SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
8
9
3
7
8
7
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 01 Tháng Mười Hai 2004 11:55:00 SA

Đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp các tỉnh phía Nam đến năm 2010

Nội dung chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp; Tại Hội thảo “ Quản lý và sử dụng phân bón trong mối quan hệ với đặc điểm đất của các tỉnh phía Nam ”, TS. Nguyễn An Tiêm, Phân việc Quy hoạch Thiết kế nông nghiệp Miền Nam đã trình bày một số định hướng chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp các tỉnh phía Nam đền năm 2010. Báo cáo đã đưa ra một số nội dung chủ yếu sau đây:

   

Vấn đề chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp:

Chuyển đổi một phần diện tích đất canh tác lúa năng suất thấp, kém hiệu quả sang các mục đích khác có hiệu quả kinh tế cao hơn như nuôi trồng thuỷ sản, hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày, trồng cỏ chăn nuôi, chủ yếu ở Đồng Bằng sông Cửu Long ( ĐBSCL ), Đông Nam Bộ ( ĐNB ), Duyên Hải Nam Trung Bộ, ( DHNTB )đồng thời củng cố và mở rộng diện tích lúa thâm canh ở một số nơi có điều kiện thuỷ lợi, nhất là Tây Nguyên ( TN ), đảm bảo diện tích canh tác lúa cả nước ở mức 3,8 – 4,0 triệu ha.

Giảm diện tích cà phê vối ở ĐNB và TN từ 512 ngàn ha xuống 430 ngàn ha để trồng cây ăn trái và cây công nghiệp lâu năm khác, tăng cơ cấu diện tích cà phê chè ở những nơi có điều kiện. Tăng diện tích cao su ở ĐNB và TN, chủ yếu trên đất lâm phần không còn rừng, quy mô tăng khoảng 100 ngàn ha.

Chuyển đổi các cây trồng ngắn ngày, hình thành các vùng tập trung gắn với công nghiệp chế biến. Tăng nhanh diện tích đất trồng cỏ chăn nuôi đại gia súc lên 150 ngàn ha. Giữ và phát triển thêm diện tích rừng, đảm bảo độ che phủ rừng 46% diện tích tự nhiên

Điều chỉnh, tổ chức sản xuất một số ngành hàng chính.

Hướng điều chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp của các tỉnh phía Nam cơ bản là giảm giá thành, nâng cao chất lượng và giá trị các loại nông sản hiện có, kết hợp điều chỉnh quy mô sản xuất một số ngành hàng trên cơ sở thị trường và lợi thế cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất và nước, đó là:

Nhóm cây trồng giảm quy mô diện tích do kém lợi thế cạnh tranh, thị trường hạn chế, tập trung đầu tư chiều sâu nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành ở quy mô diện tích nhất định, gồm: lúa gạo, cà phê.

Nhóm cây trồng cơ bản duy trì quy mô diện tích hiện có hoặc tăng giảm không nhiều với mục tiêu đáp ứng đủ nguyên liệu chế biến cho các cơ sở hiện có và sử dụng hợp lý tài nguyên kết hợp với bảo vệ môi trường, do lợi thế cạnh tranh không cao, khó khăn về thị trường, tập trung đầu tư chiều sâu, kết hợp đa dạng hóa sản xuất và sản phẩm trong tổ chức sản xuất, gồm: cao su, hồ tiêu, mía.

Nhóm cây trồng vật nuôi có thể mở rộng diện tích và quy mô sản xuất đầu tư chiều sâu, gồm các ngành hàng có thị trường xuất khẩu hoặc thay thế nhập khẩu, lợi thế cạnh tranh cao như: cây ăn quả, điều, ngô, đậu, bông, rau, hoa, cây cảnh, chăn nuôi bò thịt, sữa, gia cầm.

Trên nguyên tắc đó, hướng điều chỉnh phát triển các ngành hàng nông sản của các tỉnh phía Nam đến năm 2010 như sau:

(1)              Lúa gạo: giữ diện tích canh tác lúa 2,5 triệu ha (trong đó có lúa luân canh với cây trồng cạn) , diện tích gieo trồng đạt 4,5 triệu ha, sản lượng 23,7 triệu tấn (chiếm 65% cả nước). Đồng bằng sông Cửu Long vẫn là vùng trọng điểm lúa lớn nhất cả nước với sản lượng 18-19 triệu tấn, đóng góp chủ yếu cho xuất khẩu 3-4 triệu tấn gạo. Vấn đề là đưa tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất để giảm giá thành, tăng chất lượng gạo và luân xen canh trên đất lúa để tăng thu nhập cho nông dân.

(2)              Ngô: thị trường trong nước yêu cầu lớn đặc biệt là chế biến  thức ăn cho gia súc. Mở rộng diện tích ngô từ 384 ngàn ha hiện nay lên 450 ngàn ha năm 2010, chủ yếu luân canh trên đất lúa, đạt sản lượng 1,8 - 1,9 triệu tấn ( chiếm 38 % cả nước).

(3)              Rau các loại: tăng diện tích từ 280 ngàn ha hiện nay lên 320 ngàn ha, sản lượng 5,6 triệu tấn, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng nội địa và tăng kim ngạnh xuất khẩu. Áp dụng công nghệ sản xuất  mới để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Xây dựng một số vùng chuyên canh rau phục vụ xuất khẩu ở Lâm Đồng và ĐBSCL.

(4)              Mía: không xây dựng thêm nhà máy đường, soát xét lại vùng nguyên liệu để đảm bảo duy trì hoạt động cho các nhà máy có khả năng đủ nguyên liệu. Diện tích mía bố trí là 249 ngàn ha, sản lượng mía đạt 17 triệu tấn.

(5)              Bông: thị trường trong nước rộng, tuy nhiên, yêu cầu kinh tế - kỹ thuật cho sản xuất cao, chưa hình thành được vùng chuyên canh bông ổn định. Tổ chức sản xuất bông theo quy mô công nghiệp vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Dự kiến nếu thử nghiệm thành công sẽ bố trí 172 ngàn ha, chủ yếu ở ĐNB và ĐBSCL, sản lượng 318 ngàn tấn

(6)              Lạc: Chủ yếu phục vụ xuất khẩu, trong thị trường giá cả Thế giới biến động nên diện tích không ổn định hàng năm. Đưa tiến bộ kỹ thuật mới, nhất là giống vào sản xuất để tăng khả năng cạnh tranh của lạc,  duy trìn diện tích khoảng 180 ngàn ha, sản lượng 400 ngàn tấn, ngoài ý nghĩa kinh tế còn duy trì và cải tạo môi trường đất.

(7)              Đậu tương: yêu cầu trong nước cao, tuy nhiên năng suất thấp (1,6 tấn/ha) nên hiện nay kém sức cạnh tranh, diện tích chỉ khoảng 50 ngàn ha. Nếu áp dụng kỹ thuật mới, nhất là giống đưa năng suất trên 2 tấn/ ha thì có khả năng mở rộng diện tích lên 130 ngàn ha, tập trung ở ĐBSCL, ĐNB và TN.

(8)              Cà phê: Do giá cà phê thế giới tăng cao những năm 1994-1996 nên diện tích và sản lượng cà phê ở nước ta tăng nhanh, góp phần làm giá cà phê vối Thế giới giảm mạnh, nhất là từ năm 2000 đến nay. Đáng chú ý, diện tích cà phê tăng thêm chủ yếu trên đất ít thích hợp, thiếu nước tưới, nên năng suất thấp, chi phí cao. Cần thiết phải điều chỉnh lại quy mô sản xuất cà phê. Dự kiến giảm 70 ngàn ha cà phê vối ở Tây Nguyên và ĐNB, chuyển sang các cây trồng khác, diện tích cà phê còn 440 ngàn ha, sản lượng 800 -900 ngàn tấn.

(9)               Cao su: hiện có 400 ngàn ha, tập trung chủ yếu ở ĐNB và TN và đang tiếp tục tăng nhanh. Dự kiến đến 2010 đạt 500 ngàn ha, sản lượng 620 ngàn tấn cho xuất khẩu và công nghiệp trong nước. Cao su ngoài giá trị kinh tế còn có ý nghĩa rất lớn về môi trường, nhất là trong bối cảnh diện tích rừng đang bị thu hẹp.

(10)          Chè: tập trung chủ yếu ở Lâm Đồng, quy mô diện tích 26 ngàn ha, dự kiến mở rộng lên 32 ngàn ha vào năm 2010, sản lượng đạt 52 ngàn tấn chè khô. Hiện nay đang áp dụng kỹ thuật mới về giống, kỹ thuật canh tác và chế biến để nâng cao chất lượng và giá trị phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

(11)          Điều: thị trường rộng và chất lượng điều Việt Nam được xem là tốt. Ưu điểm của điều là không kén đất như một số cây trồng khác nên có điều kiện mở rộng diện tích, nhất là trên đất chuyển đổi cà phê và đất lâm nghiệp không còn rừng. Nhờ áp dụng kỹ thuật tiến bộ mới về giống và kỹ thuật thâm canh nên năng suất có thể đạt trên 2 tấn hạt/ha, khả năng cạnh tranh cao, Dự kiến đều tăng thêm 100 ngàn ha để đạt 258 ngàn ha vào năm 2010 với sản lượng trên 330 ngàn tấn hạt

(12)          Hồ tiêu: hiện nay diện tích tiêu cả nước đã đạt 50 ngàn ha, sản lượng trên 70 ngàn tấn, chủ yếu ở ĐNB và TN làm cho cung cầu tiêu Thế giới thay đổi, giá cả giảm. Cần khuyến cáo nông dân hạn chế phát triển tiêu để tránh rủi ro, các tỉnh phía Nam chỉ giữ quy mô diện tích 46 ngàn ha, sản lượng dưới 110 ngàn tấn.

(13)          Cây ăn quả: Tiềm năng phát triển cây ăn quả ở các tỉnh phía Nam lớn, nhất là ĐBSCL và ĐNB với nhiều loại quả nhiệt đới có giá trị kinh tế cao. Nhằm đáp ứng yêu cầu trong nước và xuất khẩu ngày càng tăng, mở rộng diện tích từ 420 ngàn ha hiện nay lên 690 ngàn ha năm 2010, sản lượng 5,6 triệu tấn. Vấn đề là phải tổ chức lại sản xuất gắn với áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, nhất là giống để tạo thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo từng chủng loại cây, trong đó ưu tiên cho các loại cây đặc sản.

(14)          Chăn nuôi: Nhanh chóng tăng nhanh số lượng và chất lượng đại gia súc để đáp ứng yêu cầu về thịt, sữa trong nước. Quy mô đàn trâu bò đạt 3,3 triệu con, sản lượng thịt hơi đạt 182 ngàn tấn, sữa 269 ngàn tấn vào năm 2010. Quy hoạch lại vùng nuôi gia cầm theo quy mô trang trại, hạn chế nuôi gia cầm trong hộ gia đình, quy mô đàn gia cầm đạt 145 triệu con vào năm 2010.

                                                TS. Dương Hoa Xô

            ( Theo tài liệu Hội thảo Quản lý và sử dụng  phân bón trong mối quan hệ với đặc điểm đất các tỉnh phía Nam - TP. HCM, ngày 22-23/11/2004)


Số lượt người xem: 7922    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm