SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
7
2
6
4
0
Chương trình - báo cáo 12 Tháng Sáu 2019 9:10:00 SA

Các giải pháp góp phần cải thiện, nâng cao 03 bộ chỉ số cải cách hành chính tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Với mục đích triển khai thực hiện chủ đề năm 2019 “Năm đột phá cải cách hành chính và thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội”. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các phòng ban, đơn vị trong việc triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính; nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác cải cách hành chính. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, góp phần tích cực xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh. Tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp nông nghiệp, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nông nghiệp phát triển. Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp hiệu quả, bền vững, trong đó tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và nâng cao năng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nông nghiệp trong thời kỳ hội nhập. Ngành Nông nghiệp thành phố triển khai các giải pháp góp phần cải thiện, nâng cao 03 bộ chỉ số cải cách hành chính năm 2019.

Đối với chỉ số cải cách hành chính (PAR index) và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).

- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng, kỹ thuật trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cập nhật các quy định pháp luật hiện hành để tránh những sai sót về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật; chú trọng nghiên cứu các biểu mẫu, kỹ thuật trình bày văn bản theo quy định tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

- Cải thiện cơ sở vật chất tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, bám sát các tiêu chí đánh giá hài lòng của người dân, doanh nghiệp (SIPAS), như bố trí đủ chỗ ngồi chờ cho người dân, tổ chức; trang thiết bị phục vụ người dân, tổ chức phải đầy đủ, hiện đại và dễ sử dụng. Chuẩn hóa các tiêu chuẩn, định mức và các điều kiện tối thiểu về trang thiết bị cho Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tùy theo đặc thù của từng đơn vị.

- Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ; công bố, công khai thủ tục hành chính theo Nghị định số 63/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

- Nâng cao trách nhiệm của công chức, viên chức trong tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức; nghiêm túc thực hiện “Thư xin lỗi” đối với trường hợp giải quyết thủ tục hành chính trễ hạn.

- Thực hiện tốt cơ chế kiểm soát việc thực hiện “Thư xin lỗi” đối với thủ tục hành chính giải quyết trễ hạn; thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đôn đốc công chức, viên chức tại đơn vị thực hiện thủ tục hành chính đảm bảo đúng quy định.

- Niêm yết công khai đầy đủ, chính xác địa chỉ cơ quan, địa chỉ hộp thư điện tử, số điện thoại chuyên dùng của cơ quan làm đầu mối tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính, thủ tục hành chính trên địa bàn thành phố.

- Nhận và xử lý triệt để các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính, thủ tục hành chính, trong đó làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của công chức, viên chức đối với nội dung phản ánh, kiến nghị, đảm bảo yêu cầu và thời hạn theo quy định tại Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính và Quyết định số 26/2014/QĐ-UBND ngày 01 tháng 8 năm 2014 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy chế tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính tại thành phố.

- Kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất thái độ, hành vi, nội quy, giờ giấc làm việc, bộ quy tắc ứng xử của công chức, viên chức. Chấn chỉnh thái độ, hành vi của công chức, viên chức và xử lý nghiêm đối với công chức, viên chức vi phạm nội quy, giờ giấc làm việc, bộ quy tắc ứng xử. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại và sử dụng công chức, viên chức, tình hình chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính.

- Thực hiện nghiêm đề án vị trí việc làm của đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp trực thuộc đã được phê duyệt; kiểm tra số lượng lãnh đạo cấp phòng, trạm trực thuộc đơn vị nhiều hơn hoặc bằng số lượng chuyên viên, có biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 24 tháng 6 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố về tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới.

Đối với chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

- Triển khai thực hiện nề nếp, có hiệu quả nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính; 100% đơn vị áp dụng công nghệ thông tin quá trình tiếp nhận – xử lý công việc, nhằm mục đích phục vụ tốt hơn cho doanh nghiệp nông nghiệp; công khai minh bạch tất cả các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp nông nghiệp tiếp cận, thực hiện các thủ tục khi có nhu cầu.

- Tiếp tục công tác đào tạo nhằm góp phần xây dựng đội ngũ công chức, viên chức chuyên nghiệp có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, sự nghiệp phát triển của ngành.

- Tiếp tục công khai các chương trình, đề án, kế hoạch của ngành trên cổng thông tin điện tử của đơn vị. Hướng dẫn chi tiết việc tham chiếu các văn bản luật và quy định của các cấp từ Trung ương cho tới địa phương để tất cả doanh nghiệp nông nghiệp tiếp cận một cách dễ dàng.

- Công khai minh bạch bằng nhiều hình thức trên phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử hoặc văn bản niêm yết tại trụ sở đơn vị trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính về thời gian, chi phí, quy trình thủ tục, thành phần hồ sơ, các loại biểu mẫu, hướng dẫn chi tiết để người dân và doanh nghiệp dễ hiểu, dễ thực hiện và dễ kiểm soát.

- Thường xuyên tổ chức đối thoại với doanh nghiệp nông nghiệp dưới nhiều hình thức: tiếp xúc trực tiếp, thông qua hệ thống trang tin điện tử, đường dây nóng của đơn vị… để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp để tháo gỡ kịp thời. Tổ chức đánh giá sự hài lòng của các doanh nghiệp sau khi giải quyết các thủ tục hành chính, trong đó cần nêu rõ các lý do chưa hài lòng để chấn chỉnh và khắc phục. Tổ chức lấy ý kiến của doanh nghiệp nông nghiệp thông qua đường dây nóng, cổng thông tin điện tử để kịp thời tham mưu chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, yếu kém của các đơn vị trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp.

- Tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm của hoạt động công vụ; có chính sách đãi ngộ, động viên, khuyến khích công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ và có cơ chế loại bỏ, bãi miễn những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, mất uy tín với nhân dân và doanh nghiệp. Chuẩn hóa đội ngũ công chức, viên chức về thái độ, trình độ, nhận thức và kỹ năng để đáp ứng nhu cầu công việc. Có cơ chế kiểm tra, giám sát các bộ phận liên quan đến việc giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp, đồng thời xử lý nghiêm, loại bỏ các trường hợp nhũng nhiễu doanh nghiệp.

Đ.K


Số lượt người xem: 1335    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm