SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
6
0
6
6
1
3
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 28 Tháng Giêng 2010 10:20:00 SA

Ngành Nông nghiệp và PTNT thành phố Hồ Chí Minh sơ kết Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp thành phố giai đoạn 2006 - 2009 và triển khai kế hoạch năm 2010

Ngày 26/01/2010, tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân thành phố đã tổ chức Hội nghị sơ kết Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp thành phố giai đoạn 2006 - 2009 và triển khai kế hoạch năm 2010. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Trung Tín đã chủ trì hội nghị.

 

           Tham dự hội nghị có trên 300 đại biểu đại diện lãnh đạo các cơ quan trung ương, các sở ngành thành phố, ban ngành quận huyện và phường xã có sản xuất nông nghiệp; các doanh nghiệp, công ty, hợp tác xã; báo đài trung ương và địa phương và nông dân sản xuất giỏi trên địa bàn thành phố.

               Qua 03 năm thực hiện Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp thành phố cho thấy, giai đoạn 2006 – 2009, Ngành Nông nghiệp và PTNT thành phố trong điều kiện gặp nhiều khó khăn về dịch bệnh trên cây trồng - vật nuôi, triều cường, lụt bão, giá cả các loại nguyên nhiên liệu, thức ăn gia súc luôn biến động… nhưng được sự quan tâm của Thành ủy, UBND thành phố, đồng thời với sự tích cực của các sở ngành, cùng với các quận huyện, phường xã nên đã duy trì được tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp (giá so sánh năm 1994) tăng bình quân 5,7%/năm, trong đó trồng trọt tăng bình quân 7,7%/năm, chăn nuôi tăng 10%/năm; lâm nghiệp giảm 8,7%/năm; thủy sản tăng 0,9%/năm; dịch vụ nông lâm ngư nghiệp tăng 6%/năm, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế thành phố.

            Theo đánh giá của Cục Thống kê thành phố, giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp năm 2009 theo giá so sánh năm 1994 ước đạt 3.210 tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm 2008; trong đó lĩnh vực trồng trọt ước đạt 962,2 tỷ đồng, tăng 3,1% so cùng kỳ, chăn nuôi: 991,3 tỷ đồng, tăng 7,8% so cùng kỳ, lâm nghiệp: 31,2 tỷ đồng, tăng 3% so cùng kỳ, thủy sản: 945 tỷ đồng, giảm 2,2% so cùng kỳ, các hoạt động dịch vụ nông lâm ngư nghiệp đạt 280,3 tỷ đồng, tăng 6,9% so cùng kỳ. Trong lĩnh vực chăn nuôi, năm 2009, đàn bò sữa đạt 77.100 con, sản lượng sữa thu hoạch ước đạt, 218.332 tấn, tăng bình quân 8,2%/năm; đàn heo đạt 307.014 con, bình quân giai đoạn 2006 – 2009 tăng 6,8%, sản lượng thịt tăng 14%/năm. Lĩnh vực kinh tế thủy sản cũng có chuyển biến tích cực, tổng sản lượng thủy sản năm 2009 ước đạt 42.927 tấn, tăng 1,7% so với năm 2008, trong đó sản lượng cá cảnh đạt 56 triệu con tăng 7,7% so với năm 2008 (xuất khẩu 5,4 triệu con cá cảnh, đạt giá trị hơn 6 triệu USD). Lĩnh vực trồng trọt, năm 2009, diện tích gieo trồng các loại rau đạt 10.000 ha, sản lượng 228.000 tấn/năm; diện tích gieo trồng hoa, cây kiểng đạt 1.668 ha, tăng 18,4%/năm…  Giá trị sản xuất, doanh thu bình quân 1ha đất sản xuất tăng từ 31 triệu đồng năm 2000 lên 68 triệu đồng năm 2005 và 138 triệu/ha/năm 2009.

              Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao, năm 2009 có 295 phương án chuyển đổi được các quận, huyện phê duyệt theo Quyết định số 105/2006/QĐ-UBND và Quyết định số 15/2009/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố với tổng số hộ vay là 2.061 hộ, tổng vốn đầu tư 467,8 tỷ đồng. Về chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, đến nay đã có 118 trạm cấp nước tại 66 xã phường của 11 quận huyện với 47.400 hộ được cấp nước sạch, lượng nước sử dụng bình quân đạt 1,1 triệu m3/tháng;  có trên 15.700 hộ vay vốn xây nhà vệ sinh và 1.085 hộ vay vốn xây dựng biogas… góp phần cải thiện đời sống kinh tế, văn hóa của người dân nông thôn. Chương trình xây dựng, phát triển nông thôn mới, ngoài xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi được Trung ương chọn 01 trong 11 xã thí điểm nông thôn mới của cả nước, Thành phố cũng đã quyết định chọn thêm 05 xã thuộc 05 huyện ngoại thành xây dựng mô hình nông thôn mới theo 19 tiêu chí của Trung ương, đó là các xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi; xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn; xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh; xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè và xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ; hạ tầng nông nghiệp, nông thôn của 06 xã nông thôn mới từng bước được nâng cấp, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân ngoại thành…
   
            Ngoài ra, hội nghị cùng giao lưu với các gương điển hình sản xuất giỏi trong phong trào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp thành phố giai đoạn 2006-2009, đó là, 03 gương điển hình về Hợp tác xã: HTX muối Tiến Thành (Cần Giờ), HTX heo Tiên Phong (Củ Chi), HTX rau Phước An (Bình Chánh); 02 gương nông dân điển hình: Trồng hoa lan hộ bà Trần Thị Tuyết, xã Hòa Phú, huyện Củ Chi và nuôi cá cảnh hộ ông Tống Hữu Châu, phường Thạnh Xuân, quận 12. Tại hội nghị Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố đã nhận cờ Thi đua năm 2009 do Bộ Nông nghiệp và PTNT tặng.
   
            Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Trung Tín đánh giá cao những kết quả mà Ngành Nông nghiệp và PTNT thành phố đã đạt được trong các năm qua. Theo Phó Chủ tịch, năm 2009 còn nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi… nhưng các sở ngành, hội đoàn và các quận huyện, phường xã đã phối hợp tốt, đạt những kết quả khá toàn diện, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3,2% so với năm 2008. Đặc biệt, với hơn 100 cơ sở sản xuất giống cây, con, thành phố trở thành trung tâm cung ứng giống chất lượng cao cho khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung… Cũng theo Phó Chủ tịch Nguyễn Trung Tín, năm 2010, Ngành Nông nghiệp và PTNT thành phố cần tập trung thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể: Thứ nhất, tiếp tục thực hiện Chương trình hành động số 43-CTr/TU của Thành ủy và Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện chương trình hành động của Thành ủy theo Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành TW Đảng khóa IX về nông nghiệp, nông thôn, nông dân; đặc biệt là chương trình xây dựng thí điểm 06 xã nông thôn mới. Thứ hai, chủ động phối hợp với các sở ngành liên quan, sớm công bố quy hoạch sản xuất nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn năm 2025; thực hiện có hiệu quả vốn đầu tư ngân sách cho nông nghiệp, nông thôn; xây dựng và phát triển các khu du lịch sinh thái, khu bảo tồn thiên nhiên,…đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ phục vụ nông nghiệp ở nông thôn. Thứ ba, thực hiện quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng - vật nuôi, phòng chống thiên tai và vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng và chế biến, đảm bảo vệ sinh môi trường. Thứ tư, tổ chức triển khai và thực hiện đề án quy hoạch, bảo vệ và phát triển các loại rừng, trồng rừng mới các loại cây có giá trị và ổn định lâu dài, thông qua đó thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phòng chống cháy rừng theo các phương án và kế hoạch cụ thể của Ngành. Thứ năm, phối hợp với các quận, huyện sớm đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các xã phường chuyển đổi, đặc biệt tại 06 xã nông thôn mới; đảm bảo tiến độ đầu tư xây dựng, hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng có hiệu quả; thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển nông thôn, phấn đấu năm 2010, có 100% nông dân ngoại thành được sử dụng nước sạch.

Đặng Kiệt.

Số lượt người xem: 5693    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm