SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
6
1
0
1
7
8
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 21 Tháng Giêng 2010 10:20:00 SA

Công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2009

 
  -

I. TÌNH HÌNH THỜI TIẾT, THIÊN TAI, SẠT LỞ NĂM 2009:

Tình hình thời tiết, thiên tai trong năm 2009 tiếp tục diễn biến bất thường và phức tạp, có 11 cơn bão, 04 cơn áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông. Tại thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra 05 đợt lốc xoáy, giông gió lớn, đồng thời xuất hiện nhiều cơn mưa lớn và 04 đợt triều cường cao, 14 vụ sạt lở bờ sông. Tổng thiệt hại 117 căn nhà (20 căn nhà bị hư hỏng nặng, 97 căn nhà hư hỏng một phần), hư hỏng nặng 01 Trường tiểu học, bể 39 đoạn bờ bao với chiều dài 295 m, sạt lở 4.048 m2 đất, ngập 108 ha, ngã đổ 121 cây xanh với tổng số tiền thiệt hại khoảng 1.268,8 triệu đồng, không gây thiệt hại về người (so với năm 2008, có 10 cơn bão, 07 áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, 10 đợt lốc xoáy, 03 đợt triều cường cao và 07 vụ sạt lở).

1. Bão, áp thấp nhiệt đới: xuất hiện 11 cơn bão, 04 cơn áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn thành phố nhưng công tác triển khai các biện pháp phòng, tránh và đảm bảo an toàn cho tàu thuyền đánh bắt xa bờ trên khu vực Nam biển Đông đã thực hiện nghiêm túc.

2. Lốc xoáy, giông gió: có 05 đợt lốc xoáy xảy ra trên địa bàn 08 quận - huyện, gồm quận 2, huyện Củ Chi (ngày 30-3-2009); quận 7, huyện Cần Giờ (ngày 16-4-2009) và quận 2, quận Gò Vấp, huyện Bình Chánh (ngày 4-6-2009); quận Thủ Đức (ngày 18-8-2009); quận 11 (ngày 19-8-2009) đã gây hư hỏng 112 căn nhà (18 căn hư hỏng hoàn toàn, 94 căn hư hỏng một phần), hư hỏng 01 Trường tiểu học, ngã đổ 121 cây xanh. Cụ thể:

a) Quận 2:

- Tại phường Bình Khánh: ngày 30-3-2009, lốc xoáy làm tốc mái 03 căn nhà, thiệt hại tài sản khoảng 7 triệu đồng.

- Tại phường Bình Trưng Tây: ngày 16-4-2009 và ngày 4-6-2009, lốc xoáy làm tốc mái 17 căn nhà, thiệt hại tài sản khoảng 35 triệu đồng.

b) Huyện Củ Chi:

- Tại xã Trung Lập Hạ: ngày 30-3-2008, lốc xoáy làm tốc mái 14 căn nhà, thiệt hại tài sản khoảng 20 triệu đồng.

- Tại xã Phước Thạnh: ngày 30-3-2008, lốc xoáy làm tốc mái 08 căn nhà, thiệt hại tài sản khoảng 10 triệu đồng.

c) Huyện Cần Giờ:

- Tại xã An Thới Đông: ngày 16-4-2009, lốc xoáy làm sập 02 căn nhà, tốc mái 04 căn nhà, thiệt hại tài sản khoảng 24 triệu đồng.

- Tại xã Lý Nhơn: lốc xoáy làm sập 15 căn nhà, tốc mái, xiêu vẹo 36 căn nhà, hư hỏng nặng 01 Trường tiểu học, thiệt hại tài sản khoảng 319,3 triệu đồng.

d) Huyện Bình Chánh: tại xã Vĩnh Lộc B, ngày 04-6-2009, lốc xoáy làm sập 01 căn nhà lá và 02 căn nhà tôn, thiệt hại tài sản khoảng 10 triệu đồng.

đ) Quận Gò Vấp: tại phường 1, ngày 04-6-2009, lốc xoáy làm hư hỏng 2 cột điện, 03 xe máy, một bảng hiệu nhà hàng, thiệt hại tài sản khoảng 20 triệu đồng.

e) Quận Thủ Đức: tại phường Hiệp Bình Phước, ngày 18-8-2009, lốc xoáy làm tốc mái 09 căn nhà, thiệt hại tài sản khoảng 33,5 triệu đồng.

g) Quận 11: tại phường 2, ngày 19-8-2009, giông gió làm một mảng tường cũ (trên tầng 4) bị sập, rơi xuống mái tôn nhà bên cạnh làm thiệt hại phần mái tôn và một số tài sản sinh hoạt gia đình, thiệt hại tài sản khoảng 10 triệu đồng, tuy nhiên không thiệt hại về người.

3. Mưa lớn: năm 2009 đã xuất hiện nhiều cơn mưa lớn (trong đó có 03 cơn mưa có vũ lượng >100 mm) đã gây ngập nhiều tuyến đường, ảnh hưởng đến giao thông, đi lại, sinh hoạt và sản xuất của người dân:

- Ngày 07-03-2009, có 01 cơn mưa trái mùa lớn, lượng mưa đo được tại trạm Mạc Đỉnh Chi là 116,8 mm.

- Ngày 13-9-2009, có 01 cơn mưa lớn, lượng mưa đo được tại trạm Nhà Bè là 185,5 mm.

- Ngày 26-11-2009, có 01 cơn mưa lớn, lượng mưa đo được tại trạm Mạc Đỉnh Chi là 115,6 mm.

4. Triều cường: có 04 đợt triều cường cao làm bể 39 đoạn bờ bao, chiều dài 295 m:

a) Đợt triều cường giữa tháng giêng, đỉnh triều cao nhất tại trạm Phú An 1,54 m, vượt mức báo động cấp III: 0,04 m (ngày 14-01-2009) đã gây bể 04 đoạn bờ bao, chiều dài 22 m, ngập 47 ha trên địa bàn quận 12 và quận Thủ Đức, cụ thể:

- Quận 12 - phường An Phú Đông: bể 02 đoạn bờ bao, chiều dài bể 07 m, gây ngập 07 ha.

+ Ngày 11-01-2009: bể bờ bao rạch Ghe Máy, tổ 31, khu phố 2, chiều dài bể 05 m gây ngập 04 ha;

+ Ngày 13-01-2009: bể bờ bao sông Vàm Thuật (thuộc gói thầu 3A của dự án Bờ hữu sông Sài Gòn), tổ 33, khu phố 2, chiều dài bể 02 m gây ngập 03 ha.

- Quận Thủ Đức - phường Hiệp Bình Phước,: bể 02 đoạn bờ bao, dài 15 m gây ngập 40 ha.

+ Ngày 11-01-2009: bể bờ bao rạch Bằng Hòn, khu phố 5, chiều dài bể 10 m;

+ Ngày 12-01-2009: tiếp tục bể bờ bao rạch Bằng Hòn, khu phố 5 chiều dài bể 05 m (cạnh đoạn bờ bao đã bị bể ngày 11-01-2009).

b) Đợt triều cường cuối tháng 9 năm 2009, đỉnh triều cao nhất tại trạm Phú An 1,37 m, vượt mức báo động cấp I: 0,07 m (ngày 19 và 20-9-2009) đã gây bể 01 đoạn bờ bao, chiều dài 1 m trên địa bàn phường Thạnh Lộc, quận 12, không gây ảnh hưởng đến sản xuất, tài sản của nhân dân.


c) Đợt triều cường đầu tháng 10 năm 2009, đỉnh triều cao nhất tại trạm Phú An 1,42 m, vượt mức báo động cấp II: 0,02 m (ngày 06-10-2009) đã gây bể 08 đoạn bờ bao, chiều dài 37 m trên địa bàn quận 12 và quận Thủ Đức, quận Bình Thạnh, huyện Củ Chi, cụ thể:

- Quận 12 - phường Thạnh Lộc: ngày 6-10-2009, bể 02 đoạn, chiều dài 6 m.

+ Bể đoạn bờ bao sông Sài Gòn thuộc tổ 11, khu phố 2 với chiều dài bể 03 m (thuộc dự án Bờ hữu sông Sài Gòn);

+ Bể đoạn bờ bao sông Ông Đụng thuộc tổ 2, khu phố 1 với chiều dài bể 03 m.

- Quận Thủ Đức: ngày 6-10-2009, bể 02 đoạn, chiều dài 9 m.

+ Phường Hiệp Bình Phước: sạt lở, bể đoạn bờ bao sông Sài Gòn với chiều dài 05 m.

+ Phường Trường Thọ: sạt lở, bể đoạn bờ bao sông Sài Gòn khu phố 8 với chiều dài 04 m.

- Huyện Củ Chi - xã Bình Mỹ: ngày 6-10-2009, bể đoạn bờ bao kênh tiêu 24 thuộc ấp 4B, với chiều dài bể 02 m.

- Quận Bình Thạnh - phường 28: ngày 18-10-2009, bể 03 đoạn, chiều dài 20 m.

+ Bể đoạn bờ sau nhà ông Huỳnh Đình Tranh tổ 29 với chiều dài 5m.

+ Bể đoạn bờ sau nhà ông Võ Văn Nông tổ 31 với chiều dài 10m.

+ Bể đoạn bờ sau nhà ông Nguyễn Văn Hạnh tổ 22 với chiều dài 5m.

d) Đợt triều cường đầu tháng 11 năm 2009, đỉnh triều cao nhất tại trạm Phú An 1,56 m, vượt mức báo động cấp III: 0,06 m (ngày 04-11-2009) đã gây bể 26 đoạn bờ bao, chiều dài 235 m, ngập 61 ha trên địa bàn quận 12 và quận Thủ Đức, quận Bình Thạnh, huyện Củ Chi, cụ thể:

* Quận 12: có 09 điểm bể, chiều dài 33 m, ngập 26 ha và 300 hộ dân.

- Phường An Phú Đông: bể 04 đoạn bờ bao, chiều dài bể 12 m.

+ Ngày 04-11-2009: bể đoạn tại vị trí đê quay Cống số 7 (Sông Vàm Thuật), khu phố 2 thuộc gói thầu 3A (dự án bờ hữu ven sông Sài Gòn) với chiều dài bể 01 m;

+ Ngày 05-11-2009: bể đoạn tổ 24, 25, khu phố 2 thuộc gói thầu 1A (dự án bờ hữu ven sông Sài Gòn) với chiều dài 3m; 01 đoạn bờ bao rạch Cầu Võ tổ 1, khu phố 1 với chiều dài 3m; 01 đoạn bờ bao rạch Ghe Máy tổ 30, khu phố 2 với chiều dài 05 m (công trình phòng, chống lụt, bão năm 2009 của quận).

- Phường Thạnh Xuân: bể đoạn bờ bao rạch Cầu Võng tổ 47, khu phố 4 thuộc gói thầu 4B2 (dự án bờ hữu ven sông Sài Gòn) với chiều dài 4 m, ngập khoảng 6 ha.

- Phường Thạnh Lộc: bể 04 đoạn bờ bao, chiều dài 17 m.

+ Ngày 05-11-2009: bể đoạn sông Sài Gòn thuộc gói thầu 5B thuộc tổ 4, khu phố 2, với chiều dài bể 04 m; đoạn bờ bao rạch Tư Nhiều tổ 7, khu phố 2 với chiều dài bể 03 m; bể đoạn sông Ông Đụng tổ 1, khu phố 1 với chiều dài 02 m;

+ Ngày 06-11-2009: bể đoạn rạch Tư Nhiều tổ 7, khu phố 2 với chiều dài 8m, ngập 20 ha và 300 hộ dân.

* Quận Bình Thạnh - phường 28: có 10 điểm bể, chiều dài 156 m.

+ Ngày 04-11-2009: bể đoạn bờ bao rạch Hai lúa, thuộc tổ 21 với chiều dài bể 05 m; bể đoạn bờ bao rạch Cầu Cống, thuộc khu phố 2 với chiều dài bể 06 m; bể đoạn bờ bao rạch Bảy Đại, thuộc khu phố 2 với chiều dài bể 05 m; bể đoạn bờ bao rạch Cầu Chùa, thuộc khu phố 3 với chiều dài bể 05 m.

+ Ngày 05-11-2009: bể đoạn (khu vực nhà ông Bảy Huấn) tổ 23 với chiều dài bể 100 m; bể đoạn (khu vực nhà ông Sanh) tổ 26 với chiều dài bể 05 m; bể đoạn (khu vực nhà ông Huỳnh Đình Bảy, ông Nguyễn Ngọc Thạch, ông Hai Long ) tổ 31 với chiều dài bể 15 m; bể 03 đoạn (sau chùa Long Đức) tổ 33 với chiều dài 15 m.

* Quận Thủ Đức: có 05 điểm bể, chiều dài 38 m, ngập 35 ha.

- Hiệp Bình Chánh: ngày 05-11-2009, bể 02 đoạn, với chiều dài 14 m.

+ Bể đoạn bờ bao rạch Cầu Làng tổ 53, khu phố 8, với chiều dài bể 08 m làm ngập khoảng 40 đến 50 hộ dân.

+ Bể đoạn bờ bao rạch Cầu Võ tổ 54, khu phố 8, với chiều dài bể 06 m, làm ngập khoảng 60 hộ dân.

- Hiệp Bình Phước: ngày 05-11-2009, bể 02 đoạn, với chiều dài 12 m.

+ Bể đoạn bờ bao rạch Đĩa tổ 1, khu phố 4, với chiều dài bể 06 m, ngập 10 ha. 

+ Bể đoạn bờ bao rạch Đá tổ 16, khu phố 5 (thuộc dự án của Công ty Vạn Phúc) với chiều dài bể 06 m, ngập 5 ha. 

- Tam Phú: ngày 05-11-2009, bể đoạn bờ bao rạch Gò Dưa khu phố 2 với chiều dài bể 12 m, ngập 20 ha. 

* Huyện Củ Chi - xã Bình Mỹ: ngày 04-11-2009, bể 02 đoạn bờ bao, chiều dài 08 m.

- Bể đoạn bờ bao rạch Dứa thuộc tổ 6 ấp 4B với chiều dài bể 03 m;

- Bể đoạn bờ bao rạch Tra thuộc ấp 6B với chiều dài bể 05 m.

5. Sạt lở bờ sông, rạch:

Tổng cộng có 14 vụ sạt lở xảy ra ở huyện Nhà Bè (07 vụ), huyện Bình Chánh (01 vụ), Củ Chi (01 vụ), quận Thủ Đức (01) và quận Bình Thạnh (04), làm 03 căn nhà bị chuồi xuống sông, 02 căn nhà sạt lở một phần và sạt lở 4.048 m2 đất, không có thiệt hại về người, cụ thể:

a) Huyện Nhà Bè:

- Tại ấp 4, xã Nhơn Đức: ngày 25-5-2009, sạt lở tại khu vực rạch Dơi; diện tích sạt lở hơn 600 m2 (dài 50 m, rộng 12 m), ảnh hưởng đến 05 căn nhà (01 căn sụp đổ xuống sông gần như hoàn toàn), thiệt hại khoảng 70 triệu đồng.

- Tại ấp 4, xã Hiệp Phước: sạt lở tại khu vực rạch Giồng, cụ thể:

+ Ngày 28-5-2009, diện tích sạt lở hơn 140 m2, 01 căn nhà bị chuồi xuống sông và 02 căn nhà có nguy cơ sạt lở cao, thiệt hại khoảng 120 triệu đồng.

+ Ngày 27-6-2009, diện tích sạt lở 160 m2 (dài 20 m, rộng 8 m).

+ Ngày 19-7-2009, diện tích sạt lở 700 m2 (dài 14 m, rộng 50 m).

- Tại ấp 3, xã Hiệp Phước: sạt lở tại khu vực rạch Giồng- sông Kinh Lộ, cụ thể:

+ Ngày 21-7-2009, diện tích sạt lở 450 m2.

+ Ngày 22-7-2009, diện tích sạt lở 360 m2.

+ Ngày 05-8-2009, diện tích sạt lở 150 m2 (dài 15 m, rộng từ 10 m), 01 căn nhà bếp (diện tích 4 x 6 m, cột gỗ, vách lá) bị chuồi xuống sông, thiệt hại khoảng 20 triệu đồng.

b) Huyện Củ Chi: tại ấp 8, xã Bình Mỹ, ngày 13-6-2009, sạt lở rạch Tra; diện tích sạt lở hơn 30 m2 (dài 15 m, rộng 2 m), 01 căn nhà bị nứt tường, thiệt hại khoảng 20 triệu đồng.

c) Quận Thủ Đức: tại phường Hiệp Bình Chánh, ngày 22-6-2009, sạt lở tại ngã ba rạch Gò Dưa – sông Sài Gòn, diện tích sạt lở 250 m2 (dài 50 m, rộng 5 m).

d) Quận Bình Thạnh:

- Tại phường 27: ngày 03-6-2009, sạt lở bờ sông Sài Gòn, diện tích sạt lở 450 m2 (dài 30 m, rộng 15 m). Đến ngày 23-6-2009 khu vực này tiếp tục sạt lở, diện tích sạt lở 200 m2 (dài 20 m, rộng 10 m).

- Tại phường 28: ngày 21-7-2009, sạt lở bờ sông Sài Gòn, diện tích sạt lở 460 m2 (dài 46 m, rộng 8-10 m). Đến ngày 22-7-2009 khu vực này tiếp tục sạt lở, diện tích sạt lở 50 m2 (dài 25 m, rộng 2 m).

đ) Huyện Bình Chánh: tại ấp 4, xã Tân Nhựt, ngày 19-7-2009, sạt lở khu vực ngã ba sông Chợ Đệm – rạch Cái Tâm, diện tích sạt lở 48 m2, 01 căn nhà cấp 4 bị chuồi xuống sông, thiệt hại khoảng 100 triệu đồng.

 (Đính kèm Bảng tổng hợp thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2009).

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO, THIÊN TAI NĂM 2009:

1. Công tác chỉ đạo, điều hành:

a) Trong năm 2009, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố đã trình Ủy ban nhân dân thành phố:

- Ban hành Chỉ thị số 04/2009/CT-UBND ngày 02 tháng 3 năm 2009 về công tác phòng, chống lụt, bão thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2009 trên địa bàn thành phố.

- Ban hành Quyết định số 44/2009/QĐ-UBND ngày 26 tháng 6 năm 2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 04/2008/QĐ-UBND ngày 16 tháng 01 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố về công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại thành phố Hồ Chí Minh.

- Ban hành Quyết định về giao chỉ tiêu thu, nộp Quỹ Phòng, chống lụt, bão đối với công dân và doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố năm 2009 (Quyết định số 5781/QĐ-UBND ngày 31-12-2008 và Quyết định số 523/QĐ-UBND ngày 11-02-2009); Quyết định Quy định về quản lý, thu nộp, sử dụng, quyết toán Quỹ Phòng, chống lụt, bão thành phố và quận – huyện.

- Kiện toàn tổ chức Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố (Quyết định số 2988/QĐ-UBND ngày 16 tháng 6 năm 2009 và Quyết định số 5402/QĐ-UBND ngày 26 tháng 11 năm 2009).

- Ban hành Quyết định số 5615/QĐ-UBND ngày 08 tháng 12 năm 2009 về Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1002/QĐ-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng của thành phố Hồ Chí Minh (đến năm 2020).

- Chỉ đạo khẩn tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống và ứng phó với các đợt triều cường, mưa, bão (Công văn số 167/UBND-CNN ngày 14 tháng 01 năm 2009; Công văn số 4642/UBND-CNN ngày 08-9-2009).

- Phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Chỉ thị số 17/2009/CT-UBND ngày 01 tháng 10 năm 2009 về việc tổ chức chuẩn bị và thực hành diễn tập phòng, chống lụt, bão – tìm kiếm cứu nạn năm 2009 của thành phố Hồ Chí Minh.

b) Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố:

- Xây dựng Kế hoạch số 03/KH-PCLB ngày 07 tháng 01 năm 2009 về phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2009.

- Trước các đợt triều cường, bão, áp thấp nhiệt đới và thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố đã ban hành các Công điện, văn bản để kiến nghị cảnh báo, chỉ đạo trong công tác phòng, chống, ứng phó kịp thời, tránh chủ quan, thiếu sót, bị động nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại.

c) Các Sở - ban – ngành thành phố, quận – huyện đã chủ động xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đồng thời tăng cường kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện, nhất là các đơn vị vũ trang và các quận – huyện thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai.

2. Công tác đầu tư, xây dựng công trình và trang thiết bị phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn:

 - Sở Kế hoạch – Đầu tư thành phố, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố đã phối hợp với các huyện, quận ven kiểm tra và trình Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận chủ trương bố trí vốn từ nguồn ngân sách thành phố đầu tư xây dựng 128 công trình bờ bao phòng, chống triều cường kết hợp giao thông nông thôn, chống sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước năm 2009-2010 với kinh phí 282,318 tỷ đồng. Đến nay, có 9/128công trình đã hoàn thành (đạt 7,03%), đang triển khai thi công 17/128 hạng mục (chiếm 13,28%).

- Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố đã phối hợp với các quận - huyện ven kiểm tra và trình Ủy ban nhân dân thành phố bố trí vốn để đầu tư gia cố cấp bách 37 đoạn bờ bao xuống cấp có nguy cơ bị bể bờ, tràn bờ trong các đợt triều cường, xả lũ năm 2009 từ nguồn Quỹ Phòng, chống lụt, bão thành phố cho quận 12, quận Thủ Đức, quận Bình Thạnh, huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn, kinh phí hơn 4,87 tỷ đồng. Hiện nay, các công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

- Đối với 156 công trình bờ bao phòng, chống triều cường, bờ bao kết hợp giao thông nông thôn, chống sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước năm 2008 đã được điều chỉnh giảm còn 144 công trình, do không thực hiện 12 công trình (huyện Hóc Môn 07 công trình, huyện Củ Chi 03 công trình, quận Gò Vấp 02 công trình). Tính đến nay, đã hoàn thành 102/144 công trình (đạt 70,83%), đang thi công 27/144 công trình (chiếm 18,75%), đang thẩm định 15/144 hồ sơ (chiếm 10,42%).

- Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố phối hợp với Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố kiểm tra và đề xuất xây dựng 05 cống ngăn triều tại rạch Gò Dưa, rạch Thủ Đức, rạch Ông Dầu, rạch Đá và rạch Cầu Đúc Nhỏ (Thủ Đức) với kinh phí 122 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách thành phố.

- Sở Tài chính thành phố, Sở Kế hoạch - Đầu tư thành phố và Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố đã phối hợp trình Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận cấp kinh phí hơn 5,7 tỷ đồng để đầu tư phương tiện, trang thiết bị phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm, cứu nạn; trong đó, từ nguồn Quỹ Phòng, chống lụt, bão thành phố với kinh phí gần 4,6 tỷ đồng cho 8 sở - ngành và 13 quận - huyện, từ ngân sách quận - huyện hoặc Quỹ Phòng, chống lụt, bão quận - huyện với kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng cho 13 quận - huyện. Đến nay, các trang thiết bị được chấp thuận theo Công văn số 1713/UBND-CNN ngày 20 tháng 4 năm 2009 với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng, các đơn vị đã hoàn thành việc mua sắm, đạt tỷ lệ 100%; còn các trang thiết bị được chấp thuận theo Công văn số 2302/UBND-CNN ngày 23 tháng 5 năm 2009 với tổng kinh phí hơn 1,6 tỷ đồng, còn 04 đơn vị (Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản, quận 7, quận 10, quận Tân Bình) đang tiến hành mua sắm (do có sự điều chỉnh danh mục, chủng loại, thông số kỹ thuật, Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận tại Công văn số 6181/UBND-CNN ngày 25 tháng 11 năm 2009), đạt tỷ lệ 82%.

- Kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận không thực hiện thi công 07 công trình phòng, chống lụt, bão năm 2008 trên địa bàn xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn; cho phép chỉ định thầu các công trình phòng, chống lụt, bão năm 2009 trên địa bàn huyện Cần Giờ; chuyển đổi danh mục, kinh phí công trình gia cố cấp bách đoạn bờ bao xuống cấp có nguy cơ bị bể bờ, tràn bờ trong các đợt triều cường, xả lũ năm 2009 của quận Thủ Đức; giải quyết kiến nghị của Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi bổ sung kinh phí gia cố cấp bách các đoạn bờ bao xuống cấp ở xã Trung An.

3. Công tác tuyên truyền, cảnh báo, diễn tập, tập huấn phòng, chống lụt bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn:

a) Công tác diễn tậpphòng, chống lụt bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn:

* Diễn tập cấp thành phố:

- Ngày 17-11-2009, thành phố đã tổ chức diễn tập kiểm tra Phương án Phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố năm 2009 với tình huống giả định cơn bão số 13 (Saola) đổ bộ vào thành phố Hồ Chí Minh trùng vào thời điểm triều cường dâng cao kết hợp xả lũ ở thượng nguồn với mục đích rà soát, hoàn chỉnh lại Phương án Phòng, tránh, ứng phó khi bão đổ bộ trực tiếp vào thành phố (Phương án số 72/PA-PCLB ngày 08-4-2009 của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố) cho sát hợp với thực tế tình hình cũng như đặc thù của thành phố.

- Nội dung của đợt diễn tập gồm các bước: vận hành cơ chế 03 cấp (cấp thành phố, cấp huyện và cấp thị trấn) và diễn tập thực binh với 05 tình huống giả định:

+ Tình huống 1: kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú tránh bão, tổ chức neo đậu an toàn.

+ Tình huống 2: tổ chức sơ tán, di dời dân.

+ Tình huống 3: cứu hộ - cứu nạn - cứu sập trong bão.

+ Tình huống 4: tổ chức khắc phục hậu quả sau bão.

+ Tình huống 5: tổ chức tìm kiếm cứu nạn trên sông, trên biển.

Đợt diễn tập “LB.09” đã thành công và đúng mục đích, yêu cầu đề ra; Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố đã tổ chức, chỉ huy, điều hành công tác diễn tập đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản, phương tiện, trang thiết bị tham gia diễn tập. Đồng thời, sau đợt diễn tập thành phố đã tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm cho công tác chỉ đạo xử lý tình huống kịp thời khi thiên tai xảy ra.

* Diễn tập cấp quận – huyện:

Ngày 30-8-2009, quận 2 đã tổ chức diễn tập phòng chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn và di dời dân năm 2009, đợt diễn tập nhằm giúp cho Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão phường và các tổ chức, lực lượng nắm chắc các bước vận hành cơ chế, xử lý tình huống chính xác có hiệu quả để phòng chống và hạn chế tối đa các thiệt hại về người và tài sản do lụt, bão, thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn.

b) Công tác tuyên truyền,cảnh báo, tập huấn phòng, chống lụt bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn:

- Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố đã hoàn thành bổ sung nội dung, in ấn và phân phối, phổ biến 10.000 cuốn Sổ tay hướng dẫn một số biện pháp phòng tránh, ứng phó thiên tai trên địa bàn thành phố cho các địa phương, đơn vị và người dân khu vực xung yếu.

- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố tổ chức 15 buổi tuyên truyền vận động quần chúng cho 976 người dân về công tác phòng, chống lụt, bão, cháy nổ, cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn; cấp phát cho ngư dân 120 cuốn Sổ tay hướng dẫn một số biện pháp phòng, tránh, ứng phó thiên tai trên địa bàn thành phố và 252 tờ tài liệu lũ lụt và cách phòng tránh lụt, bão. Đồng thời, tổ chức tập huấn hướng dẫn ngắn ngày cán bộ phụ trách về thực hiện chế độ thông báo bão, quy trình liên lạc với các ngư dân hoạt động trên biển.

- Từ ngày 22-4-2009 đến ngày 28-4-2009, Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản mở lớp tập huấn phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn cho hơn 700 ngư dân, lực lượng xung kích của 7 xã thuộc huyện Cần Giờ và các doanh nghiệp khai thác thủy sản trên địa bàn thành phố; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ đi biển, đào tạo thuyền trưởng hạng nhỏ cho 430 ngư dân; cấp phát 1.000 tờ bướm tuyên truyền về công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn.

- Ngày 27-3-2009, Sở Xây dựng đã tổ chức tập huấn tại huyện Cần Giờ về các biện pháp chằng chống nhà ở; đồng thời, biên soạn và in ấn 1.000 cuốn tài liệu “Hướng dẫn kỹ thuật xây dựng nhà ở phòng tránh bão lốc” để phân phát cho các quận - huyện nhằm phổ biến rộng rãi đến các hộ dân sống tại các vùng ven biển, ven kênh, rạch, khu vực xung yếu.

- Ngày 29-5-2009, Công an thành phố và Văn phòng Ban đã tổ chức lớp tập huấn cho lực lượng Công an trên địa bàn thành phố về công tác trực ban, các biện pháp chằng chống nhà cửa, các biện pháp phòng chống thiên tai và kiến thức về thời tiết, khí tượng thủy văn.

- Sở Tài nguyên Môi trường thành phố đang triển khai kế hoạch tuyên truyền về động đất, cảnh báo sóng thần trên địa bàn thành phố; nghiên cứu và đề xuất thành lập Tổ thường trực theo dõi khí tượng thủy văn - biến dạng mặt đất - động đất, sóng thần trên địa bàn thành phố.

- Sở Giao thông Vận tải thành phố và Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố đã khảo sát cảnh báo 42 vị trí nguy cơ sạt lở bờ sông, kênh, rạch, biển trên địa bàn thành phố và đề nghị các đơn vị, địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó. Sở Giao thông Vận tải và các quận – huyện đang tích cực triển khai các dự án xây dựng bờ kè chống sạt lở sông, kênh, rạch, biển đã được chấp thuận chủ trương.

- Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy đã tổ chức 03 lớp huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy – cứu hộ, cứu nạn cho 112 người của Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, lực lượng phòng cháy, chữa cháy nồng cốt của Quân khu 7 và Đội Phòng cháy chữa cháy chuyên trách thuộc Cụm Cảng hàng không sân bay Tân Sơn Nhất; huấn luyện kỹ thuật bơi, lặn cứu hộ, cứu nạn nhằm giúp cho cán bộ chiến sĩ nắm vững các phương pháp kỹ thuật bơi, lặn thuần thục trong công tác cứu hộ, cứu nạn trên địa hình sông nước.

- Ủy ban nhân dân quận 4 đã tổ chức kiểm tra bơi cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng dân quân quận, đồng thời huấn luyện tập kỹ năng bơi lội cho một số đồng chí cán bộ quân nhân để sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có tình huống thiên tai xảy ra.

- Ngày 17-9-2009, quận Bình Tân và Văn phòng Ban đã tổ chức tập huấn công tác phòng chống lụt, bão, thiên tai, công tác trực ban, các biện pháp chằng chống nhà cửa cho các phường, ban – ngành, đoàn thể trực thuộc.

- Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố thường xuyên cập nhật tin tức đăng website Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố; nghiên cứu mô hình tính toán về xói lở và diễn biến bờ, lòng sông… bằng phần mềm MIKE 21C để cảnh báo kịp thời.

4. Xây dựng các Phương án, kế hoạch chủ động phòng, chống, ứng phó:

- Trong năm 2009, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố đã xây dựng các phương án, kế hoạch chủ động phòng ngừa, ứng phó với các tình huống bất thường của thời tiết, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn:

+ Xây dựng Phương án số 56/PA-PCLB về chủ động phòng, chống, ứng phó tình trạng ngập úng do mưa lớn, triều cường trên địa bàn thành phố để các quận – huyện, sở - ngành thực hiện trong năm 2009.

+ Bổ sung và hoàn chỉnh Phương án số 58/PA-PCLB về đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động thủy sản trên địa bàn thành phố.

+ Bổ sung hoàn chỉnh và ban hành Phương án số 72/PA-PCLB về phòng, tránh, ứng phó khi bão đổ bộ vào thành phố triển khai đến các sở - ngành, quận – huyện, phường – xã – thị trấn.

- Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn xây dựng phương án bảo vệ nhà máy nước, tháp điều áp khi có thiên tai, lụt, bão, mưa cường độ lớn (Phương án số 346/PA-PCLB-NMNTĐ-BV ngày 16-4-2009); kế hoạch, chương trình phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

- Ban Quản lý Khu công nghệ cao đã xây dựng Phương án số 01/PA-PCLB về phòng, tránh, ứng phó khi bão đổ bộ vào trực tiếp vào Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh.

- Ủy ban nhân dân các quận - huyện (đặc biệt huyện Cần Giờ, huyện Nhà Bè) đã bổ sung hoàn chỉnh phương án phòng, tránh ứng phó khi bão đổ bộ vào địa bàn, kế hoạch chi tiết huy động lực lượng, sẵn sàng thực hiện việc sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm: vùng cửa sông, ven biển, vùng thường xuyên bị ngập úng, vùng có nguy cơ sạt lở; một số quận – huyện đã xây dựng phương án phòng, chống, ứng phó tình trạng ngập úng do mưa lớn, triều cường trên địa bàn.

5. Công tác kiểm tra, trực ban:

- Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố đã tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phương án sơ tán, di dời dân tại các quận - huyện năm 2009. Qua kiểm tra, nhìn chung các quận - huyện đã xây dựng các phương án phòng, chống, ứng phó thiên tai, nhất là ứng phó khi bão đổ bộ trực tiếp vào địa bàn quận – huyện; xây dựng kế hoạch di dời dân; chuẩn bị các phương tiện, lực lượng để sẵn sàng ứng phó thiên tai; đồng thời đã tổ chức tuyên truyền các biện pháp phòng, chống, ứng phó thiên tai cho chính quyền cơ sở và người dân. Tuy nhiên, còn nhiều quận – huyện hiện nay chưa trang bị đủ các phương tiện, trang thiết bị phòng, chống lụt, bão – tìm kiếm cứu nạn cần thiết; tiến độ xây dựng công trình phòng, chống lụt, bão còn chậm.

- Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố đã kiểm tra công trình trước mùa mưa bão năm 2009 tại các quận – huyện: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Gò Vấp, Thủ Đức, quận 12; dự án bờ tả, bờ hữu ven sông Sài Gòn (Bắc rạch Tra), công trình Thủy lợi An Phú – Phú Mỹ Hưng, công trình Tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên (giai đoạn 1), hệ thống tiêu thoát nước Suối Nhum… để có phương án, giải pháp nhằm đảm bảo không để xảy ra sự cố.

- Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch thành phố đã yêu cầu các doanh nghiệp quảng cáo, các cơ sở kinh doanh, cửa hàng cam kết, thực hiện việc kiểm tra, gia cố lại toàn bộ các pa nô, bảng, hộp đèn quảng cáo, biển hiệu, kiểm tra hệ thống điện chiếu sáng…nhằm hạn chế đổ sập, gây tai nạn khi xảy ra giông gió, lốc xoáy, mưa bão.

- Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các đơn vị triển khai thực hiện chỉnh trang, làm gọn mạng cáp treo và ngầm hóa mạng cáp thông tin liên lạc để góp phần đảm bảo an toàn cho người dân khi xảy ra các tình huống bão, lũ và thiên tai trên địa bàn thành phố.

- Công ty Điện lực thành phố đã tổ chức kiểm tra và bảo trì các lưới điện, trạm điện (lưới và trạm truyền tải, lưới trung thế nổi và ngầm, máy biến thế - trạm biến thế phân phối, trạm ngắt và các thiết bị trong trạm ngắt, lưới hạ thế, đầu trụ hạ thế) nhằm không để thiết bị, lưới điện vận hành mất an toàn. Ngoài ra các đơn vị trực thuộc đã phân công từng tổ, đội và các cặp công nhân phụ trách từng khu vực lưới trung và hạ thế để kiểm tra thường xuyên, xử lý khiếm khuyết, không để thiết bị, lưới điện vận hành kém tin cậy, hạn chế việc khai thác tải, mất an toàn.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông phối hợp với huyện Cần Giờ và các đơn vị kiểm tra, khảo sát thực địa bờ sông Soài Rạp, đoạn từ Bình Khánh đến xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ để đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố giải pháp phòng chống sạt lở (Ủy ban nhân dân thành phố đã có văn bản chỉ đạo số 4912/UBND-CNN ngày 24-9-2009).

- Tổ chức trực ban, triển khai thực hiện công tác phòng, chống triều cường, bão, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, lốc xoáy, sạt lở bờ sông, mưa lớn…; đồng thời, yêu cầu các sở - ngành thành phố, quận - huyện tổ chức trực ban khi có thiên tai xảy ra và thực hiện chế độ thông tin, báo cáo kịp thời theo quy định.

6. Công tác quản lý tàu thuyền:

- Tập trung quản lý 1.870 tàu cá, gồm 117 tàu cá trên 90 CV hoạt động đánh bắt xa bờ và 1.714 tàu cá nhỏ hơn 90 CV thường xuyên hoạt động đánh bắt ven bờ và gần bờ biển thuộc khu vực thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre...

- Công tác quản lý tàu thuyền đã được thực hiện khẩn trương, chặt chẽ khi có vùng áp thấp, áp thấp nhiệt đới, bão xuất hiện trên biển Đông, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố đã phối hợp chặt chẽ với Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản và Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ liên tục thông báo, hướng dẫn cho các thuyền trưởng, chủ tàu thuyền hoạt động nghề cá, nhất là các tàu thuyền đánh bắt xa bờ và dân cư ven biển biết khu vực nguy hiểm, vị trí, diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão để chủ động phòng, tránh, ứng phó, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi trú tránh an toàn. Duy trì thông tin liên lạc để hướng dẫn di chuyển phòng, tránh kịp thời khi có bão, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông đạt hiệu quả. Thực hiện nghiêm lệnh cấm tàu, thuyền ra khơi khi có lệnh của Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão Trung ương – Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố.

- Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giờ và Phòng Cảnh sát Giao thông đường thủy – Công an thành phố tăng cường công tác kiểm tra giấy tờ đăng ký, đăng kiểm, trang bị thiết bị thông tin liên lạc, phao cứu sinh và thiết bị đảm bảo an toàn trên các tàu thuyền khi ra khơi đánh bắt, nắm vững vùng ngư trường hoạt động của các tàu.

7. Công tác chống ngập úng nội thị:

- Hạ tuần tháng 6 năm 2009, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố phối hợp với Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo quốc tế về tác động của biến đổi khí hậu đối với ngập lụt đô thị với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài nước cùng đại diện các cơ quan, ban – ngành Trung ương và thành phố.

- Theo thống kê, năm 2008, trên địa bàn thành phố có 78 điểm ngập do mưa trên 3 lần/năm; 48 điểm ngập do mưa dưới 3 lần/năm cần theo dõi và 79 điểm ngập do triều. Trong năm 2009, thành phố đã xoá được 30 điểm, giảm được 28 điểm ngập do mưa, xóa được 27 điểm ngập do triều. Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố đã triển khai nhiều biện pháp nhằm xoá giảm ngập như: đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án xây dựng, phát triển hệ thống thoát nước; tăng cường công tác duy tu, nạo vét hệ thống cống thoát nước, kênh, rạch, đặc biệt tập trung các vị trí thường xuyên bị ngập nước; lắp đặt các trạm bơm tại các khu vực bị ngập nặng nhằm tăng cường khả năng thoát nước; triển khai thực hiện lắp đặt 150 van ngăn triều tại các cửa xả nhằm hạn chế ngập nước do triều cường…

- Trong năm 2009, Công ty Thoát nước đô thị đã  nạo vét được 857.302 md cống các loại, triển khai vận hành 29 trạm bơm chống ngập và hàng chục máy bơm di động được điều vận hành ngắn hạn tại một số địa điểm ngập khi có yêu cầu, đặc biệt trạm bơm An Lạc, Văn Thánh, Thanh Đa, Mễ Cốc, Nguyễn Hữu Cảnh…đã góp phần rất lớn trong việc tiêu thoát nước, giảm ngập do triều cường tại các địa bàn thường xuyên bị ngập nặng, hiện nay công tác bơm chống ngập vẫn đang được công ty quan tâm, chú trọng và là biện pháp chống ngập khá hiệu quả trong việc chống ngập tạm thời.

- Ngày 07 tháng 11 năm 2009, Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố đã điều động 07 xe chữa cháy và 05 máy bơm cùng 40 cán bộ chiến sĩ phối hợp cùng các đơn vị liên quan và địa phương triển khai máy bơm, bơm hút nước xử lý sự cố ngập úng tại khu phố 1, phường 28, quận Bình Thạnh ( diện tích ngập khoảng 12 ha) sau 8 giờ triển khai bơm đã làm tiêu thoát lượng nước ngập trong khu vực.

8. Công tác ứng phó, khắc phục hậu quả:

- Đối với lốc xoáy: ngay sau khi xảy ra sự cố, chính quyền và các đơn vị, đoàn thể của địa phương đã trực tiếp xuống hiện trường, huy động lực lượng giúp nhân dân khắc phục thiệt hại và hỗ trợ kinh phí cho một số hộ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

- Đối với sạt lở bờ sông: ngay sau khi xảy ra sự cố, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố, Khu Đường sông đã có mặt kịp thời, cùng phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão quận – huyện, Ủy ban nhân dân phường – xã kiểm tra hiện trường và chỉ đạo giải quyết kịp thời để khắc phục sự cố như xây dựng rào chắn, huy động lực lượng dân quân xã túc trực, hỗ trợ sơ tán người và tháo gỡ, di dời tài sản còn lại đến nơi an toàn. Ủy ban nhân dân quận – huyện đã hỗ trợ kinh phí để giúp người dân trong khu vực sạt lở ổn định cuộc sống trước mắt trong khi chờ có nơi định cư mới.

- Đối với triều cường, ngập úng: ngay khi xảy ra sự cố bể bờ, tràn bờ, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố đã phối hợp với các cơ quan chức năng và Ủy ban nhân dân các quận – huyện liên quan tiến hành kiểm tra thực địa và tập trung chỉ đạo khắc phục sự cố bể, tràn bờ; các địa phương đã chủ động, tích cực huy động phương tiện, vật tư, các lực lượng: xung kích, dân quân, đơn vị công ích, đơn vị thi công, hợp tác xã… tổ chức khắc phục ngay các đoạn bờ bao bị bể bờ, tràn bờ; đồng thời vận động di dời dân đến các nơi tạm cư an toàn.

9. Công tác di dời dân:

Hiện nay, thành phố đang thực hiện 04 dự án di dời dân tại các khu vực có nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng bởi bão đến khu vực an toàn, cụ thể:

a. Huyện Cần Giờ: có 02 dự án (do huyện làm chủ đầu tư).

- Dự án 1: Di dời 1.100 hộ dân tại xã đảo Thạnh An vào đất liền, trong đó có 466 hộ nằm ven sông, ven biển có nguy cơ sạt lở (theo chủ trương của Thành ủy tại Thông báo số 140-TB/TU ngày 26-12-2007 và Ủy ban nhân dân thành phố tại Thông báo số 544/TB-VP ngày 6-8-2007, số 589/TB-VP ngày 21-8-2007 và số 214/TB-VP ngày 17-3-2008 của Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố).

Tiến độ thực hiện: Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ đã tổ chức điều tra, lấy ý kiến hộ dân, xây dựng đề án di dời; hiện nay đang trong giai đoạn hoàn chỉnh đề án trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, phê duyệt.

- Dự án 2: Di dời 1.400 hộ dân sống trong vùng sạt lở ven sông, ven biển, vùng trũng thấp và trong rừng phòng hộ tại các xã: Bình Khánh, An Thới Đông, Lý Nhơn, Tam Thôn Hiệp, Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, trong đó có 777 hộ sống ven sông, ven biển, kênh rạch có nguy cơ sạt lở; 623 hộ còn lại sống ở khu vực trũng thấp và trong rừng phòng hộ (Văn bản số 6487/UBND-CNN ngày 07-9-2006 của Ủy ban nhân dân thành phố).

Tiến độ thực hiện: Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ đã tiến hành khảo sát tình hình các hộ dân, tham khảo ý kiến về địa điểm tái định cư; hiện nay đang trong giai đoạn cập nhật, bổ sung, hoàn chỉnh đề án để trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, phê duyệt.

b. Huyện Nhà Bè: có 02 dự án (Ủy ban nhân dân thành phố đã chấp thuận và bố trí nguồn vốn ngân sách tập trung giao cho Ủy ban nhân dân huyện Nhà Bè thực hiện tại Quyết định số 03/2008/QĐ-UBND ngày 10-01-2008 của Ủy ban nhân dân thành phố):

- Dự án 1: Xây dựng khu di dời 118 hộ dân ven sông bị sạt lở trên địa bàn huyện Nhà Bè tại khu đất 3,86 ha xã Long Thới; tổng kinh phí 38.417 triệu đồng (kế hoạch vốn đợt I là 300 triệu đồng), do Trung tâm Phát triển Quỹ đất thành phố làm chủ đầu tư.

Tiến độ thực hiện: huyện Nhà Bè đã phê duyệt phương án tổng thể vào ngày 24 tháng 10 năm 2008 và công bố cho người dân vào ngày 07 tháng 11 năm 2008.

- Dự án 2: Xây dựng khu di dời 300 hộ dân ven sông bị sạt lở trên địa bàn huyện Nhà Bè tại khu đất 10,25 ha xã Phước Lộc; tổng kinh phí 93.730 triệu đồng (kế hoạch vốn đợt I là 500 triệu đồng), do Công ty Cổ phần Địa ốc Lam Giang làm chủ đầu tư.

Tiến độ thực hiện: huyện Nhà Bè đã phê duyệt phương án tổng thể vào ngày 15 tháng 8 năm 2008 và công bố cho người dân tại khu vực trên vào ngày 22 tháng 8 năm 2008.

10. Thu Quỹ Phòng, chống lụt, bão: 

Tổ chức, triển khai thu Quỹ Phòng, chống lụt, bão theo Quyết định số 5781/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2008 và số 523/QĐ-UBND ngày 11 tháng 02 năm 2009 về giao chỉ tiêu thu Quỹ Phòng, chống lụt, bão đối với đối tượng công dân và doanh nghiệp năm 2009. Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2009, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố đã thu được 12,24 tỷ đồng (đạt 60,07% chỉ tiêu thu, tăng 2,7 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2008), quận - huyện thu và nộp vào Quỹ phòng, chống lụt, bão thành phố là 5,22 tỷ đồng; số tồn Quỹ Phòng, chống lụt, bão thành phố là 19,5 tỷ đồng.

11. Công tác khác:

- Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống lụt, bão và phòng chống cháy rừng năm 2008 và triển khai kế hoạch, phương án chủ động phòng, chống lụt, bão năm 2009 vào ngày 03 tháng 4 năm 2009.

- Xây dựng đề án thành lập Trung tâm Quản lý và giảm nhẹ thiên tai để triển khai thực hiện các biện pháp phi công trình phòng, chống, ứng phó thiên tai.

- Hoàn thành công đoạn trồng cây phòng chống sạt lở bờ bao trên địa bàn phường Tam Phú, quận Thủ Đức và đang trong giai đoạn chăm sóc bảo quản.

- Dự thảo Quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy chế tổ chức, hoạt động của lực lượng quản lý đê nhân dân, dự thảo Quy định về chế độ, chính sách áp dụng đối với lực lượng quản lý đê nhân dân trên địa bàn thành phố thực hiện theo Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 6-01-2009 và Thông tư số 26/2009/TT-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trước mắt, trình Ủy ban nhân dân thành phố triển khai tổ chức thí điểm lực lượng quản lý đê nhân dân tại trên địa bàn quận 12 (03 phường) và quận Thủ Đức (02 phường).

- Ngày 17-9-2009, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Ngoại vụ, Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước, Công an thành phố và Ủy ban nhân dân quận Thủ Đức tiếp và hướng dẫn đoàn làm phim của Liên hiệp quốc quay phim có chủ đề “Vấn đề của tác động biến đổi khí hậu và tác động của nó đến cuộc sống của người phụ nữ Việt Nam”; trong đó có quay cảnh sạt lở bờ sông Sài Gòn tại phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức và một số vị trí ngập úng nội thị.

- Hoàn chỉnh bản đồ cảnh báo thiên tai trên địa bàn thành phố để cấp cho các quận – huyện và thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; hoàn thành Đề cương “Xây dựng bản đồ chống ngập úng vùng ảnh hưởng thủy triều”.

- Báo cáo Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão Trung ương về kinh nghiệm điển hình làm tốt và một số tồn tại trong công tác phòng, chống thiên tai, lụt, bão năm 2008 trên địa bàn thành phố và tiến độ thực hiện đề án Chiến lược Quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn thành phố đến năm 2020. Đồng thời báo cáo Phân Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão Miền Nam số liệu phục vụ phòng, chống lụt, bão và giảm nhẹ thiên tai; cung cấp thông tin cho Đề án Quy hoạch khu dân cư nông thôn tập trung thường xuyên bị thiên tai cho Viện Kiến trúc Quy hoạch Đô thị và nông thôn; báo cáo Ủy ban QG Tìm kiếm cứu nạn kế hoạch đầu tư trang thiết bị TKCN năm 2010.

- Các quận - huyện, đơn vị liên quan đã tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2008, xây dựng và triển khai kế hoạch năm 2009; củng cố, kiện toàn và phân công nhiệm vụ các thành viên Ban chỉ huy Phòng, chống lụt, bão; kiểm tra công trình trước mùa mưa lũ năm 2009, sơ kết công tác phòng, chống lụt, bão – thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 6 tháng, 9 tháng đầu năm 2009. Một số sở - ngành, đơn vị, quận – huyện đã tổng kết công tác phòng, chốn lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2009 và xây dựng kế hoạch 2010 như Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố, Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố, quận 5, quận 6; nạo vét cống rãnh, hố ga khai thông dòng chảy; nâng cấp duy tu bờ bao, công trình công cộng đang xuống cấp; chặt tỉa, mé nhánh cây xanh và đốn hạ cây chết, cây bị sâu bệnh; tổ chức sửa chữa, duy tu các hệ thống đường dây điện, viễn thông…

Văn phòng Ban chỉ huy PCLB TP – Chi cục Thủy lợi và PCLB.


Số lượt người xem: 6734    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm