SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
6
1
1
2
1
5
TIN THỦY SẢN 10 Tháng Mười Hai 2012 11:45:00 SA

Đôi điều cần biết về Quy phạm thực hành quản lý và nuôi trồng tốt trong nghề nuôi cá cảnh.

 

 

Gần đây, việc xuất khẩu cá cảnh cuả Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng đang gặp những rào cản thương mại và kỹ thuật cuả các nước nhập khẩu đặt ra để hạn chế những rủi ro do phát tán dịch bệnh, làm thiệt hại đến ngành nuôi trồng thủy sản cuả họ, cụ thể là:

            - Ủy ban Châu Âu: Quyết định số 858/2003/EC ngày 21/11/2003 “Yêu cầu về điều kiện và chứng nhận sức khoẻ động vật khi nhập khẩu các loài cá, trứng và giao tử cuả chúng để nuôi và cá có nguồn gốc nuôi dùng làm thực phẩm cho người

            - Cơ quan kiểm dịch Động Thực vật Mỹ (APHIS): Luật tạm thời số 71 FR51435 ngày 30/8/2006 “Yêu cầu các quốc gia có xuất khẩu các loài cá có khả năng cảm nhiễm SVCV (SpringViraemia of Carpio Virus) phải thực hiện 1 số quy định như: công nhận cơ sở/vùng nuôi an toàn bệnh dịch SVC và chứng nhận kiểm dịch cho toàn lô hàng”.

            - Tổ chức sức khoẻ Động vật Thế giới (OIE): “Bệnh Koi Herpes Virus Disease trên cá Chép Koi thuộc Danh mục các bệnh phải kiểm dịch”; do đó Ủy ban Châu Âu đã ra Quyết định số 656/2006/EC ngày 20/9/2006 về “Điều kiện sức khoẻ và chứng nhận nhập khẩu cho các loài cá dùng làm cảnh”.

            Để vượt qua các rào cản này, chúng ta cần phải áp dụng các quy phạm thực hành quản lý và nuôi tốt trong sản xuất cá cảnh thì mới phát triển bền vững.

            1. Khái niệm về Quy phạm thực hành quản lý và nuôi tốt:

            Theo Tổ chức Lương, Nông Thế giới (FAO) đưa ra các Quy phạm vào năm 2005, bao gồm:

-         GMP (Good Management Practices): Thực hành quản lý tốt

-         BMP (Better Management Practices): Thực hành quản lý tốt hơn.

-         GAP (Good Aquaculture Practices): Thực hành nuôi trồng tốt

-         BAP (Better Aquaculture Practices): Thực hành nuôi trồng tốt hơn

-         CoC (Code of Coduct): Quy tắc ứng xử có trách nhiệm.

-         CoP (Code of Practices) Quy tắc thực hành có trách nhiệm.

Là những quy phạm đưa ra các tiêu chuẩn bắt buộc các cơ sở nuôi trồng để họ tự nguyện áp dụng. Trong đó, GAP thường liên quan đến an toàn thực phẩm, còn BMP thì chú trọng đến vấn đề môi trường, trách nhiệm xã hội và quản lý dịch bệnh.

Năm 2008, ông Corsin và các cộng tác viên cho rằng các quy phạm thực hành nuôi bền vững đượ diễn đạt bằng nhiều tên khác nhau trên thế giới, tuy nhiên phổ biến nhất vẫn là BMP và GAP:

   * BMP được Tổ chức FAO ban hành vào năm 1995, là 1 bộ tiêu chuẩn bao gồm 1 hệ thống nguyên lý và chuẩn mựctrong bảo tồn, duy trì và phát triển các sản phẩm thủy sản. Đến năm 2006, các tổ chức gồm: Mạng lưới Nuôi trồng Thủy sản Châu Á Thái Bình Dương (NACA), Ngân hàng Thế giới (WB), Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP), Qũy Động vật hoang dã Thế giới (WWF)và FAO đã hợp tác cho xuất bản 1 bộ nguyên tắc nuôi tôm có trách nhiệm, gồm 8 quy chuẩn quốc tế hướng dẫn thực hiện và BMP đã hình thành từ những hướng dẫn này.

Theo đó, năm 2007 ông Maryland chứng minh được: Thực hành quản lý thủy sản tốt hơn nhằm tăng sự sống còn, tối đa hoá tăng trưởng, phát triển tính đồng nhất cuả sản phẩm, bảo vệ khỏi địch hại, phát triển theo nhu cầu thị trường.

+ GAP: được ông Schwarzs và các cộng tác viên định nghiã nó là 1 tập hợp các tiêu chuẩn và tiến trình để thúc đẩy hoạt động nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm và hiệu quả; bảo đảm các sản phẩm đầu ra có trách nhiệm, an toàn, đạt tiêu chí môi trường và bền vững. GAP bao gồm các tiêu chuẩn về vị trí trại, thiết kế hệ thống sản xuất, đàn bố mẹ, an ninh sinh học, lưu trữ hồ sơ, kỹ thuật nuôi, thu hoạch, vệ sinh khử trùng.

2. Tình hình áp dụng quy phạm quản lý cá cảnh trên thế giới:

- Ở Srilanka: đã ban hành GAP cho sản xuất và xuất khẩu cá cảnh, bao gồm 13 tiêu chuẩn: vị trí, xây dựng và thiết kế trại, quản lý đàn cá bố mẹ, sinh sản, ương nuôi, thức ăn, xuất khẩu, xã hội, lưu giữ dữ liệu, quản lý sức khoẻ và an toàn sinh học, thu hoạch, quản lý chất thải, an toàn cá nhân.

- Ở Úc: Bộ phận Quản lý cá cảnh ra đời từ năm 2006 xây dựng chiến lược quản lý, ngăn ngưà sự xâm nhập cuả cá cảnh ngoại lai ra tự nhiên; thiết lập danh sách các loài cá gây hại và Danh sách xám các loài cá chưa rõ thông tin cần nghiên cứu.

- Ở Florida (Mỹ): Quan tâm nhiều nhất đến vấn đề quản lý cá ngoại lai trong sản xuất và lai tạo giống cá cảnh; quản lý sử dụng thuốc kháng sinh.

- Ở Singapore: Khuyến khích các trại cá tham gia các chứng nhận ISO, gồm: Hệ thống quản lý chất lượng (ISO 9002)và hệ thống quản lý môi trường (ISO 14001); phát triển chương trình chứng nhận sức khoẻ, thực hành vệ sinh phòng bệnh cho cá cảnh.

- Hiệp hội cá cảnh Thế giới (OFI) đưa ra quan điểm làm nhẹ rào cản an toàn dịch bệnh cuả các nước nhập khẩu Âu Mỹ, đó là: mục đích nuôi cá cảnh chủ yếu gói gọn trong các hệ thống nuôi khép kín không ảnh hưởng tới môi trường. Nhờ vậy, nhiều điều luật áp chế đã không áp dụng đối với các loài cá cảnh không có nguy cơ cảm nhiễm với các bệnh độc hại.

Riêng ở Việt nam, đặc biệt là TP.HCM, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Trường đại học Nông Lâm xây dựng Dự thảo Quy phạm thực hành quản lý tốt trong sản xuất cá cảnh (GMP) từ tháng 10/2011 và dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 10/2013. Sau khi hoàn chỉnh sẽ trình UBND thành phố ban hành tạm thời, và khi đã áp dụng ổn định sẽ trình Bộ NN và PTNT xem xét và ban hành chính thức, áp dụng tòan quốc.

 

                                                                                         Trịnh Biên


Số lượt người xem: 8176    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm