SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
8
9
4
0
6
9
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 05 Tháng Năm 2004 12:35:00 CH

Khép kín quy trình bảo vệ thực vật nhằm đạt hiệu quả cao trên đồng ruộng

Công tác Bảo vệ thực vật là một nhiệm vụ quản lý nhà nước đồng thời cũng là một hoạt động mang tính chất khuyến nông, do đó tổ chức thực hiện công tác này có hiệu quả là một vấn đề cần đặt ra và giải quyết một cách đồng bộ trong điều kiện hiện nay.
 
   


Để đánh giá công tác BVTV một cách cụ thể và toàn diện (mang tính tương đối) thì không thể chỉ có công tác điều tra phát hiện sinh vật hại và tham mưu phòng trị tốt là đủ, mà còn phải được tiến hành tiếp tục để kiểm tra tính hiệu quả trong phòng trị của người dân và trong quá trình phòng trị họ đã gặp phải những khó khăn gì để về phía Nhà nước, cán bộ khuyến nông có thể giúp đỡ họ vượt qua những khó khăn đó.

Để làm được điều đó, phải có một hệ thống công cụ tốt phục vụ điều tra phát hiện sinh vật hại. Công cụ này là mạng lưới cộng tác viên ở từng xã phường. Họ phải được đào tạo huấn luyện một cách bài bản, chuyên sâu BVTV để thật sự là tai mắt cho ngành BVTV địa phương. Họ cùng ở, cùng sản xuất trong cộng đồng, cùng sinh hoạt trong môi trường mà họ đang phục vụ sẽ dễ dàng phát hiện kịp thời sinh vật hại trong từng địa bàn sản xuất.

Tiếp đến phải nói đến hệ thống công cụ dự tính dự báo, đó là một hệ thống các trạm BVTV của từng huyện và hệ thống bẫy đèn, bẫy sinh học đồng ruộng…Phương tiện dự tính dự báo đảm bảo tính chính xác càng cao khi hệ thống càng được đầu tư hoàn thiện về kỹ thuật, về số lượng cũng như về kỹ năng trình độ dự tính dự báo. Căn cứ vào báo cáo tình hình sinh vật hại từ mạng lưới cộng tác viên, cán bộ kỹ thuật các trạm sẽ sử dụng các công cụ dự báo cần thiết phù hợp để tính toán, tham mưu dự tính tình hình phát triển của sinh vật hại và các biện pháp phòng trị theo 4 đúng: đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ liều lượng và đúng cách. Tất nhiên là phải chính xác.

Nếu ngừng ở đây thì ai sẽ tổ chức phòng trị? Trong cơ chế thị trường hiện nay và sự tự chủ của nông dân trên mảnh ruộng của họ, thì chính họ chứ không ai khác hơn phải tiến hành phòng trị trên ruộng của mình. Thế thì làm sao để họ phòng trị có hiệu quả, ngăn chặn sinh vật hại phát triển lây lan? Những thông báo sinh vật hại và khuyến cáo chỉ đạo phòng trị của Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh thành 7-10 ngày/ lần phải tổ chức như thế nào để những thông tin này đến tai người nông dân, nhất là trên những địa bàn đang bị sinh vật hại gây hại. Vấn đề đặt ra là ai sẽ đảm trách kênh thông tin từ cơ quan quản lý chuyên ngành đến nông dân. Để tổ chức tốt công tác thông tin tuyên truyền xử lý sinh vật hại, theo chúng tôi cần phải kết hợp lực lượng và phương tiện nhiều ngành, nhiều giới.

Những thông báo sinh vật hại trước hết, phải được gửi đến chính quyền các cấp để chỉ đạo các ngành phối hợp trong phạm vi địa phương, các cơ quan chuyên môn về nông nghiệp để chỉ đạo trực tiếp về kỹ thuật. Một lực lượng tuyên truyền vận động rất tốt đó là Hội nông dân và Hội phụ nữ các cấp, đây là hai khối đoàn thể cận kề, tiếp xúc với nông dân, hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của người nông dân trong sản xuất, đấu tranh với sinh vật hại trên đồng ruộng. Chính họ sẽ đảm trách kênh thông tin đến nông dân một cách trực tiếp nhất và là một lực lượng tiếp nhận một phần thông tin ngược lại. Sự tác động của hệ thống thông tin văn hoá địa phương, cụ thể là đài truyền thanh huyện và đài phát thanh xã, là một phương tiện chuyển tải thông tin sinh vật hại một cách nhanh chóng, mặc dù nó chỉ đảm bảo kênh thông tin chiều đi chứ không có chiều ngược lại. Vì vậy nhất thiết từng tỉnh thành cần nghiên cứu phương pháp triển khai phối hợp phù hợp với các lực lượng và phương tiện đã nêu ra và ít nhất cũng phải có một ít kinh phí để hoạt động phối hợp trong tổ chức kênh thông tin thông báo SINH VậT HạI đến tai người nông dân.

Việc đánh giá hiệu quả phòng trị sẽ là một hoạt động tiếp theo sau thông báo sinh vật hại. Công tác này đánh giá đồng thời kiểm tra việc sử dụng thuốc của người dân trên đồng ruộng. Tổ chức BVTV có lực lượng thanh tra chuyên ngành và việc kiểm tra sử dụng thuốc là một trong những nhiệm vụ của thanh tra chuyên ngành. Do đó chính lực lượng này sẽ thực hiện việc kiểm tra đánh giá sử dụng thuốc của người nông dân, thống kê điểm để đánh giá hiệu quả phòng trị, ngăn chặn sinh vật hại. Việc tiến hành thanh kiểm tra đồng ruộng sẽ đỡ tốn công sức khi tiến hành có địa chỉ, vùng xác định được mật số sinh vật hại cao. Chính những nơi này được lực lượng kỹ thuật, cộng tác viên phát hiện và dự báo, đồng thời cũng chính những nơi mật số sinh vật hại cao này sẽ là những nơi có hoạt động mua bán, sử dụng thuốc ngoài đồng trở nên tấp nập hơn. Vì vậy khi kiểm tra sẽ dễ dàng phát hiện các “vấn đề” trong mua bán và sử dụng thuốc BVTV (thuốc giả, kém phẩm chất, phun tăng liều, phun bỏ không hiệu quả…).

Mặt khác, ở những khu vực đã được định vị này, bộ phận kiểm soát dư lượng thuốc trừ sâu sẽ tập trung kiểm tra nhiều hơn về dư lượng trên nông sản. Từ kết quả kiểm tra dư lượng sẽ nắm dược tình hình sử dụng thuốc của nông dân trong đợt sinh vật hại. Nếu như tỉ lệ dư lượng thuốc trừ sâu trước thu hoạch, ngay thu hoạch chiếm tỉ lệ cao thì ắt hẳn phải thông báo ngay cho lực lượng khuyến nông đến ngay vùng cần làm “công tác khuyến nông”.

Bộ phận khuyến nông chuyên ngành BVTV và lực lượng khuyến nông của tổ chức khuyến nông sẽ là then chốt cuối trong dây chuyền khép kín. Họ phải được thông báo kết quả kiểm tra sử dụng thuốc ngoài đồng ruộng (của lực lượng thanh tra chuyên ngành) và kết quả kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu (của bộ phận kiểm soát dư lượng). Căn cứ kết quả này đồng thời với việc thăm hỏi tập quán sử dụng thuốc BVTV trong vùng để họ hình dung ra những điểm nóng, những mấu chốt cần phải thông tin tuyên truyền, huấn luyện  cho người nông dân trong vùng đó về công tác phòng trừ sâu bệnh có hiệu quả. Chính họ sẽ nhận thông tin phản hồi từ phía nông dân về công tác BVTV. Những yêu cầu của họ cần phải được thảo luận, bàn bạc và giải quyết trên cơ sở chủ trương chính sách nhà nước và cơ sở có khoa học. Cũng chính họ sẽ nhận được thông tin đánh giá ảnh hưởng của hoạt động chuyên ngành BVTV đến năng suất cây trồng, đến hiệu quả đầu tư BVTV và trình độ của nông dân trong quá trình tiến hành các hoạt động “khuyến nông”.

Những thông tin phản hồi từ phía nông dân về công tác BVTV (hay lĩnh vực khác) sẽ được cán bộ khuyến nông, tập hợp, phân tích đánh giá và đề xuất với lãnh đạo cấp trên để tác động, chỉ đạo, đầu tư… trong công tác quản lý Nhà nước, công tác khuyến nông hỗ trợ nông dân ngày được hiệu quả hơn.

Nếu làm được như thế, khép kín, phối hợp đồng bộ thì công tác BVTV của chúng ta ngày sẽ hoàn thiện hơn và chi phí đầu tư thuốc BVTV/1 đơn vị ha ngày sẽ giảm đi, sức khỏe công đồng ngày được cải thiện hơn. Hiệu quả xã hội sẽ đạt được cao hơn nhiều so với hiệu quả kinh tế trước mắt.


Số lượt người xem: 6246    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm