SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
4
2
3
2
0
9
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 11 Tháng Mười 2006 3:05:00 CH

Công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản trên địa bàn Thành phố năm 2006

Ngày 06/10/2006, tại huyện Cần Giờ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội nghị đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản trên địa bàn thành phố.

 

Chủ trì hội nghị: Ông Nguyễn Phước Thảo - Phó trưởng Ban Phòng chống lụt bão tìm kiếm cứu nạn và giảm nhẹ thiên tai thành phố - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát  triển nông thôn.

Thành phần dự hội nghị có các đại diện sở ngành thành phố, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ, BCH quân sự thành phố, BCH Biên phòng thành phố, các đồn biên phòng 558, 562, 554, Hải đội 2, các doanh nghiệp thủy sản và ngư dân sản xuất giỏi.

Đại diện Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã báo cáo tình hình và kết quả công tác bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản trên địa bàn thành phố sau hơn một năm triển khai thực hiện Luật Thủy sản, Nghị định số 66/2005/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ và Công điện 141/TTg-CN ngày 01/02/2005 của Chính phủ về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản, cụ thể như sau:

Về tình hình thực hiện công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản:

1- Công tác điều tra số liệu tàu cá và thuyền viên:

Thực hiện Chỉ thị số 04/2003/CT-BTS ngày 03/09/2003 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản về điều tra tàu cá và thuyền viên, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Chi Cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tiến hành thực hiện điều tra tàu cá và thuyền viên trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh từ đầu năm 2004. Đến nay do có sự phối hợp tích cực giữa các cấp chính quyền, Bộ đội biên phòng, CSGT đường thủy, Chi cục QLCL và BVNL Thủy sản đã nắm rõ thực trạng tàu cá trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh bao gồm : Số lượng, chất lượng phương tiện, cơ cấu ngành nghề và lượng tàu cá hành nghề có khả năng vi phạm Nghị định 59/2005/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2005 về điều kiện kinh doanh một số ngành nghề thủy sản. Qua đó Thành phố sẽ xây dựng một chính sách đúng hướng cho chiến lược phát triển đội tàu khai thác thủy sản đồng thời có chính sách cho việc chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp theo hướng xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế và phát triển thủy sản bền vững, gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn thành phố.

            2- Tuyên truyền, tập huấn ngư dân:

Ngày 12/5/2005, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với BCH Bộ đội Biên phòng TPHCM đã tổ chức hội nghị liên tịch quán triệt Công điện 141/TTg-CN ngày 01/02/2005 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 01/2005/CT-BTS ngày 07/02/2005 của Bộ Thủy sản về việc tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản tại huyện Cần Giờ với gần 100 đại biểu tham dự gồm các ngư dân, doanh nghiệp khai thác thủy sản, UBND các thị trấn và các xã ven biển ...

Đã tổ chức 14 lớp tập huấn về công tác PCLB và TKCN cho trên 1000 người bao gồm : Lực lượng thanh niên xung kích, Bộ đội Biên phòng, Ủy viên Ban chỉ huy PCLB các thị trấn, xã, H. Cần Giờ, H. Nhà Bè và đại diện ngư dân. Phối hợp với Trường Đại học Thủy sản Nha Trang tổ chức 02 lớp bồi dưỡng ôn thi lấy bằng thuyền, máy trưởng hạng 4 cho 75 người và 03 bồi dưỡng ôn thi lấy bằng thuyền, máy trưởng hạng nhỏ cho gần 200 người. Hàng nghìn tờ bướm và áp phích với nội dung về công tác quản lý tàu cá và đảm bảo an toàn cho người và phương tiện đã được phát hành.

            3 - Công tác kiểm tra an toàn tàu thuyền và bảo vệ nguồn lợi thủy sản:

Chi cục QLCL-BVNLTS TP HCM phối hợp với chính quyền địa phương, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát giao thông đường thủy tổ chức 15 đợt kiểm tra liên ngành nhằm thuyết phục các chủ tàu đưa tàu cá vào đăng ký, ngăn chặn không để các tàu cá chưa đăng ký, không có biển số, không đủ các điều kiện an toàn kỹ thuật và các trang bị an toàn đi hoạt động. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về đăng ký, đăng kiểm, trang bị an toàn cho người, phương tiện tàu cá và thực hiện Chỉ thị 01/1998/CT-TTg về nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản. Đã xử lý vi phạm hành chính 120 vụ vi phạm, phạt tiền 80 trường hợp với số tiền 22.450.000 đồng, cảnh cáo 40 trường hợp.

            4 - Về đăng ký, đăng kiểm tàu cá và thuyền viên:

Trên cơ sở các số liệu điều tra tàu cá và thuyền viên năm 2004, Chi cục Quản lý chất lượng và BVNL Thủy sản đã tiếp tục rà soát, phân loại các tàu cá chưa đăng ký trên địa bàn TP.HCM. Từ đó tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng như : Bộ đội Biên phòng, Phòng CSGT đường thủy, chính quyền các địa phương và cơ quan thuế…. tiến hành đăng ký tàu cá đưa vào quản lý. Cho đến nay số tàu cá bắt buộc phải đăng ký theo số liệu điều tra đưa vào quản lý về cơ bản đã hoàn thành.    

Hàng năm, Sở Nông nghiệp và PTNT đều làm kế hoạch xin quỹ nhân đạo nghề cá và vận động các doanh nghiệp trong thành phố cấp miễn phí phao cứu sinh cho bà con ngư dân nghèo. Trong năm 2005 và 06 tháng đầu năm 2006, đã cấp cho các hộ ngư dân nghèo huyện Cần Giờ 1500 phao cứu sinh.

 

          5- Một số tồn tại trong công tác bảo đảm an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động thủy sản:

- Hoạt động khai thác ở vùng biển xa bờ của nhiều tàu cá còn thấp, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần, khâu tổ chức tiêu thụ sản phẩm khai thác, bảo quản thu hoạch, tổ chức sản xuất theo đoàn đội còn hạn chế. Việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn trong các hoạt động đánh bắt hải sản chưa tốt, nhất là đánh bắt xa bờ.

-  Công tác quản lý tàu thuyền hoạt động trên các  ngư trường chưa chặt chẽ; hệ thống và chế độ thông tin liên lạc còn hạn chế và chưa đồng bộ; vì vậy việc chỉ huy ứng cứu khi bão xảy ra chưa đáp ứng yêu cầu.

- Chất lượng tàu cá và chất lượng các trang bị an toàn lắp đặt trên tàu cá chưa được chủ tàu quan tâm đúng mức. Vẫn còn tàu cá chưa được trang bị an toàn đúng theo quy định. Nguyên nhân của hiện tượng này là do người dân còn thiếu ý thức, ngoài ra trong nhân dân còn tập quán kiêng kỵ, không muốn mang trang thiết bị an toàn khi đi biển vì sợ gặp rủi ro.

          - Công tác thanh, kiểm tra và giám sát hoạt động của tàu cá diễn ra rất phức tạp. Hàng năm, trên địa bàn thành phố, vẫn còn một số tàu thuyền bị xử phạt hành chính do vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, về bảo đảm an toàn.

          Về một số phương hướng và giải pháp nhằm quản lý hiệu quả tàu cá:

           1 - Phương hướng:

          - Áp lực về sự suy giảm nguồn lợi thủy sản ven bờ, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành thủy sản đòi hỏi phải tăng cường công tác quản lý tàu cá trong thời gian tới. 

            - Thực hiện chủ trương của Nhà nước về khai thác thủy sản xa bờ, vì vậy việc đầu tư khai thác xa bờ của các công ty, doanh nghiệp ngày càng nhiều. Cần thiết phải có đội tàu cá đảm bảo chất lượng được trang bị hiện đại và khả năng an toàn cao.

          - Đảm bảo các tàu đánh bắt thủy sản luôn đảm bảo an toàn kỹ thuật, có đầy đủ các trang thiết bị an toàn cho người và tàu cá (phao cứu sinh, bình cứu hoả, ...), mua bảo hiểm cho tàu và thuyền viên.

          - Tàu thuyền khi ra vào cảng, bến đậu phải thực hiện nghiêm chỉnh chế độ khai báo, phải thông báo cụ thể ngư trường hoạt động (vị trí, toạ độ), tần số liên lạc của tàu.

          - Khi có tai nạn hoặc khi có bão, thuyền trưởng phải sử dụng các biện pháp cấp bách để đưa tàu đến nơi an toàn đồng thời thông báo cho các Đài thông tin của Bộ đội biên phòng, Thông tin duyên hải, Chi cục QLCL-BVNL TS.

           2 - Các giải pháp:

          a) Tăng cường sự phối hợp với các ngành, các cấp tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác quản lý tàu thuyền (đăng ký, đăng kiểm và kiểm tra giám sát hoạt động của tàu cá).

-    Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan hữu quan ( Chi cục QLCL-BVNL TS, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát giao thông đường thủy, chính quyền các đại phương...) nhằm quản lý chặt chẽ tàu cá.

-    Phối hợp với các cơ quan tuyên truyền như : Đài phát thanh, truyền hình, báo chí... và các tổ chức xã hội nhằm tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục ngư dân về công tác đăng ký, đăng kiểm, đảm bảo an toàn, ý thức cộng đồng trong sản xuất nghề cá và tìm kiếm cứu nạn.

-    Tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, giám sát : Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện chế độ giám sát các cơ quan quản lý tàu cá thực thi các nhiệm vụ được giao theo chế độ định kỳ và đột xuất. Ngăn chặn không để các tàu cá chưa đăng ký, không có biển số, không đủ điều kiện an toàn kỹ thuật đi hoạt động và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

          b) Tăng cường năng lực của ngư dân :

          Việc nâng cao năng lực của ngư dân là việc làm hết sức cần thiết. Chỉ khi ngư dân có đủ các kiến thức cần thiết về pháp luật, về điều khiển phương tiện, lúc đó mới đủ khả năng thực thi luật pháp, đáp ứng yêu cầu phát triển nghề khơi, đảm bảo an toàn cho tàu cá. Năng lực của ngư dân được nâng cao bằng việc:

          - Tổ chức các lớp huấn luyện ngư dân nhằm đào tạo, phổ cập các kiến thức đi biển làm nghề cá, đào tạo và cấp chứng chỉ cho thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên phù hợp từng loại tàu.

          - Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và nhiều hình thức tuyên truyền khác (phát hành tờ bướm, pano, áp phích...) giúp ngư dân hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm của mình trong việc đăng ký, đăng kiểm tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản. Cung cấp cho ngư dân kiến thức về phạm vi vùng biển thuộc vùng biển Việt Nam, giáo dục ý thức tông trọng Luật hàng hải quốc tế và tôn trọng biên giới, chủ quyền các quốc gia có biển trong khu vực.

          c) Tổ chức sản xuất trên biển, nhằm bảo vệ nguồn lợi, đảm bảo an toàn và tìm kiếm cứu nạn

-    Tổ chức sản xuất theo từng địa phương nơi cư trú hoặc theo từng Công ty, Tổng công ty khai thác thủy sản nhằm hỗ trợ nhau trong sản xuất cũng như trong tìm kiếm cứu nạn.

-    Tăng cường hỗ trợ sản xuất của ngư dân thông qua việc đầu tư trang bị cơ sở hậu cần và dịch vụ nghề cá, đẩy mạnh tiến độ xây dựng Trung tâm Thủy sản tại thành phố bao gồm cảng cá, bến cá, và khu dịch vụ hậu cần nghề cá.

 

Hội nghị cũng đã được nghe Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quán triệt thêm một lần nữa việc thực hiện nghiêm Chỉ thị số 22/2006/CT-TTg ngày 30/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm an toàn cho hoạt động đánh bắt hải sản trên các vùng biển, đặc biệt là đánh bắt xa bờ; Chỉ thị số 02/CT-BTS ngày 08/3/2006 của Bộ Thủy sản về công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản năm 2006; Phương án số 68/PA-PCLB ngày 12/9/2006 của  Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tìm kiếm cứu nạn và giảm nhẹ thiên tai thành phố về công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản trên địa bàn thành phố.

Ông Nguyễn Phước Thảo - Phó trưởng Ban Phòng chống lụt bão tìm kiếm cứu nạn và giảm nhẹ thiên tai thành phố - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kết luận và chỉ đạo về công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản trên địa bàn thành phố trong thời gian tới như sau:

1. Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn và giảm nhẹ thiên tai thành phố (sau đây gọi là BCHPCLBTP) nhiệt liệt hoan nghênh các đại biểu tham dự hội nghị và đã có nhiều ý kiến đóng góp thiết thực, bổ ích; BCHPCLBTP biểu dương tinh thần khẩn trương, tích cực phòng chống cơn bão số 6 của sở ngành, quận huyện và lực lượng Quân sự, Biên phòng thành phố trong thời gian qua.

2.      Rút kinh nghiệm từ cơn bão số 5 ở miền Trung và thực tế chuẩn bị đối phó cơn bão số 6 trên địa bàn thành phố về công tác quản lý tàu thuyền, quản lý ngư dân; kiểm tra thiết bị an toàn tàu cá, thiết bị thông tin liên lạc; dự báo bão; tránh bão; phương án cứu hộ, cứu nạn và tìm kiếm trên biển, BCHPCLBTP lưu ý một số vấn đề tồn tại như sau:

-    Vừa qua, việc quản lý  của  BCHPCLB các cấp đối với tàu thuyền đánh cá và ngư dân của địa phương chưa sâu sát, chưa đảm bảo yêu cầu chỉ đạo phòng chống lụt bão, khi BCHPCLBTP phát tín hiệu báo bão cơn bảo số 6 thì các địa phương lúng túng, chưa nắm được thông tin đầy đủ về số lượng tàu thuyền, số lượng thuyền viên, ngư trường hoạt động, vị trí neo đậu tránh bão.

-    Công tác thu thập và trao đổi thông tin, tín hiệu về số lượng tàu thuyền, ngư dân ngoài tỉnh khai thác và trú bão tại địa phương để phối hợp với các tỉnh bạn phòng tránh bão và báo cáo cho BCHPCLBTW chưa cụ thể, chưa chính xác.

-    Công tác quản lý tàu thuyền ra khơi chưa đạt yêu cầu, khi BCHPCLBTP phát tín hiệu cơn bão số 6, vẫn còn nhiều ngư dân địa phương tiếp tục ra khơi đánh bắt thủy sản khu vực ven bờ Cần Giờ, chủ quan cho rằng thời điểm bão còn ở ngoài khơi thì cá tôm dồn vào bờ nên tự trốn ra biển để khai thác, chứng tỏ việc quản lý tàu thuyền, ngư dân chưa chặt chẽ, không đảm bảo yêu cầu chỉ huy phòng chống lụt bão của thành phố.

-    UBND huyện, xã chưa nắm được đầy đủ số hộ đăng đáy, hộ khai thác thủy sản tại các khu vực cửa sông, cửa biển Cần Giờ để hướng dẫn phòng tránh bão và báo cáo thành phố điều động tàu cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết.

3.      Để công tác phòng chống lụt bão tìm kiếm cứu nạn và giảm nhẹ thiên tai đạt hiệu quả, bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản trên địa bàn thành phố, BCHPCLBTP đề nghị sở ngành, quận huyện thành phố nghiêm túc thực hiện một số nội dung như sau:

-    UBND các quận - huyện, phường – xã, BCHPCLB các cấp cần quán triệt thực hiện Phương án số 68/PA-PCLB ngày 12/9/2006 của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn và giảm nhẹ thiên tai thành phố về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản trên địa bàn thành phố, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện cần thiết với tinh thần trách nhiệm cao nhất, không được chủ quan, sẵn sàng ứng phó bất kỳ tình huống xảy ra.

-    Thực hiện nghiêm quy định về quản lý tàu thuyền, quản lý ngư dân hoạt động đánh bắt thủy sản, quản lý chặt chẽ số lượng tàu thuyền, số lượng ngư dân ra vào, số hộ đăng đáy, hộ đánh bắt thủy sản ven sông, ven biển để  hướng dẫn nhân dân phòng tránh bão và ứng cứu kịp thời, tuyệt đối không để xảy ra trường hợp ngư dân hoạt động ngoài sự quản lý của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, không để ngư dân đi biển khi tàu thuyền không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, không đảm bảo an toàn về thông tin liên lạc, cứu hộ, cứu nạn.

-    Đề nghị UBND các quận - huyện, phường – xã  tăng cường vận động nhân dân thực hiện nghiêm quy định Nhà nước về bản đảm an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động thủy sản, chủ động trang bị đầy đủ phương tiện thông tin liên lạc, phao cứu sinh; hướng dẫn kỹ thuật, phổ biến kinh nghiệm phòng tránh bão, cứu hộ, cứu nạn trên biển, luật biển quốc tế . . .

-    Giao Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhiệm vụ thống kê số liệu về đăng kiểm, sau đăng kiểm và báo cáo chính xác, phục vụ công tác chỉ huy của BCHPCLBTP.

-    Giao thường trực BCHPCLBTP (Chi cục Thủy lợi và PCLB) tham gia kiểm tra, đẩy nhanh tiến độ xây dựng phần mềm quản lý PCLB, phục vụ công tác quản lý tàu thuyền, ngư dân, ngư trường hoạt động, hướng dẫn phòng tránh bão và các nội dung liên quan.

-    Thống nhất để UBND huyện Cần Giờ chuẩn bị phương án tổ chức diễn tập tình huống PCLB quy mô cấp huyện năm 2007, cần dự kiến tình huống xảy ra như cơn bão số 5 để diễn tập khả năng PCLB, cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn và giảm nhẹ thiên tai thành phố.

 

 

(NCT-HCTH)

Số lượt người xem: 4464    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm