khu thể thao ấp đạt chuẩn của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch”.

  Hướng dẫn thực hiện: gắn Văn phòng ấp kết hợp với Tụ điểm sinh hoạt văn hóa quy mô 300-500 m2 (trong đó bao gồm các cơ sở văn hóa, thể thao, sinh hoạt cộng đồng tại ấp) nhằm đáp ứng nhu cầu cơ bản về văn hóa của người dân trong ấp. Ngoài ra, phát huy xã hội hóa, xây dựng các cơ sở văn hóa, thể thao, sinh hoạt cộng đồng tại ấp. Tại những nơi có điều kiện, Trụ sở ấp gắn với tụ điểm văn hóa nên quy hoạch có khuôn viên phù hợp để thuận lợi khi phát triển sau này.

2.3 Tiêu chí 16 - Văn hóa:

Nội dung tiêu chí căn cứ theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Tại Điều 10, Thông tư số 41/2013/TT-BNNPTNT ngày 04 tháng 10 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, quy định: “Xã được công nhận đạt tiêu chí văn hóa khi có từ 70% thôn trở lên được công nhận và giữ vững danh hiệu “Thôn văn hóa” liên tục 05 năm trở lên”. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10 tháng 8 năm 2012, của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, trong đó nhấn mạnh Thành phố phải: “...Đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phấn đấu cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2015”. Do đó “Xã đuợc công nhận đạt tiêu chí văn hóa khi có từ 70% số ấp trở lên đạt tiêu chuẩn ấp văn hóa liên tục 03 năm”.

Hướng dẫn thực hiện: Xã được công nhận đạt tiêu chí văn hóa khi có từ 70% số ấp trở lên đạt tiêu chuẩn ấp văn hóa liên tục 03 năm.

3. Những tiêu chí điều chỉnh theo đặc thù vùng nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh - nông thôn vùng ven đô thị đặc biệt (5 tiêu chí):

- Tiêu chí 3  : Thủy lợi;

- Tiêu chí 5  : Trường học;

- Tiêu chí 10          : Thu nhập;

- Tiêu chí 11          : Hộ nghèo;

- Tiêu chí 14          : Giáo dục;

Nội dung điều chỉnh của các tiêu chí

3.1. Tiêu chí 3 - Thủy lợi:

- Lý do: chỉ tiêu: 3.2 của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới: Tỷ lệ km kênh mương do xã quản lý được kiên cố hóa - miền Đông Nam bộ: 85%”. Đặc thù Thành phố có nhiều vùng sinh thái khác nhau như các xã khu vực phía Nam (huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh) nhiều kênh rạch chằng chịt nên việc bê tông hóa là không khả thi. Chỉ kiên cố hóa cống bọng.

Giữ lại chỉ tiêu 3.1 - hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh; bỏ chỉ tiêu 3.2; Chỉ kiên cố hóa cống điều tiết (điều này cũng phù hợp với hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Thông tư số 41/2013/TT-BNNPTNT).

- Nội dung tiêu chí điều chỉnh:

+ Hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh: đạt. Kiên cố hóa cống điều tiết

3.2. Tiêu chí 5 - Trường học:

- Lý do: theo tiêu chí 5: Tỷ lệ trường học các cấp: mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia”. Đặc thù tại Thành phố dân số đông, số lượng học sinh lớn; tại mỗi xã có nhiều trường (trong mỗi cấp). Vì vậy, đối với việc xây dựng nông thôn mới xã ven đô: tùy điều kiện, tại các xã, trước mắt giai đoạn đến 2015: Ưu tiên xây dựng cơ sở vật chất ở cấp Mầm non đạt chuẩn quốc gia; cấp Tiểu học, Trung học cơ sở (mỗi cấp 1 trường/xã) đạt chuẩn quốc gia; các trường, các cấp còn lại chỉ nâng cấp phục vụ tốt hơn. Sẽ dần xây dựng cho “tất cả” các trường đạt chuẩn cơ sở vật chất trong giai đoạn 2016 đến năm 2020 - tùy tình hình ngân sách Thành phố.

- Nội dung tiêu chí điều chỉnh: Ưu tiên xây dựng cơ sở vật chất ở cấp Mầm non đạt chuẩn quốc gia; cấp Tiểu học, Trung học cơ sở (mỗi cấp 1 trường/xã) đạt chuẩn quốc gia; các trường còn lại chỉ nâng cấp phục vụ tốt hơn. (quy hoạch dự kiến diện tích đất cần có để xây dựng trường đạt chuẩn)  

 

 

3.3. Tiêu chí 10 - Thu nhập:

- Lý do: Theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, nếu xã đạt tiêu chí này thì mức thu nhập bình quân đầu người/năm khu vực nông thôn, chia theo khu vực Đông Nam Bộ, đến năm 2015 phải đạt 34 triệu đồng/người/năm; đến năm 2020 phải đạt 58 triệu đồng/người/năm.

Theo Niên giám thống kê năm 2011 của Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh, thu nhập bình quân một nhân khẩu/tháng khu vực nông thôn năm 2010 là 1,93 triệu đồng (tương đương 23,17 triệu đồng/người/năm), tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân nhân khẩu/tháng khu vực nông thôn thành phố giai đoạn 2005-2010 là 17,71%/năm.

Do tình hình suy giảm kinh tế thế giới tác động đến kinh tế thành phố, trong đó có khu vực nông thôn, dự kiến trong giai đoạn 2011-2020 tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân người dân nông thôn dao động trong khoảng từ 10% đến 15%/năm. Như vậy, thu nhập bình quân nhân khẩu/tháng khu vực nông thôn thành phố năm 2015 sẽ dao động trong khoảng 3,1 đến 3,88 triệu đồng (tương đương 37,2 đến 46,56 triệu đồng/người/năm), năm 2020 là 5 đến 7,8 triệu đồng (tương đương 60 đến 93,6 triệu đồng/người/năm), cao hơn so với mức điều chỉnh tiêu chí số 10 về Thu nhập của Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Nếu chỉ căn cứ theo chỉ tiêu này, sẽ không kích thích sự phấn đấu, đẩy mạnh phát triển sản xuất của các xã. Mặt khác, vẫn phải có một chỉ tiêu tuyệt đối tối thiểu, để cùng căn cứ, so sánh.

- Nội dung tiêu chí điều chỉnh: Thu nhập bình quân đầu người/năm so với mức bình quân chung của xã trước khi thực hiện đề án: từ 1,5 - 1,8 lần (so với khi xây dựng đề án nông thôn mới); nhưng đến năm 2015 không thấp hơn 37 triệu đồng/người/năm; đến năm 2020 không thấp hơn 60 triệu đồng/người/năm.

3.4. Tiêu chí 11 - Hộ nghèo:

- Lý do: theo tiêu chí 11 “Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn miền Đông Nam Bộ: <3%” (theo tiêu chí Trung ương: 4,8 triệu đồng/người/năm). Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang triển khai chương trình giảm nghèo giai đoạn 4 (theo Quyết định số 03/2014/QĐ-UBND ngày 14 tháng 01 năm 2014 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh): chuẩn nghèo mới 2014 - 2015 sẽ là 16 triệu đồng/người/năm trở xuống, hiện nay số hộ nghèo mới của 05 huyện ngoại thành thành phố ước khoảng 55.000 hộ, chiếm 15%, nếu tốc độ giảm nghèo khoảng 4 - 5%/năm thì phấn đấu đến cuối năm 2015 còn dưới 3%.

Nội dung tiêu chí điều chỉnh: tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí thu nhập bình quân từ 16 triệu đồng/người/năm trở xuống) phấn đấu đến cuối năm 2015: còn dưới 3%.

3.5. Tiêu chí 14 - Giáo dục:

- Lý do:

+ Theo Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục (có giá trị từ ngày 01/7/2011), trong đó tại Điều 1, khoản 1, mục a, điểm 1 quy định “Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi”. Vì vậy, phải bổ sung thêm: phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, để phù hợp với Luật Giáo dục. Ngoài ra, thực hiện xóa mù chữ cho người lao động theo quy định của ngành giáo dục.

+ Về chỉ tiêu 14.2: tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề). Theo bộ tiêu chí quốc gia chỉ tiêu chung cả nước là 85%; đối với miền Đông Nam Bộ là 90%; phấn đấu chỉ tiêu đối với Thành phố Hồ Chí Minh là 95% (không thể 100% vì các học sinh ở gần các khu công nghiệp, theo Luật Lao động từ 15 tuổi trở lên, có một số em có thể đi làm việc).

+ Về chỉ tiêu 14.3, tỷ lệ lao động qua đào tạo: theo Bộ tiêu chí quốc gia: khu vực miền Đông Nam Bộ > 40%. Căn cứ đặc thù Thành phố, Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 - 2020 quy định tỷ lệ lao động qua đào tạo trên tổng số lao động đang làm việc đạt trên 65%; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ IX: phấn đấu tỷ lệ lao động đã qua đào tạo là 70%; Quyết định số 4294/QĐ-UBND ngày 07 tháng 4 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành Chương trình thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn Thành phố giai đoạn (2011 - 2020) chỉ tiêu 3 - phấn đấu đạt tỷ lệ 40% lao động nữ qua đào tạo nghề trong tổng số 70% lao động qua đào tạo nghề đến 2015. Do đó, chỉ tiêu tại các đề án của các xã cũng phải thực hiện theo tỷ lệ: lao động đã qua đào tạo là 70%, trong đó có 40% là lao động nữ.

+ Tỉ lệ lao động biết chữ trong độ tuổi lao động: qui định giao ngành giáo dục thành phố là 99,5%.

- Nội dung tiêu chí điều chỉnh:

+ Mục 14.1: Phổ cập giáo dục trung học cơ sở: Đạt

+ Mục 14.2: tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề): 95%.

+ Mục 14.3: Tỷ lệ lao động qua đào tạo: 70%, trong đó có 40% là lao động nữ.

+ Bổ sung mục 14.4: Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi: đạt.

+ Bổ sung mục 14.5: Xóa mù chữ (trong độ tuổi lao động): đạt.

 

Đặng Kiệt (tổng hợp)


Số lượt người xem: 31759    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm