SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
8
9
0
5
9
0
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 24 Tháng Ba 2008 5:10:00 CH

Kết quả điều tra đánh giá cây kiểng (Bonsai) có nguồn gốc từ rừng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh năm 2007

Báo cáo số 87/BC-CCLN-KTTH, ngày 7 tháng 3 năm 2008 của Chi cục Lâm nghiệp thành phố Hồ Chí Minh

 

Phần I. CĂN CỨ, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP

I. Những căn cứ 

Căn cứ Quyết định số 718/QĐ-UB ngày 25 tháng 02 năm 2004 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về chương trình mục tiêu phát triển hoa, cây kiểng, cá cảnh tại  thành phố Hồ Chí Minh  giai đoạn 2004 – 2010;

Căn cứ công văn số 84 KL/BV&PCCCR ngày 3 tháng 2 năm 2005 của Cục Kiểm lâm về việc ngăn chặn tình hình đào cây rừng;

Căn cứ thông báo số 16/TB-SNN-NN ngày 22/01/2007 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp Hồ Chí Minh về việc báo cáo kết quả thực hiện Chương trình hoa, cây kiểng giai đoạn 2004-2006 và triển khai kế hoạch năm 2007;

Căn cứ Kế hoạch số 88/PTLN-KHTC ngày 07 tháng 3 năm 2007 về việc xây dựng kế hoạch điều tra đánh giá cây kiểng có nguồn gốc cây rừng của Chi cục Phát triển lâm nghiệp;

Căn cứ thông báo số 83/SNN-VP ngày 18 tháng 5 năm 2007 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thông báo nội dung cuộc họp Ban chỉ đạo chương trình phát triển hoa, cây kiểng;

Căn cứ báo cáo số 01/BC-TTKN về việc báo cáo kết quả thực hiện chương trình hoa kiểng năm 2007 ngày 7 tháng 1 năm 2008 của Trung tâm Khuyến nông thành phố Hồ Chí Minh.

II. Nội dung và phương pháp

1. Nội dung

- Điều tra nguồn gốc xuất xứ cây kiểng (Bonsai) từ các vùng sinh thái tự nhiên khác nhau sau khi tập trung về thành phố.

- Thống kê loài cây theo họ, tên khoa học, tên Việt Nam.

- Đánh giá giá trị kinh tế, xã hội và cảnh quan môi trường.

- Xây dựng ngân hàng dữ liệu thông tin bằng hình ảnh để tham khảo.

- Tìm hiểu một số biện pháp kỹ thuật, công nghệ dẫn giống, tạo dáng, chăm sóc, đào  dưỡng cây và vận chuyển từ rừng về thành phố Hồ Chí Minh.

2. Phương pháp

Phương pháp chuyên gia : hỏi, phỏng vấn các cá nhân, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh cây kiểng trực tiếp tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh và ghi chép các số liệu điều tra vào phiếu khảo sát theo mẫu in sẵn.

Tổng hợp phân tích số liệu và đánh giá kết quả, đề xuất các giải pháp về quản lý chuyên ngành.

Phần II. TỔNG HỢP TƯ LIỆU PHÂN TÍCH ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ

I. Kết quả công tác điều tra

1. Thống kê về cơ sở sản xuất, kinh doanh

Theo kế hoạch dự kiến điều tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh cây kiểng (Bonsai) của 13 quận, huyện trên địa bàn Thành phố. Sau khi khảo sát thực tế và cập nhật thông tin từ các phòng kinh tế của các quận, huyện và Trung tâm Khuyến nông có 255 cơ sở sản xuất, kinh doanh cây kiểng hàng năm và lâu năm. Trong đó có 100 cơ sở sản xuất, kinh doanh cây kiểng lâu năm - kiểng Bonsai.

Biểu thống kê số liệu điều tra :

TT

Quận, huyện

Số CS Đtra

DTSX (ha)

Ghi chú

 
 
 

1

Quận 2

13

2,2

Theo thực tế điều tra

 

2

Quận 7

2

0,55

 

 

3

Quận 8

4

0,105

 Kinh doanh

 

4

Quận 9

7

0,97

96 cơ sở SXKD Mai vàng và Mai ghép

 

5

Quận 12

29

3,23

Nhiều cây có xuất xứ từ rừng

 

6

Bình Tân

4

0,235

Kiểng, Bonsai

 

7

Bình Chánh

16

2,565

Sản xuất kiểng nguyên liệu, hoa nền

 

8

Củ Chi

5

163,1

Sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu kiểng

 

9

Hóc Môn

11

3,325

Kiểng cổ có xuất xứ từ rừng và Bonsai

 

10

Gò Vấp

27

3,016

Kiểng Bonsai nổi tiếng

 

11

Thủ Đức

10

1,596

Kiểng và kiểng cổ, Bonsai, Mai vàng

 

12

Tân Bình

7

0,2

Kinh doanh, kiểng, Bonsai và hoa nền

 

13

Tân Phú

1

0,0085

Kinh doanh, kiểng, Bonsai và hoa nền

 

 

Tổng cộng

136

181,02

 

 

            2. Phân tích số liệu thống kê

- Qua biểu thống kê của 13 quận, huyện trên đã khảo sát 136 cơ sở chiếm tỷ lệ 53.3% tổng số cơ sở sản xuất, kinh doanh kiểng.

Tổng diện tích sản xuất, kinh doanh : 181,02 ha trong đó:

+ Củ Chi : 163,1 ha đất phục vụ sản xuất, kinh doanh cây kiểng

+ Các quận huyện còn lại : 17.92 ha đất sản xuất, kinh doanh chủ yếu là đất ở của hộ gia đình dùng hoặc cho thuê lại phục vụ sản xuất, kinh doanh nhằm tăng thu nhập, giải quyết công ăn việc làm trong giai đoạn chuyển đổi cơ cấu phát triển kinh tế nông thôn.

+ Ngoài những diện tích trên còn một số diện tích lớn được mua hoặc thuê lại phục vụ sản xuất, kinh doanh không tính vào tổng diện tích thống kê vì những cơ sở có vườn kiểng tại huyện Hóc Môn, Củ Chi và các tỉnh lân cận (xem phụ biểu 1 đính kèm). 

- Chi cục Lâm nghiệp điều tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh cây kiểng (Bonsai) chủ yếu những loài cây thân gỗ có xuất xứ từ rừng tự nhiên. 

- Số liệu từ biểu thống kê cho thấy Củ Chi có  diện tích sản xuất cây kiểng lớn nhất do công ty Fosaco có 100% vốn nước ngoài sản xuất cây kiểng xuất khẩu. 2 DNTN, 1 thành viên HTX và 1 hộ gia đình sản xuất lớn tự thuê đất sản xuất, kinh doanh với số nhân công lao động : 220 lao động/ 5 cơ sở.  Ngoài ra huyện còn nhiều các hộ cá thể sản xuất nhỏ lẻ trên đất ở của hộ gia đình và một số vườn ươm giãn cây của các cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố.

- Quận Gò Vấp có 27 cơ sở đã khảo sát với diện tích : 3,016ha sản xuất, kinh doanh trên diện tích đất ở hiện có của hộ gia đình, một số ít thuê đất kinh doanh tập trung trên đường Phan Huy Ích.

+ Hợp tác xã SX-TM-DV hoa kiểng Gò Vấp với diện tích hiện nay là 2.1 ha chuyên trồng hoa kiểng nghệ thuật truyền thống và hiện đại. HTX có 31 thành viên là  những nghệ nhân, nhà sản xuất, kinh doanh kiểng lớn của quận và trên địa bàn thành phố với diện tích khoảng 40 ha. Riêng kinh doanh cây Bonsai tại đây đã có tiếng từ lâu và đã được chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp đỡ mở rộng dịch vụ, sản xuất như một công trình trọng điểm của quận nhằm giữ làng nghề truyền thống - Làng hoa Gò Vấp. Ngoài những thành viên HTX Gò Vấp  có : 1 Công ty TNHH, 1 Doanh nghiệp tư nhân và đa số là hộ gia đình.

+ Thị trường tiêu thụ : Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng lân cận và có một số loài cây kiểng, Bonsai xuất khẩu ra nước ngoài.

- Quận 12 có 29 cơ sở được khảo sát hầu hết là hộ gia đình trên diện tích : 3,23ha sản xuất cây kiểng trên đất ở hoặc đất thuê. Số cơ sở sản xuất tại quận 12 còn thay đổi vì các hộ chuyển đổi kinh tế từ chăn nuôi sang trồng hoa kiểng rất mạnh vì lợi thế nơi đây có diện tích đất ở rộng, có nguồn nước tưới cây tốt cùng với kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp lâu đời.  Những hộ điều tra là những hộ sản xuất, kinh doanh Bonsai kiểng : cây lâm nghiệp thân gỗ.

- Huyện Hóc môn có 11 cơ sở được khảo sát với diện tích sản xuất 3,325ha gồm 2 công ty TNHH, 3 doanh nghiệp tư nhân (DNTN) và 6 hộ gia đình (HGĐ).  Quy mô sản xuất và chủng loại cây kiểng Bonsai rất phong phú ngoài ra có cây Xương rồng là loài cây kiểng được sản xuất mạnh nhưng không đưa vào danh sách (khoảng 30 loài). Qua tìm hiểu thực tế huyện Hóc Môn có kinh nghiệm phát triển hoa kiểng, Bonsai từ lâu. Giá đất nơi đây vẫn còn thấp phù hợp việc  thuê đất sản xuất, kinh doanh hoặc mua đất làm vườn ươm giãn cây do nguồn nước tưới tốt, giao thông thuận lợi. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất hoa kiểng cũng là bước tất yếu trong nay mai.

- Các quận 9, Bình Tân và Thủ Đức sản xuất kinh doanh cũng khá mạnh số cơ sở ít hơn xong quy mô sản xuất, kinh doanh lớn và chuyên nghiệp. Quận Thủ Đức có 10 cơ sở được khảo sát với diện tích sản xuất 1,569ha. Có 1 DNTN sản xuất, kinh doanh cây kiểng (Bonsai) bài bản, giá cây kiểng cao do được ứng dụng các công nghệ tạo dáng, chiết ghép  tiên tiến. Các hộ gia đình cá thể sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ.

- Huyện Bình Chánh có 16 cơ sở được khảo sát với diện tích sản xuất : 2,565ha.

+ Hình thức sản xuất chỉ là hộ gia đình nhỏ lẻ, tại xã Phạm Văn Hai người nông dân gieo ươm cây giống lâm nghiệp và gieo ươm cây kiểng làm nguyên liệu cho những cơ sở cây kiểng Bonsai.

+ Số lượng gieo ươm lớn đơn thuần một số loài tiêu thụ mạnh như Mai vàng, Cau các loại, Hoàng nam, Muồng hoàng yến …nhưng giá bán cây kiểng thấp vì vậy giá trị kinh tế không cao. Riêng các cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh thì cây kiểng có nhiều độ tuổi khác nhau, có áp dụng công nghệ dẫn giống, chăm sóc tạo dáng làm Bonsai kiểng cho giá trị kinh tế cao hơn.

- Sản xuất, kinh doanh cây kiểng có nguồn gốc từ rừng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh tập trung chủ yếu: Quận 12, Bình Tân, Hóc Môn, Gò Vấp và Thủ Đức.

- Các quận huyện sản xuất cây kiểng nguyên liệu:

+ Bình Chánh : gieo ươm cây Hoàng nam, Osaka, Cau, Mai vàng

+ Quận 2, 9 : Mai chiếu thuỷ, Mai vàng (ghép) …

+ Củ Chi : tập trung nuôi giãn cây đạt tuổi và đường kính gốc rồi bứng về tạo kiểu, dáng…

- Các quận huyện kinh doanh cây kiểng : Quận 7, 8, Tân Bình và Tân Phú.

- Ngoài các loài cây kiểng trong danh lục còn sản xuất, kinh doanh các cây công trình tạo bóng mát cho các dự án trên địa bàn thành phố.

- Các quận huyện đã thành lập hội Sinh vật cảnh gồm các nghệ nhân, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh cây kiểng (Bonsai) tham gia dươi sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố và chính quyền địa phương nhằm phát triển chương trình hoa, cây kiểng theo mục tiêu phát triển ngành Nông nghiệp của Thành phố.

- Thị trường tiêu thụ chủ yếu là Tp. Hồ Chí Minh số ít đi các tỉnh lân cận, xuất khẩu cũng tương đối mạnh (theo số liệu thống kê chính thức từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 6/2007, kim ngạch xuất khẩu hoa, cây cảnh cả nước theo đường chính ngạch ước đạt 400 nghìn USD) qua đây chứng tỏ rằng Tp. Hồ Chí Minh là một thị trường mở đầy tiềm năng cho sản xuất kinh doanh cây kiểng (Bonsai).

- Một số hình ảnh cây kiểng (Bonsai) được ghi nhận trong quá trình điều tra làm cơ sở dữ liệu cho việc học tập, nghiên cứu.

3. Thống kê loài cây kiểng

Qua thực tế điều tra tại cơ sở sản xuất, kinh doanh đã thống kê : 36 họ, 80 loài được sắp xếp theo họ, tên khoa học, tên Việt Nam. Đính kèm danh lục cây kiểng, Bonsai (Xem phụ biểu 2).

Về nguồn gốc xuất xứ, vùng sinh thái và điều kiện khí hậu cho sự sinh trưởng của một loài cây được ghi chép. Những loài cây kiểng được sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố từ bao năm qua đã tạo giá trị cảnh quan môi trường như : Cau, Me, Vạn tuế, Thiên tuế, Sanh, Si, Gừa, Sộp…

3.1. Phân tích theo loài cây

- Một số loài cây nhập về gieo ươm rồi xuất khẩu : cây Phát tài Đài Loan của Công ty Fosaco.

- Một số loài cây du nhập từ lâu là cây nhập nội như họ : Dâu tằm, Hoàng đàn, Na, Phi lao, Họ đậu và Bông giấy.

- Số lượng (độ nhiều) của từng loài cây được sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố được tổng kết như sau:

+ Các loài cây được sản xuất, kinh doanh nhiều nhất («««): Bằng lăng, Cau, Dó bầu, Hoàng nam, Lộc vừng, Mai chiếu thuỷ, Mai vàng, Móng bò, Bò cạp nước, Sanh, Si, Sơn liễu, Sứ và Tùng la hán. Những cây kiểng cổ có tuổi vài chục năm đến vài trăm năm được mua từ khắp nơi tập trung về thành phố có giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với những loài kiểng gieo ươm. 

+ Những loài cây có độ nhiều trung bình (««) : Bách tán, Cùm rụm, Khế, Nguyệt quế,  Thiên tuế là những loài cây kiểng (Bonsai) rất thông dụng có giá trị kinh tế trung bình đến cao là những cây phổ biến kinh doanh trên địa bàn thành phố.

+ Những loài cây có độ nhiều ít («) : Bình linh, Cẩm thị, Cần thăng, Đề (Bồ đề), Du, Đủng đỉnh, Găng, Gõ đỏ, Kim quít, Linh sam, Me, Ngô đồng, Ngọc lan, Phi lao, Phượng vĩ, Sam núi, Sơn trà, Thông hai lá, Trà mi, Trắc bách diệp là những cây Bonsai có giá trị kinh tế rất cao có giá hàng triệu đồng/chậu.

+ Những cây thuộc loài thực vật quí hiếm có trong sách đỏ Việt Nam  như : Gõ đỏ, Thông đỏ, Dó bầu, Bách xanh, Hoàng đàn, Trắc cần nghiêm túc chấp hành theo nghị của Hội đồng Bộ trưởng số 18-HĐBT ngày 17-1-1992 quy định danh mục thực vật rừng, động vật rừng quý hiếm và chế độ quản lý, bảo vệ.

3.2. Xuất xứ loài cây

Cây kiểng xuất xứ (nguyên liệu gốc) từ rừng tự nhiên, khe suối, bờ sông của nhiều vùng sinh thái :

+ Vùng Nam Trung bộ: Lộc vừng, Sanh, Si, Cùm rụm, Linh sam, Khế, Thiên tuế…

+ Vùng Tây Nguyên: Bằng lăng, Gõ đỏ, Thông

+ Vùng Đông Nam bộ:  Mai vàng, Mai chiếu thủy, Bông giấy, Vú sữa, Cần thăng,

+ Vùng Tây bắc và vùng  Bắc Trung bộ : Dó bầu, Bình linh lông, Thị

+ Vùng biển : Dương liễu

+ Trên các vùng : Cau các loài

+ Cây kiểng nhập : Du, Trà mi, Trắc bách diệp

+ Cây du nhập từ lâu: một số loài cây của họ Ficus, Me, Bò cạp nước, Phượng vĩ, Ngọc lan, Vú sữa

- Nhiều loài cây kiểng đã được nuôi trồng trong chậu từ nhiều năm và được làm  giống đầu nguồn - kiểng Bonsai được chiết, ghép lai tạo và được nuôi dưỡng nhiều năm có giá trị kinh tế được đánh giá qua số tuổi, kiểu dáng, chủng loài, sức sống…

- Ngoài ra còn có một số loài cây được nhập nội dẫn giống làm giống đầu nguồn.

4. Giải pháp công nghệ và ứng dụng

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh đều dùng đất sạch trộn với sơ dừa hoặc chấu và phân hữu cơ làm đất trồng cây trong chậu. Ngoài ra bón phân và phun thuốc phòng trừ sâu bệnh định kỳ. Có sử dụng thuốc kích thích sinh trưởng.

Mỗi loài cây có đặc điểm sinh lý khác nhau do đó được áp dụng công nghệ chăm sóc tưới, chiết, ghép tạo dáng và dùng thuốc cũng khác nhau.

Các biện pháp khoa học kỹ thuật như lai tạo giống bằng phương pháp ghép:

+ Ghép cùng gốc : Mai vàng;

+ Khác gốc : Mai chiếu thuỷ gốc cây Lồng mức, một số loài cây kiểng nhập từ Trung Quốc, Đài Loan với loài cây rừng Việt Nam tạo những cây Bonsai đẹp, lạ mắt có nét đặc trưng độc đáo như cây Ổi ta ghép với Ổi Tầu có lá rất nhỏ.

Việc tạo dáng và non bộ cho Bonsai sử dụng các máy móc, dụng cụ và công nghệ tiên tiến nhập từ nước ngoài.

Việc đào bới cây đại cảnh cũng lắm công phu và không nhẹ nhàng. Cây to thì phải có xe ủi, xe múc, ròng rọc hoặc phải dăm, bảy người cùng đào bới. Việc bảo dưỡng cây trong vận chuyển cũng là khâu quan trọng được phân tích và áp dụng rất khoa học để cây rừng (đại cảnh) sống phục vụ tạo dáng đẹp tự nhiên.

Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh cây kiểng là những nhà kinh doanh, nghệ nhân có kinh nghiệm chuyên môn và  hiểu biết rất sâu sắc về lĩnh vực cây trồng: như tạo dáng, uốn hình, chiết, ghép, giâm hom tạo giống, kỹ thuật làm lá nhỏ … theo nhu cầu thị trường. Họ luôn tự hào về nghề nghiệp chuyên môn, không muốn chia sẻ kinh nghiệm vì đây là nguồn tài sản cho sự cạnh tranh trong nền kinh tế thi trường như một bí quyết nghề nghiệp. Họ chỉ nói chung chung về công nghệ ứng dụng trong nuôi, ghép và phòng trừ sâu bệnh.

   II. Đánh giá và nhận xét

   1. Nhận xét chung

- Tình hình sản xuất, kinh doanh cây kiểng Bonsai trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh rất mạnh từ các hình thức kinh doanh HTX, Công ty TNHH, công ty 100% vốn nước ngoài , Doanh nghiệp tư nhân, Tổ hợp các cá thể và hộ gia đình. Chủng loại cây Bonsai được sản xuất, kinh doanh phong phú nội địa, nhập ngoại và trồng xuất khẩu những loài cây trong danh lục cây kiểng đính kèm.

- Tình hình sản xuất,  kinh doanh cây kiểng Bonsai tại các quận, huyện có một số ghi nhận sau:

+ Những cây kiểng cổ là cây rừng được bứng cả gốc rễ từ rừng tự nhiên bảo đảm sống phục vụ trong công nghệ tạo dáng làm kiểng như cây Bằng lăng, Móng bò, Me, Lộc vừng, Tuế, Thiên tuế, Si, Đa … phục vụ các công trình như khu du lịch sinh thái, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chung cư nhằm tạo cảnh quan, bóng mát nhanh mô phỏng giống rừng tự nhiên.  Vấn đề cần được các cơ quan quản lý quan tâm nhằm hạn chế phá rừng tự nhiên mang về thành phố kinh doanh kiếm lời không nghĩ đến hậu quả về sau.

+ Các công nghệ được ứng dụng trong quá trình sản xuất cây kiểng (Bonsai) khác nhau. Mỗi mặt hàng và mỗi thị trường có một đặc thù và thẩm mỹ khác nhau do vậy nhu cầu về hình dáng, tuổi, độ cao và nội dung của từng tác phẩm cũng khác nhau. Cây làm nguyên liệu cho kiểng Bonsai có các phương thức chăm sóc như chăm sóc cây rừng.

- Vận chuyển cây rừng cần có giấy thông hành do Chi cục Kiểm lâm cấp đây là sự quản lý cần thực thi nghiêm túc trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. 

   2. Đánh giá giá trị cảnh quan môi trường

Tích cực :

-Tất cả các loại cây kiểng (Bonsai) hoặc cây đại cảnh đều có giá trị cảnh quan làm đẹp cho những căn nhà phố, biệt thự, khu dân cư, đô thị hoặc các cao ốc văn phòng, công sở, khu du lịch sinh thái.

- Những cây làm bóng mát :  Muồng hoàng yến, Móng bò, Hoàng nam, Bồ đề, Đa, Sứ đại, Sữa,…được trồng làm cây xanh tạo bóng mát, cây trong chậu để ở những nơi có diện tích đất khiêm tốn làm tăng mảng xanh, giảm bụi và giảm tiếng ồn.

Tiêu cực :

- Những người săn cây kiểng cổ là cây cổ thụ rừng về làm đại cảnh kéo quân, mang theo cả xe chuyên dụng vào rừng, ven bờ sông,... tìm cây rừng có kiểu dáng bứng cây chừa rễ  (bứng cả gốc) để lấy được một cây đại cảnh dây rễ chằng chịt ăn sâu, tỏa ra trong chu vi có khi lên đến hàng chục mét thì không biết phải phá bao nhiêu cây khác xung quanh.

- Công việc khai thác và vận chuyển bằng các phương tiện chắc chắn sẽ triệt hạ rừng, huỷ hoại môi trường sống của các cây con xung quanh, không thể tái sinh chồi và phá đi nguồn gen cây rừng đây là  nguy cơ diệt chủng một số loài cây rừng.

- Những cây bứng từ rừng về đều phải bứng cả gốc, cắt rễ cắt cành vận chuyển về nuôi dưỡng tạo rễ rồi đem trồng do vậy cây rất dễ đổ.

   3. Đánh giá giá trị kinh tế 

- Các thông tin về doanh thu, vốn đầu tư hầu như không được cập nhật mà có cũng không chính xác mà chỉ là hình thức. Những cây kiểng (Bonsai) hiện đang chăm sóc tại các vườn kiểng, vườn giãn cây là mặt hàng sản xuất và kinh doanh có giá trị kinh tế rất cao.

- Số cây (chậu) trong vườn là nguồn vốn của các cơ sở mang đặc thù ngành nông nghiệp. Cây kiểng có giá trị rất cao so với cây nông nghiệp, cây ăn trái hoặc cây trồng lâm nghiệp.

- Riêng cây kiểng cổ thụ (đại kiểng) bứng từ rừng đem về thành phố trồng cho các biệt thự, khu dân cư cao cấp là rất lớn có giá trị kinh tế cực cao giá từ vài ba triệu đến vài trăm triệu/cây cần ngăn chặn.

- Cây kiểng lùn là cây thân gỗ đã được nuôi trồng và chăm sóc trong nhân dân từ bao năm là những loài cây dễ sống phù hợp với mọi điều kiện khí hậu : dễ chăm sóc, có thể cắt, chiết, ghép và được các nghệ nhân tạo dáng  và các nhà chơi kiểng sư tầm về thành phố từ khắp nơi trong đó có cây hàng chục, hàng trăm năm tuổi, là những cây Bonsai vô giá là cây sưu tập mang tính nghệ thuật độc đáo như môt tác phẩm sống.

III. Đề xuất  và định hướng

1. Đề xuất

- Đề nghị Ban chỉ đạo chương trình phát triển hoa, cây kiểng đề xuất ý kiến thành lập liên hiệp hội kiểng, Bonsai của thành phố nhằm  quy hoạch, kế hoạch phát triển cây kiểng, Bonsai có vị thế trong nước và có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, giúp  xúc tiến thương mại xuất khẩu kiểng Bonsai qua các cơ quan thương mại của Việt Nam ở nước ngoài.

- Chi cục Kiểm lâm xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các nộidung sau:

+ Quản lý cây kiểng có xuất xứ từ rừng - cây lâm nghiệp trồng bóng mát cũng như cây cảnh thân gỗ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên, rừng trồng hoặc từ vườn làm cây đại cảnh, khi  lưu thông, buôn bán.  

+ Quản lý các cơ sở kinh doanh cây kiểng (Bonsai) có nguồn gốc xuất xứ từ rừng nhằm ngăn chặn việc thu mua, vận chuyển cây rừng sống giảm việc khai thác rừng tự do, bảo vệ rừng về mọi mặt.

+ Ngăn chặn người vào rừng đào cây để làm cảnh. Kiểm tra các cơ sở mua bán, thu gom trái phép cây cảnh có nguồn gốc từ rừng để xử lý.

+ Tuyên truyền giáo dục người dân thành phố về tác hại của việc đào bới cây rừng để làm cây cảnh nói chung và đặc biệt là tác hại lâu dài về nhiều mặt của việc khai thác nguồn tài nguyên rừng hiện có và nguy cơ tuyệt chủng một số loài cây.

   2. Định hướng

- Chi cục Lâm nghiệp phối hợp cùng Trung tâm khuyến nông thống kê giới thiệu vùng sản xuất kiểng hiện có trên địa bàn thành phố nhằm hạn chế nguồn cây kiểng nguyên liệu bứng trực tiếp từ rừng vừa tạo mảng xanh, tăng độ che phủ rừng của thành phố. Sản xuất cây kiểng, Bonsai theo hướng công nghiệp hóa-sản xuất đại trà.

- Công khai thông tin thu thập điều tra cây kiểng (Bonsai) có nguồn gốc từ rừng năm 2007 lên trang Web của Sở Nông nghiệp và PTNT để tham khảo và hoàn thiện hệ thống thông tin thu thập, tiếp tục điều tra và tìm giải pháp phát triển chương trình hoa cây kiểng.

- Nơi có truyền thống sản xuất cây kiểng : Quận 12, Gò Vấp, Thủ Đức và Củ Chi cần định hướng phát triển và xây dựng làng nghề, tổ HTX giúp dân giữ nghề sản xuất kiểng Bonsai.

- Hỗ trợ kỹ thuật trong phòng trừ sâu bệnh cây kiểng vì có một số loài sâu bệnh mới phát sinh mấy năm gần đây không rõ nguyên nhân.

- Chi cục Lâm nghiệp phối hợp cùng Chi cục Phát triển nông thôn, hội Sinh vật cảnh các quận huyện làm cầu nối thành lập các tổ hợp sản xuất theo theo quy trình khép kín (đầu vào về giống, nguyên liệu sản xuất, vật liệu chăm sóc - dịch vụ về hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, tạo dáng, chiết, ghép và hướng dẫn kỹ thuật - đầu ra bao tiêu sản phẩm) giúp phát triển bền vững.

Phần III. KẾT LUẬN

Khảo sát điều tra số lượng loài cây kiểng và doanh thu của cơ sở sản xuất, kinh doanh lần đầu còn nhiều bỡ ngỡ. Số liệu thu thập được từ các cơ sở luôn thay đổi vì hình thức vừa sản xuất vừa kinh doanh mua đi bán lại không ghi chép mang tính chất nông nghiệp thuần tuý. Doanh thu là những thông tin nhạy cảm chỉ ước đoán hoặc khai báo hình thức thậm trí không được nhắc đến.

Thông tin thu thập qua phiếu điều tra chưa được thống kê đầy đủ và còn nhiều bất cập do khách quan.

 Sản xuất, kinh doanh kiểng Bonsai trên địa bàn thành phố hiện nay đang chuyển biến rất mạnh và tích cực. Đây là một điều rất đáng mừng của ngành kinh tế nông nghiệp thành phố trong thời kỳ Việt Nam hội nhập kinh tế Thế giới, cần khuyến khích phát triển góp phần làm thay đổi cuộc sống, giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập nhằm xoá đói giảm nghèo của  người dân ngoại thành.

 

(Nguồn: Chi cục Lâm nghiệp)


Số lượt người xem: 11060    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm