SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
6
0
8
2
7
7
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 05 Tháng Giêng 2004 12:30:00 CH

Ăn rau bị ngộ độc, vi sao ?

Rau là thực phẩm thiết yếu cho mọi người nhưng trong thực tế rau là loại thực phẩm dễ bị ô nhiễm nhất so với các loại nông sản khác. Nguy cơ bị ngộ độc do ăn rau cao hơn các nông sản khác vì rau xanh được người tiêu dùng sử dụng ngay sau khi thu hoạch và rau còn được dùng ăn sống nên những yếu tố gây ô nhiễm trên rau dễ tác động làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người tiêu dùng.

   

Các yếu tố làm cho rau bị ô nhiễm gồm có:

1.Kim loại nặng ( thủy ngân, chì, asen, đồng, kẽm, thiếc …): Là những chất độc thường chứa trong nước thải, khói thải của các khu công nghiệp hoặc có sẵn trong đất từ trước, hoặc từ phân rác. Rau dễ bị ô nhiễm kim loại nặng khi được trồng quá gần các nhà máy công nghiệp, dùng nước tưới  từ kênh mương có nước thải từ các khu công nghiệp, bón phân rác hay trồng trên đất có chứa các kim loại nặng, ngoài ra còn do rau được phun quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật có chứa các kim loại nặng. Các kim loại nặng nếu xâm nhiễm vào cơ thể con người với lượng vượt mức cho phép sẽ tích lũy trong cơ thể gây bệnh cho con người.

2. Nitrate: Là sản phẩm trung gian được tạo ra trong quá trình chuyển hoá chất từ việc bón phân đạm hoá học. Là độc chất có trong rau khi bón phân đạm quá nhiều hoặc quá gần ngày thu hoạch. Nitrate có thể gây ngộ độc cấp tính và mãn tính cho con người nếu cơ thể tiếp nhận quá mức an toàn.

3.Các vi trùng và ký sinh trùng: Trong đó có các loại nguy hiểm như Salmonella, E.coli, trứng giun sán các loại gây hại cho người. Thường nhiễm trong rau do người trồng rau bón phân người, phân gia súc hoặc phân rác chưa ủ hoai còn chứa các loại vi trùng và ký sinh trùng nói trên. Rau được tưới bằng nước thải trong kênh rạch, nước thải sinh hoạt, trồng gần bệnh viện cũng có nguy cơ bị ô nhiễm vi trùng và ký sinh trùng. Người ăn rau nếu không nấu chín tiệt trùng sẽ dễ bị các bệnh do vi trùng và ký sinh trùng gây ra như tiêu chảy, thương hàn, nhiễm giun sán các loại...

4.Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật: Là lượng thuốc bảo vệ thực vật còn lại trong sản phẩm rau sau khi thu hoạch do chưa phân huỷ hết. Rau có nguy cơ ô nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao hơn các nông sản khác do rau là loại cây trồng có nhiều sinh vật gây hại nên người trồng rau thường sử dụng rất nhiều thuốc bảo vệ thực vật trên rau để giữ năng suất, chất lượng và đẹp mã. Nhất là khi người trồng rau sử dụng loại thuốc bảo vệ thực vật quá độc, liều lượng quá cao, gần ngày thu hoạch, không đảm bảo thời gian cách ly thì dư lượng thuốc còn lại trong rau sẽ quá mức cho phép, gây ngộ độc cho người tiêu dùng.

 Người tiêu dùng có thể bị ngộ độc cấp tính nếu ăn phải rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên mức an toàn ở mức quá cao và bị ngộ độc mãn tính nếu ở mức thấp.Trong các loại thuốc bảo vệ thực vật thì dư lượng thuốc trừ sâu, trừ nhện thường gây ngộ độc cấp tính rất cao, một vài thuốc trừ bệnh, trừ cỏ dại tuy không gây ngộ độc cấp tính cao nhưng có thể gây ngộ độc mãn tính.         

            Trong 4 yếu tố ô nhiễm nêu trên thì dư lượng thuốc trừ sâu là quan trọng nhất vì thường xảy ra và thường gây ngộ độc cấp tính nhất.

 

LÀM SAO ĐỂ NGĂN NGỪA CÁC YẾU TỐ GÂY Ô NHIỄM TRÊN RAU?

 

Để ngăn ngừa các yếu tố có thể gây ô nhiễm trên rau, trong quá trình sản xuất rau an toàn, người trồng rau cần áp dụng các nguyên tắc sau:

Đối với kim loại nặng:

- Không trồng rau trong khu vực có khói thải của các nhà máy hay tại các khu vực đất đã bị ô nhiễm kim loại nặng. Không tưới rau bằng nước thải của các nhà máy công nghiệp,

- Không bón phân rác. Không phun quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật có chứa kim loại nặng.

Đối với Nitrate:

- Sử dụng phân đạm hợp lý, không bón phân đạm hoá học quá nhiều (thừa đạm) và quá gần ngày thu hoạch.

Đối với vi trùng và ký sinh trùng:

- Trồng rau xa nơi có nguồn ô nhiễm như: bệnh viện, khu bãi rác, nơi có nhiều

ruồi nhặng, …

-  Nên bón phân hữu cơ đã được ủ hoai mục. Không bón phân người, phân gia súc còn tươi.

- Chỉ tưới rau, rửa rau bằng nước sạch như nước sông suối, kênh mương, nước giếng khoan hoặc giếng khơi không bị ô nhiễm.

-  Không tưới nước thải từ bệnh viện, nước thải sinh hoạt.

Đối với dư lượng thuốc bảo vệ thực vật:

- Cần áp dụng các biện pháp tổng hợp trong việc phòng trừ sinh vật hại trên rau, chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật cần thiết.

- Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả, áp dụng theo nguyên tắc 4 đúng. Tuyệt đối không phun rải các loại thuốc mà nhà nước đã cấm dùng trên rau (bao gồm thuốc cấm sử dụng và thuốc hạn chế sử dụng nhưng cấm dùng trên rau). Không sử dụng thuốc có độ độc cao, chậm phân huỷ. Không tăng liều lượng so với hướng dẫn. Không tuỳ tiện pha trộn nhiều loại thuốc. Phải giữ đúng thời gian cách ly ghi trên nhãn của mỗi loại thuốc.

 

                                                                                         

 

 

 

 

NGỘ ĐỘC THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

VÀ CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG TRÁNH

 

Thuốc bảo vệ thực vật là chế phẩm có nguồn gốc từ hóa chất, thực vật, động vật, vi sinh vật và các chế phẩm khác dùng để phòng, trừ sinh vật gây hại tài nguyên thực vật;

Thuốc bảo vệ thực vật không những độc đối với các loài sinh vật hại mà còn độc đối với người, động vật và môi trường.

1/ Thuốc bảo vệ thực vật có thể xâm nhập vào cơ thể con người qua da, qua miệng và qua hô hấp.

            + Qua da:Thuốc thấm qua da, đây là cách xâm nhập phổ biến nhất và dễ bị nhất.

          - Sử dụng thuốc có bao bì không an toàn như bể, rách làm thuốc bị rơi ra hoặc rò rĩ.

            - Không sử dụng đồ bảo hộ lao động khi tiếp xúc với thuốc.

            - Khi pha thuốc, phun thuốc không cẩn thận làm thuốc bắn vào người hoặc chạm người vào lá cây khi phun thuốc.

            - Mặc quần áo có dính thuốc.

            + Qua miệng: Thuốc xâm nhập qua đường miệng thường gây trúng độc nặng nhất:

            - Xảy ra bất ngờ do thuốcbắn vào miệng, .

            - Ăn uống hoặc hút thuốc bằng tay có dính thuốc.

            - Để chung thức ăn, nước uống với thuốc trong quá trình vận chuyển hoặc lưu trữ, đựng thuốc trong chai nước uống hoặc đồ đựng thức ăn (dễ bị dính thuốc vào thức ăn hoặc lầm lẫn).

            - Ăn phải thực phẩm có thuốc hoặc nông sản có dư lượng thuốc vượt mức cho phép.

- Uống nước ở các ao hồ hoặc nguồn nước bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật.

            +Qua hô hấp ( hít thở):

            - Khi sử dụng thuốc có đặc điểm bay hơi, thuốc dạng bột chúng ta có thể bị hít phải thuốc khi đang phun hoặc hít phải khói thuốc khi đốt hay tiêu huỷ bao bì

            - Thận trọng với chất bột mịn dưới đáy bao thuốc hạt.

            + Thuốc bảo vệ thực vật có thể gây nhiễm độc cấp tính và mãn tính:

            - Gây nhiễm độc cấp tính: thuốc xâm nhiễm vào cơ thể gây ngộ độc tức thời. Tất cả các nhà sản xuất thuốc khi đưa ra thị trường một loại thuốc nào đều có thử nghiệm trên chuột, thỏ, cá …để xem liều lượng bao nhiêu thì giết được chúng khi chúng ăn thuốc, tiếp xúc với thuốc qua da và hít phải thuốc. Từ đó cảnh báo cho con người. Được biểu thị bằng trị số LD 50 trên nhãn thuốc, LD 50 càng thấp độ độc càng cao.

            - Gây ngộ độc mãn tính: Không thấy ngộ độc ngay nhưng thuốc tích luỹ trong con người một thời gian dài gây đột biến tế bào, kích thích tế bào khối u ác tính phát triển, ảnh hưởng đến bào thai, gây dị dạng hoặc phát ra một bệnh lý khác thường nào đó.

2/ Các triệu chứng khi bị ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật:

- Ngộ độc nhẹ: Người mệt mỏi, bơ phờ, nhức đầu, chóng mặt, đổ mồ hôi, chảy nước dãi, chảy nước mắt, da bị tấy, viêm.

- Ngộ độc trung bình: Miệng và họng bị nóng, buồn nôn, nôn, mắt nhìn không rõ, đánh trống ngực, tức ngực, đau thắc dạ dày, tiêu chảy, mỏi bắp thịt, khó thở, run rẩy, lảo đảo, suy nhược thần kinh, đồng tử bị co hoặc giãn, đổ mồ hôi.

- Ngộ độc nặng: Rối loạn, co giật, thở yếu, mê sảng, bất tỉnh, mất nhịp tim và chết.

3/ Để phòng tránh tối đa ảnh hưởng độc hại của thuốc đến người và môi trường cần lưu ý:

* Khi sử dụng thuốc:

-Trang  bị  bảo  hộ  lao động  đầy  đủ  khi xử dụng và tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật, tuân thủ theo đúng các nguyên tắc khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật  (nguyên tắc 4 đúng).

- Sử dụng thuốc có bao bì an toàn . Cẩn thận với thuốc ở dạng chưa pha chế.

- Phun theo hướng gió và phun một bên để tránh chạm vào lá dính thuốc.

- Không thông vòi phun bằng miệng.

- Không ăn uống hút thuốc khi đang pha, phun thuốc.

- Tránh không hít bụi, khói thuốc.

- Không cho người và gia súc đến gần nơi đang xử lý thuốc.

- Khi đang phun thuốc tránh không dùng tay sờ vào bất cứ nơi nào trên cơ thể.

* Sau khi sử dụng thuốc:

- Vệ sinh cá nhân là điều cần thiết sau khi tiếp xúc với thuốc.

- Cởi đồ bảo hộ lao động, rửa găng tay sạch trước khi tháo ra.

- Tắm rửa sạch sẽ và giặt quần áo sau mỗi lần tiếp xúc với thuốc.

- Phải tuân thủ khuyến cáo trên nhãn về thời gian tối thiểu không được vào nơi đã phun thuốc, nếu trên nhãn không có ghi thì luôn phải chờ ít nhất là 24 giờ.

- Gia súc phải giữ xa nơi phun thuốc và nơi mới phun.

- Giữ cho môi trường trong sạch là nhiệm vụ của mọi người, không rửa xúc bình phun và đổ thuốc dư thừa nơi hồ, ao, mương nước đang sử dụng.   

 

Thuốc bảo vệ thực vật là thuốc độc. Nếu giữ không để thuốc xâm nhập vào cơ thể bằng cách ngăn chận mọi đường xâm nhập qua việc sử dụng trang bị bảo hộ đầy đủ và tuân thủ theo đúng các nguyên tắc khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thì tính độc của thuốc sẽ chỉ có hiệu lực đối với sinh vật hại mà không có tác động đến người sử dụng.


Số lượt người xem: 12897    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm