I. TÌNH HÌNH THỜI TIẾT, THIÊN TAI, SẠT LỞ 06 THÁNG ĐẦU NĂM 2008:
1. Bão, áp thấp nhiệt đới: xuất hiện 02 cơn áp thấp nhiệt đới, 03 cơn bão trên biển Đông, tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn thành phố nhưng công tác triển khai các biện pháp phòng, tránh trên đất liền và đảm bảo an toàn cho tàu thuyền đánh bắt xa bờ trên khu vực Nam biển Đông đã đạt hiệu quả cao.
2. Lốc xoáy: 04 đợt lốc xoáy xảy ra trên địa bàn quận 12 và huyện Củ Chi gây thiệt hại 14 căn nhà , 01 phòng học, ngã 14 cột điện. Cụ thể:
- Tại phường Thạnh Xuân, quận 12: ngày 22 tháng 4 năm 2008, lốc xoáy làm sập hoàn toàn 01 căn nhà, tốc mái và sập vách tường 04 căn nhà.
- Tại phường An Phú Đông, quận 12: ngày 23 tháng 4 năm 2008, lốc xoáy làm tốc mái 03 nhà dân, Xí nghiệp May An Phú, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Oanh Thái và 01 phòng học Trường Tiểu học Phạm Văn Chiêu, thiệt hại khoảng 300 triệu đồng.
- Tại xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi: ngày 24 tháng 4 năm 2008, lốc xoáy làm sập hoàn toàn 01 căn nhà và tốc mái 05 căn nhà, thiệt hại khoảng 26,5 triệu đồng.
- Tại tuyến tỉnh lộ 12 (giáp ranh xã Trung an và xã Phú Hòa Đông), huyện Củ Chi: ngày 01 tháng 6 năm 2008, lốc xoáy làm nghiêng 10 cột điện trung thế, 8 cột điện hạ thế; ngã đổ 08 cột điện trung thế và 06 cột điện hạ thế, thiệt hại khoảng 44 triệu đồng.
Ngay sau khi xảy ra sự cố, chính quyền và các đơn vị, đoàn thể của địa phương đã trực tiếp xuống hiện trường, huy động lực lượng giúp nhân dân khắc phục thiệt hại và hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả cho một số hộ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.
3. Triều cường: 02 đợt triều cường lớn, đỉnh triều cao nhất xuất hiện tại trạm Phú An 1,43 m (ngày 09 tháng 02 năm 2008), tuy nhiên đã không xảy ra bể, tràn bờ bao nên tình hình ổn định.
4. Sạt lở bờ sông, kênh rạch:
Tính đến ngày 30 tháng 6 năm 2008, tổng cộng có 05 vụ sạt lở xảy ra trên địa bàn thành phố, không có thiệt hại về người, chủ yếu chỉ tổn thất về tài sản, nhà cửa và đất đai:
- Quận Thủ Đức:
+ Ngày 05 tháng 6 năm 2008, sạt lở tại Km32+600 sông Sài Gòn, khu phố 3, phường Hiệp Bình Phước. Diện tích sạt lở hơn 3.000 m2 (dài 80 m, sâu vào bờ 40 m), 01 căn nhà cấp 4 bị chuồi xuống sông và 04 công nhân bị thương. Chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan đã có mặt kịp thời đưa 04 nạn nhân vào bệnh viện chữa trị, tổ chức di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, cắm biển cảnh báo sạt lở, tiến hành trục vớt tài sản, tháo dỡ vật dụng kiến trúc để giảm tải trọng tránh gây ra sạt lở sâu vào bên trong.
+ Ngày 20 tháng 6 năm 2008, sạt lở bờ kè tại Km32+200 đến Km32+280 sông Sài Gòn, khu phố 5, phường Hiệp Bình Phước. Diện tích sạt lở khoảng 1.200 m2 (dài 80 m, sâu vào bờ 15 m), đây là khu đất trống đã bị đình chỉ xây dựng nên không có dân cư ngụ, bờ kè do dân tự ý xây dựng lấn sông và lấn chiếm hành lang bảo vệ bờ sông Sài Gòn. Ngay sau khi xảy ra sự cố, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố đã kiểm tra và đề nghị Ủy ban nhân dân quận Thủ Đức yêu cầu các chủ quán cà phê ngưng kinh doanh và tháo dỡ quán xây dựng vi phạm hành lang bảo vệ tuyến kè tại khu phố 1, phường Hiệp Bình Phước; đồng thời Khu Đường sông cũng đã kiểm tra thực địa để cắm biển cảnh báo sạt lở.
- Huyện Nhà Bè:
+ Ngày 07 tháng 5 năm 2008, sạt lở tại khu vực bờ sông Rạch Giồng thuộc tổ 3, ấp 4, xã Hiệp Phước xảy ra vụ đất kéo theo một phần nhà sau của 01 hộ dân xuống sông (hộ ông Nguyễn Văn Săng) với diện tích khoảng 450m2. Ước tính thiệt hại khoảng 10 triệu đồng.
+ Ngày 12 tháng 5 năm 2008, cũng tại bờ sông Rạch Giồng thuộc tổ 1, ấp 3, xã Hiệp Phước xảy ra sạt lở đất với diện tích khoảng 160m2 gây sạt phần sân vườn của 01 hộ dân (ông Nguyễn Văn Chính).
+ Ngày 07 tháng 6 năm 2008, xảy ra sạt lở bờ kè tại khu vực bến đò Hiệp Phước, xã Hiệp Phước, với chiều dài 80 m, chiều sâu 8 m đến 11 m làm thiệt hại 11 căn nhà, trong đó 04 căn nhà chuồi xuống sông (03 nhà lá và 01 nhà tường), 03 căn nhà sụp một phần còn lại phần đất phía sau (02 nhà tường và 01 nhà tranh), 04 căn nhà bị nứt, nghiêng móng. Ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 370 triệu đồng. Ủy ban nhân dân thành phố đã có Văn bản số 3763/UBND-CNN ngày 14 tháng 6 năm 2008 giao Sở Giao thông Công chính chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan để khắc phục sự cố.
Ngoài ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố đã khảo sát, kiểm tra và cảnh báo 62 điểm có nguy cơ sạt lở cao, tập trung tại các quận – huyện trọng điểm: huyện Bình Chánh (02 điểm), huyện Cần Giờ (11 điểm), huyện Củ Chi (01 điểm), huyện Nhà Bè (26 điểm), quận Bình Thạnh (10 điểm), quận Thủ Đức (02 điểm), quận 8 (01 điểm) và quận 9 (09 điểm).
II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO, THIÊN TAI 06 THÁNG ĐẦU NĂM 2008:
1. Công tác tham mưu:
Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng đã tham mưu trình Ủy ban nhân dân thành phố:
- Ban hành Quy định về công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn trên địa bàn thành phố tại Quyết định số 04/2008/QĐ-UBND ngày 16 tháng 01 năm 2008; Chỉ thị số 10/2008/CT-UBND ngày 23 tháng 4 năm 2008 về công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn năm 2008 trên địa bàn thành phố;
- Ban hành Quyết định về giao chỉ tiêu thu, nộp Quỹ Phòng, chống lụt, bão đối với công dân và doanh nghiệp năm 2008;
- Chấp thuận chủ trương thực hiện Đề án xây dựng bờ bao loại nhỏ theo thiết kế định hình giai đoạn từ năm 2008 đến 2010 tại 05 quận, huyện thường xuyên bị ngập lụt trong mùa mưa bão, triều cường: quận 12, Thủ Đức, huyện Hóc Môn, Củ Chi và Bình Chánh (Văn bản số 3640/UBND-CNN ngày 10 tháng 6 năm 2008); đồng ý triển khai trước 1.904 m đê bao trong tổng chiều dài toàn tuyến là 11.344m thuộc Dự án đê bao ngăn lũ ven sông Sài Gòn trên địa bàn quận Thủ Đức (Văn bản số 3641/UBND-CNN ngày 10 tháng 6 năm 2008);
- Chấp thuận cấp kinh phí hơn 9,9 tỷ đồng để đầu tư phương tiện, trang thiết bị phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm, cứu nạn, tập huấn, diễn tập phòng, chống lụt, bão, dự báo, cảnh báo thiên tai năm 2008; trong đó, từ nguồn dự phòng ngân sách thành phố năm 2008 là 5,61 tỷ đồng cho 03 đơn vị; từ Quỹ Phòng, chống lụt, bão thành phố là 3,06 tỷ đồng cho 06 sở - ngành và 12 quận – huyện, sử dụng nguồn Quỹ Phòng, chống lụt, bão và ngân sách quận – huyện là 1,23 tỷ đồng (Văn bản số 3835/UBND-CNN ngày 18 tháng 6 năm 2008 và số 3945/UBND-CNN ngày 21 tháng 6 năm 2008).
2. Công tác định kỳ, kiểm tra:
- Ủy ban nhân dân thành phố đã tổ chức tổng kết công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai - tìm kiếm, cứu nạn năm 2007 và triển khai kế hoạch, phương án chủ động phòng, chống lụt, bão, thiên tai - tìm kiếm, cứu nạn năm 2008 đến các sở - ngành, quận - huyện; các quận - huyện, phường - xã - thị trấn cũng đã hoàn thành kiểm điểm công tác phòng, chống lụt, bão - tìm kiếm cứu nạn năm 2007 và triển khai kế hoạch 2008.
- Kiểm tra và chỉ đạo lập phương án xử lý 62 điểm ven sông, ven biển có nguy cơ sạt lở, 352 khu vực xung yếu ảnh hưởng trực tiếp khi có lụt, bão, thiên tai xảy ra để chủ động di dời phòng, tránh; đồng thời lập bản đồ cảnh báo thiên tai để phục vụ công tác chỉ huy, chỉ đạo việc phòng, tránh, ứng phó.
- Khảo sát, kiểm tra hoạt động của 41 bến đò ngang tại 13 quận – huyện, trình Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận hỗ trợ kinh phí từ Quỹ Phòng, chống lụt, bão thành phố để trang cấp áo phao cho các phương tiện thủy hoạt động tại các bến đò ngang, các hộ dân nghèo sống ven sông, ven biển, khu vực sạt lở và ngập úng, số tiền là 212 triệu đồng.
- Kiểm tra và đề xuất sử dụng từ nguồn ngân sách thành phố để thực hiện gia cố, xây dựng các công trình phòng, chống lụt, bão, triều cường, sạt lở năm 2008 tại 12 quận – huyện trọng điểm với 156 công trình, tổng kinh phí đầu tư trên 226 tỷ đồng. Tổ chức kiểm tra tiến độ thi công các công trình phòng, chống lụt, bão, các hạng mục công trình xung yếu trước mùa mưa lũ 2008 tại 11 quận - huyện trọng điểm (quận 9, 12, Bình Thạnh, Bình Tân, Thủ Đức, Gò Vấp, huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè và Cần Giờ).
- Thống kê, theo dõi hạn hán, xâm nhập mặn, cập nhật số liệu thủy văn, xả lũ ở thượng nguồn.
- Tổ chức trực ban đối với 03 cơn bão trên khu vực biển Đông, áp thấp nhiệt đới, thời tiết xấu trên biển, sạt lở và triều cường.
- Yêu cầu các sở - ngành thành phố, quận - huyện tổ chức trực ban khi có thiên tai xảy ra, cảnh báo, hướng dẫn xử lý sự cố thiên tai (sạt lở, triều cường, mưa to…) và thực hiện chế độ thông tin, báo cáo kịp thời theo quy định.
3. Công tác tập huấn, tuyên truyền, cảnh báo:
- Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ đi biển, đào tạo thuyền trưởng hạng nhỏ cho ngư dân và tập huấn phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu nạn cho lực lượng xung kích, ngư dân hành nghề đánh bắt trên biển.
- Công ty Điện lực thành phố, Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão quận 2, quận 8 tổ chức lớp tập huấn về công tác phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu nạn cho cán bộ các phường, phòng – ban và đơn vị trực thuộc. Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố tổ chức các lớp tập huấn công tác cứu hộ, cứu nạn cho cán bộ phụ trách công tác phòng, chống lụt, bão trên địa bàn 24 quận – huyện và các Sở – ngành liên quan.
- Chỉ đạo phát hành 10.000 Sổ tay để tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân, các địa phương, đơn vị một số biện pháp chủ động phòng, tránh, ứng phó khi lụt, bão, thiên tai xảy ra.
4. Công tác quản lý tàu thuyền:
Xây dựng Phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động thủy sản trên địa bàn thành phố (thay thế Phương án số 46/PA-PCLB ngày 12 tháng 4 năm 2007 của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố). Tập trung quản lý 97 tàu cá trên 90 CV với 1.123 ngư dân hoạt động đánh bắt xa bờ và 1.461 tàu cá nhỏ hơn 90 CV với gần 5.000 ngư dân thường xuyên hoạt động đánh bắt ven bờ và gần bờ biển thuộc khu vực thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre... Phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố kiểm tra việc trang bị thiết bị thông tin liên lạc, phao cứu sinh và thiết bị đảm bảo an toàn trên các tàu thuyền khi ra khơi đánh bắt. Khi có bão, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông đã nắm chắc số lượng tàu thuyền và ngư dân của thành phố đang hoạt động trên biển để hướng dẫn di chuyển phòng, tránh kịp thời và đạt hiệu quả.
5. Di dời dân:
- Dự án di dời 983 hộ dân tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ vào đất liền, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ đã phối hợp các sở - ngành chức năng thành phố xác định địa điểm di dời, đã trình đề án tổng thể để Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định.
- Dự án di dời 1.818 hộ của huyện Cần Giờ (1.400 hộ) và Nhà Bè (418 hộ) đã có chủ trương của Ủy ban nhân dân thành phố; Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ và huyện Nhà Bè đang lập quy hoạch chi tiết 1/500 trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.
6. Thu Quỹ Phòng, chống lụt, bão:
Tổ chức, triển khai thu Quỹ Phòng, chống lụt, bão thành phố theo Quyết định số 1794/QĐ-UBND ngày 23 tháng 4 năm 2008 và số 1929/QĐ-UBND ngày 29 tháng 4 năm 2008 về giao chỉ tiêu thu Quỹ Phòng, chống lụt, bão đối với đối tượng công dân và doanh nghiệp năm 2008. Tính đến ngày 30 tháng 06 năm 2008, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố đã thu được 4,07 tỷ đồng (đạt 27,39% chỉ tiêu); số tồn Quỹ Phòng, chống lụt, bão thành phố là 14,4 tỷ đồng.
7. Công tác khác:
- Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố và Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản thành phố xây dựng Phương án xử lý sự cố tràn dầu, cảnh báo, ứng phó động đất, sóng thần, tìm kiếm, cứu nạn. Các Sở - ngành chức năng đã chủ động phối hợp và triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó, khắc phục do ảnh hưởng bởi sự cố tràn dầu của tàu Đức Trí tại bờ biển Vũng Tàu ngày 02 tháng 3 năm 2008.
- Triển khai xây dựng Chương trình thực hiện Chiến lược phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn thành phố đến năm 2020 theo Quyết định số 172/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
- Xây dựng Phương án phòng, tránh, ứng phó khi bão đổ bộ trực tiếp vào thành phố.
- Các quận – huyện, đơn vị liên quan triển khai nạo vét cống rãnh, hố ga khai thông dòng chảy, nâng cấp duy tu bờ bao, công trình công cộng đang xuống cấp, chặt tỉa, mé nhánh cây xanh và đốn hạ cây chết, cây bị sâu bệnh, tổ chức sửa chữa, gia cố đường giao thông nông thôn, các công trình, thiết bị trên cao có khả năng ngã đổ trong mùa mưa bão (pa nô quảng cáo, trạm thu phát sóng, cột thu lôi …)
III. NHIỆM VỤ 06 THÁNG CUỐI NĂM 2008:
1. Tổ chức diễn tập phòng, chống lụt, bão - tìm kiếm, cứu nạn cấp thành phố trong quý III năm 2008, cấp huyện, cấp xã (xã Hiệp Phước - huyện Nhà Bè). Tiếp tục tổ chức tập huấn cho lực lượng chuyên trách, bán chuyên trách làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại các quận - huyện, sở - ngành.
2. Triển khai phương án ứng phó khi bão đổ bộ vào địa bàn thành phố. Hoàn chỉnh phương án tìm kiếm, cứu nạn; xử lý, khắc phục sự cố tràn dầu; phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả động đất, sóng thần trên địa bàn thành phố.
3. Triển khai thực hiện khẩn trương gia cố, nâng cấp, xây dựng bờ bao, công trình thủy lợi - phòng, chống lụt, bão, ngăn triều, tiêu thoát nước năm 2008, cụ thể:
a) Chỉ đạo và kiểm tra các quận, huyện khẩn trương triển khai xây dựng các công trình phòng, chống lụt, bão, triều cường năm 2008, nhất là các công trình kiên cố hóa bờ bao theo thiết kế định hình; tập trung hoàn thành các công trình đã được đầu tư năm 2006, 2007 và các hạng mục, công trình xung yếu có nguy cơ bể bờ, tràn bờ trong mùa mưa bão, triều cường cuối năm 2008.
b) Các quận - huyện, sở - ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nạo vét sông, kênh, rạch, hệ thống cống rãnh; đồng thời vận động nhân dân phát quang, nạo vét thông thoáng dòng chảy, tháo dỡ, dọn dẹp những vật cản trên bờ, lòng sông, kênh, rạch làm ách tắc dòng chảy.
c) Đẩy nhanh tiến độ các dự án đê bao bờ hữu - bờ tả sông Sài Gòn, dự án công trình thủy lợi xã Bình Lợi B - huyện Bình Chánh…, tổ chức kiểm tra thường xuyên về tiến độ các dự án trọng điểm Bờ hữu ven sông Sài Gòn Nam rạch Tra, dự án Tham Lương Bến Cát - rạch Nước Lên, dự án tiêu thoát nước Suối Nhum.
4. Hoàn thành Chương trình thực hiện Chiến lược phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn thành phố đến năm 2020 theo Quyết định số 172/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
5. Xây dựng mốc cảnh báo ngập lụt, mốc cao độ năm 2008 tại quận 12, quận 6 và huyện Bình Chánh.
6. Các quận - huyện, sở - ngành thực hiện mua sắm bổ sung các phương tiện, trang thiết bị phòng, chống lụt, bão – tìm kiếm, cứu nạn cho các đơn vị, địa phương theo chủ trương chấp thuận của Ủy ban nhân dân thành phố để chủ động thực hiện phương châm “bốn tại chỗ”. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng, chống lụt, bão, thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết và chủ động phòng, tránh.
7. Quản lý, vận hành tốt, đúng quy trình các cống, đập ngăn triều để chủ động phòng, chống ngập úng do mưa to, triều cường và ngăn ô nhiễm. Tiếp tục công tác hậu kiểm việc xả thải vào các công trình thủy lợi. Chuẩn bị sẵn sàng vật tư, nhiên liệu, nguồn điện; kiểm tra, sửa chữa và xây dựng mới cống, nắp cống, máy bơm, chủ động bơm chắt nước trước các đợt mưa lớn, triều cường.
8. Phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển:
a) Sở Giao thông Công chính thành phố và các quận – huyện liên quan triển khai công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, tập trung cho 62 vị trí có nguy cơ sạt lở cao đã được cảnh báo, triển khai công tác đảm bảo an toàn giao thông thủy tại các bến đò ngang, đò khách. Các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án chống sạt lở đang thực hiện; thường xuyên rà soát, kiểm tra và có kế hoạch đầu tư bảo vệ, làm kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển theo hướng ổn định lâu dài, bền vững.
b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố cùng các địa phương khảo sát thực địa để thực hiện thí điểm trồng cây chống xói lở, bảo vệ bờ sông, kênh, rạch.
c) Tiếp tục cập nhật và lập bản đồ vị trí, khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở đất để kịp thời thông tin cảnh báo. Nghiên cứu mô hình tính toán về xói lở và diễn biến bờ, lòng sông…bằng phần mềm MIKE 21C.
9. Phòng, chống, ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới, thiên tai:
a) Đảm bảo công tác ứng trực của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và các Tiểu ban Tìm kiếm, cứu nạn trong mùa mưa, bão. Tổ chức trực ban 24/24 giờ trong thời gian có bão, áp thấp nhiệt đới, thiên tai để nắm chắc diễn biến tình hình và chuẩn bị phương án ứng phó thích hợp, hiệu quả.
b) Các quận - huyện, sở - ngành thường xuyên kiểm tra và kịp thời sửa chữa, gia cố các chung cư cũ, xuống cấp, các chợ, các nhà máy, nhà xưởng, kho tàng, pa nô, biển quảng cáo, cột tiếp phát sóng trên cao… đảm bảo an toàn.
c) Triển khai các biện pháp quản lý phương tiện, tàu thuyền theo quy định, đặc biệt theo dõi quản lý chặt chẽ tàu thuyền và ngư dân hoạt động đánh bắt xa bờ và ven bờ. Xây dựng hệ thống thông tin liên lạc kết hợp truyền tin cảnh báo, dự báo thiên tai tới tàu thuyền và công trình, chòi canh trên biển, ven biển..
d) Huyện Cần Giờ khẩn trương triển khai dự án xây dựng khu neo đậu tàu, thuyền tránh trú bão tại huyện. Trước mắt, quy định tạm thời các điểm neo đậu tránh trú bão an toàn tại từng xã cho khu vực ven biển để đảm bảo an toàn khi bão đổ bộ trực tiếp vào thành phố. Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản kết hợp với Bộ đội Biên phòng tiếp tục kiểm tra nghiêm ngặt việc chấp hành các quy định về trang thiết bị đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động nghề cá như thiết bị thông tin liên lạc, radio, phao cứu hộ, cứu sinh…; chế độ đăng ký, đăng kiểm bảo hiểm các loại phương tiện tàu thuyền và ngư dân hoạt động trên biển.
đ) Tiếp tục triển khai dự án di dời 983 hộ dân tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ vào đất liền và dự án di dời 1.818 hộ dân trong rừng phòng hộ, ven sông, ven biển, vùng trũng, thấp của huyện Cần Giờ (1.400 hộ) và Nhà Bè (418 hộ). Tập trung trong quý III năm 2008 phổ biến, quán triệt và tập huấn công tác ứng phó di dời dân khi bão đổ bộ vào địa bàn thành phố đến tận các xã – phường, thị trấn.
10. Triển khai tốt công tác thu Quỹ Phòng, chống lụt, bão năm 2008 và quyết toán nguồn kinh phí đã cấp phát từ Quỹ Phòng, chống lụt, bão và ngân sách thành phố.
11. Tiến hành kiểm tra các quận - huyện: chủ động rà soát, bổ sung phương án ứng trực, xử lý tình huống thiên tai theo hai phương châm “bốn tại chỗ” và “chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”.
IV. KIẾN NGHỊ:
Để công tác phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn đạt hiệu quả cao hơn, Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão thành phố đề xuất và kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố như sau:
1. Sớm ban hành Quyết định kiện toàn nhân sự, phân công nhiệm vụ các thành viên và Quy chế làm việc của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố (theo Tờ trình số 138/TTr-PCLB ngày 18 tháng 6 năm 2008 của Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố).
2. Xem xét, chấp thuận cấp kinh phí 344.677.000 đồng từ nguồn Quỹ Phòng, chống lụt, bão thành phố để khắc phục sự cố sạt lở bờ sông Sài Gòn trong đợt triều cường hạ tuần tháng 9 năm 2007 thuộc tổ 3, ấp 1, xã Bình Mỹ - huyện Củ Chi (theo Văn bản số 189/SNN-CCTL ngày 18 tháng 02 năm 2008 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố).
Trên đây là báo cáo kết quả công tác phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn 06 tháng đầu năm và nhiệm vụ, kế hoạch 06 tháng cuối năm 2008./.
|