I. TÌNH HÌNH THIÊN TAI, THIỆT HẠI 07 THÁNG ĐẦU NĂM 2007:
A. Tình hình chung:
Trong 07 tháng đầu năm 2007 có 01 cơn bão, 01 cơn áp thấp nhiệt đới hoạt động ở khu vực biển Đông; ngoài ra, có 01 đợt triều cường (tháng 3), 01 đợt mưa to và kéo dài, 01 lần sạt lở bờ kênh, 08 lần sạt lở bờ sông và 01 cơn lốc xoáy xảy ra trên địa bàn thành phố, đồng bằng sông Cửu Long chưa có lũ.
B. Tình hình thiệt hại và công tác khắc phục:
1. Triều cường, ngập úng:
a. Thiệt hại:
- Hạ tuần tháng 3 (đầu tháng 02 âm lịch), đã xuất hiện đợt triều cường lớn trên địa bàn thành phố, mực nước thực đo cao nhất tại trạm Phú An (ngày 22-3-2007) là 1,37m, tại trạm Nhà Bè (ngày 21-3-2007) là 1,39m gây bể bờ bao và ngập úng tại một số nơi trên địa bàn quận 12, quận Thủ Đức, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn, ảnh hưởng đến giao thông, đời sống dân cư và thiệt hại về sản xuất nông nghiệp:
- Quận 12: bể bờ bao tại phường An Phú Đông, gây ngập tổng cộng khoảng 4,5ha đất nông nghiệp;
- Quận Thủ Đức: bể bờ bao rạch Năm Sóc thuộc phường Hiệp Bình Phước gây ngập từ 40 - 60cm, khoảng 06ha, chủ yếu là vườn mai;
- Huyện Bình Chánh: các bờ bao, công trình thủy lợi bị ngập từ 10 - 20cm, ảnh hưởng sinh hoạt và đi lại của nhân dân;
- Huyện Hóc Môn: tại xã Nhị Bình bị bể bờ bao rạch Bà Hồng, ấp 2, dài 3m; bể 02 đoạn bờ bao rạch Cầu Võng, ấp 2.
b. Công tác khắc phục: trong đợt triều cường, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố tổ chức kiểm tra thực địa và chỉ đạo các địa phương khẩn trương khắc phục các sự cố bể bờ, tràn bờ; các địa phương đã huy động vật tư, lực lượng xung kích, dân quân và các đơn vị công ích tổ chức khắc phục ngay sau khi xảy ra sự cố để tái ổn định đời sống nhân dân và sản xuất nông nghiệp.
2. Mưa:
Từ ngày 12-5-2007 đến 14-5-2007, trên địa bàn thành phố có nơi mưa vừa, mưa to trên diện rộng đã gây sự cố ngập úng một số khu vực tại quận Thủ Đức, huyện Hóc Môn... , làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, đi lại, đời sống, sản xuất của nhân dân. Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố đã phối hợp với địa phương và các đơn vị liên quan đi kiểm tra thực tế về ảnh hưởng của đợt mưa trên và chỉ đạo khắc phục các sự cố. Tình hình thiệt hại, như sau:
- Quận Thủ Đức:
+ Phường Bình Chiểu: kênh tiêu Ba Bò thuộc khu phố 2 (đoạn từ Tỉnh lộ 43 về phía hạ lưu) bị sạt lở nhiều đoạn, nước tràn qua đường Tỉnh lộ 43 do cống không thoát nước kịp, xói lở miệng cống phía hạ lưu khoét sâu vào đường một đoạn dài 05m, rộng 02m, gây ngập từ 0,3m – 0,4m khu dân cư (khoảng 260 hộ) và ảnh hưởng Khu Chế xuất Linh Trung II;
+ Các phường Linh Đông, phường Linh Trung, phường Trường Thọ, phường Hiệp Bình Chánh, phường Hiệp Bình Phước và phường Tam Phú bị ngập cục bộ một số khu vực và nước rút ngay sau khi hết mưa, chủ yếu ảnh hưởng đến sinh hoạt, đi lại của người dân.
- Huyện Hóc Môn: ngập khu vực cánh đồng bà Út Châu tại ấp 1 thuộc xã Nhị Bình khoảng 50ha, do đơn vị thi công đắp đê quay (thuộc gói thầu 2B - Dự án công trình bờ hữu sông Sài Gòn) để thi công cống của rạch Cả Bản chưa tiến hành mở kênh dẫn dòng; sau đó đơn vị thi công đã xử lý mở kênh dẫn dòng.
3. Bão, áp thấp nhiệt đới:
Từ ngày 03-7-2007 đến 05-7-2007, xuất hiện áp thấp nhiệt đới đầu tiên, sau đó mạnh dần thành bão số 1 (Toraji) trên khu vực biển Đông, tuy nhiên sau khi di chuyển vào tỉnh Quảng Ninh và Trung Quốc đã suy yếu dần, không ảnh hưởng đến thành phố Hồ Chí Minh.
4. Lốc xoáy:
Huyện Bình Chánh: ngày 26-5-2006, mưa giông và lốc xoáy xảy ra tại ấp 2, xã Quy Đức làm sập 01 căn nhà tạm, không có thiệt hại về người; Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão huyện Bình Chánh và xã Quy Đức đã hỗ trợ 10 triệu đồng để xây lại nhà cho người dân.
5. Xả tràn của hồ chứa thượng lưu:
Trong 06 tháng đầu năm, hồ Dầu Tiếng (điều tiết năm) đã xả 12 lần, tổng lưu lượng xả trên 100 triệu m3, với lưu lượng xả nhỏ từ 30 – 60m3/s; mục đích chủ yếu để đẩy mặn và phục vụ kế hoạch cấp nước cho Nhà máy nước Tân Hiệp thuộc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn; các công ty, nhà máy thủy điện chỉ xả nước qua tua bin để phát điện.
6. Sạt lở bờ sông, kênh, rạch:
Tính đến ngày 18-7-2007, tổng cộng có 08 vụ sạt lở xảy ra trên địa bàn thành phố, không có thiệt hại về người, chủ yếu chỉ tổn thất về tài sản, nhà cửa và đất đai.
- Quận Bình Thạnh:
+ Ngày 29 và 30-6-2007, sạt lở bờ kênh Thanh Đa, phường 26 (thuộc phạm vi tiểu dự án chống sạt lở kênh Thanh Đa – đoạn 1.3 từ thượng lưu cầu Kinh đến cầu Bình Triệu), dài trên 60m, gây ảnh hưởng 20 hộ dân (có 107 nhân khẩu), toàn bộ phần nhà phụ phía sau của 15 hộ dân bị chuồi xuống kênh; ước tính thiệt hại trên 80 triệu đồng. Ngày 30-6-2007, Lãnh đạo thành phố, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố và Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh đã kiểm tra tình hình và chỉ đạo khắc phục sự cố, di dời dân và tài sản đến nơi an toàn. Ủy ban nhân dân thành phố đã có Văn bản số 4263/UBND-ĐTMT ngày 09-7-2007 yêu cầu các cơ quan chức năng giải quyết sự cố sạt lở nêu trên; ngày 16-7-2007, Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh đã có Văn bản số 4592/QĐ-UBND về bố trí tạm cư cho 20 hộ dân bị sạt lở nhà về ở tại chung cư Nguyễn Văn Lượng, quận Gò Vấp;
+ Ngày 13-7-2007, sạt lở tiếp tục xảy ra ở bờ kênh Thanh Đa, phường 26, chiều sâu sạt lở từ phạm vi sạt lở cũ vào trong khoảng 04 đến 05m, có 03 căn nhà bị sụp xuống kênh, 01 căn nhà bị nứt nghiêm trọng (toàn bộ 04 căn nhà này thuộc 15 căn nhà đã di dời tài sản, vật dụng trong đợt sạt lở cuối tháng 6-2007). Ngày 14-7-2007, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố và Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh đã trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo địa phương tiếp tục triển khai lực lượng trực 24/24 giờ, kiên quyết không để người dân vào khu vực nguy hiểm; Khu Đường sông hỗ trợ phương tiện tham gia trục vớt tài sản cho nhân dân. Cùng ngày 13-7-2007, sạt lở xảy ra tại nhà số 1027, phường 28 (bãi kinh doanh cát, gần nhà hàng Hoàng Ty) dài 10m, sâu 5m; ngoài ra, cũng gây sạt phần diện tích đất san lấp phía sau nhà liền kề với diện tích khoảng 400m2. Văn Phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố đã có Văn bản số 75/CCTL ngày 03-7-2007 và số 99/BC-PCLB ngày 14-7-2007: đề nghị Sở Xây dựng thành phố phối hợp với Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh tổ chức khảo sát, kiểm định đánh giá hư hỏng nhà ở, vật kiến trúc trong khu vực bị sạt lở (tại nội dung mục 2 Văn bản số 4263/UBND-ĐTMT ngày 09-7-2007 của Ủy ban nhân dân thành phố), đồng thời kiểm định chất lượng đối với những căn nhà đang bị ảnh hưởng tại khu vực này để có cơ sở pháp lý cho quận Bình Thạnh tháo dỡ, giảm nhẹ tải trọng chất lên bờ kênh. Tại 02 Văn bản số 5149/SXD-QLCLXD ngày 16-7-2007 và số 5569/SXD-QLCLXD ngày 27-7-2007, Sở Xây dựng đều có ý kiến không cần tiến hành kiểm định các căn nhà trên trước khi tháo dỡ (do xây dựng trên hành lang an toàn của bờ kênh), trong đó đề nghị quận Bình Thạnh liên hệ Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Giao thông Công chính để có thông tin về bản đồ quy hoạch phạm vi hành lang an toàn bờ kênh và lập kế hoạch giải tỏa toàn bộ các căn nhà trên.
- Huyện Bình Chánh: ngày 05-7-2007, sạt lở bờ rạch Xóm Củi, xã Bình Hưng gây ảnh hưởng 09 hộ dân (có 39 nhân khẩu) từ quận 8 và tỉnh Tiền giang đến cư trú, trong đó 06 căn bị đổ sập, các nhà dân bị sạt lở tại khu vực này đều là nhà không số, xây dựng không phép. Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra và bàn giải pháp khắc phục. Trước mắt, di dời dân về nơi an toàn, bố trí lực lượng thường trực quanh khu vực sạt lở, tiến hành kiểm tra việc lấn chiếm của các hộ dân trong khu vực. Ngày 16-7-2007, Ủy ban nhân dân thành phố đã có Văn bản số 4449/UBND-CNN về giải quyết vấn đề khắc phục sạt lở tại rạch Xóm Củi, xã Bình Hưng; chiều ngày 24-7-2007 Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố và các sở - ngành chức năng đã tổ chức đi kiểm tra thực địa và họp bàn để giải quyết vấn đề khắc phục sự cố sạt lở trên theo hướng huy động và vận động các nguồn kinh phí để hỗ trợ các chính sách xã hội theo quy định, kiên quyết không để người dân cư ngụ trong nhà đã nghiêng, nứt; yêu cầu chủ đầu tư dự án đã được giao đất, chủ sử dụng đất khẩn trương thực hiên dự án và phối hợp cùng chính quyền địa phương giải quyết những vấn đề phát sinh sau sự cố sạt lở.
- Huyện Nhà Bè:
+ Ngày 18-5-2007, sạt lở bờ kè bảo vệ Rạch Tôm, xã Nhơn Đức (khu vực đang thi công thuộc công trình xây dựng kè bảo vệ), dài trên 35m, ảnh hưởng 09 nhà dân (có 36 nhân khẩu), trong đó có 04 căn nhà bị rơi phần nhà sau xuống sông. Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố và huyện Nhà Bè đã kiểm tra thực địa. Ngay sau khi xảy ra sự cố, chính quyền địa phương đã tổ chức di dời và hỗ trợ vật chất cho người dân; Khu Đường sông (chủ đầu tư) đang tiến hành khắc phục sự cố;
+ Ngày 16-6-2007, sạt lở bờ sông rạch Giồng, xã Hiệp Phước (khu vực thuộc Dự án di dời 418 hộ dân của huyện Nhà Bè), dài 30m, sâu 5m làm sụp đổ phần nhà phụ của 01 hộ dân (có 03 nhân khẩu đang cư ngụ), chính quyền địa phương đã di dời dân đến nơi an toàn;
+ Ngày 13-7-2007, sạt lở bờ sông Mương Chuối, xã Nhơn Đức, dài 40m, sâu 15m, ảnh hưởng 01 căn nhà cấp 4 của 01 hộ dân (có 06 nhân khẩu), hư hỏng 01 trụ điện bê tông. Cùng ngày, cũng đã xảy ra sụt, lún đất tại bờ rạch Tắc Bến Rô, xã Phước Lộc dài 20m, sâu 05m, ảnh hưởng 01 nhà cấp 4 (có 03 nhân khẩu và xây dựng lấn chiếm trái phép trên bờ sông); cả 02 đoạn sạt lở này đều trong Dự án di dời 418 hộ dân của huyện Nhà Bè. Ngày 14-7-2007, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố đã kiểm tra cùng chính quyền địa phương, tổ chức di dời dân an toàn, hỗ trợ vật chất, Công ty Điện lực Tân Thuận tiến hành tháo dỡ ngay phần dây điện bị ảnh hưởng ra khỏi trụ điện bị đổ.
Nhận xét: nguyên nhân chính gây sạt lở bờ sông, rạch là do nước ròng sát (có chân triều rút sâu); ngoài ra, do các nhà dân, công trình xây dựng lấn chiếm sát mép bờ sông vi phạm hành lang an toàn bảo vệ bờ sông, kênh, rạch làm tăng áp lực lên vùng đất ven bờ khiến nguy cơ sạt lở tăng cao; nhà cửa, công trình không được kịp thời tháo gỡ để giảm tải trọng trên bờ (sau đợt sạt lở đầu) cũng làm tiếp tục sạt lở trong các ngày tiếp theo vào thời điểm đợt triều có chân triều rút sâu.
II. CÔNG TÁC CHUẨN BỊ PHÒNG, CHỐNG, ỨNG PHÓ VÀ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI 07 THÁNG ĐẦU NĂM 2007:
1. Di dời dân:
- Dự án di dời 1.280 hộ dân sống ven biển, ven sông và vùng trũng thấp ở huyện Cần Giờ (sử dụng ngân sách Trung ương và Ngân sách thành phố) thực hiện từ năm 2001 đã hoàn thành vào quý I năm 2007.
- Dự án đang triển khai:
+ Dự án di dời 1.400 hộ dân sống ven sông, ven biển, vùng trũng thấp và trong rừng phòng hộ tại huyện Cần Giờ (thuộc đề án di dời 1.818 hộ của huyện Cần Giờ và Nhà Bè từ ngân sách thành phố) hiện đã có chủ trương của thành phố, Chi cục Phát triển nông thôn thành phố đã dự thảo quy hoạch chi tiết 1/500, đang hoàn chỉnh để trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông qua, sau đó trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt;
+ Dự án di dời 983 hộ dân tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ vào đất liền, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ đã báo cáo đề án lần 01 vào ngày 06-4-2007 và lần 02 vào ngày 12-7-2007. Hiện nay, huyện Cần Giờ đang tiếp tục hoàn chỉnh đề án theo chỉ đạo của Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố để thông qua các sở - ngành chức năng trình Ủy ban nhân dân thành phố;
+ Huyện Cần Giờ đang tiến hành khảo sát tình hình các hộ dân sống ven sông, trong vùng nguy cơ sạt lở thuộc ấp An Hòa, xã An Thới Đông để di dời 05 hộ dân về khu dân cư an toàn.
2. Công tác tham mưu:
Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão thành phố (phối hợp với các Sở - ngành) đã tham mưu trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành:
- Chỉ thị số 14/2007/CT-UBND ngày 01-6-2007 về công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn, giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn thành phố;
- Quyết định số 1348/QĐ-UBND ngày 02-4-2007 về giao chỉ tiêu thu, nộp Quỹ Phòng, chống lụt, bão đối với công dân năm 2007;
- Văn bản số 1382/UBND-CNN ngày 09-3-2007 về chấp thuận cấp kinh phí mua trang thiết bị, phương tiện, tập huấn, diễn tập phòng, chống lụt, bão - tìm kiếm cứu nạn năm 2007 từ Quỹ Phòng, chống lụt, bão thành phố cho 10 đơn vị, địa phương, số tiền là 2,59 tỷ đồng;
- Văn bản số 2348/UBND-CNN ngày 24-4-2007 về chấp thuận cấp kinh phí đầu tư 24 hạng mục, công trình phòng, chống lụt, bão xung yếu năm 2007 từ Quỹ Phòng, chống lụt, bão thành phố cho 07 quận - huyện, số tiền là 7,54 tỷ đồng;
- Văn bản số 4474/UBND-CNN ngày 17-7-2007 về chấp thuận chủ trương đầu tư 47 công trình phòng, chống lụt, bão năm 2007 cho 09 quận, huyện, số tiền là 35,08 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố (phối hợp Sở Kế hoạch – Đầu tư và Sở Tài chính).
Ngoài ra, Thường trực Ban đã tham mưu trình Ủy ban nhân dân thành phố một số nội dung sau:
- Quyết định giao chỉ tiêu thu, nộp Quỹ Phòng, chống lụt, bão đối với doanh nghiệp năm 2007;
- Kiện toàn, củng cố tổ chức Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố năm 2007;
- Bổ sung kinh phí hỗ trợ từ nguồn Quỹ Phòng, chống lụt, bão thành phố cho 05 đơn vị, địa phương để mua trang thiết bị, tập huấn, diễn tập phòng, chống lụt, bão - tìm kiếm cứu nạn năm 2007, số tiền là 380,38 triệu đồng;
- Cấp kinh phí mua sắm trang thiết bị, phương tiện phòng, chống lụt, bão – tìm kiếm cứu nạn năm 2007 cho 07 đơn vị, địa phương từ ngân sách thành phố, số tiền là 16,17 tỷ đồng (phối hợp Sở Kế hoạch – Đầu tư và Sở Tài chính) .
3. Công tác định kỳ, thường xuyên:
- Báo cáo tổng kết công tác phòng, chống lụt, bão – giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2006 và xây dựng kế hoạch công tác phòng, chống lụt, bão – giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 2007; tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống lụt, bão năm 2006 và triển khai kế hoạch năm 2007;
- Phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố và huyện Cần Giờ xây dựng Phương án số 46/PA-PCLB ngày 12-4-2007 về đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động trên địa bàn thành phố năm 2007 (thay thế cho Phương án số 68/PA-PCLB năm 2006);
- Hoàn thành Phương án “Xây dựng mốc cảnh báo lũ” và bàn giao thực địa các vị trí xây dựng mốc cảnh báo lũ trên địa bàn các quận 8, quận 12 và quận Bình Thạnh cho Công ty Quản lý Khai thác dịch vụ Thủy lợi;
- Triển khai công tác cảnh báo, phòng tránh nguy cơ sạt lở đất ven sông, rạch, bờ biển; cảnh báo mưa to đến mưa rất to và kéo dài; cảnh báo triều cường, ngập úng cho các đơn vị, quận – huyện;
- Thống kê và lập bản đồ số hóa các điểm có nguy cơ sạt lở; các vị trí xung yếu, trước mắt tại các phường Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước – quận Thủ Đức, phường An Phú Đông, phường Thạnh Lộc và Thạnh Xuân – quận 12. Tiếp tục cập nhật, hoàn chỉnh dữ liệu và bản đồ hiện trạng hệ thống sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố, trang bị phần mềm tính toán thủy văn, thủy lực phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão và thủy lợi;
- Tham mưu về kỹ thuật chuyên ngành về san lấp, sạt lở bờ sông, đầu tư xây dựng cơ bản, phòng chống lụt bão; công trình phòng, chống lụt, bão năm 2006 của huyện Cần Giờ, công trình phòng, chống lụt, bão năm 2007 huyện Củ Chi…
4. Công tác kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo:
a. Kiểm tra:
- Khảo sát, kiểm tra thực địa và xác định các đoạn, tuyến bờ bao xung yếu tại quận Thủ Đức và huyện Hóc Môn để thực hiện thử nghiệm xây dựng bờ bao theo thiết kế định hình của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố (quận Thủ Đức và huyện Hóc Môn đã hoàn chỉnh báo cáo kinh tế kỹ thuật);
- Kiểm tra công tác phòng, chống lụt, bão – tìm kiếm cứu nạn năm 2007 của các quận – huyện (đã kiểm tra 16/24 quận, huyện: quận 2, quận 4, quận 5, quận 7, quận 9, quận 12, quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp, quận Phú Nhuận, quận Tân Bình, quận Tân Phú, quận Thủ Đức, huyện Bình Chánh, huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn), dự kiến đến ngày 15 tháng 8 năm 2007 sẽ hoàn tất công tác kiểm tra;
- Phối hợp với một số sở - ngành thành phố đôn đốc các đơn vị, địa phương kiểm tra và báo cáo kết quả kiểm tra công trình phòng, chống lụt, bão trước mùa mưa lũ 2007. Tiến hành kiểm tra thực địa các công trình phòng, chống lụt, bão xung yếu trên địa bàn quận 12, quận Thủ Đức, huyện Bình Chánh, huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn và huyện Nhà Bè;
- Kiểm tra tiến độ, chất lượng công trình thủy lợi, phòng, chống lụt, bão, đặc biệt tập trung vào các công trình trọng điểm là Dự án Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên, Dự án bờ hữu sông Sài Gòn;
- Kiểm tra thực địa và báo cáo về tình hình sạt lở tại các quận Bình Thạnh, quận Thủ Đức, huyện Bình Chánh và huyện Nhà Bè.
b. Đôn đốc, yêu cầu thực hiện:
- Đôn đốc, yêu cầu các quận, huyện báo cáo tiến độ triển khai công trình phòng, chống lụt, bão năm 2006, 2007;
- Đôn đốc, nhắc nhở công tác quyết toán từ năm 1999 đến năm 2006 đối với 16 đơn vị, quận – huyện được duyệt chi sử dụng kinh phí từ Quỹ Phòng, chống lụt, bão thành phố;
- Yêu cầu Ủy ban nhân dân quận Thủ Đức và quận 12 thực hiện các các giải pháp đảm bảo an toàn cho các công trình phòng, chống lụt, bão xung yếu trong mùa mưa lũ năm 2007;
- Đề nghị Sở Giao thông Công chính, các quận, huyện kiểm tra, báo cáo các vị trí sạt lở bờ sông, rạch, cảnh báo các vị trí sạt lở và biện pháp ứng phó xử lý;
- Yêu cầu các Sở - ngành thành phố, quận – huyện tăng cường công tác trực ban, hướng dẫn xử lý sự cố thiên tai và thực hiện chế độ báo cáo kịp thời theo quy định;
- Đề nghị các Sở - ngành thành phố và quận, huyện cung cấp danh mục các phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn để bổ sung phương án điều động, xử lý khi có sự cố thiên tai xảy ra;
- Đề nghị Sở Xây dựng và các quận, huyện kiểm tra, thống kê các chung cư xuống cấp, các khu vực xung yếu và dự kiến các khu vực cho người dân tránh trú bão, áp thấp nhiệt đới;
- Yêu cầu các quận, huyện báo cáo về thu, nộp và sử dụng Quỹ Phòng, chống lụt, bão.
c. Công tác khác:
- Phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện Quyết định 264/2006/QĐ-TTg ngày 16-11-2006 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế báo tin động đất, cảnh báo sóng thần trên địa bàn thành phố;
- Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống lụt, bão thành phố đã hoàn thành Quy chế công tác trực ban phòng, chống lụt, bão cho Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố;
- Đang xây dựng sổ tay hướng dẫn phòng, chống thiên tai trên địa bàn thành phố;
- Đang xây dựng dự thảo quyết định thay thế Quyết định số 166/2003/QĐ-UB ngày 10-9-2003 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy định về công tác phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai - tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
5. Công tác quản lý tàu thuyền:
- Hiện nay, thành phố đang quản lý 1.079 tàu cá, trong đó có 105 tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên; các tàu cá nhỏ tập trung ở xã Thạnh An, xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh thuộc huyện Cần Giờ, chủ yếu đánh bắt ven bờ. Hầu hết các tàu lớn được trang bị phương tiện cứu sinh (phao áo, phao tròn) và thiết bị liên lạc vô tuyến đảm bảo đủ điều kiện ra khơi, 90% các tàu mua bảo hiểm thân tàu;
- Trong công tác quản lý tàu thuyền, Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thường xuyên thực hiện công tác đăng kiểm theo yêu cầu của chủ tàu. Ngày 14 và 15-5-2007, Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã thực hiện đợt kiểm tra đăng kiểm trước mùa mưa bão tại xã Thạnh An, xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh. Đối với các tàu không đạt tiêu chuẩn chất lượng, sẽ không gia hạn hoạt động; đối với các tàu chưa trang bị đủ các phương tiện an toàn thì buộc chủ tàu phải trang bị đủ mới được gia hạn hoạt động;
- Khi nhận tin bão, áp thấp nhiệt đới các cơ quan chức năng luôn khẩn trương triển khai công tác quản lý, nắm số lượng tàu thuyền, thuyền viên, nhất là tàu thuyền đánh bắt xa bờ thông tin thường xuyên và hướng dẫn tàu thuyền vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn;
- Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng đã phối hợp với các đơn vị mở các lớp đào tạo gần 200 thuyền trưởng tàu cá các loại, mở lớp tập huấn phòng, chống lụt, bão - tìm kiếm cứu nạn cho lực lượng xung kích, ngư dân; mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão – tìm kiếm cứu nạn; phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố, Phòng Cảnh sát Giao thông đường thủy và Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão huyện Cần Giờ tăng cường công tác kiểm tra giấy tờ đăng ký, đăng kiểm của tàu ra vào qua trạm, kiểm tra về trang bị an toàn của tàu, nắm vùng ngư trường đánh bắt.
6. Kết quả thực hiện công tác phòng, chống lụt, bão – tìm kiếm cứu nạn của các Sở, ngành, đơn vị và quận, huyện (đính kèm 02 phụ lục):
Trong 07 tháng đầu năm 2007, Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão của các sở, ngành, quận, huyện đã thực hiện khá tốt các công tác phòng, chống lụt, bão, như sau:
a. Quận, huyện:
- Kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão tại quận - huyện, phường – xã, thị trấn, bổ sung thành viên và nhiệm vụ báo tin động đất, cảnh báo sóng thần; báo cáo tổng kết năm 2006, xây dựng phương án, kế hoạch phòng, chống lụt, bão – tìm kiếm cứu nạn năm 2007, kiểm tra công trình phòng, chống lụt, bão trước mùa mưa, lũ …;
- Tuyên truyền công tác phòng, chống lụt, bão, thông báo kịp thời tình hình diễn biến thời tiết đến cấp cơ sở và nhân dân; đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường và công tác vệ sinh đô thị; mua sắm trang thiết bị phòng, chống lụt, bão; thực hiện tốt công tác phòng, chống ngập úng như: nạo vét cống, rãnh, hố ga; duy tu, nâng cấp các hẻm, tuyến đường giao thông, vận động dân hiến đất để mở rộng đường, hẻm; vớt rác và nạo vét thông thoáng dòng chảy các tuyến sông, kênh, rạch bị bồi lắng;
- Ủy ban nhân dân các quận ven, huyện ngoại thành thường xuyên tiến hành kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình phòng, chống lụt, bão – thủy lợi để có biện pháp duy tu, khắc phục hoặc xây mới nhằm bảo đảm hiệu quả phòng, chống ngập úng; kiểm tra hoạt động các bến đò ngang …;
- Huyện Cần Giờ đã tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm đối với công tác phòng, tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả thiệt hại do cơn bão số 9 (Durian) xảy ra ngày 05-12-2006, xây dựng báo cáo chuyên đề để thực hiện công tác chủ động phòng, tránh, giảm nhẹ thiệt hại về người và tài sản do bão, lụt, động đất, sóng thần gây ra ảnh hưởng trực tiếp đối với huyện Cần Giờ;
- Triển khai công tác thu, nộp Quỹ Phòng, chống lụt, bão năm 2007 đối tượng công dân.
b. Sở, ngành:
- Sở Giao thông Công chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy, Công ty Điện lực thành phố, Công ty Quản lý Khai thác dịch vụ thủy lợi và Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố đã có báo cáo sơ kết 06 tháng đầu năm, bảo đảm công tác phòng, chống lụt, bão tại chỗ, chủ động chuẩn bị vật tư, trang thiết bị và kinh phí để tổ chức khắc phục kịp thời khi xảy ra sự cố thiên tai, đặc biệt đối với Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác tìm kiếm cứu nạn và phòng, tránh, cảnh báo động đất, sóng thần. Nhìn chung, các sở - ngành nêu trên đã thực hiện tốt công tác chuẩn bị, đối phó với thiên tai, thực hiện phương châm 04 tại chỗ: “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ, hậu cần tại chỗ”.
III. CHƯƠNG TRÌNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN 05 THÁNG CUỐI NĂM 2007:
- Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình phòng, chống lụt, bão; phối hợp với các địa phương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với các công trình có tiến độ chậm trễ;
- Tổ chức lấy ý kiến góp ý của các sở - ngành, quận – huyện về dự thảo quyết định thay thế Quyết định số 166/2003/QĐ-UB ngày 10-9-2003 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy định về công tác phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tại thành phố Hồ Chí Minh để trình Ủy ban nhân dân thành phố;
- Tiếp tục kiểm tra công tác phòng, chống lụt, bão – tìm kiếm cứu nạn tại các quận, huyện năm 2007; kiểm tra và thống kê trang thiết bị, phương tiện phòng, chống lụt, bão – tìm kiếm cứu nạn; kiểm tra thực địa, hiện trường địa điểm xảy ra sự cố bể bờ bao, ngập úng và có nguy cơ sạt lở cao. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, kinh phí và các điều kiện cần thiết khác để đề phòng và chủ động ứng phó, xử lý kịp thời khi có tình huống bất lợi do thiên tai gây ra;
- Tiếp tục triển khai xây dựng, quản lý và bảo vệ hệ thống mốc chỉ giới cảnh báo lũ, triều cường tại các quận 8, quận 12 và quận Bình Thạnh; triển khai thiết kế mặt cắt định hình trên địa bàn quận Thủ Đức và huyện Hóc Môn; tham mưu về chuyên ngành thủy lợi, san lấp kênh rạch, sạt lở bờ sông, đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, phòng, chống lụt, bão;
- Triển khai thực hiện công tác trực ban phòng tránh áp thấp nhiệt đới và bão, mưa to, sạt lở, lốc xoáy, triều cường. Hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra hoạt động ứng phó của các đơn vị, địa phương trong công tác phòng, chống lụt, bão;
- Hoàn thành dự thảo Sổ tay hướng dẫn phòng, chống thiên tai trên địa bàn thành phố;
- Tiếp tục kiện toàn tổ chức Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố (nếu có đề xuất thay đổi); xây dựng quy chế hoạt động của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố và Tiểu Ban Tìm kiếm Cứu nạn;
- Cập nhật và tổng hợp số liệu mưa, mực nước, lưu lượng xả của các trạm, nhà máy thủy điện và hồ chứa để có biện pháp phối hợp điều tiết tích, xả nước hợp lý trong mùa mưa, bão. Tiếp tục tiếp cận phần mềm tính toán, thu thập số liệu địa hình hệ thống sông rạch, số liệu đầu vào và các thông tin liên quan để phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão;
- Dự thảo văn bản cho Ủy ban nhân dân thành phố kiến nghị Bộ Công nghiệp, Tổng Công ty Điện lực Việt nam (EVN), các cơ quan chủ quản của các hồ chứa thuộc các công ty, nhà máy thủy điện trên hệ thống sông Đồng Nai, Sông Bé sớm xây dựng lại quy trình vận hành hồ chứa và xây dựng (mới) quy trình vận hành liên hồ chứa để hạn chế xả tràn xuống hạ lưu vào thời kỳ triều cường;
- Cập nhật và tổng hợp dữ liệu hệ thống công trình phòng, chống lụt, bão từ năm 2004 đến 2007; các dự án chống sạt lở, các vị trí sạt lở; các điểm ngập úng, trạm bơm chống ngập;
- Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố, Cục Thuế thành phố, Sở Tài chính thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, Sở Tư pháp thành phố và 24 quận - huyện triển khai thực hiện Quyết định giao chỉ tiêu thu, nộp Quỹ Phòng, chống lụt, bão năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố. Cuối năm 2007, hoàn thành thống kê số đối tượng công dân nộp Quỹ Phòng, chống lụt, bão (tại quận - huyện), rà soát, cập nhập danh sách số đối tượng doanh nghiệp phải nộp Quỹ Phòng, chống lụt, bão để chuẩn bị giao chỉ tiêu thu Quỹ Phòng, chống lụt, bão năm 2008;
- Tổ chức và kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 14/2007/CT-UBND ngày 01-6-2007 của UBND thành phố và triển khai một số công tác khác.
IV. NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ VÀ KIẾN NGHỊ:
1. Nhận xét, đánh giá:
a. Tình hình chung:
Thường trực Ban và Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố đã chủ động và tích cực thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố trong lĩnh vực phòng, chống lụt, bão - giảm nhẹ thiên tai. Các sở, ngành, đơn vị, địa phương đã tích cực tổ chức triển khai thực hiện chỉ đạo của Trung ương và thành phố về công tác phòng, chống lụt, bão - giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Một số đơn vị, địa phương đã chuẩn bị tốt cho công tác phòng, chống lụt, bão – tìm kiếm cứu nạn; từng bước xây dựng, hoàn chỉnh các kế hoạch, phương án, bổ sung trang thiết bị, phương tiện cần thiết để chuẩn bị ứng phó với các tình huống bất lợi do thiên tai gây ra.
Trong 07 tháng đầu năm 2007, chỉ có đợt triều cường lớn vào hạ tuần tháng 3 đã gây bể bờ bao một số nơi trên địa bàn quận 12, quận Thủ Đức và huyện Hóc Môn, ảnh hưởng đến giao thông, đời sống dân cư và thiệt hại về sản xuất nông nghiệp; tuy nhiên các địa phương, đơn vị đều chủ động và kịp thời tổ chức lực lượng xung kích và tích cực hỗ trợ nhân dân để khắc phục khi xảy ra sự cố.
Tình hình sạt lở trong 07 tháng đầu năm 2007 diễn biến nhiều và phức tạp, số vụ sạt lở tăng 05 vụ so với cùng kỳ năm 2006 và thêm 02 địa bàn có sạt lở bờ sông là huyện Bình Chánh và Huyện Nhà Bè (07 tháng đầu năm 2006 xảy ra 03 vụ sạt lở trên địa bàn quận Bình Thạnh và quận Thủ Đức), gây thiệt hại về vật chất, tài sản, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt nhân dân; các vụ sạt lở chủ yếu xảy ra tại các khu vực nằm trong dự án di dời dân và chống sạt lở.
b. Một số khó khăn, tồn tại:
- Trong công tác phòng, chống lụt, bão – giảm nhẹ thiên tai, chế độ báo cáo, xây dựng kế hoạch, chương trình của một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa kịp thời; một số địa phương, đơn vị không bố trí người trực ban theo quy định;
- Một số đơn vị, địa phương còn chậm trễ trong việc triển khai thực hiện các công trình phòng, chống lụt, bão; chậm quyết toán kinh phí đã cấp để mua trang thiết bị và đầu tư công trình phòng, chống lụt, bão. Trong các năm từ 2001 đến 2006, còn 10 đơn vị, quận, huyện được cấp kinh phí từ Quỹ Phòng chống lụt bão thành phố vẫn chưa quyết toán, cụ thể như sau:
+ 08 quận, huyện là: quận 8 (2.046 triệu đồng), quận 9 (1.300 triệu đồng), quận 12 (1.930 triệu đồng), quận Gò Vấp (572,94 triệu đồng), quận Thủ Đức (1.288 triệu đồng), huyện Cần Giờ (220,0 triệu đồng), huyện Hóc Môn (1.807,68 triệu đồng) và huyện Nhà Bè (800 triệu đồng);
+ 02 đơn vị chưa quyết toán trang thiết bị và khắc phục hậu quả thiên tai: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố (321,95 triệu đồng), Công ty Lâm Hà (21,90 triệu đồng).
- Hầu hết các dự án lớn nạo vét, tiêu thoát nước (khu vực nội thành, vùng ven), đê bao (cả thi công và xây dựng dự án) còn chậm tiến độ;
- Nhiều công trình phòng, chống lụt, bão, thủy lợi được đầu tư từ Quỹ Phòng, chống lụt, bão và ngân sách thành phố chưa triển khai đúng tiến độ do vướng công tác đền bù, giải tỏa, một số công trình nằm trong các dự án chưa triển khai hoặc có chi phí đầu tư thực tế phát sinh cao hơn kinh phí được duyệt, … ;
- Nhiều bờ bao nằm trong khu đất các dự án chưa được các chủ đầu tư, chủ đất quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật đúng mức; bờ bao thuộc các dự án xây dựng hạ tầng, khu dân cư đã được cơ quan thẩm quyền giao đất quá thời hạn nhưng không triển khai thực hiện nên không được gia cố, dẫn đến tình trạng thường xuyên bị bể, sạt khi có triều cường, mưa to;
- Nhiều hệ thống bờ bao ngăn triều cường (đặc biệt ở quận 12 và quận Thủ Đức) chưa được đầu tư nâng cấp lên thành đê bao chống triều cường;
- Hầu hết các công trình thủy lợi, phòng, chống lụt, bão chưa được các quận, huyện giao đơn vị công ích trực tiếp quản lý để tập trung đầu mối có kế hoạch kiểm tra, gia cố thường xuyên, định kỳ;
- Chưa có quy hoạch cây xanh hoàn chỉnh trên địa bàn thành phố, tình hình cây tạp và không đúng chủng loại, tiêu chí cây trồng chưa theo vị trí thích hợp vẫn tồn tại, dẫn đến tình trạng khó kiểm soát các cây gãy, đổ thường xảy ra trong mùa mưa, bão; nguồn cung cấp cây xanh để trồng mới, thay thế còn rất hạn chế;
- Hồ chứa thuộc các công ty, nhà máy thủy điện trên hệ thống sông Đồng Nai, sông Bé chưa xây dựng lại quy trình vận hành hồ chứa và xây dựng mới quy trình vận hành liên hồ chứa để hạn chế tình trạng xả tràn xuống hạ lưu khi có triều cường, bão, lũ xảy ra.
2. Kiến nghị:
a. Ủy ban nhân dân thành phố:
- Ban hành quyết định giao chỉ tiêu thu, nộp Quỹ Phòng, chống lụt, bão đối với doanh nghiệp năm 2007 để các quận, huyện và Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố triển khai thực hiện (theo Tờ trình số 34/TTr-PCLB ngày 22 tháng 3 năm 2007 của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão, Tờ trình số 1002/TTr-LS ngày 31 tháng 7 năm 2007 của Liên Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn và Sở Tài chính);
- Chấp thuận cấp bổ sung kinh phí mua sắm trang thiết bị, phương tiện, tập huấn, diễn tập phòng, chống lụt, bão – tìm kiếm cứu nạn năm 2007 cho các sở - ngành, quận – huyện từ ngân sách thành phố và từ Quỹ Phòng, chống lụt, bão thành phố.
b. Sở Giao thông Công chính thành phố:
- Khẩn trương thực hiện các công trình liên quan lĩnh vực chống sạt lở bờ sông, kênh rạch; chống ngập úng, tiêu thoát nước đã có kế hoạch. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm như dự án Cải thiện môi trường nước thành phố Hồ Chí Minh lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé; dự án nạo vét, cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm… để sớm hoàn thành đưa công trình vào khai thác sử dụng, phát huy hiệu quả;
- Phối hợp Ủy ban nhân dân các quận, huyện tiếp tục thực hiện các quy định tại Quyết định số 150/2004/QĐ-UB ngày 09-6-2004 về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, kênh, rạch thuộc địa bàn thành phố Hồ Chí Minh;
- Kiểm tra các ngành, đơn vị khi đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, đô thị, giao thông phải có kế hoạch, phương án cho hệ thống hệ thống tiêu thoát nước. Chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với Ban Quản lý Dự án các quận, huyện kiểm tra phương án dẫn dòng tại các khu vực đang thi công, tránh tình trạng ngập úng do tiêu thoát nước không kịp, đặc biệt vào thời điểm mưa to và kéo dài.
c. Ủy ban nhân dân các quận, huyện:
- Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung phương án, kế hoạch phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn của địa phương sau đợt kiểm tra; đảm bảo thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” và “3 biện pháp” trong phòng, tránh, ứng phó và khắc phục đạt hiệu quả khi có sự cố thiên tai xảy ra;
- Thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban theo quy định, báo cáo kịp thời tình hình thiệt hại và đề xuất giải pháp cụ thể khi có thiên tai;
- Hằng năm, có kế hoạch bố trí vốn phân cấp và ngân sách địa phương để đầu tư thực hiện các công trình phòng, chống lụt, bão theo quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội được duyệt, bảo đảm tính bền vững, lâu dài và thực hiện theo đúng quy trình thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản trong việc thanh quyết toán công trình;
- Phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, giải quyết dứt điểm các trường hợp lấn chiếm bờ sông, kênh, rạch; sớm hoàn thành công tác giải tỏa, di dời, bố trí tái định cư, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án tiêu thoát nước và chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch;
- Khẩn trương triển khai các công trình phòng, chống lụt, bão đã được Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư từ kinh phí Quỹ Phòng, chống lụt, bão và ngân sách thành phố trong 02 năm 2006 và 2007. Đối với 25 công trình đã có chủ trương đầu tư tại Văn bản số 7539/UBND-CNN ngày 11 tháng 10 năm 2006 và 47 công trình được chấp thuận tại Văn bản 4474/UBND-CNN ngày 17 tháng 7 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố, đề nghị Ủy ban nhân dân các quận, huyện khẩn trương phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố để được ghi vốn thực hiện ngay trong năm 2007; các quận – huyện nếu có khó khăn, vướng mắc trong công tác chuẩn bị đầu tư, tư vấn đề nghị liên hệ trực tiếp Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố để tìm hướng giải quyết kịp thời;
- Cần khẩn trương phân công trách nhiệm, phân cấp quản lý công trình phòng, chống lụt, bão, công trình thủy lợi trên địa bàn cho đơn vị công ích thuộc quận, huyện quản lý để phát huy hiệu quả đầu tư, tác dụng của công trình.
Trên đây là báo cáo tình hình triển khai thực hiện công tác phòng, chống lụt, bão - tìm kiếm cứu nạn và giảm nhẹ thiên tai 07 tháng đầu năm 2007 và phương hướng, nhiệm vụ các tháng cuối năm 2007 của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố Hồ Chí Minh./.
|