SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
6
9
1
8
5
Tin tức tổng hợp 10 Tháng Mười 2018 2:05:00 CH

Tăng cường công tác phòng chống bệnh khảm lá virus hại khoai mì.

Tổng diện tích trồng khoai mì trên địa bàn Thành phố năm 2018 là 616,2 ha trong đó diện tích khoai mì bị nhiễm bệnh khảm lá là 359 ha, chiếm 58% diện tích sản xuất (616,2 ha). Trên địa bàn huyện Củ Chi diện tích trồng là 607,3 ha, diện tích nhiễm là 359 ha chiếm 59% diện tích sản xuất. Theo dự báo, bệnh khảm lá trên cây khoai mì (sắn) sẽ tiếp tục lây lan nhanh trong thời gian tới nếu không có các biện pháp chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ và sự vào cuộc tích cực của các quận/huyện. Để ngăn chặn sự lây lan, kiểm soát hiệu quả bệnh khảm lá trên cây khoai mì nhằm giúp ổn định sản xuất của người dân trên địa bàn Thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh khảm lá virus hại khoai mì trên đọa bàn thành phố như sau:



1. Đề nghị Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi

- Chỉ đạo đài phát thanh địa phương thông tin tuyên truyền mức độ nguy hiểm của bệnh khảm lá khoai mì, các giải pháp phòng chống bệnh hiệu quả; hướng dẫn nông dân nhận biết triệu chứng bệnh khảm lá khoai mì và cung cấp thông tin cho chính quyền địa phương, trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện khi phát hiện bệnh khảm lá trên cây khoai mì để chủ động trong công tác xử lý cũng như tiêu hủy nguồn bệnh, ngăn chặn sự lây lan.

- Khuyến cáo người dân không mua hom giống không rõ nguồn gốc, đặc biệt tại các tỉnh đang bị bệnh khảm lá gây hại nặng như tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu….; nghiêm cấm mua bán, xuống giống HL-S11 do giống này bị bệnh khảm lá rất nặng; không trồng các giống khoai mì đã xác định nhiễm bệnh nặng như HL-S12, KM 419, KM 140; khuyến cáo người dân sử dụng các giống kháng bệnh, giống ít bị bệnh để trồng (hiện nay có giống KM94).

- Ủy ban nhân dân huyện phối hợp với Chi cục Trồng trọt vả Bảo vệ thực vật tăng cường công tác kiểm dịch thực vật nội địa. Không cho người dân vận chuyển, mua bán hom giống khoai mì không rõ nguồn gốc, hom giống được lấy tại các vùng đang bị nhiễm bệnh để trồng.

- Vận động người sản xuất thu hoạch và xử lý diện tích khoai mì bị bệnh khảm lá hiện diện trên đồng để hạn chế bệnh lây lan. Đồng thời khuyến cáo người dân phun phòng trừ sinh vật môi giới (bọ phấn trắng) ở các địa bàn mới xuất hiện bệnh.

- Nghiêm cấm vận chuyển thân lá khoai mì ra khỏi vùng nhiễm bệnh. Có biện pháp quản lý chặt chẽ hoạt động vận chuyển, mua bán giống khoai mì của các hộ kinh doanh trên địa bàn quản lý, nhất là ở thời điểm chuẩn bị vào vụ mới.

- Khuyến khích người dân trồng khoai mì chuyển đổi sang các loại cây trồng khác trong thời gian ít nhất là 1 năm để cắt nguồn bệnh. Trong thời gian này khuyến cáo không trồng lại với các loại cây trồng là ký chủ của bọ phấn trắng (như cây thuốc lá, cà chua, cà tím, bầu bí, khoai tây, ớt, chanh dây…).

- Tổ chức vận động người dân tiêu hy 1 phần hay tiêu hy toàn bộ đối với các ruộng bị nhiễm bệnh khảm lá theo quy định của Cục Bảo vệ thực vật đã ban hành.  

- Thành lập Ban chỉ đạo phòng chống bệnh khảm lá khoai mì cấp huyện và cấp xã (đối với các xã có diện tích trồng khoai mì lớn) để có thể triển khai thực hiện tốt công tác phòng chống bệnh khảm lá trên cây khoai mì có trên địa bàn huyện.

2. Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ và quận 7:

Đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo các phòng, ban, Ủy ban nhân dân cấp xã/phường triển khai các nội dung sau:

- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền qua đài phát thanh tại địa phương, các điểm thông tin của xã, các điểm thu mua, chế biến khoai mì về tác hại của bệnh khảm lá và biện pháp phòng chống. Khuyến cáo người dân mua hom giống tại các địa điểm bán giống có uy tín, rõ nguồn gốc xuất xứ; không mua hom giống khoai mì có nguồn gốc từ các tỉnh đang bị bệnh khảm lá gây hại nặng đặc biệt tại tỉnh Tây Ninh hiện nay đã công bố dịch khảm lá trên cây khoai mì.

- Khuyến cáo người dân không trồng giống HL-S11 do giống này hiện nay đã bị cấm mua bán cũng như trồng. Ngoài ra hạn chế trồng các giống bị nhiễm nặng với bệnh khảm lá như HL-S12, KM 419, KM 140; khuyến cáo người dân sử dụng các giống kháng bệnh, giống ít bị bệnh để trồng (hiện nay có giống KM94).

- Tăng cường công tác kiểm dịch, không cho vận chuyển, trao đổi hom giống và các bộ phận khác của cây khoai mì từ vùng bị nhiễm sang vùng chưa nhiễm.

- Nghiêm cấm triệt để hành vi buôn bán, trao đổi các giống khoai mì nhiễm bệnh; vận chuyển thân lá khoai mì từ vùng dịch sang các vùng chưa nhiễm bệnh.

- Phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tăng cường điều tra phát hiện sớm diện tích bị nhiễm bệnh khảm lá, nếu phát hiện vận động nông dân kịp thời phun thuốc BVTV thuộc 02 nhóm hoạt chất Dinotefura và Pymetrozine (Ikuzu 20WP, Longanchess 750WP…)  trừ bọ phấn trắng môi giới truyền bệnh trước khi tiêu hủy nguồn bệnh để ngăn chặn sự lây lan.

- Vận động các đoàn thể chính trị - xã hội lồng ghép chuyên đề phòng chống bệnh khảm lá khoai mì vào các buổi sinh hoạt thường kỳ, đột xuất.

3. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật

- Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác điều tra phát hiện diện tích sắn nhiễm bệnh khảm lá và hướng dẫn Ủy ban nhân dân các quận, huyện vận động người dân trồng sắn kịp thời tiêu hủy những diện tích khoai mì nhiễm bệnh khảm lá theo quy trình kỹ thuật của Cục Bảo vệ thực vật đã ban hành. Những vùng có nguy cơ bùng phát bệnh khảm lá khoai mì khuyến cáo, hướng dẫn người dân phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ bọ phấn trắng.

- Tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để người dân không xuống giống khoai mì HL-S11 do giống này bị nhiễm rất nặng đối với bệnh khảm lá và đã được Bộ nông nghiệp PTNT nghiêm cấm mua bán cũng như trồng giống này. Khuyến cáo đến người dân các giống khoai mì kháng hoặc chống chịu được được bệnh khảm lá, hướng dẫn người dân địa điểm mua hom giống sạch bệnh.

- Tổ chức in ấn cấp phát tờ rơi về Quy trình kỹ thuật hướng dẫn phòng trừ bệnh khảm lá sắn do cục Bảo vệ thực vật đã ban hành. Trong đó hướng dẫn cụ thể cách nhận dạng triệu chứng bệnh khảm lá trên cây khoai mì; hướng dẫn người dân cách xử lý các ruộng khoai mì bị nhiễm bệnh; hướng dẫn cách xử lý bọ phấn trắng do đây là đối tượng trung gian lan truyền bệnh khảm lá trên cây khoai mì.

- Phối hợp với địa phương trong việc tăng cường công tác kiểm dịch thực vật nội địa. Kiểm tra và xử lý các trường hợp người dân vận chuyển mua bán hom giống khoai mì từ các vùng bị nhiễm sang vùng chưa nhiễm, vận chuyển mua bán giống khoai mì HL-S11.

- Khuyến khích người dân trồng khoai mì chuyển đổi sang các loại cây trồng khác trong thời gian ít nhất là 1 năm để cắt nguồn bệnh. Trong thời gian này khuyến cáo không trồng lại với các loại cây trồng là ký chủ của bọ phấn trắng (như cây thuốc lá, cà chua, cà tím, bầu bí, ớt, chanh dây…).

- Phối hợp cùng với các Viện, Trường, Trung tâm nghiên cứu để đánh giá tác hại cũng như mức độ lây lan của bệnh khảm lá khoai mì, bọ phấn trắng đối với các loại cây trồng khác.

- Thường xuyên kiểm tra đôn đốc các Trạm TTBVTV tổng hợp, báo cáo tình hình dịch bệnh, công tác phòng chống, tuyên truyền đến người dân và báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi có yêu cầu.

3. Trung tâm Khuyến nông

- Tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn để hướng dẫn nông dân phát hiện và chủ động thực hiện các biện pháp phòng trừ bọ phấn trắng, bệnh khảm lá khoai mì. Khuyến cáo người dân không mua bán, trao đổi các giống khoai mì đã bị nhiễm bệnh, không trồng giống HL-S11 do giống này chưa được chứng nhận và đã được Bộ nông nghiệp PTNT cấm mua bán cũng như trồng giống này.

- Khuyến cao, hướng dẫn các loại cây trồng phù hợp luân canh với cây khoai mì ít nhất 1 năm nhằm cắt nguồn bệnh./.

 

                                      Phòng Khoa học Công nghệ


Số lượt người xem: 4224    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm