1. Công tác tham mưu, phối hợp với các Ban Chỉ huy PCLB sở, ngành, đơn vị, quận-huyện:
Thực hiện Quyết định số 63/2002/QĐ-TTg ngày 20-05-2002 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống lụt bão-giảm nhẹ thiên tai hàng năm, thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành được một số các công việc chính sau đây:
a. Công tác chỉ đạo, tham mưu, đề xuất và thực hiện chỉ thị của cấp trên:
o Trên cơ sở Quyết định số 63/2002/QĐ.TTg ngày 20-05-2002 của Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Ban đã dự thảo quyết định phân công trách nhiệm về công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai cho các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận-huyện trình UBND thành phố (Tờ trình số 26/TTr.PCLB ngày 08-07-2002), UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 87/2002/QĐ-UB ngày 02-08-2002.
o Tham mưu đề xuất trình Ủy ban nhân dân thành phố ra Quyết định về kiện toàn tổ chức và phân công nhiệm vụ Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố (4 lần) (Quyết định số 41/2002/QĐ-UB ngày 24-04-2002; số 2940/QĐ.UB ngày 17-07-2002; số 98/2002/QĐ.UB ngày 10-9-2002 và số 156/2002/QĐ.UB ngày 24-12-2002); cuối năm 2001 đã đề xuất, tham mưu trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định về bổ sung nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn cho Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão các cấp chính quyền của thành phố (Quyết định số 110/2001/QĐ-UB ngày 09-11-2001);
o Báo cáo tổng kết phòng chống lụt bão 2001 và xây dựng kế hoạch phòng chống lụt bão-giảm nhẹ thiên tai năm 2002 (Báo cáo số 32/BC.PCLB ngày 16-8-2002 và Kế hoạch số 25/KH.PCLB ngày 8-7-2002);
o Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố đã tập hợp và báo cáo số điện thoại và fax cần thiết cho Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm-cứu nạn Bộ Thủy sản, Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn Trung ương theo yêu cầu (Văn bản số 14/TB.PCLB ngày 26-04-2002);
o Phát hành Văn bản số 05/CV.PCLB (ngày 22-02-2002) của Ban Chỉ huy yêu cầu các Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão quận, huyện, sở, ngành thực hiện công tác phòng chống lụt bão năm 2002 (Văn phòng HĐND-UBND thành phố đã có Văn bản số 876/VP-CNN ngày 22-04-2002 đôn đốc, chỉ đạo về vấn đề này).
o Báo cáo Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố về tình hình bờ bao, đê bao trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và đề xuất kế hoạch, biện pháp xử lý (Văn bản số 33/BC-SNN-QLN ngày 05-04-2002). Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố đi kiểm tra các bờ bao xung yếu trên địa bàn thành phố. Ủy ban nhân dân thành phố đã có văn bản bổ sung vốn phân cấp các hạng mục công trình này với tổng số vốn đầu tư gần 19 tỷ đồng (Văn bản số 1768/UB-CNN ngày 28-05-2002);
o Hoàn thành báo cáo kiểm tra công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ năm 2002 (số 70/BC.SNN.QLN ngày 04-07-2002 của Sở Nông nghiệp & PTNT); các quận-huyện không gửi báo cáo kiểm tra gồm có: quận 2, 7, 12, Gò Vấp; huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè;
o Tham gia Hội nghị tập huấn về pháp luật tài nguyên nước – thủy lợi tại Phan Rang và đóng góp ý kiến bằng văn bản sau Hội nghị (Văn bản số 46/CV-QLN ngày 17-06-2002-Chi cục thực hiện);
o Tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố giao chỉ tiêu thu quỹ PCLB cho doanh nghiệp năm 2002 (Quyết định số 40/2002/QĐ-UB ngày 22-4-2002); cho công dân năm 2002 (Quyết định số 13/2002/QĐ-UB ngày 08-02-2002);
o Giải trình mức tiền đóng góp quỹ PCLB đối với đối tượng công dân trên địa bàn thành phố hàng năm và năm 2002 (Văn bản số 17/CV.PCLB ngày 16-05-2002);
o Giải thích tiền đóng góp Quỹ PCLB đối với một số doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố (Văn bản số 04, 06/CV.PCLB ngày 19-02-2002 và 08-03-2002…);
o Tham dự Hội nghị tổng kết công tác PCLB năm 2001 và kế hoạch triển khai công tác PCLB năm 2002 ở quận 8, quận Bình Thạnh, huyện Hóc Môn, Nhà máy Thủy điện Trị An, Thác Mơ, Công ty Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng và Bộ tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh;
o Đã hoà n thành trang bị một canô (12 chỗ ngồi) cho Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố đầu tư từ nguồn Quỹ Phòng chống lụt bão thành phố.
o Đề xuất, đề nghị Ban Quản lý các KCX và KCN TP đôn đốc việc thu Quỹ PCLB đối với các doanh nghiệp trong KCX và KCN (Văn bản số 27/CV.PCLB ngày 24-07-2002);
o Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ đã hoàn chỉnh xây dựng đưa vào sử dụng 4 cột đèn tín hiệu báo bão cao 40m, công suất 100 W, tầm nhìn 20km (ban đêm) đặt tại 4 xã Cần Thạnh, Long Hòa, Thạnh An và Lý Nhơn;
o Đề xuất UBND thành phố ban hành quy định mức thu tiền đóng Quỹ PCLB đối với công dân năm 2003 và các năm sau (Văn bản số 57/CV-PCLB ngày 04/12/2002);
o Trong năm 2002 đã đề xuất, tham mưu tình UBND thành phố hỗ trợ kinh phí phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn cho quận – huyện và đơn vị:
- Kinh phí cho diễn tập PCLB và di dời dân năm 2002 ở huyện Cần Giờ là 300 triệu đồng ( UBND TP đã duyệt chi).
- Trình duyệt chi sử dụng Quỹ PCLB TP hỗ trợ quận-huyện, đơn vị năm 2002 là 1.625.256.000 đồng (Tờ trình số 45/TTr-PCLB ngày 30-9-2002 UBND TP chưa duyệt chi).
o Báo cáo tổng hợp tình hình thiệt hại do triều cường số 49/BC-PCLB ngày 10-10-2002 và số 53/BC-PCLB ngày 20-11-2002.
b. Công tác triển khai, kiểm tra, hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện kế hoạch phòng chống lụt bão năm 2002 và phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan:
o Phát hành các Văn bản số 05, 21, 46 và 54/CV.PCLB (ngày 22-02, 13-6, 02-10 và 25-11-2002) yêu cầu các Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão quận, huyện, sở ngành thực hiện công tác phòng chống lụt bão năm 2002;
o Phối hợp với Cục Thuế TP hướng dẫn các quận-huyện thống kê, xác minh các doanh nghiệp chưa đóng Quỹ PCLB hai năm 2001 và 2002 (Văn bản số 58/CV-PCLB ngày 11-12-2002);
o Ra các thông báo nhanh hàng ngày trong thời gian có bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, triều cường và xả lũ (các thông báo của Thường trực Ban và Chi cục).
2. Công tác trực ban, triển khai các biện pháp phòng, chống các diễn biến thời tiết bất thường (áp thấp nhiệt đới, bão, lũ lụt) và khắc phục hậu quả:
Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố đã cùng với các quận huyện, sở – ngành tổ chức tốt công tác trực ban phòng chống lụt bão trong mùa mưa bão, lũ năm 2002; các hiện tượng thời tiết bất thường, cứu trợ và thu-nộp Quỹ phòng chống lụt bão như sau:
a. Các hiện tượng thời tiết nguy hiểm:
o Vào đêm 29 rạng sáng ngày 30-01-2002 triều cường (Mực nước Hmax tại Phú An là 1,40m) đã làm bể bờ bao và tràn bờ một số khu vực tại phường Hiệp Bình Chánh-quận Thủ Đức, cụ thể là bờ bao rạch Cầu Làng thuộc khu phố 08 và khu phố 09. Đây là đỉnh triều cường rất lớn đã xuất hiện ngay từ tháng giêng đầu năm.
o Ngày 05-04-2002 vào lúc 8 giờ sáng lúc thủy triều xuống đã gây sạt lở tại chân cầu Kinh, P. 27, Q. Bình Thạnh. Khu vực bị ảnh hưởng gồm 10 hộ (10 căn nhà làm bằng vật liệu nhẹ: ván, tole chỉ có một căn nhà đúc). Sự cố đã làm ảnh hưởng:
- Sập nhà bếp của căn hộ bà Nguyễn Thị Lan số nhà 4/1A Xô Viết Nghệ Tĩnh.
- Ba căn hộ khác bị nghiên tường và nứt, vách cột nứt; thiệt hại vật chất không đáng kể, không ảnh hưởng đến tính mạng.
- Vết nứt dưới mặt đất từ bờ sông vào sâu trong đất liền 10m.
o Chiều 18-04-2002 trên địa bàn quận Thủ Đức xuất hiện một cơn mưa; tuy lượng mưa không lớn và thời gian mưa ngắn khoảng một giờ, nhưng trong mưa có giông lớn và có hiện tượng lốc xoáy xảy ra đi qua địa bàn khu phố 04 và 06-phường Hiệp Bình Phước; đã gây thiệt hại như sau:
- Tại trường THCS Hiệp Bình (Hiệp Bình Phước): gió lớn làm trốc vĩ kèo và mái tôn của 04 phòng học và gây tai nạn cho 05 em học sinh đang học bị thương nhẹ (đã được cấp cứu kịp thời).
- Tại khu phố 4 (Hiệp Bình Phước): gió lớn làm trốc mái tôn của 05 hộ dân và 05 căn hộ cho thuê.
- Tại khu phố 6 (Hiệp Bình Phước): gió lớn làm trốc mái nhà của 02 hộ dân.
o Vào chiều ngày 20-04-2002 trên địa bàn huyện Hóc Môn đã xuất hiện một cơn lốc xoáy bất ngờ. Cơn lốc đã gây sập 54 căn nhà tại ấp Thới Tây 01, Thới Tây 02, xã Tân Hiệp. Trong đó có 02 căn sập hoàn toàn, 52 căn sập và tốc mái ước khoảng 50%.
o Ngày 30-05-2002 vào lúc 17 giờ trên địa bàn quận 9 đã xảy ra mưa giông lớn kèm theo gió lốc xoáy. Sự cố xảy ra đã làm tốc mái một dãy 8 phòng học và hư hỏng một phần mái của hội trường, dãy các phòng chức năng của Trường Trung học Phước Long tọa lạc tại phường Phước Long B-quận 9.
o Rạng sáng ngày 29-6-2002 đã xảy ra sạt lở tại địa chỉ số: 559/11 Xô Viết Nghệ Tĩnh (Tầm Vu), phường 26, quận Bình Thạnh: dài theo sông 25m, từ bờ sông vào 3m, có nguy cơ ảnh hưởng dãy nhà 02 tầng có 08 phòng của kho tang vật Công an quận Bình Thạnh.
o Ngày 08-7-2002, vào lúc 20 giờ đã xảy ra sạt lở tại địa chỉ số: 02 Xô Viết Nghệ Tĩnh (Ung Văn Khiêm), phường 25, quận Bình Thạnh: dài theo sông 50m, từ bờ sông vào 12,5m, làm sạt lở đỗ bãi than khoảng 5.000 tấn của Công ty Than miền Nam và sập 02 căn nhà gác gỗ ước thiệt hại trên 1 tỷ đồng.
o Ngày 14-7-2002, vào lúc 1 giờ 30 sáng đã xảy ra sạt lở chân cầu kinh tại địa chỉ: 1002A Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 27, quận Bình Thạnh: dài theo sông 20m, từ bờ sông vào 5m, quán cháo vịt Bích Liên sập đổ hoàn toàn, kéo theo 01 căn nhà sâu vào bên trong đang bị lún.
Nhận xét:
Lốc xoáy, lốc xoáy kèm mưa, sạt lở đất bờ sông là hiện tượng thời tiết, sự cố xảy ra thường xuyên tại thành phố từ nhiều năm qua đặc biệt trong các tháng cuối mùa khô đầu mùa mưa trong năm. Riêng sạt lở đất bờ sông ngoài nguyên nhân nền đất yếu, chủ lưu, hướng dòng chảy thay đổi, việc xây dựng vi phạm việc bảo vệ giao thông đường thủy nội địa và các quy định khác của pháp luật. Cần đặc biệt chú ý trong thời gian tháng 06, 07 hàng năm là thời kỳ chân triều thấp nhất trong năm gây mất cân bằng áp lực giữa bờ sông và khối nước ngoài sông.
b. Công tác vận động cứu trợ (do Mặt trận Tổ quốc thành phố đảm nhận):
Theo báo cáo số 01/UBMT ngày 06-01-2003 Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh và các ban, ngành, đoàn thể của thành phố đã tích cực vận động cứu trợ cho các vùng thiên tai trong và ngoài thành phố trong đợt lũ, triều cường năm 2002.
* Kết quả thu được:
Từ ngày phát động 01-10-2002 đến ngày 06-01-2003, Mặt trận Tổ quốc thành phố đã tiếp nhận 12,164 tỷ đồng và 104,892 tấn hàng hóa, gồm: lương thực, thực phẩm, thuốc men, dụng cụ gia đình, quần áo, mền mùng,...(ước trị giá hàng hóa trên 3 tỷ đồng) của hơn 1.188 lượt đơn vị, cá nhân đóng góp ủng hộ.
* Công tác phân phối tiền, hàng cứu trợ:
Đến ngày 06-01-2003, Mặt trận Tổ quốc thành phố đã tổ chức phân phối tiền, hàng cứu hộ cho 13 tỉnh là: An Giang, Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang, Tiền Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Lâm Đồng, Bình Định, Hà Tĩnh và Nghệ An với tổng số tiền là: 10.594.700.000 đồng (cả chuyển khoản) và 10.892,84 kg hàng hóa.
Tổng cộng qua hơn hai tháng triển khai thực hiện đợt vận động cứu trợ đồng bào bị thiệt hại do bão lụt gây ra ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh miền Trung, toàn thành phố đã vận động được trên 23 tỷ đồng và trên 160 tấn hàng hóa và đã kịp thời chuyển đến các tỉnh giúp cho đồng bào bị ảnh hưởng lũ lụt.
c. Thu-nộp Quỹ phòng chống lụt bão thành phố:
Tính đến ngày 18-03-2003 các quận-huyện và Chi cục đã tổ chức thu và nộp vào tài khoản Quỹ PCLB TP với số tiền là: 6.070.703.491 đồng, trong đó Chi cục là 3.472.797.213 đồng và quận-huyện là: 2.597.906.278 đồng. Hiện còn quận 2, 4; huyện Hóc Môn, Nhà Bè chưa chuyển tiền thu được về thành phố. Số dư tài khoản Quỹ PCLB TP hiện trên 11.840 triệu đồng.
|