SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
7
3
8
7
8
TIN PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN 21 Tháng Mười 2016 11:10:00 SA

Chương trình xây dựng nông thôn mới tại Thành phố Hồ Chí Minh

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016, phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

Theo đó mục tiêu cụ thể của chương trình đặt ra đến năm 2020 số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 50%; khuyến khích mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phấn đấu có ít nhất một huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân cả nước đạt 15 tiêu chí/xã; cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí. Cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn: giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế xã. Nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn; tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho nhân dân, thu nhập tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015. Dự kiến tổng mức vốn thực hiện từ ngân sách nhà nước tối thiểu là 193.155,6 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương 63.155,6 tỷ đồng, ngân sách địa phương 130.000 tỷ đồng.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05/4/2016 về tiêu chí huyện nông thôn mới và Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 về Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020. Để thực hiện chỉ đạo của Trung ương về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch số 02/KH-BCĐTUVCTXDNTM ngày 22 tháng 7 năm 2016 về chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố năm 2016. Quyết định số 4296/QĐ-UBND ngày 19 tháng 8 năm 2016 về ban hành Bộ tiêu chí về nông thôn mới theo đặc thù vùng nông thôn Thành phố. Đang xem xét, ban hành Đề án nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới theo đặc thù của Thành phố giai đoạn 2016 – 2020

Với mục tiêu đến năm 2020: Thu nhập bình quân khu vực nông thôn Thành phố đạt  từ 63 triệu đồng/người trở lên. Tỷ lệ hộ dân nông thôn được cấp nước sạch đạt 100%. Giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn của Chương trình giảm nghèo bền vững Thành phố bình quân mỗi năm 1% và thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng so với đầu năm 2011 (số lần tăng) 3,5 lần...

Đến tháng 10 năm 2016, Thành phố có 54/56 xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm: huyện Củ Chi 20/20 xã, huyện Hóc Môn 10/10 xã, huyện Bình Chánh 12/14 xã, huyện Nhà Bè 06/06 xã và huyện Cần Giờ 06/06 xã. Còn lại 02/56 xã chưa được công nhận đạt chuẩn:Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B thuộc huyện Bình Chánh, đạt 17/19 tiêu chí (Vĩnh Lộc A còn 02 tiêu chí số 19 - An ninh trật tự, xã hội và tiêu chí 9 - Nhà ở nông thôn chưa đạt. Xã Vĩnh Lộc B còn 02 tiêu chí số 18 - Hệ thống tổ chức chính trị, xã hội vững mạnh và tiêu chí 9 - Nhà ở nông thôn chưa đạt). 03 huyện Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2015. 02 huyện còn lại (Bình Chánh và Cần Giờ) đang hoàn thành hồ sơ, nội dung theo tiêu chí huyện nông thôn mới theo Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ, để trình Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương xem xét, thẩm định.

Từ khi triển khai chương trình đến nay, Thành phố đã huy động nguồn lực với tổng kinh phí khoảng 47.336 tỷ 378 triệu đồng. Trong đó vốn huy động từ cộng đồng 37.121 tỷ 857 triệu đồng (chiếm 77,3%). Có trên 19.650 hộ dân hiến trên 2 triệu m2 đất, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội, quy giá trị khoảng 1.500 tỷ đồng. Phong trào Thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới, đã xóa 2.923 căn nhà tạm, dột nát tại 5 huyện (sửa chữa 682 căn, xây mới 2.241 căn); tổng kinh phí thực hiện xóa nhà tạm, dột nát và công tác an sinh xã hội (học bổng, hộ nghèo…) trên 98,7 tỷ đồng. Thu nhập bình quân hộ gia đình tại 56 xã đạt trên 41 triệu đồng/người/năm.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần tích cực nâng cao hiệu quả đầu tư của Thành phố trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Giá trị sản xuất trên 01 ha đất canh tác đạt từ 158 triệu đồng/ha/năm năm 2010 tăng lên 375 triệu đồng/ha/năm năm 2015, tăng 2,4 lần so với năm 2010. Từ việc quan tâm tạo môi trường và thu hút mọi nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, Thành phố đã thực hiện nhiều chính sách, giải pháp huy động mọi nguồn lực trong dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất, cụ thể ban hành chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị. Giai đoạn 2011 – 2015, đã có 5.874 quyết định phê duyệt, với 18.515 lượt vay, tổng vốn đầu tư 8.142 tỷ đồng, tổng vốn vay 4.949 tỷ đồng. 10 tháng đầu năm 2016 đã có 561 quyết định phê duyệt, 1.606 hộ được hỗ trợ lãi vay, tổng vốn đầu tư 948,087 tỷ đồng, tổng vốn vay 610,955 tỷ đồng.

Kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới tại 5 huyện ngoại thành, sẽ góp phần thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X (nhiệm kỳ 2015 – 2020)  đề ra Xây dựng Đảng bộ Thành phố thật trong sạch, vững mạnh; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; không ngừng đổi mới, năng động, sáng tạo, giữ vững ổn định chính trị - xã hội; nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế Thành phố, gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xây dựng con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; nâng cao phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của Nhân dân. Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; có vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á”.

 

 

 

 

Đặng Kiệt



Số lượt người xem: 5209    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm