SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
4
6
7
6
1
1
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 11 Tháng Tư 2007 1:55:00 CH

Cơ cấu giống lúa vụ Đông - Xuân 2006-2007

Để xây dựng cơ cấu giống lúa phù hợp cho từng vùng sản xuất vụ Đông Xuân 06/ 07 ở Nam bộ, các địa phương cần đặc biệt chú ý đến tình hình diễn biến dịch rầy râu và đạo ôn xảy ra năm 2006 và phản ứng của các giống lúa với hai đối tượng này. Nguyên tắc chung là ở mỗi vùng chỉ nên sử dụng 4-5 giống chủ lực, nhưng một giống chủ lực không chiếm diện tích qúa lớn (trên 40%) và diện tích gieo trồng giống lúa nhiễm nặng rầy nâu không qúa 10%. Cần đa dạng hóa cơ cấu giống lúa cho từng vùng sản xuất, tránh tình trạng sử dụng giống nhiễm trên diện tích qúa lớn.

 

Trong số các giống lúa đại trà, các giống lúa có mức độ chống chịu rầy nâu và đạo ôn ở mức chấp nhận được và vẫn giữ vai trò chủ lực cho sản xuất lúa vụ ĐX 06/ 07 là OM 576, IR 64, VND 95-20, AS 996, OMCS 2000, IR 50404, OM 2517, OM 4498 và OM 2395. Các giống lúa chủ lực nhiễm trung bình đến nặng rầy nâu và đạo ôn trên diện rộng cần được chú ý hoặc xem xét khuyến cáo giảm bớt diện tích, đặc biệt ở những vùng có áp lực cao, là Jamine 85, OM 1490, OM 2717, VD 20, ST 3, OM 2514…Có thể xem xét mở rộng dần diện tích sản xuất các giống lúa khảo nghiệm mới có mức kháng đạo ôn và rầy nâu khá tốt hoặc chấp nhận được là: MTL 645, MTL 385, OM 5930, OM 4900, OM 5932 , IR 59656-5K-2, OM 5796, OM 5637…

Cơ cấu giống lúa cụ thể cho những vùng sản xuất lúa chính đề xuất như sau:

Vùng phù sa ngọt dọc sông Tiền sông Hậu sử dụng các giống lúa thâm canh chất lượng cao như VND 95-20, OMCS 2000, IR 64, OM 2517… và duy trì tỷ lệ phù hợp các giống OM 2718, OM 1490 và các giống lúa nếp, đặc sản.

Ở vùng bán đảo Cà Mau (tính từ Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và một phần tỉnh Kiên Giang) với mức độ bộc phát rầy nâu chưa mạnh; ngoài các giống chủ lực, vẫn có thể duy trì các giống OM 2718, OM 2717 và các giống lúa ST đặc sản. Vùng đất phèn có thể sử dụng giống OM 1350, OM 2488, IR 56381 (MTL 149), AS 996…

Vùng Tây sông Hậu, Tứ giác Long Xuyên sử dụng các giống chủ lực nêu trên, giảm bớt diện tích Jasmine 85, nếp, OM 2514, OM 2717…

Vùng Đồng Tháp Mười: cơ cấu chủ lực là các giống cực sớm và sớm như OM 576, IR 50404, OMCS 2000, VND 95-20; duy trì tỷ lệ phù hợp OM 1490, OM 3536 và các giống đặc sản khác.

Vùng ven biển Nam bộ: cơ cấu chủ lực là các giống OM 576, IR 50404, OMCS 2000, AS 996, OM 4498, VND 95-20.

TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ: giống lúa chủ lực là VND 95-20, OMCS 2000, IR 64, OM 3536, VND 99-3, OM 1490, OM 2717, OM 2718. 

Ở mỗi địa phương, tùy thuộc vào tình hình cụ thể có thể xây dựng cơ cấu với 4-5 giống chủ lực, 3-4 giống bổ sung và 4-5 giống sản xuất thử.

Đề nghị Viện Lúa ĐBSCL, Viện Khoa học NN miền Nam, Trường ĐH cần Thơ, Công ty CP giống cây trồng Miền Nam và các Công ty giống cấp tỉnh khác đánh giá và kiểm tra lại tình sản xuất và số lượng hạt giống lúa Siêu nguyên chủng, Nguyên chủng và Xác nhận để đảm bảo cung ứng kịp thời, đủ số lượng và chủng loại giống chất lượng cho sản xuất vụ ĐX tới. ở những nơi có đất lúa vụ 3, cần tăng cường sản xuất giống lúa nguyên chủng và xác nhận; chú ý đến nhóm giống chủ lực đã tồn tại trong sản xuất thời gian dài vẫn tiếp tục sử dụng  trong thời gian tới như IR 64, VND 95-20, OM 576, IR 50404, Jasmine 85…

 

OM 2514

 

1. Đặc điểm

OM2514-314 được phát triển từ tổ hợp lai OM1314 / Nếp MT. Giống mẹ OM1314 là vật liệu  chống chịu mặn rất tốt trong điều kiện đất khảo nghiệm ở Gò Công Đông (1995). Giống bố: Nếp MT là giống nếp dẻo. Kế thừa đặc điểm di truyền của bố mẹ, giống OM2514 có những tính trạng nông học thể hiện như sau:

Khó chọn lọc cá thể trong quần thể phân ly giữa lúa nếp và lúa tẻ, Viện Lúa phải chọn từng hạt / bông để tìm ra giống lúa tẻ có dạng hình ổn định từ 2002.


 

Thời gian sinh trưởng: 85-90 ngày cho lúa sạ và 101 ngày cho lúa cấy. Do đặc điểm chín sớm, nên nông dân có điều kiện bố trí thới vụ trong vùng bị ngập lũ trong mùa mưa. Chiều cao cây: 90-100cm. Thân rạ trung bình (chú ý bón phân cân đối, đúng liều lượng). Khả năng đẻ nhánh khá. Trọng lượng 1000 hạt: 26,2g.

Phản ứng với rầy nâu cấp 5 và đạo ôn cấp 3.

Khả năng thụ phấn rất nhanh, tránh được những rủi ro do thời tiết bất thuận trong vụ hè thu. Giống thích nghi cả hai vụ đông xuân và hè thu.

Chỉ số thu hoạch HI = 0,52. Năng suất trung bình tại An Giang là 5 tấn / ha trong vụ hè thu và 7 tấn / ha trong vụ đông xuân.  Năng suất cao nhất 8 tấn /ha. Thích nghi vùng thâm canh, đặc biệt vùng Tứ giác Long Xuyên. Diện tích phát triển rất nhanh nhờ tính trạng năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn, ngon cơm, có mùi thơm, nên diện tích đạt 42.200 ha sau một năm khảo nghiệm rộng và sản xuất thử ở An Giang.

 

2. Phẩm chất

Tỉ lệ gạo nguyên: 40,6-48,6%. Chiều dài hạt gạo: 7,10-7,29mm.

Hàm lượng amylose: 24,0-24,7%, cơm mềm và dẻo. Nhiệt độ hóa hồ: cấp 3-4. Độ bền thể gel 40,25-40,60mm. Hàm lượng protein: 7,8-8,7%. Gạo có mùi thơm nhẹ.

 

OM2717

 

1. Đặc điểm

Giống OM2717 được phát triển từ tổ hợp lai OM1738 / TN128. Giống TN128  là Tài Nguyên đột biến 100 được dùng làm bố. Giống mẹ là OM1738 dẫn xuất từ tổ hợp lai giữa OM296 và IR50404.  Công tác chọn lọc được thực hiện theo phương pháp phả hệ, và dòng triển vọng đã được khảo nghiệm quốc gia từ năm 2000. Giống OM2717 đã được công nhận khu vực hóa vào năm 2004. Xu thế phát triển về diện khá cao trong năm 2005 (trên 120.000 ha)

 

Thời gian sinh trưởng ổn định 100 ngày (cấy) và 90-95 ngày (sạ). Chiều cao cây 100-110cm. Thích nghi rộng. Dài bông 25cm. Số hạt chắc / bông 90-100. Tỉ lệ hạt lép khá ổn định giữa hai vụ ĐX và HT (17-19%). Trọng lượng 1000 hạt 22-24gr. Năng suất 6-7 tấn / ha (ĐX) và 4 tấn / ha (HT). Năng suất đạt cao nhất 8 tấn / ha trong mạng lưới khảo nghiệm. Thích nghi cả hai vụ đông xuân và hè thu. Kháng trung bình với rầy nâu và nhiễm đạo ôn.

2. Phẩm chất

Hạt thon dài. Chiều dài hạt gạo 7,4mm. Độ bạc bụng cấp 1. Tỷ lệ gạo nguyên 52,4%. Amylose 25,3%. Độ trở hồ cấp 3. Độ bền thể gel 43 mm.

 

OM2718

 

1. Đặc điểm

Giống OM2718 được phát triển từ tổ hợp lai OM1738 / MRC19399 đột biến. Giống mẹ là OM1738 dẫn xuất từ tổ hợp lai giữa OM296 và IR50404. Giống bố MRC19299 được khu vực hóa vào năm 1997, với tên gọi là OMFi1, Viện đã cho xử lý đột biến với Cobalt 60 tạo ra dòng đột biến có dạng hình nông học rất đẹp. Bộ NN và PTNT đã công nhận tạm thời vào năm 2004. Xu thế phát triển giống OM2718 tăng rất cao trong năm 2005 với diện tích 115.800 ha. Diện tích phát triển nhiều nhất ở Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, An Giang, Vĩng Long, Cần Thơ, TP Hồ chí Minh.

 

Thời gian sinh trưởng 95 ngày (ĐX 95 ngày, HT 100 ngày). Chiều cao cây: 115cm. Dạng hình thâm canh. Phản ứng với rầy nâu cấp 5, đạo ôn cấp 5. Chống chịu điều kiện bất thuận khá, thích nghi ở các vùng canh tác còn nhiều khó khăn. Chiều dài bông 26cm. Hạt chắc / bông 95-100. Tỷ lệ hạt lép 15-19%. Năng suất đạt 7,6 tấn / ha (ĐX) và 4,5 tấn / ha (HT). Thích nghi cả hai vụ ĐX và HT.

2. Phẩm chất

Dài hạt gạo: 7,4mm, vỏ trấu có màu vàng sáng. Tỉ lệ chiều dài hạt / chiều rộng hạt: 3,3. Độ bạc bụng cấp 1. Amylose 25,3%. Độ trở hồ cấp 3. Độ bền thể gel 43mm. Tỉ lệ gạo nguyên cao: 54%. Thị hiếu tiêu dùng: được ưa chuộng trong thị trường nội địa và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

 

OM 4498

1. Đặc điểm

OM4498 được phát triển từ tổ hợp lai IR64 / OMCS2000 // IR64, quần thể BC2F2 được sử dụng để thực hiện bản đồ di truyền gen chống chịu mặn với sự có mặt của marker RM223 định vị trên nhiễm sắc thể số 8. Ứng dụng marker phân tử trong chọn tạo giống lúa đã được thực hiện để chọn ra dòng OM4498.

Thời gian sinh trưởng:  95-100 ngày. Chiều cao: 100-105cm. Thân rạ cứng. Khả năng đẻ nhánh khá. Trọng lượng 1000 hạt 25,8g. Chiều dài bông 26cm. Phản ứng với rầy nâu cấp 5 và đạo ôn cấp 3. Chỉ số thu hoạch HI = 0,58. năng suất đạt trung bình 5-7 tấn / ha. Năng suất cao nhất: 8 t/ha.

 

Khả năng sống sót ở giai đoạn mạ trong điều kiện bị stress do mặn ở EC=12dS/m là 28 ngày. Khả năng chống chịu độ độc nhôm được đánh giá bằng chỉ số RRL là 0,85. Như vậy đây là giống có khả năng thích nghi cho vùng khó khăn như phèn mặn.

OM4498 có lượng phytate thấp trong hạt gạo, giúp cho việc hấp thu sắt trong dinh dưỡng hàng ngày của người dân tốt hơn.

Dạng hình cây lúa được đánh giá tốt trong nhiều lần thăm dò ý kiến của nông dân và cán bộ khuyến nông qua bốn vụ khảo nghiệm (2004-2005).

2. Phẩm chất

Dài hạt gạo: 7,3mm. Tỉ lệ D/R: 3,1. Tỉ lệ gạo nguyên: 52,4%

Hàm lượng amylsoe: 24,3%. Độ trở hồ cấp 3. Độ bền thể gel: 43,3mm

 

(Phòng Nông nghiệp)


Số lượt người xem: 9453    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm