SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
6
9
6
6
8
Tin tức tổng hợp 16 Tháng Sáu 2020 9:50:00 SA

15 năm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học tại Thành phố Hồ Chí Minh

Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng đã khẳng định công nghệ sinh học là công nghệ được ưu tiên phát triển. Nghị quyết nêu rõ: “Phát huy những lợi thế của đất nước, tận dụng mọi khả năng để đạt trình độ công nghệ tiên tiến, đặc biệt là công nghệ thông tin và công nghệ sinh học, tranh thủ ứng dụng ngày càng nhiều hơn, ở mức cao hơn và phổ biến hơn những thành tựu mới về khoa học và công nghệ”. Tiếp theo đó, ngày 04 tháng 3 năm 2005, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 50-CT/TW về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước. Thành phố là nơi có tiềm lực khoa học - công nghệ lớn với nguồn nhân lực, cơ sở vật chất cũng như kinh phí cho nghiên cứu, chuyển giao. Thành phố có thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp lớn, nhất là các sản phẩm có giá trị và chất lượng cao từ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có khả năng về nguồn lực đầu tư của xã hội cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Qua 15 năm thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Ban Bí thư, nguồn nhân lực công nghệ sinh học của Thành phố phát triển mạnh về số lượng và chất lượng. Có 224 người trong đó có 2 phó giáo sư, 21 tiến sĩ, 72 thạc sĩ và 129 đại học. Hình thành và đi vào hoạt động hiệu quả Trung tâm Công nghệ sinh học, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, Trại thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao Israel.

Trung tâm Công nghệ Sinh học được thành lập năm 2004. Là một trong những đơn vị chủ lực thực hiện chủ trương phát triển công nghệ sinh học trên địa bàn Thành phố. Trung tâm có chức năng, nhiệm vụ chính là nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, xử lý môi trường, công nghiệp thực phẩm và y dược học; đào tạo, huấn luyện kỹ thuật viên công nghệ sinh học; sản xuất thử, phát triển các sản phẩm công nghệ sinh học. Dự án xây dựng Trung tâm được triển khai xây dựng từ năm 2010 với quy mô 23 ha tại Quận 12. Năm 2014, đã khánh thành và đưa vào hoạt động khu nhà kính, nhà lưới nuôi cấy mô tế bào thực vật, bao gồm nhà nuôi cấy mô (555 m2), nhà kính (400 m2), nhà màng (3.500 m2), nhà lưới (4.300 m2). Trung tâm còn có xưởng phối trộn cơ chất dinh dưỡng (650 m2); nhà chuẩn bị cây và xử lý sau thu hoạch (410 m2), khu thí nghiệm thực vật (10.100 m2). Khu nghiên cứu của Trung tâm có quy mô với diện tích sàn 32.600 m2 gồm 12 phòng thí nghiệm chuyên ngành công nghệ sinh học và 01 nhà sản xuất thử chế phẩm sinh học đã đưa vào hoạt động từ năm 2015. Ngoài ra các dự án xây dựng đang triển khai như: Dự án Khu nuôi động vật thí nghiệm, dự án khu đào tạo hợp tác quốc tế.

Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã xây dựng bộ sưu tập nguồn gen các giống lan với hơn 380 giống các loại, hơn 120 giống kiểng lá, 117 giống hoa nền và trên 100 giống dược liệu quý. Lai tạo được 20 tổ hợp lan Dendrobium lai và được cấp bằng bảo hộ 12 giống lan mới. Chọn tạo được 15 dòng thuần dưa lưới; tạo được 7 tổ hợp lai dưa lưới thành giống mới chuyển giao cho sản xuất. Có 7 tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực trồng trọt được Bộ Nông nghiệp PTNT công nhận. Hàng năm, Trung tâm sản xuất bình quân 300.000 - 400.000 cây giống cấy mô các loại, chủ yếu hoa lan. Nghiên cứu thành công 10 quy trình kỹ thuật nhân giống và canh tác rau, hoa kiểng, dược liệu. Đặc biệt là Quy trình nhân sinh khối và tạo rễ tóc sâm Ngọc linh đã cho ra các sản phẩm như nước uống, thuốc dạng viên nang trong khuôn khổ Dự án FIRST của Bộ Khoa học Công nghệ.     

Khu Nông nghiệp Công nghệ cao hoàn thành và đi vào hoạt động từ năm 2010, với diện tích 88,17 ha tại Xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi; trong đó có 56,53 ha dành cho kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư. Đây là mô hình đa chức năng tập trung cho lĩnh vực trồng trọt, là nơi triển khai nghiên cứu ứng dụng nhằm hoàn thiện công nghệ, nhân giống cây trồng (rau, hoa, cây cảnh), đào tạo, trình diễn và chuyển giao công nghệ, cũng như kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt. Năm 2016, tiếp tục đầu tư mở rộng Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, với diện tích 23,3 ha tại Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi và dự án Khu Nông nghiệp Công nghệ cao ngành thủy sản tại huyện Cần Giờ. Từ khi thành lập đến nay, các đơn vị thuộc Khu Nông nghiệp Công nghệ cao đã sưu tập và khảo nghiệm 25 giống cà chua, 30 giống khổ qua, 7 giống cây ăn quả phù hợp với điều kiện của Thành phố.  Cung cấp 2.288.200 cây giống gieo ươm, 786.659 cây lan hậu cấy mô và 15.411 cây hoa nền.

Dự án Trại thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao Israel xây dựng năm 2009. Đây là trại giống bò sữa ứng dụng công nghệ cao trong quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng và chọn tạo giống bò sữa của Thành phố. Dự án được đưa vào sử dụng từ năm 2013 và đang phát huy hiệu quả  Đề án nâng cao chất lượng đàn bò sữa giai đoạn 2016 – 2020 theo Quyết định số 4697/QĐ-UBND ngày 08 tháng 9 năm 2016 của Ủy ban nhân dân Thành phố. Hiện trại có tổng đàn bò sữa 220 con; trong đó, 103 con cái vắt sữa, năng suất sữa bình quân đạt 24,5 kg/con/ngày (năng suất sữa bình quân hiện nay của đàn bò sữa thành phố 16,5 kg/con/ngày).

Thành phố có 134 phòng thí nghiệm phân tích chất lượng sản phẩm thuộc nhiều lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, dược phẩm… từ các Viện, Trường và các Trung tâm phân tích (trong đó, có 2 phòng thí nghiệm chuyên ngành phân tích chất lượng thức ăn). Giai đoạn 2016 -2019, 2 phòng thí nghiệm trên đã phân tích được trên 3.000 mẫu thức ăn chăn nuôi với khoảng 13.000 chỉ tiêu, đáp ứng tương đối nhu cầu thị trường. Có 35 cơ sở nhân giống cấy mô tế bào thực vật (in vitro) với quy mô khoảng 15 triệu cây giống cấy mô/năm. Hoàn thiện và ứng dụng trong sản xuất 40 quy trình nhân giống in vitro để sản xuất cây giống hoa kiểng, dược liệu, chuối..., góp phần cung ứng giống cho sản xuất tại Thành phố và các tỉnh.

Năm 2019, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 21.160,9 tỷ đồng, tăng 6,19% so cùng kỳ; GRDP ước đạt 8.938 tỷ đồng, tăng 6,01% so cùng kỳ (đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X đề ra tăng từ 5,8 - 6%). Giá trị bình quân trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 550 triệu đồng/ha/năm 2019 (tăng 9,6% so với năm 2018: 502 triệu đồng/ha). Trong đó, giá trị sản phẩm chủ lực đạt 13.872,4 tỷ đồng, chiếm 66% trên tổng giá trị sản xuất. Tỉ lệ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ sinh học tăng nhanh trong giai đoạn 2015 – 2020. Năm 2010, tỷ lệ này chiếm khoảng 10,0%, năm 2016 là 35,8% và năm 2018 đạt 38,2%. Năm 2019: Diện tích canh tác rau ứng dụng công nghệ cao đạt 1.366 ha, chiếm 38,8% so với tổng diện tích rau của Thành phố. Diện tích hao, cây kiểng ứng dụng công nghệ cao đạt 898 ha, chiếm 36,7% so với tổng diện tích hoa, cây kiểng. Đàn bò sữa có ứng dụng công nghệ cao đạt 26.775 con, chiếm 35,7% so với tổng đàn bò sữa. Đàn heo có ứng dụng công nghệ cao đạt 139.730 con chiếm 49,9% so với tổng đàn heo. Diện tích nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao đạt 945 ha, chiếm 15,7% so với tổng diện tích nuôi tôm nước lợ và diện tích nuôi cá cảnh  ứng dụng công nghệ cao đạt 52 ha, chiếm 58,5% so với tổng diện tích nuôi cá cảnh.

Việc hình thành, đi vào hoạt động hiệu quả Trung tâm Công nghệ sinh học, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, Trại thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao Israel là nguồn lực hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học. Phát triển đúng định hướng của Thành phố là tập trung vào phát triển sản xuất giống và những cây con chất lượng cao, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học kết hợp du lịch sinh thái góp phần nâng cao giá trị gia tăng, năng suất chất lượng và thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp./.

 

Đ.K


Số lượt người xem: 3040    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm