SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
6
9
6
3
0
Tin tức tổng hợp 02 Tháng Mười Hai 2019 2:15:00 CH

Thành phố Hồ Chí Minh – 10 năm xây dựng nông thôn mới thu nhập người dân ngoại thành đạt 63 triệu đồng/người/năm

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 7, Khóa X ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết 26-NQ/TW). Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 32-KL/BCT ngày 20 tháng 11 năm 2008, trong đó chỉ đạo xây dựng thí điểm mô hình xây dựng nông thôn mới, nhằm thực hiện Nghị quyết 26-/NQ/TW. Năm 2009, Trung ương chọn xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi là 1 trong 11 xã cả nước thực hiện thí điểm mô hình xây dựng nông thôn mới. Thành phố Hồ Chí Minh chọn thêm 5 xã thuộc 5 huyện, gồm xã Thái Mỹ (huyện Củ Chi), Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn), Tân Nhựt (huyện Bình Chánh), Nhơn Đức (huyện Nhà Bè) và Lý Nhơn (huyện Cần Giờ) do thành phố trực tiếp chỉ đạo. Năm 2011, nhân rộng tại 50 xã của thành phố và cùng các tỉnh thành của cả nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với mục tiêu là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của người dân nông thôn, từng bước nâng cao chất lượng sống của người dân nông thôn.

Kết quả 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2010 – 2015 số tiêu chí đạt bình quân/xã 18,9/19 tiêu chí, 54/56 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 3/5 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới (huyện Củ Chi, Hóc Môn và Nhà Bè); Thành phố được Đảng, Nhà nước phong tặng Huân chương Lao động Hạng nhất. Giai đoạn nâng cao chất lượng các tiêu chí 2016 – 2020 tính đến hết tháng 11 năm 2019, số tiêu chí đạt bình quân/xã 18,73/19 tiêu chí, số tiêu chí đạt bình quân/huyện 7,6/9 tiêu chí; 47/56 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó 31/47 xã được Ủy ban nhân dân thành phố ban hành quyết định công nhận; Thành phố được Đảng, Nhà nước phong tặng Huân chương Lao động Hạng ba.

Thành phố đã huy động nguồn lực với tổng kinh phí 73.556,8 tỷ đồng, trong đó vốn huy động từ cộng đồng 59.416,6 tỷ đồng, chiếm 80,8%. Thành phố đầu tư 9.188 công trình phục vụ phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội; trong đó 1.836 công trình giao thông, 414 công trình thủy lợi, 549  công trình điện, 161 công trình trường học, cơ sở vật chất văn hóa 451 công trình, chợ 49 công trình, bưu điện 25 công trình, y tế 35 công trình, nhà ở 4.259 công trình (trong đó xóa 2.797 căn nhà tạm, nhà dột nát). Phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới đã huy động được cả hệ thống chính trị và người dân 5 huyện, 56 xã xây dựng nông thôn mới chung tay góp sức xây dựng nông thôn mới, với tổng kinh phí hỗ trợ 2.800,9 tỷ đồng; trong đó đã huy động được 26.052 hộ dân hiến đất, vật kiến trúc làm đường, với diện tích 2.972.304 m2, ước kinh phí hơn 2.243 tỷ đồng.

Thu nhập bình quân hộ gia đình tại 56 xã xây dựng nông thôn mới đạt 63,096 triệu đồng/người/năm 2019 (tăng 301,12% so với năm 2008 - năm đầu tiên bắt đầu thực hiện Nghị quyết 26 - NQ/TW là 15,73 triệu đồng/người). Khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn ngày càng thu hẹp qua các năm: Năm 2008, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn thành phố bằng 55,5% so với thu nhập khu vực thành thị; đến năm 2010 là 66,5%, năm 2016 là 71,9%, năm 2019 là 72,57%. Thành phố không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia, chuẩn nghèo thành phố được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm, hộ nghèo tại 5 huyện năm 2010 còn 42.045hộ/291.686 hộ, chiếm tỷ lệ 14,41%; tính đến đầu năm 2019, số hộ nghèo có thu nhập bình quân từ 21 triệu đồng/người/năm trở xuống chiếm tỷ lệ 0,41% trong tổng hộ dân 5 huyện.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã góp phần tích cực nâng cao hiệu quả đầu tư của Thành phố trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Nông nghiệp phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học; sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất, chất lượng gắn với du lịch sinh thái. GRDP nông nghiệp bình quân tăng 5,9%/năm, giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2019 ước đạt 23.400 tỉ đồng, tăng bình quân 6,01%/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 ha đất canh tác tăng đều qua các năm, từ 158,5 triệu đồng/ha năm 2010 tăng lên 375 triệu đồng/ha năm 2015 và tăng lên 502 triệu đồng/ha/năm 2018 (cao nhất cả nước, gấp hơn 5 lần bình quân cả nước).

Thành phố đã hình thành và phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản chủ lực theo phương thức “Hộ nông dân – Hợp tác xã – Doanh nghiệp”, bình quân có hơn 167 con heo/ngày, 6.770 tấn rau củ quả/năm, 547 tấn thủy sản/năm. 45 Hợp tác xã nông nghiệp được thành lập mới và đi hoạt động (góp phần nâng tổng số Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn 56 xã lên 76 hợp tác xã). 540 chợ phiên nông sản an toàn được tổ chức, với 9.417 đơn vị tham gia, kết nối tiêu thụ nông sản qua 200 hợp đồng, với giá trị 22,5 tỉ đồng. Việc triển khai chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản đã góp phần tạo nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định, chất lượng đồng đều, giảm chi phí nhân công, giảm chi phí sản xuất và giao dịch, áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường, nổi bật là các chuỗi liên kết về chăn nuôi heo, thủy sản và rau an toàn.

Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị được người dân tham gia thực hiện có hiệu quả, 10 năm 5 huyện đã phê duyệt 25.739 lượt tổ chức, hộ dân, cá nhân vay vốn có hỗ trợ lãi vay để phát triển sản xuất nông nghiệp, tổng vốn đầu tư 12.548,562 tỷ đồng, tổng vốn vay 7.759,321 tỷ đồng. Bình quân vốn đầu tư/phương án năm 2010 là 321 triệu đồng/phương án đã nâng lên 1,51 tỷ đồng/phương án năm 2019. Tổng kinh phí giải ngân hỗ trợ lãi vay từ ngân sách đối với các phương án được duyệt tại 5 huyện là 604,282 tỷ đồng, cho thấy với 1 đồng vốn ngân sách hỗ trợ lãi vay, sẽ huy động được 21 đồng vốn xã hội, trong đó huy động từ tổ chức tín dụng là 13 đồng, huy động trong dân là 8 đồng. Qua việc triển khai thực hiện chính sách đã góp phần giải quyết, tạo việc làm làm cho 60.311 lao động. Đồng thời xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị có hiệu quả kinh tế cao, như: rau (doanh thu bình quân đạt 800 triệu – 1 tỷ đồng/ha/năm), hoa lan (doanh thu bình quân đạt 2 tỷ đồng/ha/năm), bò sữa (quy mô 20 con: doanh thu bình quân đạt 800 triệu đồng/năm), cá cảnh (doanh thu bình quân đạt 10 – 15 tỷ đồng/ha/năm), nuôi lươn trong hồ (diện tích 6m2/hồ, doanh thu đạt 63,3 tỷ đồng/0,5ha/năm);...

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị sau 10 năm thực hiện chương trình, bộ mặt nông thôn ngoại thành thay đổi và đã đạt được những kết quả khá tích cực. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về nông nghiệp, nông dân, nông thôn có chuyển biến tích cực; kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng khá; quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đổi mới. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường đầu tư; các hoạt động văn hoá - xã hội, thể thao có chuyển biến tiến bộ theo hướng chuẩn hoá và xã hội hoá. Chính trị - xã hội và quốc phòng - an ninh được đảm bảo; an sinh xã hội được chăm lo, đời sống của nhân dân được cải thiện.

 

 

Đặng Kiệt


Số lượt người xem: 2521    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm