SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
4
2
2
5
7
1
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 22 Tháng Giêng 2007 9:20:00 CH

Tổng kết tình hình triển khai công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai – tìm kiếm cứu nạn năm 2006.

Năm 2006, có 10 cơn bão, 04 cơn áp thấp nhiệt đới hoạt động ở khu vực biển Đông; trong đó cơn bão số 09 (đổ bộ sáng ngày 05-12-2006) đã ảnh hưởng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản trên địa bàn huyện Cần Giờ. Ngoài ra, có 04 đợt triều cường lớn (tháng 3, tháng 10, tháng 11 và tháng 12), 03 lần sạt lở bờ sông và 02 cơn lốc xoáy xảy ra trên địa bàn thành phố; tuy nhiên lũ đồng bằng sông Cửu Long không ảnh hưởng đến thành phố.

I. TÌNH HÌNH THIÊN TAI, THIỆT HẠI NĂM 2006:

1. Tình hình chung:

Năm 2006, có 10 cơn bão, 04 cơn áp thấp nhiệt đới hoạt động ở khu vực biển Đông; trong đó cơn bão số 09 (đổ bộ sáng ngày 05-12-2006) đã ảnh hưởng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản trên địa bàn huyện Cần Giờ. Ngoài ra, có 04 đợt triều cường lớn (tháng 3, tháng 10, tháng 11 và tháng 12), 03 lần sạt lở bờ sông và 02 cơn lốc xoáy xảy ra trên địa bàn thành phố; tuy nhiên lũ đồng bằng sông Cửu Long không ảnh hưởng đến thành phố.

2. Tình hình thiệt hại và công tác khắc phục:

2.1. Cơn bão số 09 (bão Durian):

a. Thiệt hại:

-      Vật chất: tổng thiệt hại ước tính khoảng 86,36 tỷ đồng, bao gồm thiệt hại về nhà ở của nhân dân: 40,324 tỷ đồng; trường học, y tế: 8,68 tỷ đồng; trụ sở cơ quan: 1,889 tỷ đồng; ngành viễn thông, điện lực: 2,511 tỷ đồng; công trình giao thông đô thị, công trình công cộng: 1,651 tỷ đồng; công trình thủy lợi, giao thông nông thôn: 1,235 tỷ đồng; cơ sở sản xuất: 21,07 tỷ đồng; các cơ sở kinh doanh, dịch vụ: 09 tỷ đồng.

-      Người: thành phố có 01 người mất tích và 04 người chết; ngoài ra có 02 tử thi trôi dạt vào bờ biển xã Long Hòa đã được người thân nhận dạng, trong đó 01 người ở thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định và 01 người ở huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

b. Công tác khắc phục hậu quả (tính đến hết năm 2006):

-      Cứu hộ được 49 người, trong đó: 25 người của huyện Cần Giờ, 24 người của các tỉnh bạn.

-      Hệ thống điện bị hư hỏng, cây xanh ngã đổ trên đường và trong các công sở, các trường học bị hư hỏng đều đã sửa chữa, dọn dẹp xong.

-      Trong tổng số 28 trụ sở bị hư hỏng, đã khắc phục sửa chữa được 21 trụ sở; có 03 trụ sở đang sửa chữa đạt khoảng 55% khối lượng; 04 trụ sở còn lại chuẩn bị triển khai thi công.

-      Trong tổng số 3.574 căn nhà bị hư hỏng có 2.940 căn đã được sửa chữa (đạt 82%).

c. Công tác di dời dân: tổng cộng có 8.329 người được di dời trú bão an toàn, đảm bảo sức khỏe.

d. Công tác hỗ trợ, cứu trợ:

-      Tính đến cuối năm 2006, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Cần Giờ đã tiếp nhận hơn 9,7 tỷ đồng và một số lương thực, thực phẩm thiết yếu của các đơn vị, cá nhân (trong đó Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố hỗ trợ 4,179 tỷ đồng).

-      Ủy ban nhân dân thành phố đã chấp thuận trích từ ngân sách thành phố cấp cho huyện Cần Giờ 8,666 đồng; bổ sung vốn đầu tư thành phố phân cấp trong năm 2007 cho huyện Cần Giờ 13,45 tỷ đồng; Quỹ Phòng chống lụt bão thành phố hỗ trợ 600 triệu đồng.

2.2. Triều cường, ngập úng:

a. Thiệt hại:

-      Đầu tháng 3, xuất hiện đợt triều cường lớn đột biến, mực nước đỉnh triều tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) là 1,41m đã gây bể bờ bao và ngập úng tại một số nơi như quận 7 (phường Bình Thuận), quận Bình Thạnh (phường 28), quận Thủ Đức (phường Trường Thọ, phường Hiệp Bình Chánh), huyện Bình Chánh (xã Phong Phú, xã Hưng Long, xã Bình Lợi…), huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi... ảnh hưởng đến giao thông, đời sống dân cư và thiệt hại về sản xuất nông nghiệp.

-      Đầu tháng 10, đã xảy ra đợt triều cường, mực nước đỉnh triều tại trạm Phú An là 1,42m (ngày 08-10-2006).

 + Quận 12: phường Thạnh Lộc bể bờ bao 7 điểm, tổng thiệt hại khoảng 300 triệu đồng; phường An Phú Đông bể bờ bao 10 điểm, tràn bờ ở một số vị trí làm ngập khoảng 20 ha, thiệt hại ước tính khoảng 800 triệu đồng.

+ Quận Thủ Đức: tổng cộng các đoạn bờ bao bị bể và tràn bờ của 05 phường (Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Linh Đông, Tam Phú và Tam Bình) dài 464m, trong đó bể 8 điểm.

+ Ngoài ra, triều cường còn gây ngập úng tại huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, quận 2, quận Bình Thạnh…

-      Đầu tháng 11, xảy ra đợt triều cường lớn nhất trong vòng 47 năm qua, mực nước đỉnh triều tại trạm Phú An là 1,47m (ngày 05-11-2006).

+ Quận 12: phường Thạnh Lộc bể bờ bao 6 điểm, tràn bờ tại một số vị trí, tổng thiệt hại khoảng 50 triệu đồng; phường An Phú Đông bể bờ bao 06 điểm, tràn bờ tại một số vị trí gây ngập khoảng 20 ha, thiệt hại khoảng 200 triệu đồng.

+ Quận Thủ Đức: phường Hiệp Bình Phước bể 03 đoạn bờ bao và tràn bờ một số đoạn bờ bao gây ngập úng hơn 10 ha; phường Hiệp Bình Chánh bể 01 đoạn bờ bao và tràn qua nhiều đoạn bờ bao; phường Linh Đông nước tràn bờ bao rạch Miễu gây ngập úng khoảng 03 ha; phường Tam Phú bể 01 đoạn bờ bao gây ngập úng 45 ha, nước tràn qua bờ bao rạch Lùng gây ngập úng 35 ha.

+ Ngoài ra, triều cường còn gây ngập úng tại huyện Bình Chánh, huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, huyện Nhà Bè, quận Bình Tân, quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp, quận 8.

-      Cuối tháng 12, xuất hiện đợt triều cường lớn, mực nước đỉnh triều tại trạm Phú An là 1,44m (ngày 22-12-2006).

+ Quận 12: phường Thạnh Lộc bể bờ bao 8 điểm, tràn bờ gây ngập trên 50 ha; phường Thạnh Xuân bể bờ bao 2 điểm gây ngập 40 ha; phường An Phú Đông bể bờ bao 12 điểm, tràn bờ 7 điểm gây ngập 17 ha; phường Thới An tràn bờ 2 điểm, gây ngập 13 ha.

+ Quận Thủ Đức: phường Hiệp Bình Chánh bể bờ bao sông Sài Gòn; phường Hiệp Bình Phước tràn nhiều đoạn bờ bao làm ngập toàn bộ 06 khu phố; phường Tam Phú tràn các bờ bao rạch Lùng, rạch Hương Việt gây ngập úng cục bộ.

+ Huyện Hóc Môn: xã Nhị Bình bể bờ bao tại 3 điểm, tràn bờ 4 điểm, gây ngập úng khoảng 80% diện tích xã Nhị Bình (khoảng 680 ha) và triều cường còn gây ngập úng tại xã Tân Hiệp, xã Đông Thạnh, xã Thới Tam Thôn.

+ Ngoài ra, triều cường còn ảnh hưởng đến huyện Củ Chi, quận Bình Thạnh, quận 2...

b. Trong các đợt triều cường, các địa phương đã huy động vật tư, lực lượng xung kích, dân quân và các đơn vị công ích tổ chức khắc phục ngay sau khi xảy ra sự cố để tái ổn định đời sống nhân dân và sản xuất nông nghiệp. Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố tổ chức kiểm tra thực địa và chỉ đạo các địa phương khẩn trương khắc phục các sự cố bể bờ, tràn bờ; đồng thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố những giải pháp, phương hướng để ứng phó với các đợt triều cường.

2.3. Lốc xoáy:  

-      Huyện Cần Giờ: ngày 27-5-2006, giông và lốc xoáy xảy ra tại ấp An Nghĩa, xã An Thới Đông làm thiệt hại 32 căn nhà thiệt hại khoảng 300 triệu đồng. Cùng thời điểm đó, 01 người dân địa phương đi làm ở xã Tam Thôn Hiệp bị sét đánh chết. Sau cơn lốc xoáy, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố đã xuống kiểm tra hiện trường; Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão huyện Cần Giờ và lực lượng xung kích xã An Thới Đông giúp nhân dân sửa chữa lại nhà, các hộ bị sập hoàn toàn dựng tạm lại nhà để ở.

-      Quận 9: ngày 03-4-2006, mưa lớn kèm lốc xoáy tại tổ 6 và tổ 7 (ấp Tam Đa, phường Trường Thạnh) làm sập 01 căn nhà, 03 căn nhà lá, 02 chuồng nuôi gia súc, tốc mái tôn 06 căn nhà và 01 hàng rào B40 dài 30m. Sau lốc xoáy, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão quận 9 và phường Trường Thạnh đã tiến hành thống kê, xác định mức độ thiệt hại để hỗ trợ cho nhân dân.

2.4. Lũ miền Đông Nam Bộ và xả tràn của hồ chứa thượng lưu:

Lũ trên sông Đồng Nai đã bắt đầu xuất hiện từ đầu tháng 8 năm 2006, lưu lượng nước lớn nhất về hồ Trị An bình quân ngày là 3.133m3/s (ngày 16-8-2006). Đến tháng 8 năm 2006, các hồ Trị An (điều tiết năm), Cần Đơn (điều tiết tuần), Srok Phu Miêng (điều tiết ngày) đều phải xả tràn; còn hồ Thác Mơ (điều tiết năm), Dầu Tiếng (điều tiết năm) còn tích nước, chưa xả tràn. Tuy nhiên, do mực nước đỉnh triều khu vực thành phố từ đầu mùa mưa đến ngày 25-8-2006 còn thấp (trạm Phú An dưới 1,17m) nên lũ và xả tràn chưa gây ngập úng đối với thành phố. Trong tháng 9, lưu lượng nước về các hồ Trị An và Thác Mơ luôn ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Đầu tháng 10, do ảnh hưởng bão số 06, lưu lượng về hồ lớn hơn trung bình nhiều năm từ 30-40% nên từ ngày 29-9-2006 đến 06-10-2006, hồ Trị An xả tràn từ 1.106 – 1.280 m3/s. Hồ Dầu Tiếng có xả tràn 02 đợt trong tháng 10 và tháng 12 (200 m3/s) vào các ngày triều kém nên ảnh hưởng không đáng kể đến thành phố Hồ Chí Minh.

2.5. Sạt lở bờ sông:

-      Quận Bình Thạnh:

+  Ngày 16-02-2006, sạt lở đoạn đê bao dài 20m tại khu vực đình Bình Quới, phường 28. Nguyên nhân do xà lan, tàu kéo TK14 (SG 5003/350CV) trong quá trình neo đậu đã va đập vào đê bao gây sạt lở. Ngay trong ngày, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão phường 28 đã chỉ đạo khắc phục, gia cố đoạn đê bao bị sạt lở. Ủy ban nhân dân thành phố đã có Văn bản số 1411/UBND ngày 13-3-2006 về việc kiểm tra, xử lý tình trạng neo đậu không đúng quy định trên. Đến ngày 13-4-2006, đoạn đê bao trên đã được đắp lại hoàn chỉnh như hiện trạng ban đầu, hiện nay tại khu vực này không còn phương tiện thủy neo đậu.

+  Ngày 01-5-2006, sạt lở tại số nhà 93/7 Xô Viết Nghệ Tĩnh thuộc kênh Thanh Đa, phường 25; diện tích sạt lở gồm phần nhà đất 3m x 9m, phần nhà sàn 4m x 9m, đây là khu vực có nguy cơ tiếp tục sạt lở cao và chuẩn bị giải tỏa để thực hiện dự án kè kênh Thanh Đa (đoạn từ cầu Kinh đến doanh trại bộ đội). Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh đã bố trí di dời hộ gia đình trên; đồng thời Ủy ban nhân dân thành phố đã có chỉ đạo tại Văn bản số 2295/UBND-ĐT ngày 10-5-2005 và Văn bản số 3642/UBND-ĐT ngày 05-6-2006.

-      Quận Thủ Đức: sáng ngày 02-6-2006, sạt lở bờ sông Sài Gòn thuộc khu phố 8, phường Trường Thọ (cạnh cảng Phúc Long) dài 50m, rộng 25m làm sạt 01 trụ điện hạ thế và 9m tường rào của khu cảng Phúc Long. Nguyên nhân sạt lở do phía bờ lõm sông Sài Gòn bị nước khoét sâu lâu ngày thành hàm ếch. Ngay trong ngày, Ủy ban nhân dân quận Thủ Đức và Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố đã phối hợp kiểm tra tình hình sạt lở, triển khai cắm biển cảnh báo và thông báo cho một hộ dân gần khu vực sạt lở để chủ động trong việc phòng tránh. Hiện nay, Công ty Cổ phần Phúc Long đang triển khai gia cố bờ kè khu vực cảng và khu vực lân cận bị sạt lở.

Nhận xét: nguyên nhân chính gây sạt lở bờ sông do nước mưa thấm vào khu vực đất ven bờ làm tăng trọng lượng đất, tăng lực trượt; lúc nước ròng thường tạo áp lực lớn lên vùng đất ven bờ và do vi phạm hành lang an toàn bảo vệ sông, rạch (kể cả việc neo đậu phương tiện giao thông thủy không đúng quy định); nhà dân xây dựng nhiều và gần sát bờ sông tạo nên dòng chảy xoáy vào bờ tạo hàm ếch khiến nguy cơ sạt lở thêm cao.

II. CÔNG TÁC CHUẨN BỊ PHÒNG CHỐNG, ĐỐI PHÓ VÀ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ:

1. Công tác di dời dân:

-      Đến cuối năm 2006, huyện Cần Giờ đã thực hiện xong dự án di dời 1.280 hộ dân (4.918 nhân khẩu, 2.701 lao động) theo chương trình nhà ở ven biển, ven sông và vùng trũng thấp có nguy cơ bị ảnh hưởng cao bởi bão, áp thấp nhiệt đới, triều cường về khu định cư mới; đồng thời di dời xong 45 hộ sống trong vùng sạt lở ấp Thiềng Liềng (xã Thạnh An) đã được Ủy ban nhân dân thành phố duyệt hỗ trợ từ nguồn Quỹ Phòng chống lụt bão thành phố năm 2006.

-      Đối với dự án di dời 1.400 hộ dân có nhà ở sống ven sông, ven biển ở các xã có nguy cơ bị sạt lở, thường xuyên bị ngập do triều cường, các hộ sống rải rác trong rừng phòng hộ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đang lấy ý kiến của các sở, ngành để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét phê duyệt.

2. Công tác quản lý tàu thuyền:

-      Hiện nay, thành phố đang quản lý 106 tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên, hầu hết tàu cá được trang bị cứu sinh (áo phao, phao tròn) và thiết bị liên lạc (công suất, tần số) đảm bảo đủ điều kiện ra khơi, 90% mua bảo hiểm thân tàu; riêng tàu của Xí nghiệp Đông Hải vừa khai thác thủy sản vừa làm nhiệm vụ quốc phòng nên không cung cấp tần số vô tuyến điện.

-      Trong công tác quản lý tàu thuyền, Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thường xuyên thực hiện công tác đăng kiểm theo yêu cầu của chủ tàu. Ngày 11 và 12-5-2006, Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thực hiện đợt kiểm tra đăng kiểm tại xã Thạnh An, thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ). Đối với các tàu không đạt tiêu chuẩn chất lượng, sẽ không gia hạn hoạt động; đối với các tàu không trang bị đủ các phương tiện an toàn thì buộc chủ tàu phải trang bị đủ mới được gia hạn hoạt động.

-      Khi nhận tin bão, áp thấp nhiệt đới các cơ quan chức năng luôn khẩn trương triển khai công tác quản lý tàu thuyền, nắm số lượng tàu thuyền, thuyền viên, nhất là tàu thuyền đánh bắt xa bờ; thông tin thường xuyên và hướng dẫn tàu thuyền vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn; thực hiện nghiêm túc lệnh cấm xuất bến trong trường hợp khẩn cấp và nguy hiểm…

-      Ngoài ra, Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn phối hợp với các đơn vị mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ đi biển, đào tạo thuyền trưởng hạng nhỏ cho ngư dân và tập huấn phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn cho lực lượng xung kích, ngư dân. Bộ đội biên phòng kiểm tra giấy tờ đăng ký đăng kiểm của tàu ra vào qua trạm, kiểm tra về trang bị an toàn của tàu, nắm vùng ngư trường đánh bắt…

3. Công tác kiện toàn tổ chức Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố:

Trong năm 2006, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố đã trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 1012/QĐ-UBND ngày 10-3-2006 bổ sung nhiệm vụ phòng, chống động đất cho Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố và ban hành Quyết định số 2292/QĐ-UBND ngày 19-5-2006 về việc kiện toàn tổ chức và phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố.

 4. Công tác tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố:

-      Ban hành Chỉ thị số 18/2006/CT-UBND ngày 18-5-2006 về công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2006 và Chỉ thị số 37/2006/CT-UBND ngày 03-12-2006 về việc triển khai các phương án phòng, chống cơn bão số 9.

-      Hỗ trợ kinh phí từ nguồn Quỹ Phòng chống lụt bão thành phố để khắc phục sự cố bể bờ bao cho quận Thủ Đức, số tiền là 1,288 tỷ đồng; duy tu, sửa chữa công trình, mua trang thiết bị, di dời dân và diễn tập phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn năm 2006, số tiền là 9,389 tỷ đồng; dự báo, cảnh báo triều và tập huấn, diễn tập, mua trang thiết bị (bổ sung), số tiền hơn 730 triệu đồng; tạm ứng kinh phí cho quận Thủ Đức gia cố kênh tiêu Ba Bò 01 tỷ đồng. Tổng số tiền hỗ trợ hơn 12 tỷ đồng.

-      Duyệt chi từ nguồn vốn ngân sách tập trung để thực hiện 25 công trình phòng, chống lụt bão với hơn 28,9 tỷ đồng, trong đó hơn 14,3 tỷ đồng thực hiện trong năm 2006.

-      Thực hiện một số giải pháp phòng, chống ngập úng do ảnh hưởng của triều cường tại một số khu vực trên địa bàn quận 8 và quận Bình Tân.

-      Đầu tư dự án “Kè chống sạt lở” bờ sông Sài Gòn phường Linh Đông, quận Thủ Đức.

-      Giao chỉ tiêu thu Quỹ PCLB đối với doanh nghiệp năm 2006 (Quyết định số 76/2006/QĐ-UBND ngày 19-5-2006) và giao chỉ tiêu thu Quỹ PCLB đối với công dân năm 2006 (Quyết định số 43/2006/QĐ-UBND ngày 17-3-2006).

-      Xây dựng website cho Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố và đi vào hoạt động từ đầu năm 2007 (địa chỉ: www.phongchonglutbaotphcm.gov.vn).

5. Công tác kiểm tra, chỉ đạo, đôn dốc và thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm:

a. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị kiểm tra công tác phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2006 toàn thể 24 quận, huyện trên địa bàn thành phố theo Kế hoạch số 54/KH-PCLB ngày 23-6-2006.

b. Kiểm tra tiến độ công trình phòng, chống lụt, bão:

Từ đầu năm 2006, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố đã phối hợp với các địa phương, đơn vị kiểm tra và hoàn thành báo cáo kiểm tra công trình trước mùa mưa lũ năm 2006. Tuy nhiên, để phòng ngừa xảy ra sự cố, Ủy ban nhân dân thành phố đã duyệt chi kinh phí từ Quỹ Phòng, chống lụt, bão thành phố cho các huyện và quận ven để gia cố bờ bao, sửa chữa công trình xung yếu. Tổng cộng có 62 công trình cho 12 quận, huyện đã được đầu tư từ Quỹ Phòng, chống lụt, bão thành phố trong năm 2006; điển hình là các công trình nâng cấp bờ bao rạch Cầu Già (huyện Bình Chánh), nạo vét và đắp bờ bao kênh tiêu rạch Cầu Sa (huyện Hóc Môn), gia cố bờ bao trên địa bàn phường Thạnh Xuân, Thạnh Lộc, An Phú Đông (quận 12), phường Hiệp Bình Chánh, phường Tam Phú, phường Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức).... Các công trình các địa phương đề xuất không được đầu tư là do: các hạng mục có vốn đầu tư lớn trong khi nguồn Quỹ PCLB thành phố có hạn; các hạng mục chưa mang tính cấp bách và mục tiêu bảo vệ dân cư không cao; các hạng mục chưa thực sự phù hợp với yêu cầu sử dụng Quỹ PCLB... Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố đã có ý kiến đề nghị các địa phương tìm nguồn vốn phân cấp hoặc ngân sách thành phố để đầu tư các hạng mục này.

Trên cơ sở đó, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố đã xây dựng Kế hoạch số 56/KH-PCLB ngày 13-7-2006 và số 59/KH-PCLB ngày 28-7-2006 và tiến hành kiểm tra công trình sử dụng nguồn vốn từ Quỹ Phòng chống lụt bão thành phố năm 2006 trên địa bàn huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, quận 8, quận Thủ Đức, quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp, quận 12.

c. Công tác định kỳ, thường xuyên:

-      Hoàn thành báo cáo tổng kết công tác PCLB năm 2006; xây dựng kế hoạch PCLB năm 2007; hoàn thành báo cáo thu, chi Quỹ Phòng, chống lụt, bão thành phố; báo cáo sơ kết công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai 06 tháng đầu năm 2006; tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng chống lụt bão – tìm kiếm cứu nạn năm 2005 và triển khai kế hoạch năm 2006. 

-      Phối hợp với các phòng, ban, đơn vị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố và địa phương có liên quan triển khai, thực hiện công tác phòng, chống hạn mùa khô 2005-2006 trên địa bàn thành phố.

-      Thông báo, thông tin về áp thấp nhiệt đới, bão, triều cường, hạn, xâm nhập mặn và tổ chức trực ban.

d. Công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc:

Trong năm 2006, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố đã phối hợp với các đơn vị có liên quan hướng dẫn các quận, huyện về trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư các công trình phòng chống lụt bão. Đồng thời, đôn đốc các quận, huyện và sở, ngành có liên quan tổ chức thực hiện và hoàn thành một số công tác phòng chống lụt bão năm 2005, 2006 và công tác thu Quỹ Phòng, chống lụt, bão năm 2005, 2006; đôn đốc các quận, huyện kiểm tra, thống kê hệ thống sông, kênh, rạch, cống, trạm bơm, kè…; thực hiện kiện toàn nhân sự và bổ sung nhiệm vụ phòng và khắc phục hậu quả động đất, sóng thần cho Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão.

6. Công tác thu, nộp Quỹ Phòng, chống lụt, bão:

Tính đến ngày 31-12-2006 các quận, huyện đã nộp về tài khoản Quỹ Phòng chống lụt bão thành phố hơn 4,25 tỷ đồng, đạt 45,70% kế hoạch (chủ yếu thu của đối tượng công dân); Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố thu được hơn 5,95 tỷ đồng, đạt 66,31% kế hoạch. Hiện nay, Quỹ Phòng chống lụt bão thành phố còn tồn hơn 13,47 tỷ đồng.

7. Công tác tập huấn, diễn tập phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn:

Trong năm 2006, với nguồn kinh phí hỗ trợ từ Quỹ Phòng chống lụt bão thành phố và kinh phí của các địa phương, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố đã cùng các địa phương, đơn vị phối hợp tổ chức tập huấn công tác phòng chống lụt bão, diễn tập tìm kiếm cứu nạn để nâng cao năng lực ứng phó với các tình huống thiên tai cho các cán bộ, đơn vị xung kích... Cụ thể đã có 04 địa phương, đơn vị tổ chức diễn tập là quận 2, quận 8, huyện Cần Giờ và Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố.

III. ĐÁNH GIÁ VÀ KIẾN NGHỊ:

1. Nhận xét, đánh giá:

1.1. Đánh giá chung:

-      Thường trực Ban và Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố đã tích cực thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố trong lĩnh vực phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai. Các sở, ngành, đơn vị, các địa phương đã tích cực tổ chức triển khai thực hiện chỉ đạo của Trung ương và thành phố về công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

-      Năm 2006, các đợt triều cường đều rất cao đã gây bể bờ bao nhiều nơi và thiệt hại cho thành phố; tuy nhiên các địa phương, đơn vị đều có tổ chức lực lượng xung kích và tích cực hỗ trợ nhân dân để khắc phục khi xảy ra sự cố.

-      Trong công tác phòng, chống bão: nhìn chung, các phương án, kế hoạch phòng, chống lụt, bão đã được vận hành tốt trên toàn địa bàn thành phố; công tác chuẩn bị phòng chống bão đã được chuyển hướng mạnh mẽ từ bị động đối phó sang chủ động phòng ngừa nên đã góp phần giảm thiểu được nhiều thiệt hại. Trong đó, công tác tác di dời dân đã được thực hiện kịp thời; công tác quản lý tàu thuyền đã được thực hiện khẩn trương, thông tin và hướng dẫn kịp thời, neo đậu đúng quy trình; sự phối hợp giữa các lực lượng trước, trong và sau cơn bão tương đối tốt, thể hiện trách nhiệm cao trước nhân dân…

1.2. Một số tồn tại:

a. Trong công tác phòng, chống bão: ý thức chấp hành các quy định về công tác phòng tránh bão của nhân dân còn yếu, công tác tuyên truyền, vận động, tập huấn ứng phó với bão trong nhân dân chưa tốt nên đã xảy ra một số sự cố đáng tiếc như trường hợp lén đi đóng đáy, lưới ven bờ…; lực lượng “bốn tại chỗ” chưa đáp ứng kịp thời và đầy đủ, nhất là trong xử lý các tình huống xảy ra trong bão; hệ thống phương tiện, trang thiết bị báo bão, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ còn thiếu nên chưa đảm bảo khi huy động để thực hiện nhiệm vụ; thiết bị thông tin liên lạc, thư điện tử, chế độ báo cáo của một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa kịp thời và thông suốt; một số địa phương, đơn vị không bố trí người trực ban hoặc bố trí người trực ban không đúng theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố.

b. Thời gian vừa qua, mặc dù Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố đã ban hành Văn bản số 83/PCLB ngày 03-12-2005 về việc hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư các công trình phòng, chống lụt, bão tại các quận, huyện từ nguồn Quỹ Phòng chống lụt bão thành phố; tuy nhiên còn một số quận, huyện chưa thực hiện đúng hoặc không thực hiện nên phần nào đã ảnh hưởng đến chất lượng công trình và quyết toán các công trình.

c. Một số địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch, thực hiện báo cáo công tác phòng chống lụt bão còn chậm trễ (quận 9, quận Bình Tân, huyện Nhà Bè…). Trong các năm từ 2003 đến 2005, còn 07 quận, huyện được cấp kinh phí từ Quỹ Phòng chống lụt bão thành phố vẫn chưa quyết toán: quận 8 (920 triệu đồng), quận 9 (750 triệu đồng), quận 12 (880 triệu đồng), huyện Nhà bè (887,7 triệu đồng), huyện Củ Chi (430 triệu đồng), quận Tân Phú (79,8 triệu đồng) và huyện Hóc Môn (980 triệu đồng).

d. Công tác thu Quỹ Phòng chống lụt bão đối với doanh nghiệp còn một số một số khó khăn như: một số doanh nghiệp chưa ý thức thực hiện nghĩa vụ nộp Quỹ Phòng chống lụt bão nhưng vẫn chưa áp dụng được các biện pháp chế tài; một số doanh nghiệp không tồn tại trên thực tế hoặc đã giải thể đã không được Cục Thuế thành phố cập nhật kịp thời nên các đơn vị thu rất khó hoàn thành chỉ tiêu.

e. Trong công tác phòng, chống triều cường, ngập úng:

-      Trong các năm qua, Quỹ Phòng, chống lụt, bão thành phố đã hỗ trợ cho các địa phương, đơn vị khắc phục hậu quả các trường hợp thiên tai, thời tiết diễn biến bất thường; tu sửa, gia cố đê bao, cống bọng, nạo vét kênh rạch bảo vệ các khu vực xung yếu... Tuy nhiên, do đặc điểm thành phố Hồ Chí Minh nhiều sông rạch, hằng năm cần phải xây dựng, duy tu, sửa chữa đối với công trình thủy lợi, đặc biệt là bờ bao ven các sông rạch lớn nhỏ. Một số khu vực xung yếu và nội thành còn chưa đảm bảo yêu cầu phòng chống lũ, ngập do mưa to, triều cường, nguy cơ sạt lở bờ sông như khu vực xung yếu dọc sông Sài Gòn - Đồng Nai, vùng đất thấp Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh... Trong khi đó, hiện nay nguồn Quỹ Phòng chống lụt bão thành phố (hơn 10 tỷ đồng) không đủ đáp ứng yêu cầu của các địa phương và khó giải quyết căn cơ cho phòng chống ngập lụt, đảm bảo an toàn khi có lũ lớn, triều cường, nhất là đối với các khu vực xung yếu, các vùng đất thấp.

-      Đối với các khu vực nội thị: cao trình mặt đường, khu dân cư thấp hơn mực nước đỉnh triều, hệ thống tiêu thoát nước xuống cấp không còn phù hợp hoặc chưa có hệ thống thoát nước. Kênh, rạch bị san lấp, lấn chiếm, bồi lắng ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước, đặc biệt là khu vực phía Nam thành phố. Một số dự án tiêu thoát nước, cải thiện môi trường nước, dự án phát triển các khu dân cư, dự án nâng cấp hẻm triển khai chậm hoặc chưa được triển khai.

-      Đối với các khu vực ngoại thành và vùng ven:

+     Công tác quản lý, kiểm tra, tu bổ công trình, nạo vét sông, kênh, rạch hằng năm của một số địa phương chưa được quan tâm thực hiện đúng mức; việc duy tu, quản lý chưa được phân công chặt chẽ, cụ thể cho từng tổ chức, đơn vị, cá nhân ở địa phương.

+     Nhiều đoạn bờ bao bị bể thuộc phạm vi khu đất các dự án xây dựng hạ tầng, khu dân cư hoặc tư nhân mua đất bỏ hoang chưa đầu tư xây dựng.

+     Các hạng mục bờ bao, cống… quy mô không đảm bảo, bờ bao không đảm bảo cao trình chống tràn, giải pháp thi công chưa hợp lý. Một số hạng mục xây dựng bờ bao, cống, đập… do các địa phương thực hiện không thông qua ý kiến của cơ quan chuyên ngành nên chỉ mang tính chấp vá, chữa cháy, không đảm bảo quy mô bền vững lâu dài.

+     Các dự án thủy lợi đầu tư với quy mô lớn thi công chậm hoặc chưa được triển khai thi công, một số dự án đầu tư cắt khúc, không đồng bộ nên chưa phát huy hiệu quả của toàn hệ thống.

+     Tình trạng lấn chiếm hành lang bảo vệ bờ, chiếm lòng sông, kênh, rạch để nuôi thủy sản của một số hộ dân; hiện tượng bồi lắng và xuất hiện các vật cản lớn trong lòng sông, kênh, rạch nhưng không được nạo vét làm cản trở đường tiêu thoát, tạo mực nước dâng cao cục bộ gây áp lực phá vỡ bờ.

+     Một số địa phương chưa thực sự chủ động thực hiện phương châm “4 tại chỗ”; vật tư, thiết bị tập kết còn chưa kịp thời và chưa chủ động trong việc tạm ứng kinh phí để xử lý; năng lực chỉ đạo, trình độ chuyên môn của các cán bộ phụ trách tại cơ sở chưa tốt nên còn lúng túng trong việc xử lý tình huống.

2. Kiến nghị:

a. Ủy ban nhân dân thành phố:

-      Hằng năm bố trí một phần kinh phí từ nguồn vốn ngân sách thành phố trong dự toán phân bổ cho các đơn vị chủ lực là thành viên của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố (Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Công an thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố…) và các huyện, quận ven để đầu tư mua sắm phương tiện, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho công tác cứu hộ, cứu nạn, nâng cấp, gia cố các công trình phòng, chống lụt, bão, thủy lợi.

-      Cho phép thu hồi đất và thực hiện ngay các dự án đầu tư có tính cấp bách như kè bảo vệ chống sạt lở, gia cố nâng cấp bờ bao nhằm bảo vệ khu dân cư mà không phải chờ hết thời gian công khai dự án (03 tháng đối với đất nông nghiệp, 06 tháng đối với đất phi nông nghiệp, khu dân cư) theo quy định tại khoản 5 Điều 39 Quyết định 106/2005/QĐ-UBND ngày 16-6-2005 của Ủy ban nhân dân thành phố.

-      Giao Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam thực hiện đề tài cấp Quốc gia về quy hoạch tiêu thoát nước chung cho toàn thành phố trên cơ sở có cách nhìn tổng quan về: triều, mưa, lưu vực, đặc điểm địa hình, địa lý của thành phố (60% địa hình trũng thấp dưới mực nước triều và nằm ở phía hạ du thoát lũ của hai lưu vực lớn là sông Đồng Nai và Vàm Cỏ) cũng như có sự đầu tư đồng bộ cho các dự án lớn như ngăn lũ ở vùng ngoại thành và kết hợp với các dự án tiêu thoát nước, cải thiện môi trường trong vùng nội thành của ngành giao thông. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm đầu mối phối hợp với các Sở Giao thông Công chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính bàn bạc, trao đổi với Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam.

b. Sở Giao thông Công chính thành phố:

-      Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm như dự án Cải thiện môi trường nước thành phố Hồ Chí Minh lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé; dự án nạo vét, cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm… để sớm hoàn thành đưa công trình vào khai thác sử dụng, phát huy hiệu quả.

-      Kiểm tra lại cao trình của các tuyến đường giao thông có tính chất kết hợp  đê bao để nâng cấp đạt cao trình phòng lũ và triều cường.

-      Có kế hoạch thường xuyên nạo vét, giải tỏa các vật cản trong lòng sông, kênh, rạch được phân cấp quản lý để làm thông thoáng dòng chảy, thuận lợi cho việc tiêu thoát nước và giao thông thủy.

-      Phối hợp với các địa phương rà soát các vị trí sạt lở, nguy cơ sạt lở trên sông, rạch và có kế hoạch đầu tư thực hiện.

-      Chỉ đạo các Khu Quản lý giao thông đô thị, Công ty Thoát nước đô thị phối hợp với các quận nội thành, quận ven đang đô thị hóa xử lý, giải quyết các điểm ngập úng; đối với nơi chưa có hệ thống thoát nước cần xây dựng kế hoạch đầu tư mới trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

c. Ủy ban nhân dân các quận, huyện:

-      Thực hiện phân công, phân cấp, giao trách nhiệm cụ thể việc quản lý, khai thác bảo vệ hệ thống công trình thủy lợi và phòng chống lụt bão xuống tận cơ sở.

-      Bổ sung chức năng nhiệm vụ và giao trách nhiệm cho đơn vị công ích của địa phương thực hiện công tác duy tu, sửa chữa, nâng cấp công trình; chủ động phòng chống và ứng phó kịp thời khi có sự cố công trình. 

-      Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình phòng, chống lụt, bão để phát huy hiệu quả kịp thời trong mùa mưa lũ.

-      Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về lấn chiếm hành lang bảo vệ bờ và lòng sông, kênh rạch gây cản trở lòng chảy (cả nội thành lẫn ngoại thành); vi phạm về vận hành, bảo vệ an toàn công trình; san lấp kênh rạch trái phép; thiếu trách nhiệm duy tu, sửa chữa công trình thủy lợi trong khu đất dự án, đất hộ dân quản lý.

-      Phối hợp với các sở, ngành thực hiện các công trình phòng, chống lụt, bão hằng năm từ nguồn vốn ngân sách thành phố, vốn phân cấp cho địa phương và Quỹ Phòng chống lụt bão thành phố.

-      Các địa phương có các dự án về thủy lợi (dự án đê bao bờ tả sông Sài Gòn thuộc phường Hiệp Bình Phước và phường Hiệp Bình Chánh quận Thủ Đức, dự án công trình thủy lợi xã Bình Lợi B huyện Bình Chánh…) cần phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải tỏa, đền bù, thu hồi đất, tái định cư… sớm triển khai thi công nhằm phát huy đồng bộ toàn hệ thống công trình.

-      Hằng năm, có kế hoạch bố trí vốn phân cấp để đầu tư thực hiện các công trình phòng chống lụt bão theo hướng căn cơ bền vững, không đầu tư chấp vá chữa cháy như hiện nay; đồng thời phải thực hiện theo đúng quy trình thủ tục đầu tư để bảo đảm việc thanh quyết toán công trình theo Văn bản số 83/PCLB ngày 03-12-2005 của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố.

         Trong năm 2007, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố và các địa phương, đơn vị tiếp tục triển khai theo với phương châm "bốn tại chỗ: chỉ huy, lực lượng, vật tư và hậu cần" và linh hoạt sáng tạo trong từng tình huống. Tổ chức kiểm tra thường xuyên và gia cố, sửa chữa các công trình thủy lợi, công trình chống úng ngập, công trình nuôi trồng thủy sản, bờ bao, bờ vùng, hệ thống tiêu thoát nước bảo đảm an toàn khi mức nước dâng cao do lũ và triều cường trước, trong mùa mưa lũ. Xây dựng kế hoạch và phương án cụ thể để tu bổ, sửa chữa và xây dựng mới các công trình phòng lũ, thoát nước, nạo vét kênh mương, sửa chữa trạm bơm tiêu…; khoanh vùng các khu vực trọng điểm có khả năng bị ngập úng, ước lượng diện tích và mức độ ngập. Trang bị, nâng cấp hệ thống, phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện dự báo, cảnh báo; thông tin thường xuyên, kịp thời xuống tận đến cơ sở, nhân dân để chủ động phòng, chống. (Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố)


Số lượt người xem: 4778    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm