SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
6
1
4
6
4
8
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 30 Tháng Mười Hai 2008 11:00:00 SA

Phát triển nông nghiệp trong đô thị

Việc chuyển dịch cơ cấu theo hướng nông nghiệp đô thị phải nhằm đạt 4 mục tiêu: đó là nâng giá trị sử dụng đất (120 triệu đồng/ha/năm 2008 lên 300 triệu đồng/ha/năm 2020; tăng thu nhập cho người lao động (lợi nhuận 40-50%/doanh thu); nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm trong điều kiện hội nhập; ngoài ra nông nghiệp đô thị còn nhắm đến mục tiêu là tạo môi trường sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thân thiện với con người, với xã hội.

Trong tiến trình bảo vệ và xây dựng thành phố Sài Gòn - Tp.Hồ Chí Minh luôn luôn gắn liền với sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội - an ninh của mọi miền đất nước. Ngày nay, cùng với sự hình thành các khu công nghiệp, khu dân cư, thị trấn, thị tứ, các hoạt động và sinh sống của dân cư thành phố vừa không tách rời mối quan hệ hữu cơ giữa các vùng, các miền vừa dần dần thay đổi phù hợp với điều kiện mới.

Do quy hoạch về tài nguyên - môi trường còn chắp vá, bị động; do quy hoạch về xây dựng thiếu kiểm soát, tự phát nên đã và đang dẫn đến nhiều hệ quả nặng nề: môi trường đất, nước, không khí ô nhiễm trầm trọng; nguy cơ dịch bệnh thường xuyên đe dọa con người và cả động vật, thực vật chung quanh. Ai cũng cảm nhận tình trạng căng thẳng, ngột ngạt.

Trước đây, hiện nay và trong tương lai trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố vẫn kiên trì xây dựng một vành đai xanh, vành đai lương thực thực phẩm, bây giờ là vành đai nông nghiệp đô thị phát triển bền vững; vừa đáp ứng những nhu cầu vật chất, vừa giải quyết những đòi hỏi về văn minh tinh thần.

Trước tình hình nhiệm vụ mới, thành phố khẳng định: “Tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu theo hướng hình thành nền nông nghiệp đô thị…” Nông nghiệp đô thị là nền nông nghiệp bao gồm các chức năng chủ yếu:

- Là trung tâm của vùng và cả nước về khoa học công nghệ, kỹ thuật và thông tin về nông nghiệp hiện đại, thị trường…

- Chuyên sản xuất cung cấp các dịch vụ đầu vào: giống, công cụ, thiết bị chuyên dùng, các loại dinh dưỡng, bảo vệ thực vật, động vật; giải quyết đầu ra: mở rộng và nâng cấp việc thu hoạch, đóng gói, sơ chế, bảo quản, vận chuyển sản phẩm, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.

Sản xuất hàng hóa phù hợp với quỹ đất có giá trị cao như: hoa, lan, cây kiểng, cá cảnh; nuôi trồng các loại đặc sản, cao sản.

- Nông nghiệp đô thị còn phải bảo đảm cảnh quan, góp phần cải thiện môi trường sinh thái theo hướng xanh - sạch - đẹp, hài hòa giữa thiên nhiên với con người.

- Ngoài ra, thành phố còn góp phần trong việc đào tạo, huấn luyện, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật từ các kết quả nghiên cứu, thực nghiệm, ứng dụng của các trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, tư vấn và hỗ trợ nông dân.

Việc chuyển dịch cơ cấu theo hướng nông nghiệp đô thị phải nhằm đạt 4 mục tiêu: đó là nâng giá trị sử dụng đất (120 triệu đồng/ha/năm 2008 lên 300 triệu đồng/ha/năm 2020; tăng thu nhập cho người lao động (lợi nhuận 40-50%/doanh thu); nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm trong điều kiện hội nhập; ngoài ra nông nghiệp đô thị còn nhắm đến mục tiêu là tạo môi trường sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thân thiện với con người, với xã hội.

Nông nghiệp đô thị là hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bên trong hoặc bên cạnh đô thị, nó gắn chặt với hệ thống kinh tế - xã hội của đô thị, chịu sự tác động bỏi quy hoạch, kế hoạch, chính sách và nhu cầu của đô thị. Do đó, để phát triển nông nghiệp đô thị một cách bền vững cần thực hiện các giải pháp chủ yếu sau:

- Trước hết phải rà soát quy hoạch và có kế hoạch sử dụng một cách hợp lý, hài hòa; chuyển đổi những vùng đất năng suất, hiệu quả thấp sang các ngành nghề mang lại giá trị sử dụng đất cao hơn; Không phát triển công nghiệp những vùng đất màu mỡ, có lợi thế cho sản xuất nông nghiệp.

Song song với với công tác quy hoạch, phải có kế hoạch sử dụng đất theo hướng tập trung, chuyên canh cần có chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng các mô hình trình diễn sản xuất công nghệ cao, xây dựng trung tâm giao dịch, chợ đầu mối, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Áp dụng các chính sách ưu đãi về sử dụng đất, vốn, thu hút đầu tư công nghệ cao.

- Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao, công nghệ mới; trước hết là nghiên cứu tạo chọn giống, nhân giống, quy trình sản xuất thương phẩm, quy trình thu hoạch, xử lý, bảo quản, vận chuyển sản phẩm … Đây là khâu then chốt, có tính chất quyết định đến tốc độ, chất lượng và hiệu quả của quá trình chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp đô thị. Hệ thống và tổ chức khuyến nông đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thông qua các cơ sở thực nghiệm, các điểm trình diễn, các chương trình hội thảo, huấn luyện kỹ năng thực hành…

Xây dựng nền nông nghiệp đô thị là một định hướng rất quan trọng, cần thiết và cấp bách; đặc biệt trong giai đoạn thành phố đang đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa hiện đại hóa và có dấu hiệu suy thoái môi trường như hiện nay.

                                                                     Trương Hoàng

                          Ban Chỉ đạo Nông nghiệp - Nông thôn thành phố Hồ Chí Minh

 
 


Số lượt người xem: 12805    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm