SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
7
0
5
9
9
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 05 Tháng Giêng 2004 12:45:00 CH

Kết quả xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn

(Theo kế hoạch tại văn bản số 393/BVTV-CV, ngày 27/5/2003 của Cục BVTV)

   


           

Thực hiện theo kế hoạch của Cục BVTV, từ tháng 8 đến tháng 11/2003, Chi cục Bảo vệ thực vật  TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn.

Mục đích của mô hình là hướng dẫn, tuyên truyền giúp nông dân nhận thức và áp dụng đúng các biện pháp sản xuất rau an toàn và xây dựng điểm trình diễn và áp dụng các mô hình sản xuất rau an toàn có hiệu quả kinh tế cao.

Chi cục đã thực hiện mô hình với 2 nội dung chính là tập huấn nông dân và xây dựng mô hình với điểm trình diễn và thử nghiệm mô hình nhà lưới hở chỉ có mái che kết hợp với hệ thống tưới phun. Kết quả cụ thể như sau:

1. Tập huấn sản xuất rau an toàn

Chi cục đã tổ chức 2 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất rau an toàn tại xã Trung Lập Hạ - Củ Chi và xã Xuân Thới Sơn – Hóc Môn với 100 nông dân tham dự. Nội dung tập huấn về nguyên tắc cơ bản trồng rau an toàn, nguyên tắc sử dụng thuốc BVTV an toàn hiệu quả trên rau, qui trình chung trồng rau an toàn cho các nhóm rau, các biện pháp phòng trị tổng hợp sâu bệnh hại rau. Điểm mới trong đợt tập huấn này là phân nhóm nông dân tự xây dựng qui trình trồng các loại rau chính ở địa phương, sau đó tổ chức thảo luận chung. Với phương pháp này nông dân sẽ xây dựng được các mô hình phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương và sẽ nhớ lâu hơn.

Kết quả kiểm tra cho thấy, trình độ  hiểu biết và kỹ thuật sản xuất rau an toàn của nông dân đã được nâng lên. Sau khi được tập huấn, hầu hết nông dân trả lời đúng các câu hỏi về khái niệm rau an toàn, các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất rau an toàn, biện pháp chăm sóc, bón phân và sử dụng thuốc BVTV an toàn hiệu quả trên rau.

Qua lớp tập huấn, cán bộ kỹ thuật cũng đã giải đáp một số thắc mắc của nông dân liên quan đến cách thức sử dụng thuốc như:

-Rau an toàn thì mẫu mã kém không đẹp: Nếu sử dụng phân bón hợp lý, dùng thuốc BVTV kịp thời có hiệu quả thì mẫu mã rau vẫn đẹp như bình thường.

-Sử dụng thuốc trừ sâu làm cho rau xanh tươi hơn: Thực tế thuốc BVTV chỉ có tác dụng phòng trừ sinh vật hại và các biện pháp phòng trừ các đối tượng sâu hại chủ yếu.

Ngoài ra bà con nông dân còn đề xuất các kiến nghị về hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật mới và tiêu thụ rau an toàn.

2. Xây dựng mô hình trình diễn

2.1.Trình diễn sản xuất rau an toàn

Chi cục đã tổ chức điểm trình diễn  tại  xã Tân Qúi Tây - huyện Bình Chánh với 25 hộ nông dân tham dự trên diên tích 1 ha. Nông dân tham dự mô hình trình diễn được cán bộ kỹ thuật huấn luyện theo phương pháp IPM, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất rau an toàn trên thực tế đồng ruộng. Kết quả thực hiện của 25 hộ nông dân trong thời gian từ tháng 8- 11/2003 như sau:

-Các loại rau trồng trong mô hình gồm có các loại rau chủ yếu rau cải ngọt, cải thìa, cải xanh, xà lách, rau muống, rau dền, mồng tơi.

- Nông dân sử dụng phân bón hợp lý hơn, nông dân tham gia mô hình sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân lân bón lót trước khi gieo  trồng, không dùng phân hữu cơ chưa ủ mục. Việc dùng phân hữu cơ vi sinh đã thay đổi tập quán canh tác trước đây là chỉ sử dụng phân hoá học để bón cho rau.

 -Sâu bệnh hại và biện pháp phòng trừ:

Từ tháng 8 –11/2003, trên diện tích trình diễn chỉ có bọ nhảy, sâu tơ hại các loại cải. Bệnh hại nặng có bệnh thối nhũn trên cải, bệnh rỉ trắng trên rau muống, bệnh đốm mắt cua trên rau mồng tơi, đốm lá trên rau dền. Được sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, bà con nông dân đã áp dụng các biện pháp phòng trị có hiệu quả.

Số lần sử dụng thuốc BVTV từ 3- 4 lần trên cải, 2 –3 lần trên các loại rau muống, rau dền, mồng tơi.

Một số nông dân vẫn còn sử dụng một số loại thuốc thuộc nhóm lân, nhưng thường chỉ sử dụng ở giai đoạn cây con hoặc chỉ sử dụng khi còn thời gian cách ly và cho đối tượng khó phòng trừ  là bọ nhảy. Đa số nông dân sử dụng nhóm thuốc sinh học để trừ sâu tơ, sâu xanh, hai loại thuốc nhóm sinh học là Success và Biocin là 2 loại được sử dụng nhiều nhất.

Kết quả kiểm tra tại Chi cục không có mẫu rau nào phát hiện vượt mức cho phépdư lượng thuốc BVTV.

-Hiệu quả kinh tế: Tất cả nông dân tham gia mô hình trồng rau đều có lời từ 15 –30 triệu đ/ha cho một lứa rau.

 

2.2.Mô hình nhà lưới chỉ có dàn che và hệ thống tưới phun

Nông dân thường gặp rất nhiều khó khăn trồng rau cải trong điều kiện mùa mưa, vì vậy Chi cục BVTV đã thử nghiệm mô hình nhà lưới chỉ có mái che kết hợp với hệ thống tưới.

Mô hình nhà lưới chỉ có mái che kết hợp với hệ thống tưới phun có diện tích: 500 m2; mô hình chỉ có hệ thống tưới phun diện tích: 500 m2, trồng cải ngọt, cải xanh, cải thìa.

Nhà lưới được thiết kế với lưới nylon phủ trên nóc, không phủ lưới xung quanh. Cột nhà lưới: dùng cột xi măng, đà ngang bằng sắt. Độ cao nhà lưới: 2 – 2,5 m. Lưới: đường kính 3 mm, dùng lưới trắng độ bền 12 – 36 tháng.

   Được thực hiện trên 2 lứa rau - lứa 1 cải ngọt, lứa 2 - cải thìa. giữa ruộng rau trong nhà lưới có dàn che và ruộng bên ngoài. Kết quả theo dõi như sau:

  

Về sinh trưởng, cây cải trồng trong nhà lưới cao hơn so với cây cải trồng bên ngoài, do trong nhà lưới nhiệt độ cao hơn và ánh sáng không đầy đủ như bên ngoài.

Tình hình sâu hại trong nhà lưới thấp hơn so với bên ngoài nhà lưới. Có thể do điều kiện nhiệt độ, ẩm độ  trong nhà lưới cao hơn, nên không phù hợp cho sâu hại phát triển, ngoài ra còn do trong nhà lưới sử dụng hệ thống tưới phun và sử dụng thuốc BVTV kịp thời. Bệnh thối nhũn bên ngoài nhà lưới phát triển mạnh hơn là do trong tháng 10 gặp mưa lớn, cây bị giập nát. Chưa ghi nhận thiên địch trong nhà lưới do thời gian điều tra ngắn.

Trong suốt vụ cải nông dân tham gia mô hình được sự hướng dẫn của CBKT về việc phòng trị sinh vật hại. Vào giai đoạn đầu ở vườn ươm hoặc 7 – 10 ngày sau cấy, nông dân sử dụng một trong các loại thuốc hóa học như Bassa, Polytrin, Selectron.  Trong giai đoạn cuối nông dân chỉ dùng thuốc hóa học có thời gian cách ly ngắn hoặc thuốc vi sinh như Biocin, Delfin, Dipel, Thuricide. Việc sử dụng thuốc BVTV luân phiên, đảm bảo thời gian cách ly  rất quan trọng vừa diệt được sâu hại và không để lại dư lượng thuốc BVTV trong nông sản ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Về hiệu quả kinh tế được thể hiện 2 bảng sau:

 

Bảng 1- Đánh giá hiệu quả kinh tế, kỹ thuật các mô hình sản xuất

cải ngọt  an toàn tại huyện Bình Chánh –TPHCM, từ tháng 8- 9/2003

 

Chỉ tiêu

Nhà mái lưới che và tưới phun

Tưới phun

Sản xuất bình thường

I.Tổng chi

9.480.000

11.469.000

11.987.000

Giống

300.000

400.000

400.000

Phân bón

1.900.000

3.719.000

2.859.000

Số lần phun thuốc BVTV

4

4

5

Chi phí thuốc BVTV

530.000

350.000

228.000

Công lao động

6.750.000

7.000.000

8.500.000

II. Tổng thu

54.000.000

63.000.000

54.000.000

-Năng suất (tấn/ha)

30

35

30

III.Lợi nhuận so với đầu tư

44.250.000

51.531.000

42.013.000

 

Qua bảng 1 cho thấy tất cả các mô hình sản xuất rau an toàn đều có lãi do nông dân có hợp đồng bán với giá cao cho công ty thu mua. Hai mô hình trồng cây cải ngọt trong nhà lưới có hệ thống tưới phun lãi 44.520.000 đồng/ha, mô hình hệ thống tưới phun lãi 51.531.000 đồng/ha cao hơn mô hình sản xuất bình thường. Điều này là do so với mô hình sản xuất bình thường, chi phí đầu tư thấp hơn, sử dụng hệ thống tưới phun giảm được công tưới và có năng suất cao hơn.

 

 

Bảng 2. Đánh giá hiệu quả kinh tế, kỹ thuật các mô hình sản xuất

 cải thìa  an toàn tại huyện Bình Chánh –TPHCM, từ tháng 10- 11/2003

 

Chỉ tiêu

Nhà mái lưới che và tưới phun

Tưới phun

Sản xuất bình thường

I.Tổng chi

9.537.000

11.679.000

19.390.000

Giống

450.000

450.000

120.000

Phân bón

1.987.000

2.749.000

6.800.000

Số lần phun thuốc BVTV

4

4

4

Chi phí thuốc BVTV

600.000

480.000

470.000

Công lao động

6.500.000

8.000.000

12.000.000

II. Tổng thu

50.000.000

25.000.000

50.000.000

-Năng suất (tấn/ha)

20

10

20

III.Lợi nhuận so với đầu tư

40.463.000

13.321.000

30.610.000

 

 Mô hình sản xuất rau cải thìa an toàn cũng có lời. Lợi nhuận ở mô hình nhà lưới có hệ thống tưới phun cao nhất là do thời tiết trong tháng 10 /2003 mưa lớn, cây cải trong nhà lưới có mái che phát triển tốt, đảm bảo được năng suất. Mô hình sản xuất bình thường gieo trước 1 tuần nên không bị ảnh hưởng nhiều bởi mưa. Còn mô hình với hệ thống tưới phun, mưa lớn làm cải thìa không phát triển được, năng suất giảm  và bệnh hại nhiều làm giảm chất lượng.

 

Qua thực hiện mô hình, chúng tôi có đánh giá như sau:

1.  Để nông dân sản xuất rau an toàn có hiệu quả cần tổ chức tập huấn, huấn luyện với phương pháp để nông dân thảo luận xây dựng qui trình canh tác rau an toàn phù hợp với địa phương mình.

2.  Kết quả trình diễn sản xuất rau an toàn theo đúng qui trình có hiệu quả kinh tế và  mẫu mã rau đẹp như bình thường. Mô hình sản xuất rau an toàn có hệ thống tưới phun đã tiết kiệm được công tưới nước, giúp cây rau sinh trưởng phát triển tốt và nhiều nông dân muốn áp dụng.

3.  Xây dựng được một mô hình sản xuất nhà lưới có chỉ có mái che và hệ thống tưới phun đem lại hiệu quả kinh tế do tiết kiệm chi phí chăm sóc và mẫu mã rau đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng. Đặc biệt có hiệu quả khi rau được trồng trong mùa mưa.

 

Đề nghị

1.  Tiếp tục theo dõi tiếp tình hình sâu bệnh, sự phát triển của cây rau trong nhà lưới này ở mùa nắng. Đồng thời tính toán hiệu quả kinh tế do chi phí đầu tư nhà lưới ban đầu.

2.  Cục BVTV tiếp tục hỗ trợ cho Chi cục BVTV Tp. HCM  xây dựng các  mô hình sản xuất rau an toàn nhằm giúp cho nông dân bán sản phẩm của mình làm ra đạt được giá thành và đạt tiêu chuẩn rau an toàn.

Số lượt người xem: 15055    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm