SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
6
1
3
2
5
7
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 01 Tháng Sáu 2009 10:55:00 SA

Một số giải pháp chủ yếu cần tập trung để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp từ nay đến 2010

Để đảm bảo tiến độ và hiệu quả thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2006 - 2010 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, ngành Nông nghiệp và PTNT cần chủ động, phối hợp với các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện các nhóm giải pháp sau:

Về quy hoạch và đầu tư, đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng, cần tập trung hoàn chỉnh, trình thành phố phê duyệt Đề án Quy hoạch sản xuất nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn năm 2025 (đã báo cáo thường trực Ủy ban nhân dân thành phố), phối hợp với các ngành, các quận huyện khoanh vùng xác định các vùng sản xuất nông nghiệp ổn định đến năm 2020, 2025; phối hợp với các sở ngành và quận huyện quy hoạch chi tiết các vùng sản xuất giống cây, giống con, các loại cây trồng, vật nuôi, vùng sản xuất nông sản hàng hóa. Phối hợp với các sở, ngành và quận huyện tiến hành công khai, phổ biến các quy hoạch được phê duyệt, tổ chức quản lý chặt chẽ các vùng nông nghiệp ổn định. Xây dựng kế hoạch cụ thể từng năm, từng vụ (trong năm 2009 - 2010) với các giải pháp khả thi để triển khai các chương trình mục tiêu về rau an toàn, hoa - cây kiểng, cá cảnh, bò sữa, cá sấu, nuôi tôm; giống cây, giống con chất lượng cao. Tổ chức sơ tổng kết giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng mục tiêu nhiệm vụ cho giai đoạn 2011 – 2015.

Tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án trọng điểm như Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Giao dịch, triển lãm nông sản thành phố, Trung tâm Công nghệ sinh học, Trung tâm Thủy sản thành phố, Trạm kiểm dịch động vật Hóc Môn; các công trình chống ngập, phòng chống lụt bão, triều cường, xâm nhập mặn kết hợp giao thông nông thôn … Hoàn chỉnh và đưa vào khai thác cơ sở vật chất của Trung tâm Quản lý, Kiểm định giống cây trồng, vật nuôi; phát huy hiệu quả Trạm Kiểm dịch thực vật nội địa, Trạm kiểm dịch Thủy sản Cần Giờ và các công trình khác. Đầu tư đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng nông nghiệp và nông thôn, trọng tâm tại các xã nông thôn mới, xã phát triển nông thôn toàn diện và các xã điểm chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp; các cơ sở bảo quản và chế biến sau thu hoạch; kiên cố hóa hệ thống thủy lợi nội đồng. Nghiên cứu và thực hiện các biện pháp phòng chống ngập úng, triều cường, cải tạo, bồi dưỡng đất sản xuất; hạn chế ảnh hưởng xâm nhập mặn; sự cố tràn dầu, chống xói lở … Chủ động phối hợp với các Sở ngành (nhất là Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính) và các quận huyện thực hiện có hiệu quả chủ trương của Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố về tăng vốn đầu tư ngân sách cho nông nghiệp, nông thôn, tăng vốn phân cấp cho ngoại thành gấp 2 lần năm 2008, nâng mức vốn phân cấp cho các huyện gấp 3 lần so hiện nay (Chương trình hành động số 43-CTr/TU ngày 20/10/2008 của Thành ủy, Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND ngày 22/01/2009 của Ủy ban nhân dân thành phố). Phối hợp với Trung tâm chống ngập, các Sở ngành và quận huyện tổ chức thực hiện quy hoạch thủy lợi chống ngập theo quyết định phê duyệt cuả Thủ tướng Chính phủ; xây dựng và triển khai chương trình bảo vệ, cải thiện môi trường tại các vùng sản xuất nông nghiệp.

Về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp và PTNT, cần tập trung triển khai kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện chương trình hành động số 43-CTr/TU ngày 20/10/2008 của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban chấp hành TW Đảng khóa X về nông nghiệp - nông dân - nông thôn; tiếp tục thực hiện chương trình hành động của Thành ủy về đẩy nhanh CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn ngoại thành đến năm 2010, về chiến lược biển Việt Nam trên địa bàn thành phố. Xây dựng và triển khai chương trình phát triển nông nghiệp đô thị, sinh thái theo hướng hiện đại, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn. Tăng cường đầu tư, hỗ trợ để củng cố, phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn; đổi mới, các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn; triển khai Đề án phát triển nông thôn mới (gồm cả bảo tồn và phát triển làng nghề, phát triển các hình thức kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại…) tại huyện Củ Chi và Cần Giờ; Đề án đổi mới hình thức sản xuất (trang trại, HTX và kinh tế hợp tác, doanh nghiệp nông thôn; liên kết sản xuất giữa các hộ nông dân với các thành phần kinh tế); Đề án, chương trình phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn đến năm 2020. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tạo đột phá để hiện đại hoá, công nghiệp hoá nông thôn; tổ chức thực hiện các Đề án tăng cường và nâng cao chất lượng các hoạt động khuyến nông; chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp; Đề án phát triển cơ khí hóa nông nghiệp. Nghiên cứu thực hiện chính sách phù hợp để huy động cao các nguồn lực đẩy nhanh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn ngoại thành khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác sản xuất và hộ nông dân liên kết chặt chẽ với các nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng (khắc phục các tồn tại trong thời gian qua): Đầu tư nâng cấp trường Trung học Kỹ thuật nông nghiệp thành trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật nông nghiệp; tăng cường tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, kỹ năng thực hành cho lao động nông nghiệp; đầu tư, đổi mới hoạt động khuyến nông, khuyến ngư, tư vấn hỗ trợ chuyển giao khoa học – công nghệ để nâng cao trình độ sản xuất của nông dân, kết hợp với việc phát triển các dự án nhỏ giải quyết việc làm (dự án phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn, cá cảnh, cá sấu,…).

Về phát triển nguồn nhân lực và nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, cần nghiên cứu tổ chức lại hệ thống khuyến nông, tư vấn hỗ trợ, xúc tiến thương mại nông sản: theo hướng gắn liền người sản xuất - cán bộ nông nghiệp - nhà doanh nghiệp, ký kết hợp đồng tư vấn, hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở các bên cùng có lợi. Đổi mới các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư trong việc tổ chức tập huấn, huấn luyện, chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ để nâng cao trình độ sản xuất của nông dân và hộ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo các hộ nông dân thực hiện chuyển đổi được tập huấn đầy đủ các qui trình, thủ tục về sản xuất và vay vốn để đầu tư. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp, Trường đại học, Viện nghiên cứu ... với nông dân, hộ sản xuất và với vùng nguyên liệu trong công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, giống mới, công nghệ sau thu hoạch và giải quyết cơ bản vấn đề tiêu thụ nông sản phẩm. Tổ chức đào tạo và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới cộng tác viên cơ sở, đảm bảo nắm vững tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, phối hợp chặt chẽ với địa phương trong các hoạt động, kế hoạch triển khai các chương trình mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là chuyển đổi diện tích trồng lúa. Đầu tư nâng cấp trường Trung cấp Kỹ thuật nông nghiệp thành trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật nông nghiệp để đào tạo và nâng cao trình độ quản lý, nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ quản lý nông nghiệp cấp xã-phường, HTX nông nghiệp, tổ hợp tác sản xuất; bổ sung và nâng cao chương trình đào tạo công nhân các ngành trồng trọt (rau, hoa – cây cảnh, sinh vật cảnh), chăn nuôi (gia súc, 1 số động vật hoang dã), lâm nghiệp (trồng, quản lý, bảo vệ rừng), thủy sản (cá cảnh), sản xuất và chế biến muối, chế biến nông sản, thực phẩm, ngành nghề truyền thống … Tiếp tục củng cố, tăng cường tổ chức bộ máy của ngành Nông nghiệp và PTNT phù hợp với chức năng, nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Tiếp tục tổ chức thực hiện Thông tư liên tịch 61/2008/TTLT-BNN-BNV ngày 15/5/2008 của liên Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và nhiệm vụ quản lý Nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp xã về nông nghiệp và phát triển nông thôn, Quyết định 41/2008/QĐ-UBND ngày 20/5/2008 của Ủy ban nhân dân thành phố về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân quận huyện, củng cố tổ chức và nâng cao năng lực hoạt động phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện. Tiếp tục thực hiện việc quản lý và điều hành bộ máy Sở Nông nghiệp và PTNT theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 và quy chế 1 cửa, triển khai tại tất cả các đơn vị thuộc Sở; phối hợp với các quận huyện có sản xuất nông nghiệp củng cố tổ chức và nâng cao trình độ cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn ở địa phương, đảm bảo năng lực thực hiện chương trình và chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2006 - 2010 và các năm tiếp sau. Cải tiến và nâng cao năng lực cập nhật thông tin tiến độ sản xuất, xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê đến phường xã; kịp thời cập nhật tình hình bỏ hoang hóa đất canh tác, những chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt đối với nông nghiệp đô thị. Cụ thể: nâng cao năng lực của các cộng tác viên thuộc các đơn vị như Chi cục Thú Y, Chi cục Bảo vệ thực vật, Chi cục QLCL và BVNL Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông để phối hợp chặt chẽ với phòng Kinh tế, phòng Nông nghiệp và PTNT, phòng Thống kê quận huyện trong việc thu thập, cập nhật thông tin; đảm bảo tính chính xác và thống nhất của nguồn thông tin, số liệu đồng thời cải tiến phương pháp thu thập cơ sở dữ liệu tại địa phương, xây dựng cơ sở dữ liệu từ xã phường đến quận huyện một cách đồng bộ và thống nhất. Tiếp tục củng cố, kiện toàn về tổ chức thanh tra ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo Quyết định số 2836/QĐ-UBND ngày 28/06/2007 của Ủy ban nhân dân thành phố; tăng cường phối hợp với các ngành, các địa phương để thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra về chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, giống và vệ sinh an toàn thực phẩm theo chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân thành phố; tăng cường kiểm tra, kiểm soát để xử lý các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nguồn nước khu vực sản xuất nông nghiệp. Nâng cao năng lực pháp chế, hiệu quả công tác cải cách hành chính. Định kỳ rà soát các văn bản pháp quy của ngành và thành phố để kịp thời đề xuất với UBND thành phố hoặc Bộ Nông Nghiệp và PTNT điều chỉnh cho phù hợp với các quy định và cam kết của WTO. Xây dựng, trình cấp thẩm quyền ban hành các quy định về việc kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GAP) trong trồng trọt và thủy sản, quy định về chăn nuôi an toàn, quy định về chuồng trại cá sấu…nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và tiến tới xây dựng và ban hành các quy định và tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu của thành phố, các rào cản kỹ thuật (TBT), các biện pháp tự vệ cho ngành nông nghiệp. Ứng dụng ISO 9001:2000 trong các khâu quản lý, biên soạn và phát hành các văn bản pháp quy và dịch vụ công, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh giống, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Tuyển dụng và đào tạo chuyên viên pháp lý trong các đơn vị quản lý nhà nước chuyên ngành về luật pháp trong nước và quốc tế, về kỹ năng giải quyết các tranh chấp thương mại trong WTO, phấn đấu mỗi đơn vị trọng yếu phải có 1 chuyên viên pháp chế hoặc 1 luật sư. Tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của TW và thành phố về nông nghiệp - nông thôn. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với kinh tế tập thể, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất dịch vụ về giống; dịch vụ phục vụ sản xuất, tiêu thụ, chế biến nông lâm thủy hải sản. Tổ chức triển khai đồng bộ chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân chuyển đổi đất hiệu quả thấp để trồng các loại cây khác, nuôi thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn; chính sách hỗ trợ phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết số 07/2007/NQ-HĐND thành phố về miễn thu thủy lợi phí, miễn giảm thu quỹ Phòng chống lụt bão, tăng mức ngân sách hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình vệ sinh môi trường nông thôn (nhà vệ sinh, hầm biogas), tăng cường 2 cán bộ có trình độ đại học cho mỗi hợp tác xã nông nghiệp. Tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương, chỉ thị của Thành phố về đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao hiệu lực của bộ máy nhà nước, công tác phòng chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Ngoài các giải pháp trên, cần tăng cường chỉ đạo các giải pháp về kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, sản xuất muối, các hoạt động về xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản; chương trình hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp. Tập trung nâng cao nhận thức hội nhập kinh tế quốc tế và các cam kết của Chính phủ trong lĩnh vực nông nghiệp khi gia nhập WTO; tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực nông nghiệp.

                                                Phòng Kế hoạch Tài chính

 
(

Số lượt người xem: 12601    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm