SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
4
6
6
7
0
2
Chương trình - báo cáo 08 Tháng Năm 2019 9:35:00 SA

Các sáng kiến trong công tác cải cách hành chính tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Chợ phiên nông sản an toàn.

Mục đích hỗ trợ cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn an toàn (có chứng nhận) tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng. Tạo cầu nối, thói quen, điểm đến cho người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đạt tiêu chuẩn, VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn an toàn khác có chứng nhận… Giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước theo dõi, kiểm tra giám sát được hàng nông sản đưa vào thành phố tiêu thụ.

Chợ phiên nông sản an toàn đầu tiên từ tháng 8/2016, được tổ chức tại số 195 – 197 Cao Thắng nối dài, P.12, Q.10, vào sáng thứ bảy hàng tuần. Sau hơn 2 năm hoạt động của chợ phiên này, trên cơ sở đánh giá rút kinh nghiệm, theo đề xuất của các quận, ý kiến khảo sát đề xuất của người tiêu dùng, sự ủng hộ của các đơn vị sản xuất, phân phối; đến nay chợ phiên nông sản an toàn đã tổ chức tại 10 điểm  tại các quận 1, 2, 3, 5, 6, Bình Tân và Tân Bình.

Lũy tiến đến nay, đã tổ chức 345 kỳ chợ phiên, có 6.519 lượt đơn vị tham gia, với 7.358 gian hàng của trên 100 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và trang trại đã trưng bày và mua bán tại các chợ phiên, giới thiệu đến người tiêu dùng. Doanh thu bình quân đạt từ 200 - 250 triệu đồng/phiên. Quan trọng hơn, chợ phiên đã ghi nhận tổng cộng trên 200 thỏa thuận, đơn đặt hàng tiêu thụ sản phẩm an toàn giữa các đơn vị tham gia chợ phiên và khách hàng. Tổng giá trị các sản phẩm VietGAP thông qua các hợp đồng đạt 22,5 tỷ đồng/tháng (tương đương với 270 tỷ đồng/năm). Tổng doanh thu từ hoạt động bán tại chợ phiên và thông qua các hợp đồng, đơn đặt hàng đạt 31,5 tỷ đồng/tháng (tương đương với 378 tỷ đồng/năm).

2. Bản đồ số hóa bản đồ vùng sản xuất rau tại thành phố Hồ Chí Minh.

Lần đầu việc ứng dụng công nghệ để số hóa diện tích, năng suất, sản lượng rau bình quân, số hộ, thành phần, chủng loại rau, vùng trồng rau, bản đồ thổ nhưỡng, kết quả phân tích các chỉ tiêu đất, nước… một lĩnh vực mới thay thế cho việc quản lý số liệu, tra cứu thông tin bằng các phương pháp truyền thống (văn bản giấy). Ứng dụng công nghệ thông tin bằng phần mềm WEBGIS thông qua công nghệ GIS và công nghệ WEB.

Hiệu quả tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành lĩnh vực cây trồng (cây rau) cũng như sản xuất, kinh doanh của nông dân, doanh nghiệp. Các cán bộ quản lý chuyên ngành chỉ cần thực hiện click chuột đã có một báo cáo hoàn chỉnh, đầy đủ các thông tin liên quan về sản xuất rau tại thành phố. Người dân, cơ sở sản xuất, cơ quan quản lý nhà nước… dễ dàng tìm kiếm thông tin liên quan về sản xuất rau của thành phố, như vùng sản xuất rau quy hoạch, vùng sản xuất rau thực tế, bản đồ thổ nhưỡng, điều kiện sản xuất (kết quả phân tích mẫu đất, mẫu nước); loại rau, năng suất, sản lượng; vùng sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng công nghệ cao; thông tin các cửa hàng vật tư nông nghiệp, hợp tác xã; ranh giới hành chính, giao thông, thủy hệ, đặc điểm kinh tế văn hóa - xã hội,.. Số hóa bản đồ giúp kết nối được giữa đơn vị cung ứng vật tư, người sản xuất, đơn vị chế biến, đơn vị thu mua và người tiêu dùng. Số hóa bản đồ tạo bức tranh tổng quát, chi tiết về việc sản xuất rau của thành phố.

Việc xây dựng bản đồ số hóa các vùng sản xuất rau trên địa bàn thành phố sẽ góp phần vào công tác thực hiện đề án đô thị thông minh mang lại nhiều lợi ích cho các cấp quản lý cũng như người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, trong và ngoài nước. Cung cấp dữ liệu về  lĩnh vực cây rau như vùng sản xuất tập trung, vùng quy hoạch rau an toàn, diện tích canh tác, năng suất, sản lượng, chi phí  đầu tư, mức lợi nhuận… Kết nối những doanh nghiệp kinh doanh vật tư nông nghiệp (giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật), sản xuất và thi công nhà màng, nhà lưới với các hợp tác xã, doanh nghiệp và người dân sản xuất rau. Hình thành và kết nối kênh phân phối và tiêu thụ giữa các công ty thương mai, hợp tác xã và người dân trồng rau. Góp phần tăng giá trị sản phẩm rau, tạo mối liên kết từ sản xuất, thu mua, sơ chế, đóng gói và tiêu thụ sản phẩm, giúp cho việc quản lý tốt về an toàn thực phẩm đối với mặt hàng rau củ quả.

3. Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) xây dựng bản đồ quản lý vùng nuôi thủy sản huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh.

Hiệu quả giúp nhà quản lý nhìn bao quát được tình hình nuôi trong vùng nuôi. Nhìn trên bản đồ nhà quản lý có thể biết được những cơ sở nuôi đang nuôi, cơ sở nuôi ngưng nuôi và cơ sở nuôi đang bị bệnh, đồng thời có thể dự đoán được những khu vực nào, cơ sở nuôi nào có nguy cơ bị lây lan dịch bệnh, từ đó sẽ có những biện pháp ngăn chặn lây lan dịch bệnh có hiệu quả.

Dựa vào mã số cơ sở nuôi và bản đồ người ta có thể dễ dàng biết được nguồn gốc sản phẩm này được nuôi hay sản xuất tại đâu, định hướng quy hoạch phát triển vùng nuôi được tốt hơn.

4. Ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận và xử lý thông tin phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố.

Khi có thông tin dự báo thiên tai (bão, áp thấp nhiệt đới, động đất, sóng thần…) xảy ra, thành phố (thông qua Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố) sẽ tổ chức nhắn tin cảnh báo bằng tiếng Việt và tiếng Anh đến các thuê bao di động đang hoạt động trên địa bàn thành phố từ chủ yếu 03 nhà mạng Vinaphone, Mobifone và Viettel để người dân (kể cả người nước ngoài) biết và chủ động ứng phó. Ngoài ra, khi có yêu cầu cần cứu nạn, cứu hộ trên sông, trên biển và vùng nước cảng biển thành phố từ cuộc gọi của điện thoại di động kể cả vào ban đêm và trong điều kiện thời tiết nguy hiểm; thành phố sẽ tổ chức định vị được thuê bao di động (tọa độ, vị trí, địa chỉ) để điều lực lượng, phương tiện đến cứu nạn, cứu hộ kịp thời./.


Số lượt người xem: 1898    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm