SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
7
3
2
4
6
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 05 Tháng Mười Một 2003 3:25:00 CH

Chương trình phát triển cá cảnh đến năm 2010 tại thành phố Hồ Chí Minh

Những năm gần đây, mức sống của người dân thành phố ngày càng phát triển, nên việc vui chơi và sản xuất- kinh doanh cá cảnh bắt đầu “nhộn nhịp trở lại” và có chiều hướng phát triển phong phú nhưng vẫn còn tính chất tự phát và nặng tính truyền thống “ Cha truyền con nối ”. Trên cơ sở đó Thành phố xây dựng chương trình phát triển cá cảnh đến năm 2010 nhằm định hướng và đề xuất một số giải pháp thích hợp để phát triển nghề sản xuất- kinh doanh và xuất nhập khẩu cá cảnh ở TP.HCM.

   

Nằm ở vùng khí hậu nhiệt đới và thuộc khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là một trong 3 khu vực có nguồn cá cảnh nổi tiếng của thế giới ( Nam Mỹ, Phi Châu và Đông Nam Á ). Khí hậu nhiệt đới ở Việt Nam thích hợp phát triển nhiều loài cá cảnh nội địa và nhiều loài cá đẹp, quí hiếm kể cả nước mặn và ngọt được nhập nội phát triển rất tốt. Những năm gần đây, cá tự nhiên trong các thủy vực nước ngọt thuộc các nước Đông Nam Á cũng được khai thác dùng làm cá cảnh, đặc biệt là Việt Nam đang thu hút sự chú ý của nhiều nhà kinh doanh cá cảnh ở các nước vì ở đây có nhiều loài cá nhiệt đới lạ, đẹp và quí hiếm.

Thú chơi, thưởng ngoạn và nuôi - sản xuất kinh doanh cá cảnh không chỉ là thú vui tao nhã mà còn mang lại thu nhập cho nhiều hộ nông dân ở các quận-huyện ven như quận 8, 12, Gò Vấp, Bình Thạnh, Hốc Môn. Những năm gần đây, cá cảnh không chỉ phục vụ nội địa mà còn xuất khẩu đi nhiều nước trong khu vực, châu Âu, châu Mỹ góp phần tăng giá trị kim ngạch của ngành thủy sản TP.

Thế mạnh nghề nuôi cá cảnh ở thành phố trước đây là thuần hóa và cho sinh sản nhân tạo các loài cá nhập nội như cá chép Nhật, Ông Tiên, cá Dĩa/ Đĩa ( Symphysodon sp ) và loài các này được tôn vinh là nữ hoàng của muôn loài cá; Trong cuộc tổ chức triển lãm hội thi cá cảnh quốc tế (AQUARAMA) tháng 5 năm 1995 tại Singapo, cá đĩa Việt Nam đã đoạt 7 giải thưởng trong tổng số 13 giải.  Một thế mạnh khác cũng không kém phần quan trọng các sinh vật dùng làm thức ăn tự nhiên (mồi sống) để ương-nuôi cá cảnh là trùn chỉ (Tubifex), bo bo ( Moina, Daphnia ), lăng quăng……có rất nhiều ở các sông rạch tự nhiên trong thành phố mà không một Thành phố lớn nào có được, các loại này rất phù hợp dùng làm thức ăn hàng ngày và ương nuôi cá cảnh .

Nhìn chung nghề nuôi-sản xuất cá cảnh ở TP Hồ Chí Minh có từ rất lâu, trước năm 1975 đã từng có thời kỳ giữ một vai trò nhất định ở khu vực Đông Nam Á, sau năm 1975 do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên nghề nuôi -sản xuất-kinh doanh cá cảnh dần dần giảm sút. Những năm gần đây, mức sống của người dân thành phố ngày càng phát triển, nên việc vui chơi và  sản xuất- kinh doanh cá cảnh bắt đầu “nhộn nhịp trở lại” và có chiều hướng phát triển phong phú nhưng vẫn còn tính chất tự phát và nặng tính truyền thống “ Cha truyền con nối ”. Trên cơ sở đó Thành phố xây dựng chương trình phát triển cá cảnh đến năm 2010 nhằm định hướng và đề xuất một số giải pháp thích hợp để phát triển nghề sản xuất- kinh doanh và xuất nhập khẩu cá cảnh ở TP.HCM.

 

Phần I

 

KHÁI QUÁT HIỆN TRẠNG NUÔI- SẢN XUẤT-KINH DOANH XUẤT NHẬP KHẨU CÁ CẢNH :

 

1. Hiện trạng nuôi và sản xuất cá cảnh

 

1.1 Hiện trạng chung:

Hiện nay trên địa bàn thành phố có khoảng 100- 150 hộ làm nghề nuôi và sản xuất cá cảnh. Qua khảo sát thực tế 100 hộ thì có 300 lao động, trong đó 260 lao động gia đình và 40 lao động thuê mướn, tập trung nhiều nhất ở quận 8, quận 12 và rãi rác ở một số quận ven khác như quận 9, Gò Vấp, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh, 100% các hộ sản xuất cá cảnh nước ngọt , với diện 15-20 ha mặt nước ao nuôi, 25-30 ngàn m2 bể ximăng và khoảng 3 ngàn m2 bể kiếng. Hàng năm số lượng sản xuất và tiêu thụ khoảng 15-17 triệu con. Doanh số bình quân hàng năm mỗi hộ 80-100 triệu đồng, thấp nhất là 20 triệu đồng, cao nhất là 300 triệu đồng. Tỉ lệ lãi trên doanh số từ 30-70%. Vốn xây dựng cơ bản 30-50 triệu đồng, thấp nhất 10 triệu đồng, cao nhất 150 triệu đồng. Vốn lưu động bình quân 10-15 triệu đồng, thấp nhất 2 triệu đồng, cao nhất 100 triệu đồng

Đối tượng sản xuất được xếp vào 2 loại chính là : cá đá và cá làm cảnh

*       Cá đá: Cá Xiêm, cá Lia Thia, cá Phướng…

*       Cá làm cảnh: Được xếp làm 3 nhóm

·         Nhóm cá đại trà có nhiều hộ sản xuất: cá Bảy Màu, Hồng Kim, Hắc Kim, Tỳ Bà, ông Tiên, Ba Đuôi, Chép Nhật, Tai Tượng Phi Châu…

·         Nhóm cá ít hộ sản xuất : cá Đĩa, cá La Hán…

·         Nhóm mới khai thác tự nhiên dùng làm cảnh: cá Còm ( cá Thác lác ), cá Nâu, cá Lòng Tong, cá Sặc…

 

1.2 Các nhân tố ảnh hưởng đến nuôi - sản xuất cá cảnh :

-         Giống: Giống đa dạng, phong phú, đẹp, nhiều chủng loại. Các hộ sản xuất tự lưu giữ và bổ sung giống bố mẹ mới sau mỗi đợt sinh sản. Một số loài cá cảnh được nhập vào Việt nam từ trước giải phóng như cá đĩa hiện đang là đối tượng xuất khẩu chính. Thị hiếu thưởng ngoạn cá cảnh cũng có phần thay đổi, người chơi cá cảnh trong và ngoài nước mắt đầu tìm đến một số loài cá trong tự nhiên dùng làm cá cảnh nhằm đa dạng hoá thêm cho bể nuôi cá cảnh trang trí làm đẹptrong nhà, hoặc một số khách hàng nước ngoài lại chọn một số đối tượng cá tự nhiên không cần có ngoại hình đẹp, sặc sở nhưng lại có ngoại hình lạ, có tính ăn ( bắt mồi ) khá mạnh, dữ dội để làm cảnh.

-         Khoa học kỹ thuật: Đa số các hộ nuôi- sản suất cá cảnh theo kiểu “cha truyền-con nối ” tập trung ở quận 8, 12…người dân tự nghiên cứu và học tập trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Chưa có một cơ quan, đơn vị nào ở Thành phố nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực cá cảnh; ngay cả viện nghiên cứu, trường đại học cũng chưa có bộ môn dạy về lĩnh vực cá cảnh.

-         Vốn đầu tư: Vốn đầu tư để nuôi-sản suất cá cảnh ở mức trung bình, không kể mặt bằng, nếu có chút ít tay nghề, hiểu biết và đam mê chỉ cần 20-30 triệu đồng có thể đầu tư cho mộ cơ sở cá cảnh.

-         Dịch vụ: Dịch vụ cho nuôi - sản xuất và cả người chơi cá cảnh khá phong phú từ bể kiếng, máy thổi khí, đá bọt khí, máy lọc nước tuần hoàn, đèn, cây cảnh, hòn non bộ trong bể kiếng….cho đến thuốc thú y thủy sản, thức ăn tổng hợp cho cá thay vì trước đây chỉ có thức ăn tươi sống cho cá cảnh như bo bo, trùng chỉ, lăng quăng…

-         Chính sách: Từ trước đến nay nghề nuôi-sản xuất cá cảnh được xem là nghề phụ gia đình và đa số là thành phần nghèo nên cơ chế chính sách đối với hộ sản xuất cá cảnh rất thông thoáng: không phải đăng ký kinh doanh sản xuất, nộp thuế và cũng không có bất kỳ qui định hay tiêu chuẩn cho một cơ sở sản xuất cá cảnh, nhưng đến nay nghề này đã có thay đổi lớn về đối tượng nuôi-sản xuất cá cảnh nhưng cơ chế chính sách vẫn chưa có thay đổi lớn.

-         Thị trường: Từ trước đến nay thị trường chính của cá cảnh vẫn là tiêu thụ nội địa, những năm gần đi mới bắt đầu có thị trường xuất khẩu, chủ yếu một số hộ nông dân cung ứng cho vài đầu mối thu gom để xuất khẩu.

 

2. Hiện trạng kinh doanh cá cảnh:

2.1  Hiện trạng chung:

Trên địa bàn thành phố có khoảng 100- 120 cửa hàng và buôn bán lẽ cá cảnh ( bán dọc theo con đường hoặc trong các con hẽm có đông dân cư, chủ yếu là cá cảnh có giá trị rất thấp, vài ngàn đồng/con và bán mồi cho cá cảnh, cá đá ) . Qua khảo sát trực tiếp 60 cửa hàng kinh doanh cá cảnh và vật tư thiết bị trang bị cho hồ nuôi cá cảnh trên địa bàn thành phố, có đăng ký kinh doanh hoặc không đăng ký kinh doanh tùy qui mô đầu tư của cửa hàng với khoảng 160 lao động, trong đó: 120 lao động gia đình, 40 lao động thuê mướn .

Cá cảnh nước ngọt là đối tượng kinh doanh chính, chiếm tỉ lệ 95% vì dễ nuôi, dễ chăm sóc; Cửa hàng kinh doanh cá cảnh biển chiếm tỉ lệ 5%, vì cần phải có nguồn nước mặn để thay và bổ sung, chăm sóc phức tạp nên người chơi cá cảnh biển cũng rất hạn chế. Cá cảnh biển được đầu tư nhiều cho các khu du lịch dạng thủy cung như Đầm Sen, Suối Tiên, Kỳ Hoà.

Mức độ đầu tư cho một cửa hàng kinh doanh cá cảnh là 10-15 triệu đồng, trong đó vốn XDCB 10-12 triệu đồng và vốn lưu động 3-5 triệu đồng, lãi trên doanh số 40-60%.

 

2.2 Các nhân tố ảnh hưởng đến kinh doanh cá cảnh:

-         Vốn : Vốn đầu tư XDCB cho cửa hàng và vốn lưu động không cao, khả năng đầu tư của cư dân đô thị hiện nay tương đối thuận lợi.

-         Thị trường: Chủ yếu là cung cấp cá cảnh cho cư dân đô thị và cá đá cho học sinh tiểu học.

-         Mặt bằng: Qua khảo sát điều tra, hầu hết các cửa hàng kinh doanh cá cảnh đều khó khăn nhất là mặt bằng kinh doanh, đa số các hộ kinh daonh phải thuê mướn, hợp đồng thuê mướn thường ngắn hạn trung bình 6 tháng, thấp nhất là 3 tháng, cao nhất là một năm, giá thuê mướn mặt bằng luôn thay đổi và mặt bằng nhỏ, hẹp bình quân 20-30 m2, tối đa 80-100m2 nhưng rất ít nên khó phát triển qui mô.

-         Chính sách: Các cửa hàng kinh doanh cá cảnh nộp thuế tại địa phương theo thuế khoán và cũng luôn dao động, không có mức chuẩn. Mức thuế cao hay thấp tùy thuộc vào cán bộ thuế của mỗi địa bàn phường quản lý.

 

3. Tình hình xuất-nhập khẩu

3.1 Xuất khẩu:

Trong năm 2001và 6 tháng đầu năm 2003, thành phố đã xuất khẩu hơn 10 triệu con cá cảnh, tương đương 8-10 triệu USD, bình quân hàng năm 3- 4 triệu USD. Cá cảnh xuất khẩu được chia làm hai nhóm chính : nhóm cá nước ngọt và nhóm sinh vật biển.

-         Nhóm cá cảnh nước ngọt: chiếm 90% tỉ trọng xuất khẩu, trong đó đối tượng có tỉ lệ xuất khẩu cao hàng năm là cá đĩa ( 15%/ 90% ), cá bảy màu ( 10%/ 90% ), cá vàng ( 10%/ 90% ), còn lại nhiều chủng loại cá khác như cá Xiêm, Hồng Kiếm, Bửu Xẹt, Kim Cương, Tứ Vân, Thái Hổ, Ông Tiên v.v.….( 3-5%/ 90%/ đối tượng xuất khẩu ).

-         Nhóm sinh vật biển: chiếm 10% tỉ trọng xuất khẩu, tập trung một số loài như cá nóc, cá khoang cổ, cá mao tiên cánh rời, hải quì, san hô, cá mó và ốc biển các loại v.v….

Thị trường xuất khẩu đa dạng, phong phú nhưng rãi rác ở các châu Lục như Châu Âu, Châu Mỹ và Châu Á và thực tế số lượng xuất khẩu đi mỗi nước không lớn, không tập trung, nhiều chủng loại, nhiều kích cở và cũng chỉ mang tính cá thể riêng lẽ chưa có tính qui mô. Các doanh nghiệp có chức năng xuất - nhập khẩu không phải là đơn vị sản xuất-kinh doanh cá cảnh mà chủ chủ yếu là xuất khẩu ủy thác cho một số ít cá nhân riêng lẽ thu gom từ nhiều nguồn trong thành phố và một số tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai.

-         Châu Âu: Tập trung một số nước như Pháp, Đức, Anh, Thụy sĩ, Đan Mạch, Hà Lan, Ý, Hy Lạp, Cộng Hoà Czech…

-         Châu Mỹ: Tập trung một số nước như Canada, Mỹ, Braxin…

-         Châu Á: Tập trung một số nước như Nhật Bản, Đài Loan, Úc, Hồng Kông, Singapore, Mã Lai, Thái Lan, Philippin…

Những năm gần đây một số nước trong khu vực châu Á như Hồng Kông, Singapore.., một số nước châu Âu như Pháp, Đức….và cả thị trường Mỹ, Canada lại ưa chuộng một số loài cá nước ngọt trong tự nhiên của Việt Nam dùng làm cá cảnh như cá Thái Hổ ( Datinioides microlepis ), cá Nàng Hai ( Notopterus chitala), cá Sơn Xiêm ( Chanda siamensis ), cá Mang Rỗ ( Toxotes chatareus ), cá Cẩm Thạch Xanh ( Trichogaster trichoptrus ), cá Nâu ( Scatophagus argus  )….những đối tượng này đã được khai thác, thuần dưỡng và xuất khẩu. Ngoài ra một số loài cá kinh tế như mè, trắm, chép cũng có thể làm cá cảnh ở các nước châu Âu như Pháp, Ba Lan.

 

3.2 Nhập khẩu:

Hàng năm, thành phố nhập khẩu một số loài cá cảnh làm phong phú thêm cho thị trường cá cảnh, kể cả cá cảnh biển và cá cảnh nước ngọt. Nguồn nhập chủ yếu từ Singapore, Đài Loan, Hồng Kông thông qua một vài cá nhân có thân nhân, bạn bè ở nước ngoài gởi về theo yều cầu, tập trung một số loài như cá Chuột Ba Sọc, cá Ali, Thành Cát Tư Hãn, Hoàng Tử Châu Phi, Neon đỏ, Nhật Đăng, Kim Long, Ngân Long và Cty Fishland Asia ( 100% vốn nước ngoài ). Nhìn chung số lượng cá cảnh nhập khẩu không nhiều, có ít cửa hàng chuyên kinh doanh cá cảnh nhập nội ở khu vực quận 5.

 

4. Đánh giá chung thuận lợi-khó khăn

 

4.1  Thuận lợi :

1.      Nghề sản xuất-kinh doanh cá cảnh không đòi hỏi phải có mặt bằng hoặc diện tích đất nông nghiệp thật rộng lớn, chỉ cần từ vài chục m2 đến vài ngàn m2 là có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất ương nuôi cá cảnh: có thể nuôi và sản xuất trên bể kiếng, bể ximăng và kể cả thau, chậu ngay trong nhà cao tầng.

2.      Nghề sản xuất kinh doanh cá cảnh là nguồn thu nhập đáng kể của nông dân ở vùng sản xuất nông nghiệp đô thị. Vốn đầu tư cho một cơ sở sản xuất hoặc một cửa hàng kinh doanh cá cảnh không cao lắm.

3.      Đời sống cư dân đô thị ngày càng cao nên nhu cầu vui chơi thưởng ngoạn cá cảnh ngày càng nhiều. Giá bình quân cho một con cá cảnh đẹp kể cả cá biển và cá nước ngọt khá rẽ từ 20.000-40.000 đồng/ con. Loại thấp hơn 20.000đồng/ con rất đa dạng và nhiều màu sắc. Thức ăn tươi, tổng hợp; Vật tư thiết bị trang trí hổ nuôi cá cảnh phong phú.

4.      Cơ chế- chính sách về thuế thông thoáng thuận lợi.

 

4.2   Khó khăn:

1.      Sản xuất-kinh doanh-XNK cá cảnh còn mang tính tự phát, riêng lẽ, chưa có doanh nghiệp thực sự kinh doanh-xuất nhập khẩu cá cảnh, hầu hết là do một số Việt kiều và thương nhân nước ngoài thu gom xuất khẩu ủy thác.

2.      Kỹ thuật lai tạo giống loài cá cảnh mới chưa được nghiên cứu sâu theo hướng công nghệ, còn nặng tính “ cha truyền-con nối. Đặc biệt là cá cảnh biển chủ yếu là kinh doanh từ khai thác tự nhiên nên rất khó phát triển về số lượng và chủng loại, hao hụt trong quá trình nuôi và lưu giữ lớn.

3.      Chưa có những tổ chức như Hội hay Hiệp hội cá cảnh để bảo vệ quyền lợi của người nuôi-sản xuất cá cảnh và làm cầu nối giới thiệu cá cảnh Việt Nam ra thế giới.

 

Phần II 

 

CHƯƠNG TRÌNH -MỤC TIÊU

PHÁT TRIỂN CÁ CẢNH TP.HCM ĐẾN NĂM 2010

 

1. Mục tiêu

 

Khảo sát-đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp thích hợp nhằm thúc đẩy nghề sản xuất - kinh doanh  - xuất nhập khẩu cá cảnh trên địa bàn thành phố đến năm 2010.

 

2. Quan điểm định hướng

 

2.1.      Sản xuất-kinh doanh cá cảnh đưỡc xem là ngành sản xuất nông nghiệp đô thị. Vì vậy cần phải được phối hợp quản lý và chỉ đạo từ cơ quan Nhà Nước.

2.2.      Cần có qui hoạch, kế hoạch và cơ chế chính sách thích hợp về vốn đầu tư, kỹ thuật …để thúc đẩy nghề sản xuất-kinh doanh- xuất nhập khẩu cá cảnh được phát triển .

 

3. Một số giải pháp

 

3.1  Về qui hoạch:

 

3.1.1       Sản xuất:

-         Quận 8: tập trung các phường 14, 15, 16 và một số quận-huyện lân cận như huyện Bình Chánh, quận 5, quận 6.

-         Quận 12: tập trung phường An Thới Đông, Thạnh Xuân và một số quận-huyện lân cận như Gò Vấp, Hốc Môn, Bình Thạnh.

 

3.1.2       Kinh doanh:

-         Xây dựng các khu phố chuyên kinh doanh các cảnh ở các quận nội thành như khu vực gần sân bay, quận 1, quận 3, quận 5

-         Phối hợp cây, hoa cảnh xây dựng siêu thị kinh doanh-tư vấn thiết kế vườn hoa, cây cảnh và trang trí bonsai hồ cá kiểng trong nhà.

 

3.2 Vốn:

 

-         Tập trung nguồn vay cho nông dân sản xuất theo công văn 419/UB-CNN ngày 5/ 2/2002 của UBND TP v/v Tổ chức thực hiện vhương trình hổ trợ lãi vay cho hộ nông dân thành phố phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản, diêm nghiệm : bù lãi suất 4-7% / năm .

-         Vay từ quỹ XĐGN, giải quyết việc làm để đầu tư cơ sở vật chất nuôi-sản xuất cá cảnh với lãi suất ưu đãi thông qua hội nông dân quận-huyện

 

3.3  Khoa học Kỹ thuật và Khuyến nông  :

 

3.3.1 Khoa học kỹ thuật : Tập trung nghiên cứu lai tạo, sản xuất một số giống loài mới, Nghiên cứu biện pháp phòng và điều trị một số bệnh thường gặp trên cá cảnh; Tiếp tục nghiên cứu khai thác-thuần dưỡng một số loài cá tự nhiên dùng làm các cảnh và sinh sản nhân tạo. Nhập một số giống cá cảnh mới dùng làm bố mẹ sinh sản cung cấp cho thị trường nội địa.

 

3.3.2 Khuyến ngư: Tập huấn, hội thảo về khoa học kỹ thuật nuôi và sinh sản cá cảnh cho các khu vực trọng điểm quận 8, quận 12; Tổ chức hội thi cá cảnh đẹp và lai tạo giống mới hàng năm; Cần tổ chức tham quan học tập, nghiên cứu kỹ thuật nuôi và lai tạo cá cảnh ở một số nước trong khu vực như HồngKông, Singapore, Philippin, Đài Loan…

 

3.4  Thị trường tiêu thụ, xúc tiến thương mại:

 

-         Xây dựng website cá cảnh, cây hoa kiểng Thành phố giới thiệu ra thế giới;

-         Tổ chức tham quan, tham gia triển lãm cá cảnh trong các hội chợ thương mại trong và ngoài nước;

-         Xây dựng siêu thị Tư vấn- Thiết kế hoa lan, cây kiểng, bonsai, cá cảnh trung tâm của thành phố.

 

3.5  Tổ chức thực hiện:

 

-         Thành lập tổ chỉ đạo chương trình phát triển cá cảnh thành phố đến năm 2010 thuộc BCĐ chương trình phát triển thủy sản.

-         Thành lập tổ nuôi- sản xuất cá cảnh khu vực, Câu lạc bộ cá cảnh cấp quận- huyện, Hội-Hiệp hội nuôi -sản xuất cá cảnh cấp Thành Phố.

 

Phần III

 

CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ

 

1.     Về qui hoạch:

-      Qui hoạch khu vực sản xuất cá cảnh quận 8

-      Qui hoạch khu vực sản xuất cá cảnh quận 12, Gò Vấp, Hốc Môn

-      Qui hoạch khu vực kinh doanh cá cảnh:

 

2. Dự án vay vốn vay vốn theo CV 419/ UB-CNN bù lãi suất 4-7%/ năm

-      Dự án vay vốn đầu tư sản xuất cá cảnh cho nông dân quận 8

-      Dự án vay vốn đầu tư sản xuất cá cảnh cho nông dân quận 12

 

3. Chương trình Khuyến ngư:

-         Thực hiện : Trung tâm NC-KHKT & Khuyến Nông.

-         Phối hợp : quận 8, 12, Hốc Môn, Gó Vấp, Bình Thạnh

-         Nguồn vốn : Ngân sách cấp khuyến nông.

-         Kinh phí:  260 triệu đồng

 

4. Chương trình nghiên cứu KHKT:

-      Nghiên cứu khai thác, thuần dưỡng và sinh sản một số loài cá tự nhiên dùng làm cá cảnh tiêu dùng nội địa và xuất khẩu:

-      Nghiên cứu lai tạo một số giống loài cá cảnh có giá trị xuất khẩu

-      Nghiên cứu kỹ thuật phòng và điều trị một số bệnh thường gặp trên các cảnh:

-      Chủ trì : Sở Nông nghiệp-PTNT

-      Thực hiện : Viện, Trường

-      Nguồn vốn : Ngân sách cấp khuyến nông.

-      Kinh phí: 500 triệu đồng

 

5. Chương trình xúc tiến thương mại:

-      Xây dựng website cá cảnh, cây hoa kiểng Thành phố

-      Tổ chức hội thi, triển lãm, hội chợ

 -     Chủ trì và thực hiện: Sở Nông nghiệp-PTNT

-      Phối hợp : Viện, Trường, Trung tâm KHKT-KN, Chi cục BVNL-TS

-      Nguồn vốn : Ngân sách 

-      Kinh phí: 200 triệu đồng

 

Phần IV

 

Kết luận và kiến nghị

 

Kết luận:

-         Nghề nuôi-sản xuất-kinh doanh-XNK cá cảnh có khả năng phát triển hơn nữa trong những năm tới, là ngành sản xuất nông nghiệp đô thị làm tăng thêm giá trị sản lượng của ngành nông nghiệp và kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản thành phố.

-         Đây là ngành kỹ thuật đòi hỏi trình độ chuyên môn và tay nghề cao mới đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí, thưởng ngoạn của người dân đô thị trong và ngoài nước vì vậy cần có sự đầu tư cơ bản về con người, kỹ thuật, vốn…từ nay đến năm 2005 và2010.

 

Kiến nghị:

-         Xem xét phê duyệt các dự án vốn vay cho nông dân theo công văn 419 để đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho nuôi-sản xuất cá cảnh.

-         Phê duyệt qui hoạch các khu sản xuất-kinh doanh cá cảnh tập trung.

-         Đầu tư website cá cảnh Việt nam giới thiệu ra thế giới.


Số lượt người xem: 8473    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm