SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
6
1
0
1
9
2
Chương trình - báo cáo 03 Tháng Bảy 2019 8:30:00 SA

Kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2019

Thực hiện kế hoạch công tác cải cách hành chính năm 2019 của Ủy ban nhân dân thành phố, với chủ đề “Năm đột phá cải cách hành chính và thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội”; Sở đã ban hành 25 văn bản chỉ đạo, điều hành thực hiện 8 chỉ tiêu, với 39 nhiệm vụ, giải pháp công tác cải cách hành chính. Căn cứ kế hoạch của Sở, thủ trưởng 15/15 đơn vị trực thuộc chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao và phân công nhiệm vụ, tiến độ thực hiện cụ thể cho từng công chức, viên chức. Sở phát động phong trào thi đua cải cách hành chính, 15/15 đơn vị chủ động phát động phong trào thi đua và đăng ký thực hiện hoàn thành 8 chỉ tiêu cải cách hành chính theo chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị. Sở tổ chức kiểm tra việc thực hiện 6 nhiệm vụ của công tác cải cách hành chính tại 6/15 đơn vị trực thuộc. Đặc biệt kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động cải cách hành chính. Phát huy sự sáng tạo, cải tiến trong cải cách hành chính để phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Công tác thông tin, tuyên truyền công tác cải cách hành chính được lãnh đạo các phòng ban, đơn vị trực thuộc quan tâm thực hiện. 13 trang thông tin điện tử của Sở và các đơn vị trực thuộc đều có chuyên mục riêng về “cải cách hành chính”, hàng tháng cung cấp thông tin liên quan đến công tác cải cách hành chính. 6 chi cục thuộc đã in ấn, phát hành 6.000 tờ gấp tuyên truyền 23 thủ tục hành chính thực hiện trên dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 thông qua hình thức phát cho người dân, doanh nghiệp tại các hội thảo, hội nghị của từng đơn vị. Ngoài ra, tại 20 cuộc hội thảo, hội nghị chuyên ngành (khoảng trên 2.000 lượt người tham dự) các đơn vị trực thuộc đã tổ chức tuyên tuyền, phát tờ gấp với các nội dung về văn bản quy phạm pháp luật là cơ chế - chính sách của ngành cho người dân, doanh nghiệp. Bộ phận “một cửa” tại 6 chi cục trực thuộc tổ chức khảo hài lòng của người dân, doanh nghiệp bằng phiếu khảo sát phát khi người dân, doanh nghiệp đến nộp hồ sơ và nhận kết quả. Với số phiếu khảo sát phát ra, thu về là 6.229 phiếu/15.569 hồ sơ (đạt 40%). Kết quả khảo sát hài lòng 6.105 phiếu/6.229 phiếu (đạt 98,1%).

Về cải cách thể chế: Thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tính đến nay đã trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành 22 văn bản là kế hoạch, chương trình của ngành. Trong đó có 01 văn bản quy phạm pháp luật: Quyết định số 08/2019/QĐ-UBND ngày 26/3/2019 của UBNDTP về bãi bỏ Quyết định số 12/2015/QĐ-UBND ngày 27/02/2015 của UBNDTP về việc ban hành tiêu chí cánh đồng lớn trên địa bàn thành phố. Tiếp tục rà soát và thực hiện 30 văn bản quy phạm pháp luật là các cơ chế, chính sách của ngành. Hiện đang sửa đổi, xây dựng, lấy ý kiến các Sở ngành 09 văn bản quy phạm pháp luật để trình thành phố xem xét, phê duyệt.

Tổ chức 01 cuộc tập huấn về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, với 100 lượt công chức, viên chức tham dự. Công tác theo dõi thi hành pháp luật triển khai có trọng tâm, trọng điểm và đồng bộ với công tác xây dựng, rà soát, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật của ngành. Trong các cơ chế, chính sách của ngành, trọng tâm là chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố, cho thấy với 1 đồng vốn ngân sách hỗ trợ lãi vay (668,605 t đồng), sẽ huy động được 19 đồng vốn xã hội (12.896,965 t đồng), trong đó huy động từ tổ chức tín dụng là 12 đồng (7.872,273 t đồng), huy động trong dân là 7 đồng 5.024,692 t đồng.

Cải cách thủ tục hành chính: Tính đến nay, Sở chỉ đạo các chi cục chuyên ngành rà soát 132 thủ tục hành chính của ngành theo Quyết định số 700/QĐ-BNN-VP ngày 01 tháng 3 năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, để trình Ủy ban nhân dân thành phố công bố danh mục và triển khai niêm yết, công khai tại bộ phận “một cửa” và thực hiện theo hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001, ISO điện tử. Trong đó, có 23/45 thủ tục hành chính đủ điều kiện, phát sinh hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, đã tiếp nhận và giải quyết trước hạn, đúng hạn tại bộ phận “một cửa” là 15.569/15.569 hồ sơ của người dân, doanh nghiệp (đạt 100%). Trong đó, tiếp nhận và giải quyết 268/514 hồ sơ nộp trực tiếp và trực tuyến của 23 thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp (đạt 52,1%). 98,1% người dân, doanh nghiệp hài lòng thông qua phiếu khảo sát tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả “một cửa”.

Cơ chế một cửa, một cửa liên thông được các đơn vị đẩy mạnh thực hiện, tạo sự chuyển biến tích cực, hiệu quả trong công tác giải quyết thủ tục hành chính của ngành. Sở đang thực hiện 01 thủ tục hành chính “Thủ tục thẩm định và phê duyệt dự án lâm sinh” trên phần mềm một cửa, một cửa liên thông. Tiến hành rà soát, đăng ký Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện các thủ tục hành chính theo 1 cửa, 1 cửa liên thông được quy định tại Quyết định số 03/2019/QĐ-UBND ngày 21/02/2019 của Ủy ban nhân dân thành phố.

Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước: Sở đang triển khai kiện toàn tổ chức bộ máy theo tinh thần của Nghị quyết số 18 và 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII và Nghị quyết, Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố. Cơ cấu tổ chức bộ máy của Sở hiện có Ban Lãnh đạo (Giám đốc và 02 Phó Giám đốc), Cơ quan Văn phòng Sở (06 phòng) và 15 đơn vị trực thuộc, gồm: Trường Trung cấp kỹ thuật nông nghiệp, Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới, 06 Chi cục chuyên ngành, 04 Trung tâm, 03 Ban Quản lý. Tổng số công chức, viên chức và người lao động là 1.382 người, trong đó có 504 nữ.

Thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước của ngành về hỗ trợ nông dân sản xuất và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tập trung triển khai thực hiện quả các chương trình, đề án trọng điểm của ngành giai đoạn 2016 -2020, gồm: Chương trình phát triển nông nghiệp giai đoạn 2019 – 2025 theo hướng cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, Chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới, Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, Chương trình ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp – nông thôn, Chương trình phát triển giống cây - giống con chất lượng cao, Đề án nâng cao chất lượng đàn bò sữa, Chương trình phát triển giống bò thịt, Chương trình phát triển rau an toàn, Chương trình phát triển hoa cây kiểng…

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả “một cửa” Cơ quan Văn phòng Sở và 06 chi cục chuyên ngành (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Thủy sản, Chi cục Thủy lợi, Chi cục Phát triển nông thôn) có tổng diện tích khoảng 70 m2/7 phòng (bình quân mỗi phòng trên 9 m2). Có 7 công chức, viên chức làm việc tại bộ phận “một cửa”. Trang thiết bị cho mỗi bộ phận “một cửa” gồm có máy vi tính, nối mạng, máy in, điện thoại bàn và máy Fax.

Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức: Sở đang thực hiện Quyết định số 6158/QĐ-UBND ngày 22/11/2017 và Quyết định số 6748/QĐ-UBND ngày 29/12/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, viên chức các phòng ban, đơn vị trực thuộc Sở. 15/15 đơn vị trực thuộc đã được Sở phê duyệt và triển khai vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, viên chức theo đúng quy định. Trên cơ sở kế hoạch đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của thành phố; Sở đã ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức năm 2019. Trong 6 tháng đầu năm 2019, đã cử 110 lượt công chức, viên chức tham gia các lớp đào tạo do Sở ngành thành phố tổ chức.

Cải cách tài chính công: Căn cứ Ủy ban nhân dân thành phố giao chỉ tiêu dự toán, ngay từ đầu năm 2019 Sở tiến hành giao dự toán cho 3 đơn vị theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP của Chính phủ, 11 đơn vị theo Nghị định số 141/2016/NĐ-CP của Chính phủ và 01 đơn vị (Trung tâm Công nghệ sinh học) theo Nghị định số 54/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Các đơn vị đã thực hiện việc đánh giá, chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND ngày 16 tháng 3 năm 2018 của Hội đồng nhân dân thành phố. Thông qua quyết toán kinh phí năm 2018 cho 15/15 đơn vị trực thuộc.

Hiện đại hoá hành chính: Toàn Sở có khoảng 300 hộp thư điện tử công vụ được Sở Thông tin và Truyền thông cấp. 100% công chức, viên chức các phòng ban, đơn vị đều sử dụng thư điện tử trong công việc. 100% văn bản của Sở đã phát hành qua hộp thư điện tử, mạng nội bộ (mạng LAN), phần mềm quản lý văn bản hồ sơ công việc đến các Sở ngành, quận huyện và các đơn vị liên quan. Có 13 trang thông tin điện tử cung cấp thông tin hoạt động của ngành. Công tác triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001, một cửa – một cửa liên thông, dịch vụ công trực tuyến và ISO điện tử trong thực hiện thủ tục hành chính đã nâng cao ý thức trách nhiệm của công chức, viên chức trong thực thi công vụ. 37 phần mềm quản lý (trong đó có 16 phần mềm do các đơn vị tự xây dựng) đang sử dụng tại Sở và các đơn vị trực thuộc đáp ứng được nhu cầu chỉ đạo, điều hành, thuận lợi cho việc truy cập, quản lý và sử dụng dữ liệu của ngành.

Sáng kiến trong công tác cải cách hành chính: Thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với thủ tục hành chính “Cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá” tại Trạm Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Cần Giờ, thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ).

Trước đây ngư dân huyện Cần Giờ đến tại bộ phận “một cửa” của Chi cục Thủy sản, tại quận Bình Thạnh nộp hồ sơ, nhận kết quả của thủ tục hành chính “Cấp lại giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá” thì phải đi lại 4 lần, với quảng đường dài 260 km (đi xe máy bình quân 40 km/1 giờ), cộng với đi qua phà Bình Khánh mất 2 giờ (bình quân 0,5 giờ/1 lần đi) và nộp hồ sơ, nhận kết quả mất 1 giờ. Tính ra để nộp hồ sơ, nhận kết quả của thủ tục trên phải mất gần 10 giờ, chi phí xăng 6 lít (40km/1 lít xăng), giá thành 20.500 đồng/lít xăng, ăn uống, nghỉ ngơi khoảng 200.000 đồng/4 lần đi. Tổng cộng chi phí hết tất cả khoảng 350.000 đồng/1 lần nộp hồ sơ, nhận kết quả của thủ tục nêu trên, chưa tính hao mòn của xe máy.

Khi triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với thủ tục hành chính “Cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá” tại Trạm Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Cần Giờ, thị trấn Cần Thạnh thì ngư dân đi lại 4 lần, với quảng đường dài chỉ có 20 km, mất 0,5 giờ (mỗi lần đi xe máy khoảng 5 km/1 lần đi), nộp hồ sơ, nhận kết quả mất khoảng 1 giờ. Tính ra để nộp hồ sơ, nhận kết quả của thủ tục trên chỉ mất khoảng 1,5 giờ, chi phí xăng xe khoảng 0,5 lít (giá thành 10.250 đồng/lít), uống nước mất chi phí khoảng 50.000 đồng/4 lần đi. Tổng cộng chi phí hết tất cả khoảng 65.000 đồng/1 lần nộp hồ sơ, nhận kết quả của thủ tục nêu trên.

Hiệu quả khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức 3 của thủ tục “Cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá” tại Trạm Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Cần Giờ thì giảm thời gian, chi phí cho ngư dân rất nhiều so với thực hiện tại bộ phận “một cửa” tại Chi cục Thủy sản, quận Bình Thạnh (chỉ tốn 1,5 giờ/10 giờ, chi phí 65.000 đồng/350.000 đồng).

Hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 180/802 chiếc tàu cá của ngư dân huyện Cần Giờ có chiều dài 12 mét trở lên, đúng quy định thực hiện thủ tục “Cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá” 2 lần/năm. Tính ra mỗi năm thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức 3 của thủ tục “Cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá” tại Trạm Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Cần Giờ là 360 hồ sơ./.

 Đ.K


Số lượt người xem: 1119    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm