SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
7
9
4
5
5
Tin tức tổng hợp 16 Tháng Mười 2017 8:20:00 SA

Giải pháp thực hiện chuỗi liên kết và cung ứng sản phẩm nông nghiệp

1. Tổng quan ngành nông nghiệp.

Theo Niên giám thống kê năm 2016, thành phố Hồ Chí Minh có diện tích 2.095,39 km2 và dân số khoảng 8,441 triệu người. Diện tích đất nông nghiệp khoảng 115,9 ngàn ha (chiếm khoảng 54,8% tổng diện tích đất tự nhiên), trong đó đất sản xuất nông nghiệp 66,6 ngàn ha, chủ yếu tại 5 huyện ngoại thành (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ).

Năm 2016, GRDP ngành nông nghiệp đạt 8.588 tỷ đồng, tăng 5,8% so cùng kỳ, bằng 4,8 lần so mức tăng cả nước là 1,2% (vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra tăng 5%/năm). Giá trị sản xuất tăng 5,8%, bằng 4 lần so mức tăng cả nước là 1,44%.

10 tháng đầu năm 2017, giá trị sản xuất ngành nông lâm ngư nghiệp đạt 10.092 tỷ đồng, tăng 6,3% so cùng kỳ. Về tỷ trọng cơ cấu của ngành nông nghiệp, chăn nuôi chiếm tỷ lệ 40,4%, trồng trọt chiếm 26,8%, thủy sản chiếm 23,8%, dịch vụ nông nghiệp chiếm 8,2%. Diện tích gieo trồng rau đạt 14.561 ha, hoa cây kiểng đạt 2.090 ha, đàn heo 335.832 con (trong đó đàn nái sinh sản 47.089 con), đàn bò 139.719 con (trong đó bò sữa 79.969 con), diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 9.470 ha (trong đó nước ngọt là 1.150 ha, nước lợ là 8.320 ha).

Tuy nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 0,9% trong tổng sản phẩm nội địa (GRDP) của thành phố; nhưng địa bàn của 5 huyện ngoại thành là nơi sinh sống trực tiếp của trên 1,582 triệu người. Mặc dù diện tích đất sản xuất nông nghiệp hàng năm có giảm, nhưng giá trị sản xuất trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp vẫn tăng, năm 2016 đạt 410 triệu đồng/ha, tăng 9,3% so năm 2015 (375 triệu đồng/ha), tăng 26,1% so với năm 2014 (325 triệu đồng/ha).

2. Kết quả thực hiện chuỗi liên kết và cung ứng sản phẩm nông nghiệp.

Thành phố là đầu mối lưu thông và tiêu thụ một lượng lớn thực phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Theo số liệu của Cục Thống kê thành phố, nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm thiết yếu bình quân trong một tháng của một người là 5,61 kg gạo, 9 kg rau củ quả, 1,91 kg thịt các loại, 4,82 quả trứng và 1,39 kg cá các loại. Để đáp ứng nhu cầu trên, sản lượng lương thực, thực phẩm tương ứng cho người dân thành phố trong một năm khoảng 887.315 tấn gạo, 1.423.500 tấn rau củ quả, 461.083 tấn thịt (257.383 tấn thịt heo, 62.823 tấn thịt trâu bò, 140.877 tấn thịt gia cầm), 1,095 tỷ quả trứng/năm và 170.000 tấn cá các loại.

Tuy diện tích đất nông nghiệp của thành phố đang ngày càng thu hẹp do quá trình đô thị hóa, sản xuất nông nghiệp tại thành phố chỉ đáp ứng được khoảng 20 - 30% nhu cầu thực phẩm của người dân, phần còn lại phải nhập từ các tỉnh hoặc nhập khẩu qua nhiều đường khác nhau. Cụ thể rau, củ, quả sản xuất tại thành phố chỉ đáp ứng được 30%; động vật sống chiếm 10%; thủy sản và sản phẩm thủy sản chiếm 15 - 20%. Mặc dù vậy, nhận thức được tầm quan trọng của việc đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm cho người dân, thành phố vẫn đầu tư, phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, đảm bảo an toàn thực phẩm, ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân thành phố.

Để đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, Thành phố quy hoạch vùng sản xuất, vùng chăn nuôi tập trung, quy hoạch giết mổ và quy hoạch 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm, qua đó nâng cao công tác giám sát an toàn thực phẩm chặt chẽ từ sản xuất đến lưu thông. Công tác an toàn thực phẩm và chuỗi liên kết, cung ứng sản phẩm nông nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp được Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quyết định số 5617/QĐ-UBND ngày 03 tháng 11 năm 2015 về thành lập Ban Điều phối và Tổ Công tác giúp việc Ban Điều phối Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho Thành phố giai đoạn 2015 – 2020; Quyết định số 208/QĐ-UBND ngày 17/01/2017 của UBNDTP về phê duyệt Chương trình an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 – 2020 và Quyết định số 232/QĐ-UBND ngày 20/01/2017 của UBNDTP về phê duyệt Chương trình xây dựng chuỗi liên kết và cung ứng trong nông nghiệp giai đoạn 2017 – 2020.

Thành phố luôn vận động người sản xuất áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) trong trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Đến nay, đã chứng nhận VietGAP cho 1.006 tổ chức, cá nhân, với tổng diện tích canh tác là 711,28 ha, tương đương 4.046,38 ha diện tích gieo trồng, sản lượng dự kiến 81.647,68 tấn/năm. Chứng nhận VietGAP 1.110 hộ, trại chăn nuôi, với tổng đàn 177.000 con heo, 80.000 con gà thịt và 800 con bò sữa, với tổng sản lượng thịt ước đạt 48.000 tấn thịt heo và 360 tấn thịt gà/năm. Đồng thời, 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm có tổng sản lượng rau nhập về là 1,45 triệu tấn/năm, 400 ngàn tấn thủy sản. Ngoài ra, phối hợp với Cơ quan Thú y vùng VI quản lý các sản phẩm động vật đông lạnh nhập khẩu, với khối lượng 145,835 ngàn tấn thịt, trong đó lượng thịt gà chiếm khoảng 52,60%, thịt trâu chiếm 18,47%, còn lại các sản phẩm khác. Triển khai mô hình truy xuất nguồn gốc rau VietGAP tại Hợp tác xã Phước An (huyện Bình Chánh), Hợp tác xã Phú Lộc (huyện Củ Chi), với 16 chủng loại rau củ quả tại 82 hộ dân là xã viên 2 hợp tác xã; sản phẩm rau quản lý truy xuất nguồn gốc đạt khoảng 12 tấn/ngày (chiếm 80% sản lượng của 2 HTX) và được bày bán trên 50 điểm bán tại các hệ thống siêu thị Saigon Co.op, siêu thị Big C, siêu thị Lotte và siêu thị AEON.  

Công tác phối hợp chặt chẽ giữa thành phố và các tỉnh nhằm phối hợp hợp tác, liên kết cung ứng nguồn thực phẩm an toàn cho thành phố, xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng thực phẩm, kiểm soát được từ nông trại đến bàn ăn theo một chuỗi sản xuất khép kín. Đến nay, đã cấp 128 giấy chứng nhận cho 56 trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế vào chuỗi thuộc địa bàn thành phố và 11 tỉnh (Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tiền Giang, Long An, Lâm Đồng, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu), với tổng sản lượng 78.198,1 tấn/năm (chưa tính trứng gà và nước mắm). Trong đó, trứng gà là 511.000.000 quả/năm, thịt gà 16.310,6 tấn/năm, thịt vịt 59,4 tấn/năm, thịt heo 43.166,6 tấn/năm, rau quả 20.640 tấn/năm, trà 140 tấn/năm, thủy sản 1.558 tấn/năm và nước mắm 4,4 triệu lít/năm.

3. Giải pháp thực hiện chuỗi liên kết và cung ứng sản phẩm nông nghiệp.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X với mục tiêu của ngành nông nghiệp là “Phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học; là trung tâm sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao; bảo vệ môi trường và đáp ứng tốt hơn nhu cầu về rau sạch, hoa tươi, cá cảnh, sữa của thị trường và gắn với phát triển du lịch mang đặc trưng thành phố; bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp; tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh, xây dựng các chuỗi liên kết và chuỗi cung ứng trong nông nghiệp”.

Đến năm 2020, diện tích đất nông nghiệp của thành phố theo Nghị quyết số 11/NQ-HĐND ngày 06/7/2017 là 89.869 ha, trong đó đất trồng lúa 3.000 ha, đất nuôi trồng thủy sản 10.702 ha. Ngành nông nghiệp thành phố tiếp tục phấn đấu đạt tốc độ tăng GRDP bình quân 5%/năm, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp trên 5%/năm, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, ngư nghiệp bình quân giai đoạn 5 năm đạt trên 6%/năm; nâng cao tỷ trọng đóng góp của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên 60% vào năm 2020 và tăng dần trong các năm tiếp theo; tỷ lệ ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp đạt trên 50%.

Dự báo quy mô dân số đến năm 2020 đạt 9,2 triệu người và đến năm 2025 đạt 10 triệu người (không kể khách vãng lai và người tạm trú dưới 06 tháng). Vì vậy, tổng nhu cầu tiêu thụ lương thực, thực phẩm của người dân thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng 2.000 - 2.300 kcal/ngày, dự báo thực trạng sản xuất, cung ứng, tiêu thụ rau củ quả trên địa bàn thành phố đạt 1.165 triệu tấn; mức tiêu thụ trên đầu người là 40 kg thịt xẻ và 100 quả trứng.

Để đạt được những mục tiêu trên, đồng thời đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ lương thực, thực phẩm của thành phố, ngành nông nghiệp thành phố tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng chuỗi liên kết và cung ứng sản phẩm nông nghiệp như sau:

Thứ nhất: Hỗ trợ hợp tác xã (HTX) nâng cao năng lực hoạt động để thực hiện có hiệu quả chuỗi liên kết cung ứng dịch vụ đầu vào và tiêu thụ nông sản.

- Hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo nhất là quản lý điều hành, tổ chức sản xuất, đào tạo thêm các ngành nghề để HTX mở rộng thêm đầu ra sản phẩm, các kiến thức kỹ năng phát triển thị trường. Hỗ trợ cho cán bộ trẻ có trình độ về công tác tại HTX, ngoài ra các HTX cần nghiên cứu thêm thu nhập cho các cán bộ này tương ứng với hiệu quả, lợi nhuận tạo ra cho HTX để thu hút người tài về làm việc.

- Ngoài việc tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ của Trung ương và Thành phố đối với HTX, nghiên cứu, đề xuất thêm các chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, chính sách hỗ trợ tín dụng, xây dựng thương hiệu, đặc biệt là về hạn mức và điều kiện thủ tục cho vay, tạo điều kiện để đầu tư đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao giá trị gia tăng.

- Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giải thích, nâng cao nhận thức của nông dân bằng nhiều hình thức về lợi ích khi tham gia liên kết sản xuất, để nông dân hiểu hơn về HTX kiểu mới, đặc biệt thông qua các cuộc hội thảo báo cáo điển hình các HTX làm ăn hiệu quả.

Thứ hai: Xây dựng chuỗi liên kết, chuỗi cung ứng trong nông nghiệp.

Doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm trong việc xâu kết toàn bộ chuỗi cung ứng. Để có được chuỗi cung ứng hiệu quả, mang lại lợi nhuận và khả năng cạnh tranh cao cần chú ý tập trung vào việc:

- Tìm kiếm, mời gọi sự tham gia của các doanh nghiệp đủ tầm, đủ năng lực và tâm huyết. Doanh nghiệp nghiên cứu thị trường, đặt hàng đối với nông dân, HTX về chủng loại, số lượng, chất lượng và tổ chức phân phối. Bên cạnh đó, các Sở, ngành hỗ trợ cho nông dân đa dạng hóa đầu ra trong việc kết nối cung cấp nông sản cho cửa hàng tiện ích, chợ, siêu thị, nhà hàng, khách sạn, bếp ăn...

- Tổ chức liên kết giữa nông dân với nhau để đáp ứng nhu cầu thị trường, tốt hơn thông qua hình thức tổ nhóm, nhất là HTX. Chỉ như vậy nông dân mới có thể cung cấp sản phẩm đủ lớn về số lượng, đồng đều về chất lượng, kịp thời gian cho nhiều đối tác. Nhờ vào liên kết, nông dân mới có khả năng xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể, tiến đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, quản lý về chất lượng sản phẩm để gia tăng giá trị, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường đối với các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn và chất lượng.

- Nhà nước, nhà khoa học hỗ trợ nông dân trong việc huấn luyện, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất từ khâu sản xuất giống, phương pháp nuôi trồng, thu hoạch sau thu hoạch, chế biến bao bì, bảo quản, vận chuyển, gắn với sản phẩm cụ thể nhằm đáp ứng yêu cầu đặt hàng của doanh nghiệp. Hỗ trợ miễn phí cho nông dân trong chứng nhận VietGAP để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

- Hỗ trợ nông dân trong xúc tiến thương mại thông qua xây dựng website, logo, nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu, kỹ năng tiếp cận thị trường...

- Hỗ trợ quảng bá các sản phẩm, thương hiệu chuỗi cung ứng nhất là các sản phẩm an toàn được chứng nhận. Tăng cường thông tin tuyên truyền, cung cấp thông tin để người tiêu dùng biết và ngày càng sử dụng nhiều hơn.

- Hỗ trợ miễn phí các doanh nghiệp, các HTX, nông dân xây dựng website giới thiệu sản phẩm, đồng thời tích hợp các website này vào chung 1 cổng thông tin điện tử, có giao diện tiếng Anh để tiếp cận thị trường nước ngoài.

- Triển khai thực hiệu quả Chương trình xúc tiến thương mại tiêu thụ nông, lâm và thủy sản, Chương trình phát triển sản xuất, phân phối và tiêu thụ nông sản theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn, Chương trình an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, Chương trình xây dựng chuỗi liên kết và cung ứng trong nông... Xây dựng hoàn chỉnh Đề án nâng cấp hệ thống thông tin thị trường nông sản (AMIS), hỗ trợ thông tin, phát triển sản phẩm theo yêu cầu thị trường.

Thứ ba: Các chính sách khuyến khích nông dân đầu tư mở rộng sản xuất, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp.

- Nghiên cứu, bổ sung các chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng đô thị, chính sách sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), hỗ trợ thiệt hại do thiên tai dịch bệnh, hỗ trợ xây dựng công trình xử lý chất thải chăn nuôi … theo hướng có bổ sung tăng thêm nhiều chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất, bao tiêu sản phẩm, xây dựng vùng nguyên liệu, ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, hỗ trợ sơ chế, chế biến, đóng gói.

- Hỗ trợ một phần trong đầu tư phát triển sản xuất của nông dân thông qua các chương trình, mục tiêu phát triển giai đoạn 2016 - 2020.

- Mặt khác, để đầu tư công nghệ mới đòi hỏi chi phí đầu tư khá lớn, thường cao hơn giá trị đất thế chấp ngân hàng. Đây cũng chính là trở ngại để đầu tư mở rộng theo công nghệ mới đồng thời không sử dụng hiệu quả đất đai hiện có, cụ thể:

+ Người dân tham gia góp vốn bằng giá trị đất, doanh nghiệp đầu tư công nghệ, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Người dân được đào tạo nghề, tham gia sản xuất và được trả lương, đồng thời được chia lợi nhuận theo tỷ lệ góp vốn đầu tư tương ứng theo tỉ lệ góp vốn.

+ Người sản xuất, HTX liên kết doanh nghiệp thu mua bao tiêu sản phẩm, tổ chức tín dụng cho vay vốn đầu tư và thu dần tiền nợ gốc và lãi vay thông qua doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm./.


Số lượt người xem: 3825    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm