SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
7
3
6
7
9
TIN THỦY SẢN 04 Tháng Tư 2011 2:50:00 CH

Hội thảo Nuôi tôm trái vụ

Ngày 30/3/2011 tại Hội trường Trạm Thủy sản An Nghĩa, Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tổ chức Hội thảo nuôi tôm trái vụ. Chương trình hội thảo có sự tham gia của tiến sỹ Nguyễn Văn Trai- Khoa Thủy sản- Trường Đại học Nông Lâm TP.Hồ Chí Minh, thạc sỹ Phạm Bá Vũ Tùng- Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II, đại diện Phòng Kinh tế huyện Cần Giờ, Phòng Kinh tế huyện Nhà Bè -TP.HCM, Chi cục Thú y TP.HCM, Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Nai, Trạm Khuyến nông Cần Giờ, cán bộ phụ trách sản xuất nông nghiệp của các xã và hơn 70 nông dân nuôi tôm tiêu biểu thuộc hai huyện Cần Giờ, Nhà Bè.

          
    Tại buổi Hội thảo, bà con nông dân và cán bộ phụ trách sản xuất nông nghiệp của các xã được nghe tiến sỹ Nguyễn Văn Trai, thạc sỹ Phạm Bá Vũ Tùng báo cáo các chuyên đề về nuôi tôm trái vụ; bệnh tôm và quản lý thực hiện các quy chuẩn tốt (BMP) trong nuôi tôm nhằm nâng cao nhận thức khi thả tôm trái vụ. 
    Theo tiến sỹ Nguyễn Văn Trai nuôi tôm trái vụ là bà con nuôi tôm vào vụ mùa có môi trường không thuận lợi, thường là vào mùa mưa. Nước mưa tại chỗ và nước ở thượng nguồn đổ xuống làm cho độ mặn, độ pH…dao động lớn, không ổn định, thêm vào đó các vật chất hữu cơ bị dòng nước cuốn theo dẫn đến ô nhiễm nguồn nước. Tuy điều kiện nuôi bất lợi dẫn đến nhiều thách thức hơn trong quá trình nuôi như tôm dễ bị sốc do môi trường biến động, sức khoẻ tôm bị ảnh hưởng, tỉ lệ sống giảm…nhưng bà con vẫn thả nuôi vì giá bán sản phẩm được cao, lợi nhuận đem lại khá lớn, việc sử dụng đất được tối ưu…Vì vậy, theo cả tiến sỹ Trai và thạc sỹ Tùng khi bà con nuôi tôm trái vụ nên thả giống mật độ thưa (mật độ thấp hơn 50-70% so với thời điểm chính vụ) và điều đặc biệt chú ý là phải quản lý môi trường nước nuôi thật nghiêm ngặt, theo dõi các chỉ tiêu lý hoá định kỳ, thường xuyên đo nhiệt độ nước (vào lúc 3 giờ sáng và 3 giờ chiều) để biết được biên độ nhiệt giữa ngày và đêm, sau đó có biện pháp xử lý thích hợp.
    Cũng theo thạc sỹ Phạm Bá Vũ Tùng, nếu như bà con nuôi tôm trái vụ nhưng tuân thủ triệt để các quy chuẩn về chuẩn bị ao; quy chuẩn chọn giống, thả giống; quy chuẩn quản lý thức ăn, cho ăn; quy chuẩn quản lý thuốc và sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường; quy chuẩn quản lý môi trường ao nuôi và quy chuẩn quản lý sức khỏe tôm; từ đó bà con sẽ xác định được nguyên nhân và kiểm soát được các mối nguy thì tỷ lệ bà con nuôi trái vụ thành công sẽ cao hơn.
    Bên cạnh đó, Ông Trần Đình Vĩnh- Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản khuyến cáo bà con nên thường xuyên theo dõi kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường nước nuôi trồng thủy sản do Chi cục quan trắc định kỳ mỗi tháng 02 lần vào ngày mồng 1 và 15 âm lịch để biết được chất lượng nước tại các điểm đầu nguồn. Bà con phải kiểm tra chất lượng và kiểm dịch con giống trước khi thả nuôi, kiểm tra các chỉ số môi trường nước trước và trong quá trình nuôi. Ông cũng chỉ đạo Trạm Thủy sản An Nghĩa thuộc Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tích cực hỗ trợ bà con nông dân xét nghiệm mầm bệnh trên mẫu tôm giống, xét nghiệm chỉ tiêu lý, hoá, vi sinh vật trên mẫu nước, tư vấn kỹ thuật cho bà con khi gặp những vấn đề khó khăn trong quá trình nuôi. 
    Với những thông tin tại Hội thảo đã giúp cho bà con nuôi tôm ở 02 huyện Nhà Bè và Cần Giờ có được những kiến thức bổ ích, thiết thực, tránh được thiệt hại xảy ra trong quá trình nuôi tôm trái vụ.

                                                                        (Nguồn: Chi cục QLCL và BVNL Thủy sản)


Số lượt người xem: 7752    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm