SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
6
0
1
3
9
6
Tin tức tổng hợp 19 Tháng Bảy 2016 5:15:00 CH

Tiềm năng và cơ hội đầu tư vào nông nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh

 

 

 

Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan toả lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước. Có tổng diện tích tự nhiên là 209.555 ha, dân số có khoảng 10 triệu người đang cư trú, công tác và học tập. Diện tích đất nông nghiệp hiện nay là 115,7 nghìn ha (chiếm khoảng 55,2% tổng diện tích đất tự nhiên), trong đó đất sản xuất nông nghiệp 67,08 ngn ha, chủ yếu tại 5 huyện ngoại thành (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ). Dân số khu vực nông thôn khoảng 1,476 triệu người, khoảng 373.473 hộ. Số lao động nông thôn 760.017 người, trong đó có khoảng 108.000 lao động nông nghiệp.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố khóa IX, trong giai đoạn 2011 - 2015, GDP Thành phố tăng bình quân 9,6%/năm, gấp 1,66 lần so với cả nước. GDP bình quân đầu người ước khoảng 5.538 USD. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc kinh tế đạt kết quả bước đầu, tăng dần tỷ trọng 4 ngành công nghiệp trọng yếu và giá trị tăng thêm của 9 nhóm ngành dịch vụ, phát triển nông nghiệp đô thị; hoàn thành cơ bản các tiêu chí nông thôn mới.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong 5 năm qua, Thành phố đã ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn Thành phố, đề ra chương trình mục tiêu phát triển trọng điểm các ngành, cụ thể như phát triển giống cây, giống con chất lượng cao, nông nghiệp công nghệ cao, hoa - cây kiểng, rau an toàn, bò sữa, cá sấu, cá cảnh… GDP ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng bình quân 5,8%/năm (vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra tăng bình quân 5%/năm), bằng 1,9 lần so mức tăng bình quân của cả nước.

Việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp đúng hướng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế. Tình hình sản xuất, đời sống của nông dân và xây dựng nông thôn không ngừng chuyển biến tích cực. Năm 2015 diện tích gieo trồng rau đạt 14.500 ha, diện tích hoa, cây kiểng đạt 2.250 ha, đàn bò sữa 96.668 con, cá sấu khoảng 150.000 con, cá cảnh 100 triệu con (xuất khẩu hơn 12 triệu con), sản xuất và cung ứng khoảng 16.200 tấn hạt giống, khoảng 24.000 con giống bò sữa và trên 900.000 heo con giống các loại… Doanh thu bình quân trên 1 hecta đất sản xuất nông nghiệp năm 2015 đạt 375 triệu đồng/ha, tăng 15,4% so năm 2014 (325 triệu đồng/ha). Đặc biệt những sản phẩm trong Chương trình phát triển nông nghiệp đô thị, doanh thu từ 1 - 2 tỉ đồng/ha/năm, như hoa lan, cá cảnh, cá sấu….

Kinh tế ngoại thành phát triển nhanh theo hướng tăng về công nghiệp, thương mại và dịch vụ, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Khu Nông nghiệp Công nghệ cao (88,17 ha), Trung tâm Công nghiệp sinh học (23 ha) đã đi vào hoạt động. Hàng năm các nhà đầu tư tại Khu Nông nghiệp Công nghệ cao đã sản xuất và cung cấp thị trường khoảng 15 tấn hạt giống F1, 1.580 tấn thành phẩm, 4.970 lít chế phẩm sinh học, 690.000 bịch phôi nấm các loại và 30.720 túi meo giống. Trung tâm Công nghệ sinh học nhân giống và cung cấp thị trường khoảng 900.000 cây cấy mô các loại (chủ yếu là hoa lan). Trại trình diễn và Thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao (DDEF), được Israel hỗ trợ các thiết bị kỹ thuật, phần mềm quản lý và cử các chuyên gia trực tiếp tham gia công tác huấn luyện đào tạo, chuyển giao công nghệ cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật Việt Nam dưới hình thức “chìa khóa trao tay”; đến nay, tổng đàn bò sữa của trại là 223 con, trong đó cái vắt sữa 92 con, năng suất sữa bình quân 23,4 kg/con/ngày. Từ đó góp phần phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Đông Nam bộ.

Thực hiện Chương trình hành động số 43-CTr/TU của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Chương trình xây dựng nông thôn mới theo chỉ đạo của Trung ương và Thành phố triển khai từ năm 2009 đến nay đã đạt được một số kết quả tích cực trong công tác vận động nhân dân, huy động các nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa nhà nông thôn; phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, tăng hộ khá, giảm nghèo. Hiện có 54/56 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3/5 huyện (Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tổng kinh phí thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố 5 năm qua là 41.871,5 tỷ đồng. Trong đó vốn huy động từ cộng đồng 32.366 tỷ đồng (chiếm 77,3%). Trên 19.650 hộ dân hiến trên 2 triệu m2 đất, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội, giá trị khoảng 1.500 tỷ đồng. Phong trào Thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới, đã xóa 2.367/2.367 căn nhà tạm, dột nát tại 5 huyện; tổng kinh phí thực hiện xóa nhà tạm, dột nát và công tác an sinh xã hội (học bổng, hộ nghèo…) trên 98,4 tỷ đồng. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn tại 56 xã xây dựng nông thôn mới đến cuối năm 2014 là 40,044 triệu đồng/người/năm (3,337 triệu đồng/người/tháng – khu vực thành thị: 4,12 triệu đồng/người/tháng). Khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn ngày càng thu hẹp qua các năm: năm 2008 - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 7 (khóa X) – Nghị quyết 26, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn - thu nhập bình quân đầu người ở thành thị là 2,359 triệu đồng/người/tháng; cao gấp 1,8 lần so với nông thôn; đến năm 2010, cao gấp 1,5 lần và đến cuối năm 2014 chỉ còn cao gấp 1,2 lần.

Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, 5 năm qua, đã có 5.874 quyết định phê duyệt, với 18.515 lượt vay, tổng vốn đầu tư 8.142 tỷ đồng, tổng vốn vay 4.949 t đồng. Với với 01 đồng vốn ngân sách Thành phố hỗ trợ đã huy động được 33 đồng vốn trong dân, cộng đồng, doanh nghiệp để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó huy động từ tín dụng ngân hàng là 20 đồng và từ người dân, doanh nghiệp tự có là 13 đồng…

Trong thời gian qua, tuy nông nghiệp, nông thôn Thành phố đã đạt được những kết quả tích cực và phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị; nhưng vẫn còn một số khó khăn cần tập trung giải quyết để phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới. Đó là sản xuất nông nghiệp mặc dù mức tăng trưởng khá nhưng chưa bền vững, vẫn còn sản xuất nhỏ lẻ, sức cạnh tranh chưa cao, thường xuyên chịu áp lực dịch bệnh, thời tiết, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp…

  Trên cơ sở định hướng, mục tiêu Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ X (2016 – 2020) đề ra là “Xây dựng nền nông nghiệp đô thị phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu đa dạng trong nước và thúc đẩy xuất khẩu; nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn Thành phố, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của dân cư nông thôn; quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng”. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP nông, lâm, ngư nghiệp bình quân giai đọan 2016 - 2020 đạt 5%/năm. Nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp đến 2020 là 800 triệu/ha/năm.

Để thực hiện mục tiêu trên, bên cạnh việc thực hiện các chính sách của Trung ương, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để khuyến khích hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, cụ thể: Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị giai đoạn 2016 – 2020 (Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND ngày 23/02/2016), Chương trình kích cầu đầu tư của Thành phố (Quyết định số 50/2015/QĐ-UBND ngày 30/10/2015), Chính sách hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn Thành phố (Quyết định số 41/2013/QĐ-UBND ngày 27/9/2013), Chính sách khuyến khích áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) trong nông nghiệp và thủy sản trên địa bàn Thành phố (Quyết định số 21/2015/QĐ-UBND ngày 14/5/2015), Chương trình tổng thể xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông lâm, thủy sản trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2014 – 2020 (Quyết định số 5702/QĐ-UBND ngày 06/11/2015), Chương trình phát triển sản xuất, phân phối, tiêu thụ nông sản theo hướng VietGAP trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2014 – 2020 (Quyết định số 6485/QĐ-UBND ngày 04/12/2015)...

Thành phố là thị trường tiêu thụ các sản phẩm từ nông nghiệp rất lớn. Dự báo nhu cầu tiêu thụ lương thực, thực phẩm cho người dân đến năm 2020, gạo các loại trên 825.000 tấn/năm, thịt các loại khoảng 330.000 tấn/năm, thủy sản các loại trên 450.000 tấn/năm, rau quả các loại 1.800.000 – 1.900.000 tấn/năm và trứng các loại khoảng 900 triệu trứng/năm... Trong khi đó sản phẩm nông nghiệp sản xuất tại Thành phố đáp ứng từ 10 – 15%, còn lại phải nhập từ các tỉnh thành trong cả nước và nhập khẩu nước ngoài.

Thành phố có khoảng 500 doanh nghiệp nông nghiệp, trong đó doanh nghiệp nông nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan là 347 doanh nghiệp, doanh nghiệp lâm nghiệp và dịch vụ có liên quan là 94 doanh nghiệp, doanh nghiệp khai thác, nuôi trồng thủy sản có 59 doanh nghiệp. Có khoảng 300 cửa hàng buôn bán sỉ và lẻ cá cảnh. Lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp cũng đa đạng, trong đó giống cây trồng, vật nuôi có 140 doanh nghiệp, doanh nghiệp chuyên xuất khẩu cá cảnh có 10 doanh nghiệp, 04 doanh nghiệp cá sấu. Số lượng doanh nghiệp có xu hướng tăng trong thời gian qua (tăng 173 doanh nghiệp so với năm 2011).

Bên cạnh đó, Thành phố đang tiếp tục đầu tư mở rộng Khu Nông nghiệp Công nghệ cao tại huyện Củ Chi (200 ha); dự án xây dựng Khu nuôi trồng thủy sản công nghệ cao tại huyện Cần Giờ; dự án mở rộng Khu Nông nghiệp Công nghệ cao hiện hữu tại huyện Củ Chi (23 ha); dự án xây dựng Khu chăn nuôi công nghệ cao tại huyện Bình Chánh; dự án xây dựng Trung tâm Thủy sản tại huyện Cần Giờ; dự án Trung tâm hoa kiểng công nghệ cao tại huyện Bình Chánh (với diện tích 500 ha)…

Thành phố Hồ Chí Minh với vị trí là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên việc phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học là tất yếu; là trung tâm sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao, an toàn của khu vực, bảo vệ môi trường và đáp ứng tốt hơn nhu cầu về rau sạch, hoa tươi, cá kiểng, sữa của thị trường và gắn với phát triển du lịch mang đặc trưng Thành phố; bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp; phát triển dịch vụ bảo hiểm trong nông nghiệp; tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh, xây dựng các chuỗi liên kết và chuỗi cung ứng trong nông nghiệp; nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

 

Đặng Kiệt


Số lượt người xem: 2955    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm