SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
4
2
3
7
5
2
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 14 Tháng Chín 2006 3:10:00 CH

Phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Ngày 12 tháng 9 năm 2006, Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Thành phố Hồ Chí Minh triển khai “Phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh” với các nội dung sau:

 

         I/ MỤC ĐÍCH – YÊU CẦU

            1. Mục đích :

          - Đảm bảo an toàn cao nhất cho người và phương tiện khai thác thủy sản; giảm thiệt hại tối đa cho người, phương tiện và cơ sở vật chất.

- Nâng cao năng lực điều hành, xử lý tình huống khi có bão hoặc khi có sự cố trong lĩnh vực khai thác thủy sản; qua đó khuyến khích, hỗ trợ cho chủ trương phát triển khai thác thủy sản xa bờ, nâng cao hiệu qủa phát triển kinh tế biển – khẳng định chủ quyền an ninh trong vùng biểnViệt Nam.

- Quản lý chặt chẽ ngư trường, lực lượng khai thác thủy sản trong các ngư trường nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển thủy sản bền vững. Nắm chắc số lượng, vị trí, toạ độ tàu

cá của bà con ngư dân Thành phố hoạt động trên biển.

            2. Yêu cầu :

          Các Sở, Ngành liên quan và chính quyền địa phương các cấp, các doanh nghiệp khai thác thủy sản, chủ tàu phải nhận thức sâu sắc mức độ cần thiết của công tác đảm bảo an toàn nghề cá; nâng cao trách nhiệm của mình trong việc hợp tác, chủ động sáng tạo, tổ chức vận động nhân dân thực hiện tốt các qui định, chủ trương trong công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản.

            II/ PHƯƠNG CHÂM

          Chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, có hiệu quả; đảm bảo an toàn tối đa cho người và các tàu thuyền hoạt động thủy sản trên địa bàn TP HCM.

            III/ KHU VỰC CỨU NẠN

          - Vùng biển TP Hồ Chí Minh.

          - Vùng biển của các tỉnh lân cận khi có yêu cầu hỗ trợ, phối hợp.

          - Vùng sông TP Hồ Chí Minh.

            IV/ LỰC LƯỢNG, PHƯƠNG TIỆN, TRANG BỊ CỨU NẠN, CỨU HỘ

            1. Thường xuyên:

          - Địa điểm tập kết lực lượng tìm kiếm cứu nạn và phương tiện bị nạn : cầu cảng Tắc Xuất (thị trấn Cần Thạnh) và cầu cảng Đồng Hoà (xã Long Hoà) của huyện Cần Giờ, TP HCM. 

          - Địa điểm tập kết người bị nạn : Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ.

          - Lực lượng, phương tiện :

          + Tàu của Bộ đội Biên phòng TP HCM: 03 chiếc (Số đăng ký BP:14-04-01, 300cv; BP:14-04-02, 365cv; BP:14-04-02A, 425cv).

          + Tàu Kiểm ngư của Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản : 01 chiếc (Số đăng ký SG-2899-KN, công suất 385 cv).

          + Ca nô : 07 chiếc (05 chiếc của Bộ đội Biên phòng, 02 chiếc của Chi cục QLCL-BVNLTS).

            2. Trường hợp khẩn cấp:

          Trong trường hợp khẩn cấp : Trưởng  ban Phòng chống lụt bão thành phố, Thủ trưởng các Ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện được điều động lực lượng, phương tiện, trang bị của các tập thể và cá nhân để thực hiện nhiệm vụ trong và sau bão; đồng thời có thể điều động đội tàu của các Doanh nghiệp khai thác thủy sản và tàu ngư dân nếu cần.

            V/ PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ:

            Thường trực Ban Chỉ huy PCLB TP HCM phân công trong công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động thủy sản trên địa bàn TP như sau:

            1. UBND Huyện Cần Giờ :

          - Tuyên truyền phổ biến các qui định Nhà nước trong công tác đảm bảo an toàn nghề cá, tổ chức sản xuất theo tổ nhóm khai thác thủy sản trên biển, vận động ngư dân hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong công tác đảm bảo an toàn.

           - Luôn luôn nắm chắc số lượng tàu thuyền, thuyền viên đã xuất bến, vị trí tọa độ đang khai thác trên biển của tàu thuyền địa phương mình để kịp thời thông báo và điều

động khi có áp thấp nhiệt đới hoặc bão xảy ra.

          - Đẩy nhanh tiến độ xây dựng để sớm đưa khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu cá tại khu vực Đồng Đình, thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ vào hoạt động.

          - Đảm bảo vận hành tốt, thuận tiện, đúng quy định các cột tín hiệu báo bão.

            2. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn : chỉ đạo các đơn vị trực thuộc:

          2.1/ Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản: (sau đây gọi tắt là Chi cục QLCL-BVNLTS)

          - Thực hiện đăng kiểm toàn bộ tàu cá thuộc diện phải đăng kiểm theo quy định.

          - Phối hợp với các ngành, các cấp có liên quan làm tốt công tác đăng ký, đăng kiểm tàu cá; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá hoạt động trên các vùng biển; đảm bảo an toàn cho ngư dân và tàu cá để khai thác thủy sản bền vững và có hiệu quả. Đặc biệt phối hợp với Bộ đội Biên phòng Thành phố thực hiện công tác thường trực tìm kiếm cứu nạn thủy sản.

          - Phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ đi biển, đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng cho các tàu cá.

          - Nắm chắc tần số liên lạc của các tàu cá xa bờ.

          - Tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước trong công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản.

          2.2/ Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão (Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCLB Thành phố)

          - Tiếp nhận và truyền phát kịp thời tin bão, tin áp thấp nhiệt đới của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, công điện của Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho Trưởng ban, Phó trưởng ban thường trực, Chi cục QLCL-BVNLTS, Bộ đội Biên phòng Thành phố, Bộ chỉ huy Quân sự Thành phố, UBND huyện Cần Giờ để theo dõi và xử lý.

          - Phối hợp chặt với Chi cục QLCL-BVNLTS, Bộ đội Biên phòng và UBND các địa phương nắm rõ vị trí của các tàu đánh bắt xa bờ, số lượng thuyền viên trên mỗi tàu, tình trạng hoạt động của tàu và thiết bị liên lạc trước và trong bão.

            - Thường xuyên theo dõi, thu thập, xử lý các thông tin về bão, áp thấp nhiệt đới (tâm bão, hướng di chuyển, tốc độ, cấp độ) để tham mưu cho Ban chỉ huy PCLB TP ban hành các quyết định (văn bản, công điện) chỉ đạo phòng, tránh, khắc phục hậu quả do bão, áp thấp nhiệt đới gây ra đối với ngành thủy sản thành phố.

            3. Bộ đội Biên phòng Thành phố :

          - Phối hợp với cấp ủy và chính quyền địa phương, các lực lượng cũng như các ban ngành tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định về hoạt động khai thác thủy sản.

          - Thiết lập hệ thống thông tin liên lạc đảm bảo liên lạc thông suốt từ trên xuống dưới; giữa Bộ đội biên phòng  với các cơ quan, đơn vị có liên quan, giữa Bộ đội biên phòng với các tàu đánh cá trên biển. Hệ thống liên lạc gồm 05 đài :

          + Biên phòng Sài Gòn - đặt tại Phòng Tham mưu, cơ quan Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố,

          + Biên phòng Cần Giờ - đặt tại Hải đội 2,

          + Biên phòng Cần Giờ I - đặt tại Đồn Biên phòng 554 Thạnh An,

          + Biên phòng Cần Giờ II - đặt tại Đồn Biên phòng 558 Cần Thạnh,

          + Biên phòng Cần Giờ III - đặt tại Đồn Biên phòng 562 Long Hoà,

Tần số hoạt động quy định : 12.730 KHz (sóng ngày), 6.820 KHz (sóng đêm).

          - Kiểm tra, kiểm soát theo qui định các tàu cá khi xuất bến khai thác, cập nhật đầy đủ các thông tin về người, phương tiện, ngư trường. Kiên quyết không cho xuất bến đối

với tàu hết hạn đăng kiểm, tàu không trang bị an toàn đầy đủ theo quy định.

          - Là cơ quan thường trực tìm kiếm cứu nạn cho người và phương tiện hoạt động thủy sản.

            4. Sở Giao thông công chính:

          Chủ trì, phối hợp với các cơ quan ban ngành thủy sản hướng dẫn thực hiện công tác đảm bảo an toàn giao thông đường thủy; thường xuyên kiểm tra, duy tu bảo dưỡng hệ thống phao tiêu báo hiệu trong vùng nước thủy nội địa.

            5. Sở Tài chính:

          Đảm bảo kinh phí cho công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thủy sản khi được phê duyệt của Ủy ban nhân dân thành phố.

            6. Các Cơ quan thông tin tuyên truyền:

          Các đài phát thanh - truyền hình, các cơ quan thông tấn - báo chí thực hiện theo Quyết định 307/2005/QĐ-TTg ngày 25/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế báo bão, áp thấp nhiệt đới, lũ. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho ngư dân hiểu rõ lợi ích, tầm quan trọng và nghĩa vụ của việc trang bị các thiết bị an toàn, mua bảo hiểm tai nạn tàu thuyền và thuyền viên. Tạo cho ngư dân có ý thức đầy đủ và đẩy lùi các nhận thức lạc hậu, mê tín dị đoan trong công tác đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi khai thác thủy sản.

            7. Chủ tàu cá, thuyền trưởng và thuyền viên:

          - Chấp hành tốt các qui định mua bảo hiểm cho người và phương tiện.

          - Trang bị đầy đủ các trang thiết bị an toàn, cứu nạn, thông tin, phương tiện bảo vệ cá nhân cho người và tàu cá theo tiêu chuẩn qui định; thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết trong quá trình hoạt động trên biển.

          - Tổ chức sản xuất theo nhóm.

          - Khai báo đầy đủ tần số liên lạc của tàu, số lượng thuyền viên, ngư trường hoạt động với Biên phòng khi xuất bến.

          - Khi có bão, chủ động báo cho Chi cục QLCL-BVNL TS vị trí tàu và chấp hành mọi sự điều động, chỉ dẫn của các cơ quan chức năng.

          - Thuyền trưởng phải đảm bảo tàu đánh bắt thủy sản luôn ở trạng thái an toàn, có đầy đủ các trang thiết bị an toàn cho người và tàu (phao cứu sinh, thiết bị thông tin liên lạc, đèn, còi, trang bị chống cháy, chống chìm,...); khai báo tần số liên lạc đài tàu với Chi cục QLCL-BVNL TS, đồn Biên phòng và chính quyền địa phương nơi cư trú. Phải có đủ chứng chỉ chuyên môn (bằng thuyền trưởng, máy trưởng và sổ thuyền viên tàu cá phù hợp với từng nhóm tàu theo quy định).

          - Luôn mang theo danh bạ điện thoại, tần số thông tin cứu nạn, cấp cứu cần thiết; khuyến khích trang bị phao tự thổi.                  

            8. Người lái tàu cá và người làm việc trên tàu cá:

          - Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về an toàn cho người và tàu cá.

          - Phải trang bị thông tin theo quy định tại tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành để liên lạc

          giữa tàu và bờ, khuyến khích trang bị máy vô tuyến, định vị vệ tinh, bắt buộc phải có radio.

- Luôn mang theo danh bạ điện thoại, tần số thông tin cứu hộ, cứu nạn.

- Phải trang bị đầy đủ theo tiêu chuẩn ngành về phao, đèn, còi, trang bị chống

cháy,  chống chìm…

            VI/ ĐIỀU HÀNH CHỈ HUY

          Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Thành phố chịu trách nhiệm điều hành chỉ huy, điều phối hoạt động của các ban, ngành, địa phương có liên quan; điều động phương tiện, con người trong các tình huống do lụt, bão và áp thấp nhiệt đới gây ra. Khi đồng chí Trưởng ban vắng mặt vì phải đi nước ngoài hoặc ốm đau đột xuất thì ủy quyền bằng văn bản cho đ/c Phó trưởng ban thường trực thay thế trách nhiệm điều hành chỉ huy.

          Đối với các tình huống thường xuyên, công việc được vận hành và xử lý theo quyền hạn, chức trách đã được phân công của từng đơn vị, bộ phận.

          Trường hợp xảy ra tình huống nghiêm trọng, khẩn cấp, các bộ phận khi nhận được tin phải chủ động xử lý theo chức năng đã phân công, đồng thời phải báo cáo  xin ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trưởng ban.

            VII/ CHẾ ĐỘ TRỰC BAN

          - Tàu kiểm ngư của Chi cục QLCL-BVNLTS, Hải đội của Bộ đội Biên phòng, Trung tâm cứu nạn hàng hải sẵn sàng điều động tàu khi có tín hiệu cứu hộ, cứu nạn.

          - Chi cục QLCL-BVNLTS trực ban 24/24 giờ khi có bão và áp thấp nhiệt đới, tần số trực canh: 44244; tên đài: “Chi cục”; địa chỉ: 126 H Phan Đăng Lưu, Phường 3, Quận Phú Nhuận, Tp. HCM; Số điện thoại: 08.9902742; Số ĐTDĐ: 0913.803784 (Chi cục trưởng), 0903.824875 (Chi cục phó); Fax: 08.9901598;

          - Bộ đội Biên phòng trực ban 24/24 trong mọi tình huống, tần số: 12.730 KHz (sóng ngày), 6.820 KHz (sóng đêm); tên đài: “Biên phòng Sài Gòn”, “Biên phòng Cần Giờ”, “Biên phòng Cần Giờ I”, “Biên phòng Cần Giờ II”, “Biên phòng Cần Giờ III”; địa chỉ: 189B Cống Quỳnh, Quận 1, Tp. HCM; Điện thoại: 08.8357741; Số ĐTDĐ: 0903.823878 (Chỉ huy phó), 0903.858707 (Tham mưu trưởng); Fax: 08.8335107.

 

            VIII. ĐẢM BẢO AN TOÀN , CỨU HỘ THƯỜNG XUYÊN

          - Trường hợp tàu bị nạn hoặc khi có bão thì gọi ngay cho các tàu gần nhất đồng thời thông báo cho Chi cục QLCL-BVNL TS và Bộ đội Biên phòng để sẵn sàng ứng cứu, phát tín hiệu cấp cứu nếu cần.

          + Trường hợp tàu gặp sự cố gần thì sử dụng tàu hải đội, tàu kiểm ngư để cứu hộ, cứu nạn.

          + Trường hợp tàu gặp sự cố quá xa, tàu không ra kịp thì khẩn trương gọi Ban cứu nạn quốc gia hoặc Trung tâm cứu nạn vùng nào gần nhất.

          - Khi Chi cục QLCL-BVNL TS hoặc Bộ đội Biên phòng nhận được điện báo cấp cứu, phải thông báo cho nhau và báo cáo ngay cho Trưởng ban, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Thành phố, sau đó tuỳ vào tình huống cụ thể mà có biện pháp xử lý cứu nạn, cứu hộ.

            IX/ ĐẢM BẢO AN TOÀN, CÚU HỘ LÚC CÓ BÃO, ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI

            1/ Thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban :

+ Chi cục QLCL-BVNLTS, Bộ đội biên phòng trực liên lạc 24/24

          + Tàu Kiểm ngư, tàu biên phòng trực sẵn sàng ứng cứu khi có tín hiệu cấp cứu cũng như khi có sự điều động của Trưởng ban Phòng chống lụt bão Thành phố.

            2/ Chi cục QLCL-BVNLTS rà soát lại số lượng, vị trí của các tàu xa bờ, thông báo cho các tàu tìm chỗ trú bão, nếu tàu đang trong vùng bão thì chỉ huy tránh bão và gọi điện hỗ trợ cứu nạn nếu cần.

            3/ Bộ đội Biên phòng bắn pháo hiệu theo quy định hiện hành (Thông tư 02/2006 TT-BTNMT ngày 15/03/2006 của Bộ Tài nguyên môi trường hướng dẫn thực hiện Quyết định 307/2005/QĐ-TTg ngày 25/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ), vận hành các cột tín hiệu  báo bão khi bão có khả năng xảy ra trong khu vực cho các tàu đang khai thác ở tuyến lộng và tuyến bờ.

            4/ Trước khi có bão, Bộ đội Biên phòng Thành phố có thể điều động lực lượng cứu hộ đến các vị trí nhằm hoạt động cứu hộ nhanh nhất và tốt nhất khi giải quyết hậu quả sau bão; đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra và giải quyết kịp thời các tình huống khi bão đi qua.

            5/ Trường hợp bão gây tổn thất lớn, có thể điều động thêm tàu của ngư dân, các Doanh nghiệp cùng tham gia tìm kiếm cứu hộ theo quyết định của Trưởng Ban Phòng chống lụt bão Thành phố.

            X/ ĐẢM BẢO VỀ HẬU CẦN, TÀI CHÍNH

          - Đội tàu của hải đội, kiểm ngư luôn đầy đủ cơ số xăng, dầu, lương thực cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn trong 07 ngày.

          - Luôn trang bị đầy đủ các trang bị về y tế sơ, cấp cứu.

          - Phao cứu sinh phải đảm bảo đủ số lượng, chất lượng và chủng loại trong quá trình thực hiện cứu hộ, cứu nạn.

          - Chi phí xăng dầu cứu nạn, cứu hộ và các chi phí có liên quan sẽ được thanh toán bằng ngân sách Thành phố./.


Số lượt người xem: 5287    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm