SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
7
1
4
8
9
Tin tức tổng hợp 08 Tháng Mười Hai 2017 8:40:00 SA

Phát huy hiệu quả hợp tác xã nông nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh

Tại thành phố Hồ Chí Minh, trước và sau khi Luật Hợp tác xã năm 2012 có hiệu lực thi hành, thành phố ban hành nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp: Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, chính sách hỗ trợ cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng về công tác tại các hợp tác xã, chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu cho hợp tác xã mới thành lập, chính sách sản xuất theo quy trình VietGAP, hỗ trợ xây dựng công trình xử lý chất thải trong chăn nuôi, đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn và các quỹ hỗ trợ vốn cho xã viên, hộ dân như quỹ CCM của Liên minh Hợp tác xã thành phố, qũy hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân thành phố… Hầu hết các hợp tác nông nghiệp được hỗ trợ các chính sách đều có bước chuyển biến tích cực, hoạt động khá ổn định. Bộ máy quản lý hoạt động hiệu quả, nội dung hoạt động được đổi mới, tính dân chủ được phát huy, thành viên được thảo luận và quyết định phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, tài chính được công khai, tài sản, vốn được bảo toàn và tăng cường qua các năm.

Thành phố có 41 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm gần 10% trong tổng số hợp tác xã toàn thành phố, bình quân một hợp tác xã có 54 thành viên, vốn điều lệ 6,2 tỷ đồng, 10 lao động và 0,6 ha diện tích nhà xưởng. Gía trị sản xuất do thành viên hợp tác xã tạo ra là 971 tỷ đồng, chiếm khoảng 5% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Các hợp tác xã nông nghiệp tập trung tại 5 huyện ngoại thành, đóng vai trò rõ nét trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Là một trong hai chỉ tiêu quan trọng của tiêu chí 13 – tổ chức sản xuất, các hợp tác xã nông nghiệp đã và đang góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Năm 2017, ngành nông nghiệp thành phố đề xuất với thành phố xây dựng thí điểm mô hình hợp tác xã nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, gồm 7 hợp tác xã: Tân Thông Hội, Tiên Phong và Phú Lộc (huyện Củ Chi); Mai Hoa, huyện Hóc Môn; Phước An, huyện Bình Chánh; Hiệp Thành, huyện Nhà Bè và Thuận Yến, huyện Cần Giờ.

Hợp tác xã chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội thành lập năm 1999, lúc mới ra đời có 50 xã viên, đến nay sau hơn 18 năm hoạt động, có 300 xã viên, vốn điều lệ 5 tỷ đồng. Hoạt động chủ yếu của hợp tác xã là cung cấp dịch vụ đầu vào cho xã viên và thu mua sữa bò tươi cung cấp cho các đơn vị tiêu thụ như Công ty Cổ phần Lothamikl, Công ty vận tải liên kết, Công ty Ánh Hồng, Công ty thực phẩm CMT… Hợp tác xã có tổng đàn bò sữa 5.000 con, trong đó cái vắt sữa 2.000 con. Hợp tác xã xây dựng 4 trạm thu mua sữa để tiêu thụ khoảng 30 tấn sữa bò tươi cho xã viên; trong đó một trạm tại xã Tân Thông Hội, hai trạm tại xã Tân Thạnh Đông và một trạm tại xã Hòa Phú. Hợp tác xã vay vốn ngân hàng, ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi vay theo chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị cộng với vốn góp của xã viên trên 40 tỷ đồng để xây dựng nhà máy chế biến sữa tươi tại xã Hòa Phú. Giữa tháng 12 năm 2017, nhà máy chế biến sữa tươi của hợp tác xã chính thức đi vào hoạt động, cung cấp khoảng 5 tấn sản phẩm sữa tươi mỗi ngày cho thị trường. Công suất thiết kế của nhà máy là 15 - 20 tấn sữa tươi mỗi ngày.

Hợp tác xã nông nghiệp thương mại và dịch vụ Phước An thành lập năm 2006, có 7 thành viên, 4,5 ha đất sản xuất. Khi mới thành lập gặp không ít khó khăn về vốn, đất đai, quy trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Với quyết tâm sản xuất rau đảm bảo chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, hợp tác xã được ngành nông nghiệp tập huấn cho xã viên kỹ thuật sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP, áp dụng khoa học kỹ thuật. Sau đó, thành lập một đội ngũ kỹ thuật riêng, thành thạo về chuyên môn cây trồng, luân phiên đi kiểm tra đều đặn ở mỗi tổ trồng rau khác nhau. Hơn 10 năm hoạt động, đến nay hợp tác xã có 65 xã viên, với tổng diện tích sản xuất hơn 25 ha. Khoảng 6 tấn/ngày rau củ quả có dán tem truy xuất nguồn gốc, 20 sản phẩm rau củ quả các loại của hợp tác có mặt tại hầu hết siêu thị lớn của thành phố như Big C, Co.op Mart, Metro, Vinatex Mart…

Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Hiệp Thành thành lập năm 2016, có 11 thành viên, tổng diện tích ao nuôi tôm trên 25 ha, sản lượng bình quân 12 tấn/ha/vụ (nuôi công nghệ cao đạt 30 tấn/ha/vụ), tổng sản lượng cung cấp cho thị trường khoảng 700 tấn/năm. Hợp tác xã là địa chỉ tin cậy để nhiều nông dân học tập, tổ chức hoạt động theo hướng hợp tác, liên kết mang lại hiệu quả kinh tế cao thành viên, góp nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện Nhà Bè…

Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thành phố đã thể hiện vai trò quan trọng là cầu nối trong việc tiếp thu, hướng dẫn ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi hiệu quả cây trồng, vật nuôi chủ lực của thành phố. Đảm bảo khâu dịch vụ đầu vào mà hộ dân không làm được hoặc làm nhưng không hiệu quả như: Dịch vụ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, chuyển giao khoa học kỹ thuật, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho thành viên, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển.

Tại hội thảo “Mô hình đơn vị sản xuất cơ bản của nông nghiệp thành phố từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, sau khi định hướng thành phố là trung tâm sản xuất giống cây, con của khu vực trong quá trình phát triển nền nông nghiệp đô thị; hội thảo này là nhằm xác định mô hình cơ bản của nông nghiệp thành phố trong thời gian tới. Theo khảo sát 77% giá trị sản xuất nông nghiệp thành phố là từ hộ dân, 15% nông dân liên kết với doanh nghiệp, 5% từ hợp tác xã và 3% từ trang trại. Nhưng về lâu dài hộ dân không phải là mô hình tối ưu trong nền kinh tế thị trường, việc liên kết với doanh nghiệp để sản xuất, tiêu thụ nông sản được khuyến khích và trân trọng. Bài học từ các nước cho thấy, để tồn tại trong nền kinh tế thị trường, kinh tế tập thể, nhất là hợp tác xã mới là hướng phát triển tất yếu trong nền kinh tế thị trường. Nông dân vẫn làm chủ đất đai, nhưng thông qua hợp tác xã để giải quyết bài toán thị trường. Hộ dân không biết thị trường cần gì, như thế nào, chất lượng ra sao, trong khi thị trường đòi hỏi sản phẩm phải có lượng hàng hóa nhất định, có thương hiệu, xuất xứ và đảm bảo an toàn thực phẩm.


 

 

 

Sơ chế rau của Hợp tác xã Phước An

 

Đặng Kiệt


Số lượt người xem: 2853    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm