Là một trong những trung tâm kinh tế văn hóa của khu vực và cả nước, từ sau ngày giải phóng đến nay, TPHCM có vị thế quan trọng đối với sự phát triển nhiều mặt của Nam bộ và cả nước, trong đó có ngành thủy sản.
Vùng biển và ven biển TP là vùng tam giác cửa sông của các hệ sông Đồng Nai, Sài Gòn, Vàm Cỏ, lưu vực Thị Vải và sông Soài rạp, có bờ biển kéo dài hơn 20 km. Tuy chỉ là một đoạn bờ biển từ tỉnh Đồng Nai qua Bà Rịa-Vũng Tàu cho đến tỉnh Tiền Giang, nhưng đối với TP đó là sự ưu đãi của thiên nhiên khá đặc biệt với một vùng rừng sác rộng lớn, với nhiều sông rạch, bãi triều dồi dào thức ăn, với cửa biển mở rộng ra biển Đông thích hợp cho các hoạt động về khai thác, nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ và dịch vụ về thủy sản...
Về nuôi trồng thủy sản mặc dù TP có tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích nuôi ngày càng bị thu hẹp, việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo loại hình chuyên canh, ứng dụng KHKT, tăng cường công tác khuyến ngư, trong đó có lĩnh vực nuôi thủy sản nước mặn, nước lợ và nước ngọt qua các mô hình chuyển đổi (tôm sú, lúa tôm, cá, nhuyễn thể...) đã thực hiện và mang lại hiệu quả, đặc biệt đối với nuôi tôm sú ở Cần giờ, Nhà bè từ chỉ vài trăm tấn tôm sú năm 1999, đến nay (2003) sản lượng tôm sú đã tăng hơn 6.000 tấn với hàng ngàn hộ nuôi tôm hiệu quả, góp phần làm tăng giá trị cho ngành thủy sản TP nói riêng và ngành nông nghiệp TP nói chung.
Công tác giống thủy sản đã được chú ý, góp phần không nhỏ trong việc nghiên cứu, lai tạo, lưu giữ đàn giống gốc thủy sản. Hiện nay với 50 trại sản xuất giống có khả năng sản xuất hàng năm 500 triệu con giống, trong đó có cá rô phi đơn tính, tôm sú, nhiều giống cá cảnh đáp ứng nhu cầu nuôi và xuất khẩu hơn một triệu cá cảnh/năm sang các nước như Pháp, Mỹ, Hồng Kông, Singapore... tạo nguồn thu ngoại tệ và mở ra hướng phát triển mới cho lĩnh vực giống thủy sản TP.
Nghề đánh bắt hải sản ở TP các năm trước đây chủ yếu tập trung phát triển đánh bắt ven bờ ở vùng biển Cần Giờ mang lại hiệu quả kinh tế không cao. Các năm gần đây đã có bước chuyển đổi phù hợp, nhất là trong lĩnh vực khai thác hải sản xa bờ. Số lượng và công suất tàu thuyền của TP không ngừng tăng lên, đến nay TP có 531 tàu thuyền với tổng công suất 46, 491 CV, với bình quân công suất 84 CV/tàu, bình quân khai thác 49 tấn tàu/năm. (So với bình quân cả nước : về công suất là 49 CV/tàu, về khai thác là 17,5 tấn tàu/năm).
Trong tổng sản lượng khai thác hải sản hàng năm của TP thì có tới hơn 70% là sản lượng khai thác được do đánh bắt xa bờ.
Công tác đăng kiểm, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong các năm qua đã có bước tiến bộ, không chỉ thực hiện công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản ở địa bàn TP; Sở Nông nghiệp - PTNT Thành phố đã chủ động đề xuất sự phối hợp với các tỉnh giáp ranh (Long An, Đồng Nai, Vũng Tàu, Tiền Giang) để phối hợp tốt hơn trong việc thực hiện pháp lệnh bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở các vùng nước giáp ranh trên địa bàn khu vực.
Nói đến thủy sản TPHCM phải kể đến lĩnh vực sản xuất-chế biến-xuất khẩu, được Bộ Thủy sản đánh giá là mạnh của khu vực và cả nước. Hiện nay Thành phố có 200 cơ sở sản xuất chế biến thủy sản, trong đó có 43 đơn vị chế biến đông lạnh thủy sản (so với cả nước chiếm 20% tổng số nhà máy đông lạnh) với tổng công suất từ 370-400 tấn/ngày, hơn 20.000 tấn kho lạnh thành phẩm, 1.800 tấn kho bảo quản nguyên liệu : có 100 cơ sở chế biến nước mắm với công suất 30 triệu lít/năm, có 5 công ty và nhiều cơ sở xí nghiệp, hộ gia đình sản xuất dệt lưới đánh cá với công suất bình quân 6.000 tấn/năm đủ cho nhu cầu ở TPHCM và các tỉnh ĐBSCL. Hàng năm giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động, đa số lao động đều có tay nghề và việc làm ổn định.
Hiện tại TP có các chợ cá đầu mối và 220 chợ cá lớn nhỏ, tiêu thụ hàng trăm tấn cá/ngày và nếu tính sử dụng cho cả chế biến, hàng năm tại TPHCM tiêu thụ đạt hơn 200.000 tấn thủy sản có giá trị các loại (chiếm hơn 10% tổng sản lượng khai thác nuôi trồng cả nước). TP đang triển khai từng bước việc di dời các chợ thủy sản trong nội thành ra các chợ đầu mối lớn nông thủy sản ở ngoại thành.
Trong hoạt động xuất khẩu thủy sản, hàng năm các đơn vị trên địa bàn TP xuất 25.000 tấn thành phẩm thủy sản xuất khẩu, với kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt hơn 200 triệu USD. Từ những điều nêu trên, có thể đánh giá TPHCM là thị trường tiêu thụ, sản xuất-chế biến-xuất khẩu thủy sản vào loại lớn nhất nước.
Nhằm phát huy vai trò, vị trí của mình với lợi thế so sánh sẵn có, với sự chỉ đạo của Lãnh đạo Thành phố và Bộ Thủy sản, ngành thủy sản TPHCM từ năm 2003 và các năm tiếp theo cần tập trung triển khai thực hiện các chương trình kinh tế của Chính phủ, Bộ Thủy sản và TP như chương trình phát triển nuôi thủy sản, chương trình giống thủy sản, chương trình đánh bắt xa bờ và chế biến xuất khẩu thủy sản. Trong năm 2003 TP và những năm tiếp theo tập trung vào 1 số trọng tâm sau :
* Chương trình phát triển nuôi thủy sản tập trung vào phát triển giống, để TP sẽ là trung tâm giống thủy sản trong nghiên cứu lai tạo giống mới, giống gốc, xây dựng các Trung tâm giống thủy sản mặn, ngọt, chuyển giao khoa học kỹ thuật, lập các dự án cho nuôi tôm sú chuyên canh vùng nước mặn, lúa tôm và nuôi tôm càng xanh, cá vùng nước ngọt theo hướng năng suất chất lượng cao, bền vững.
* Chương trình đánh bắt xa bờ tập trung đầu tư nâng cao năng lực vùng xa khơi đảm bảo hiệu quả, nghiên cứu chuyển đổi phù hợp với cơ cấu ngành nghề, đầu tư dịch vụ thủy trên biển, đảm bảo khả năng tàu thuyền hoạt động an toàn trên biển.
* Chương trình chế biến xuất khẩu thủy sản tập trung công nghiệp hóa, hiện đại hóa doanh nghiệp, thực hiện các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản theo các qui định của Việt Nam và Quốc tế; thực hiện gắn kết phối hợp tốt lĩnh vực chuyên ngành giữa thành phố với các cơ quan địa phương bạn và cơ quan TW nằm trên địa bàn nhằm phát huy hơn nữa vai trò, vị trí của ngành.
Một vấn đề quan tâm hàng đầu thủy sản TP là sớm triển khai xây dựng Trung tâm thủy sản TP ở Mương chuối, huyện Nhà bè, khu chợ cá - cảng cá - trung tâm thương mại - công nghiệp thủy sản TP nhằm đáp ứng phục vụ nghề cá TP, phát triển ngang tầm là vị trí trung tâm khu vực, quốc gia và quốc tế, đây là nhiệm vụ trọng yếu, là việc làm bức xúc của ngành thủy sản TP, cần phải được thực hiện trong thời gian sớm nhất.
Với vị thế là một trong những trung tâm về KH-KT, là nơi tập trung nhiều cơ quan nghiên cứu khoa học kỹ thuật, các nhà khoa học đầu ngành trong đó có lĩnh vực thủy sản, nếu biết tận dụng, tạo được sự gắn kết, tham gia phối hợp tốt sẽ là nguồn lực quan trọng góp phần không nhỏ đưa ngành thủy sản nhanh chóng phát triển.
Trong những năm tiếp theo trong tiến trình hội nhập quốc tế, ngành thủy sản TP sẽ còn gặp phải những khó khăn và ngành sẽ vẫn phải tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa, tuy nhiên nếu biết phát huy những lợi thế và với nội lực sẵn có, có cơ sở để tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, UBND Thành phố, sự chỉ đạo hỗ trợ của Bộ Thủy sản và các ban ngành TW, cùng với sự nỗ lực của toàn ngành, chắc chắn ngành thủy sản TP sẽ phát triển thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngang tầm là một trong những trung tâm thủy sản lớn của cả nuớc.
|