SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
7
4
8
0
7
Tin tức tổng hợp 19 Tháng Tư 2018 2:05:00 CH

Hiệu quả nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại thành phố Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh là nơi có tiềm lực khoa học - công nghệ lớn với nguồn nhân lực, cơ sở vật chất cũng như kinh phí cho nghiên cứu, chuyển giao, nhất là đã hình thành, đi vào hoạt động hiệu quả bước đầu Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, Trung tâm Công nghệ sinh học, Trại Thực nghiệm và Trình diễn chăn nuôi bò sữa công nghệ cao Israel. Thành phố có thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp lớn, nhất là các sản phẩm có giá trị và chất lượng cao từ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có khả năng về nguồn lực đầu tư của xã hội cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Năm 2017, các doanh nghiệp tại Khu Nông nghiệp Công nghệ cao (88,17) đã sản xuất và cung cấp thị trường 70.000 kg hạt giống bầu bí; 400 kg hạt giống ớt, cà tím, mướp hương; 170.000 hạt giống dưa lưới, 13.000 túi giống nấm, 450.000 bịch phôi nấm, 8.500 kg nấm tươi, 170.000 bó lan cắt cành, 35.000 chậu lan, 50.000 kg bầu bí dưa leo, 300 tấn dưa lưới. Trung tâm Công nghệ sinh học (23 ha) đã nhân giống và cung cấp thị trường khoảng 300.000 cây cấy mô các loại/năm (chủ yếu là hoa lan) và đã sưu tập nguồn gen gồm 360 mẫu hoa lan các loại, 124 mẫu giống kiểng lá, 77 mẫu giống hoa nền, 100 mẫu giống dược liệu. Trại Thực nghiệm và Trình diễn chăn nuôi bò sữa công nghệ cao Israel vận hành thành công quy trình, công nghệ mới như hệ thống phần mềm quản lý đàn bò sữa (Afifarm), hệ thống phần mềm tính toán khẩu phần thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh (Total Mixed Ration) và phương pháp cho ăn TMR; hệ thống làm mát cho bò, hệ thống vắt sữa đã giúp cải thiện, nâng cao năng suất sữa của đàn bò tại trại; tổng đàn bò sữa hiện nay 204 con, trong đó có 76 con cái vắt sữa, năng suất sữa bình quân đạt 24,5 kg/cái vắt sữa/ngày (năng suất sữa bình quân hiện nay của đàn bò sữa thành phố 16,5 kg/con/ngày).

Việc ban hành các chương trình, cơ chế, chính sách trong thời gian qua đã giúp cho người dân, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Một số doanh nghiệp đầu tư các loại rau ăn lá, ăn quả ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả, như dự án 470 ha tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi của Công ty TNHH Nông nghiệp Vineco Sagri đã có 291,2 haKhu Nông nghiệp công nghệ cao có 22 ha sản xuất các loại rau ăn lá, rau ăn quả cung cấp ra thị trường. Nâng tổng số sản xuất các loại rau ăn lá, ăn quả ứng dụng công nghệ cao đến nay 392,8 ha diện tích canh tác, tăng 94,5% so với cùng kỳ (202 ha).

Anh Trang Quốc Dũng, Giám đốc Công ty Cổ phần nông nghiệp kỹ thuật cao Nông Phát cho biết: Năm 2015, anh hợp tác 2,3 ha tại ấp 7, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn để đầu tư sản xuất dưa lưới theo quy trình VietGAP ứng dụng công nghệ cao, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Sau 3 năm, anh đã khảo nghiệm thành công và thương mại hóa các giống dưa lưới: Taki - ruột cam, Taka - ruột xanh, dựa trên tiêu chí chất lượng và độ ngọt phù hợp với thị hiếu tiêu dùng. Các sản phẩm dưa lưới của anh đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và hiện đang xuất khẩu phần lớn cho hệ thống siêu thị thuộc Tập đoàn TAMASEK của Singapore.

Anh cho biết chi phí đầu tư ban đầu cho 1.000 m2 trồng dưa lưới khoảng 530 triệu đồng, bao gồm nhà màng, thiết bị, giá thể, nhân công… Chi phí đầu tư 1.000 m2 cho 1 vụ khoảng 75,1 triệu đồng, sản lượng 1 vụ (2,5 tháng) đạt 3,7 tấn dưa lưới, giá bán sỉ tại trang trại 30.000 đồng/kg, doanh thu trên 101 triệu đồng, trừ chi phí còn lợi nhuận 26,2 triệu đồng/vụ/1.000 m2. Tính ra 1 ha trồng dưa lưới, 1 năm thu hoạch 3 vụ, sản lượng khoảng 110 tấn, doanh thu 3,3 tỷ đồng, lợi nhuận trên 800 triệu đồng/ha/năm. Với mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, đó chính là yếu tố giúp anh nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, không phụ thuộc vào những thị trường truyền thống giá rẻ và thiếu tính ổn định, mở rộng được những thị trường khó tính (Nhật, Hàn Quốc).

Hộ anh Nguyễn Hoài Nam, ấp Trần Hưng Đạo, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ có khoảng 1,3 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, năm 2017, anh đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 2 giai đoạn trong nhà kín theo quy trình VietGAP, với tổng chi phí cho cả năm là 2,31 tỷ đồng; sản lượng thu hoạch là 33 tấn, giá bán 140.000 đồng/kg, tổng thu 4,62 tỷ đồng, lợi nhuận 2,31 tỷ đồng. Hiệu quả mô hình mang lại lợi nhuận cao, bền vững. Tôm thu hoạch đạt tiêu chuẩn sạch và được khách hàng đánh giá cao về chất lượng.

Hộ anh Lê Dũng, ấp 6, xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi đầu tư khoảng 5 ha trồng lan các loại trong nhà lưới, với hệ thống tưới phun sương tự động, điều khiển bằng máy, ít tốn công lao động, tiết kiệm nước. Anh chia vườn thành khu sản xuất giống và khu sản xuất hoa, giúp điều tiết được lượng cây giống, hoa cung cấp phù hợp với nhu cầu thị trường. Sau 2 năm đầu tư, hàng ngày vườn anh cung cấy hoa lan cắt cành cho thị trường, thu nhập trên 20 triệu đồng, lợi nhuận trên 10 triệu đồng; tính ra 1 năm lợi nhuận trên 3,6 tỷ đồng từ bán hoa lan cắt cành, chưa tính bán giống.

Thành phố hiện đang tiếp tục đầu tư các hạng mục tại Trung tâm Công nghệ sinh học, mở rộng Khu Nông nghiệp công nghệ cao và tiếp tục ban hành các chương trình, cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp đô thị như: Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, chính sách hỗ trợ sản xuất theo quy trình VietGAP, tiêu chí công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.... Đây sẽ là nguồn lực tiếp tục hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phát triển đúng định hướng của thành phố là tập trung vào phát triển sản xuất giống cây, giống con chất lượng cao, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học kết hợp du lịch sinh thái góp phần nâng cao giá trị gia tăng, tăng năng suất chất lượng và thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn.

Đ.K

 

 


Số lượt người xem: 2689    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm